Thành Phố Cần Thơ đẩy Mạnh Tái Cơ Cấu Ngành Công Nghiệp Trong ...

Tình hình sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 – 2019 có những thuận lợi và khó khăn đan xen nhau, nhưng nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định và hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

1.Tình hình chung về phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

a) Những kết quả đạt được

Sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng đề ra, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Về tăng trưởng công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố luôn có sự gia tăng so với cùng k năm trước.

- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt 70.187 tỷ đồng, năm 2015 đạt 82.064 tỷ đồng, năm 2016 đạt 91.285 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2016 nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 8,31%, năm 2017 tăng 7,26%; đến năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,16% so với năm 2018. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 9,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,50% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ nguồn vốn đầu tư tự có của doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng về số lượng và quy mô, hiện thành phố có 87 dự án FDI đang hoạt động với vốn đăng ký là 731,6 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 547,2 triệu USD.

Từ năm 2017 đến năm 2019, thành phố Cần Thơ đã thực hiện 16 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí là 1,2 tỷ đồng. Đối với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, thành phố Cần Thơ đã thực hiện 02 đề án với tổng kinh phí là 341,25 triệu đồng.

- Các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố tiếp tục phát triển ổn định, tăng dần chất lượng và đầu tư đi vào chiều sâu, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm công nghiệp. Trong đó ngành chế biến nông, thủy sản thời gian qua đã có vai trò là những mặt hàng đem lại ngoại tệ lớn nhất cho thành phố; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản bình quân hàng năm vẫn ở mức cao, chiếm hơn 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, được xem là ngành công nghiệp chủ lực của thành phố.

- Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển biến nhiều về chất lượng, đang có xu hướng chuyển dần từ xuất khẩu thô sang các hàng hóa xuất khẩu tinh. Các khu công nghiệp ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu và thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư có quy mô và công nghệ hiện đại.

b) Tồn tại, nguyên nhân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố Cần Thơ vẫn còn một số lĩnh vực tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, công nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng, năng lực cạnh tranh còn thấp. Cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó cụ thể là ngành chế biến lương thực, thực phẩm vẫn đang chiếm ưu thế và là thế mạnh, trong khi đó các ngành công nghiệp khác như cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn phát triển khá hạn chế. Sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp nhìn chung còn thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải chưa giải quyết triệt để.

Nguyên nhân của tồn tại nêu trên: do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và những khó khăn chung của Việt Nam, nhu cầu về vốn cho đầu tư và phát triển rất lớn nhưng chưa có giải pháp về huy động, bố trí nguồn vốn này; phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ khoa học và công nghệ còn lạc hậu, quá trình đổi mới công nghệ diễn ra chậm, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động còn thấp; các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp; việc phát triển thị trường mới, thiết lập các mối quan hệ với bạn hàng mới gặp rất nhiều khó khăn; giá thuê đất và dịch vụ tại các khu công nghiệp ở thành phố Cần Thơ vẫn còn khá cao so với các địa phương lân cận.

2. Quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian tới

a) Quan điểm

Trong giai đoạn tới, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, chất lượng và bền vững. Chính sách phát triển công nghiệp ưu tiên cho các ngành ứng dụng khoa học và công nghệ cao, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ sinh học, thông tin, điện tử, chế biến, chế tạo, vật liệu mới, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, gắn với công nghiệp xanh và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Quan tâm phát triển năng lực nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghiệp công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có, tiếp tục xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo quy hoạch của thành phố, tạo nền tảng để trở thành thành phố công nghiệp, đô thị thông minh.

b) Mục tiêu

Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trong đó hình thành khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, sản phẩm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại.

Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến tăng khoảng 9% vào năm 2025, tăng 9,2% vào năm 2030 và tăng khoảng 9,5% vào năm 2045. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp thành phố theo hướng nhanh, chất lượng và bền vững, tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp; chuyển dần từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác:

- Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp dệt may, da giày ưu tiên phát triển ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa;

- Giai đoạn đến năm 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp điện, công nghiệp dệt may, giày da áp dụng công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp và công nghệ sinh học.

3. Một số giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp thành phố Cần Thơ thời gian tới

Để thực hiện tốt quan điểm, mục tiêu nêu trên, ngành Công Thương Cần Thơ đã đưa ra một số giải pháp để phát triển ngành công nghiệp trong thời gian tới, đó là:

a) Tái cơ cấu ngành công nghiệp, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên: Tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng đáp ứng nguyên tắc về lợi thế cạnh tranh của thành phố, là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo giá trị gia tăng cao; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà thành phố vẫn đang có lợi thế. Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm và thiết bị thông minh.

b)Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư; chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách đầu tư và chuyển giao khoa học - công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với nguồn vốn vay, thị trường, khoa học công nghệ; tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp công nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh thành trong nước và quốc tế về phát triển công nghiệp, xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.

c) Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp: Xây dựng và triển khai các chính sách nâng cao năng lực công nghệ, quản trị cho các doanh nghiệp công nghiệp thành phố, khuyến khích khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ… ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao mới, sạch, tiết kiệm, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp thành phố.

d) Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo của thành phố, đặc biệt là tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm từng bước tạo nguồn lực công nghiệp chất lượng cao, có khả năng tiếp cận các công nghệ sản xuất mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Xây dựng mối liên kết giữa các Viện, trường, trung tâm đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo kỹ thuật, công nghệ. Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp. Có cơ chế chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghiệp.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho những người làm quản lý, quản trị trong các doanh nghiệp hiện hữu và khởi sự; xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng suất và hiệu quả.

e) Sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp

Định hướng sản xuất công nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp xanh, bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch và tái tạo; khẩn trương xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng và triển khai phương án di dời hợp lý, ưu tiên bố trí trước các cơ sở công nghiệp đang có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2030 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định 1334/QĐ-UBND ngày 08 tháng 05 năm 2015./.

Nguồn: Báo cáo của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ

Ngô Mai Hương

Phòng Thông Tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại

Từ khóa » Cơ Cấu Sản Phẩm Công Nghiệp Chuyển Biến Theo Hướng