Thành Phố Hà Nội

Thành ph Hà ni

Nguyễn Lộc Yên

Thành phố Hà Nội, sau khi tỉnh Hà Tây sát nhập vào Hà Nội. Hà Nội có thể gọi là Hà Nội mới hay Hà Nội mở rộng. Năm 2007, khi chưa sát nhập Hà Tây thì Hà nội có 9 quận, 5 huyện, diện tích: 922 km vuông và dân số 3.4000.000 người. Hà Nội vào năm 2011 (Hà Nội mới): Diện tích: 3.345 km vuông. Dân số: 6.699.600 người, mật độ 2013 người/km vuông. Sắc dân ở Hà Nội đa số người Kinh (98,73 %), người Mường (0,76 %) và người Tày (0,23 %).

Hà Nội mới gồm có: 1 Thị xã: Sơn Tây. 10 quận: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân. 18 huyện: Từ Liêm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm.

Hà Nội ở vị trí từ 20 độ 53 phút đến 21 độ 23 phút vĩ độ Bắc và 105 độ 44 phút đến 106 độ 02 phút kinh độ Đông. Hà Nội ở phía tây bắc trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng Hà, bắc giáp Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; đông giáp Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên. Tây giáp Hoà Bình, Phú Thọ; phía nam và tây nam giáp Hà Nam, Hoà Bình. Hà Nội giao thông thuận tiện, phi trường Nội Bài là sân bay quốc tế.

Hà Nội có sông Hồng Hà, chạy san sát thành phố, nên từ đó gọi tên thành phố này là Hà Nội (Hà: sông Hồng Hà, Nội: phía trong của sông). Nhiệt độ trung bình của Hà Nội là 23 độ C.

Tỉnh Hà Tây cũ, có diện tích 2.190 km2. Dân số năm 2006 là 2.543.500 người, với sắc dân: Kinh, Mường, Dao, Tàu. Gồm có: Thành phố Hà Đông, thị xã Sơn Tây và 12 huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức. Kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ đất đai tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội; như vậy tỉnh Hà Tây kể từ ngày 1-8-2008, không còn tồn tại nữa.

Lịch sử thành phố Hà Nội: Năm 208 (TCN) An Dương Vương chọn Cổ Loa làm kinh đô. Thế kỷ thứ II đến thứ IV (TCN) thuộc quận Giao Chỉ. Năm 454 (SCN), lập huyện Tống Bình (gồm Hà Nội). Năm 544, Lý Nam Đế đóng đô ở Long Biên. Năm 866 Cao Biền xây thành Đại La.

Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến Đại La, đổi Đại La là thành Thăng Long. Năm 1397, Hồ Quí Ly đổi tên là Đông Đô. Nhưng nhà Hồ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thì năm 1407, bị nhà Minh (Tàu) tiêu diệt, thành Thăng Long quân Minh đổi tên thành Đông Quan; cho tới năm 1428. Năm 1428, Lê Thái Tổ giành được độc lập, và đến năm 1430, thành phố này đổi tên thành Đông Kinh. Năm 1466, dưới thời Lê Thánh Tông, vào năm niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) được gọi là phủ Trung Đô; Hoàng thành Thăng Long, dưới thời nhà Lê, thành Thăng Long được nới rộng lớn hơn.

Sau chiến thắng của vua Quang Trung, đánh tan tác 20 vạn quân Thanh tại Thăng Long. Nhà vua đóng đô ở Huế, Thăng Long trở thành thủ phủ Bắc Thành. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, đóng đô ở Phú Xuân (Huế), đến năm 1831, vua Minh Mệnh của Triều Nguyễn thành lập tỉnh Hà Nội. Ngày 19-7-1888, Tông thống Pháp là Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Với sự quy hoạch của người Pháp, thành phố Hà Nội trở thành bộ mặt mới. Lũy thành cũ dần dần triệt hạ, đến năm 1897, hầu như sang sửa hoàn toàn, chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc, Cửa Đoan môn và lan can rồng đá ở trong hoàng thành cũ. Đến năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn liên bang Đông Dương. Kể từ năm 1946, Pháp và Việt Minh giằng co, nhưng Pháp vẫn còn kiểm soát thành Hà Nội, mãi đến năm 1954, sau khi Việt Minh chiến thắng trận Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh thực sự dùng Hà Nội làm thủ đô. Tháng 4-1961, một số xã của Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên, sáp nhập vào thành phố Hà Nội, có tổng diện tích là 584 km vuông, dân số 91.000 người. Ngày 29-5-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 11-12-2008, quận Hà Đông được thành lập từ thành phố Hà Đông của tỉnh Hà Tây trước đây và tành phố Sơn Tây cũng được đổi thành thị xã Sơn Tây thuộc tthành phố Hà Nội.

Cung cấm Thành Hà Nội: Hà Nội đã tồn tại 8 thế kỷ, với tên Thăng Long qua các triều đại: Lý, Trần, Lê, đến nhà Nguyễn thì kinh đô dời vào Huế (Phú Xuân), thành Hà Nội là Tổng Trấn Bắc. Thành cổ Hà Nội được kiến trúc ba vòng (tam trùng thành quách). Thành trong cùng gọi là Tử Cấm Thành (nhà Lý gọi là Cung Thành, nhà Trần gọi là Long Phượng thành, đến nhà Lê mới gọi là Cấm thành). Cấm thành chỉ để vua, hoàng hậu và con của vua ở. Vòng giữa gọi là Hoàng thành, để các quan văn võ ở và có chánh điện để hội họp việc nước. Vòng ngoài gọi là Kinh thành là nơi ở và sinh sống của nhân dân.

Thành Hà nội, các nơi thường được nhắc nhở:

- Bắc Môn, là cửa Bắc để giao thông giữa Hoàng thành và Kinh thành. Bắc Môn là cổng duy nhất còn lại của thành Hà Nội.

- Hậu Lâu là tòa nhà ở sau Hành cung, khi xưa Công chúa thường ở đó, nên gọi là Lầu Công chúa.

- Đoan Môn là cổng nối giữa Cung thành và Hoàng thành, cửa chính chỉ dành cho vua đi, người khác đi cửa hai bên. - Cột Cờ xây năm 1872, vào thời vua Gia Long, đến nay còn nguyên vẹn, thân cột cờ hình lập lăng, có cầu thang xoáy trôn ốc, cao 20m. Chân cờ là 3 tầng bệ vuông vức. - Thành Cổ Loa: Cổ Loa là thành cổ nhất Việt Nam, An Dương Vương xây vào thế kỷ thứ 3 (TCN), thành Cổ Loa ở huyện Đông Anh, nay còn dấu tích 3 vòng tường thành bằng đất, các nhà khảo cổ tìm nơi đây hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt của thời xưa.

Các dòng sông chảy qua Hà Nội:

Trong thành phố Hà Nội, Sông Hồng là con sông chính của thành phố, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội có chiều dài 163 km, chiếm khoảng một phần ba chiều dài của con sông này trên đất Việt Nam. Sông Hồng bắt đầu chảy vào thành phố ở huyện Ba Vì và chảy ra khỏi thành phố tại huyện Phú Xuyên tiếp cận đến tỉnh Hưng Yên. Sông Đà chia ranh giới giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Trong thành phố Hà Nội còn nhiều sông khác: sông Đáy, sông Đuống, sông Cà Lô, sông Cầu, sông Nhuệ. Những sông nhỏ: sông Ngưu và sông Tô Lịch, là sông đẹp, khi xưa được ca tụng nhiều trong thi ca; nhưng ngày nay sông Ngưu, sông Tô Lịch được xem như những đường thoát nước thải của thành phố. Các Hồ ở Hà Nội: Hà Nội là thành phố có nhiều hồ đầm, do các bùng binh những dòng sông cổ còn lại, có khoảng 30 hồ đầm lớn nhỏ, những hồ đầm, thường được nhắc nhở: - Hồ Tây là một hồ lớn trong thành phố, có diện tích khoảng 500 ha, hồ rộng mênh mông, không khí xung quanh hồ luôn trong lành, ngày nay xung quanh hồ được xây cất nhiều khách sạn, biệt thự nguy nga.

- Hồ Hoàn Kiếm còn gọi là Hồ Gươm, nằm ở trung tâm của thành phố, là khu vực sầm uất nhất. Tương truyền khi xưa Lê Lợi được gươm “Thuận Thiên”. Sau khi đánh đuổi quân Minh xâm lược. Ngài làm vua, du thuyền trên hồ, bị rùa thần đớp lấy gươm, rồi lặn xuống nước, nên đặt tên là hồ Hoàn Kiếm. Giữa hồ Gươm có hai hòn đảo, phía bắc của hồ có đảo Ngọc Sơn. Phía nam của hồ có đảo Tháp Rùa, trên đảo có đền thờ, cây cầu bắt từ bờ vào đảo gọi là cầu Thê Húc.

Trong khu vực nội ô thành phố Hà Nội, còn các hồ nổi tiếng như: Hồ Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Thủ Lệ, Võ Giản, Thiền Quang... và nhiều đầm hồ lớn khác, nằm trong thành phố Hà Nội như: Xuân Khanh, Suối Hai, Kim Liên, Liên Đàm, Ngải Sơn-Đồng Mô, Mèo Gù, Tuy Lai, Quan Sơn... Do sự đô thị hóa phát triển, kể từ năm 1990 đến nay, phần lớn các sông hồ Hà Nội đều rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Sông Lịch, trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 150.000 mét khối nước thải của thành phố. Sông Kim Ngưu trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 125.000 mét khối nước thải của thành phố... Lượng nước thải do sự tiêu dùng nước của dân chúng và hãng xưởng; trong nước thải có nhiều hàm lượng hóa chất độc hại. Các sông hồ đầm ở nội và ngoại thành, ngoài vai trò dùng thoát nước còn phải nhận thêm một phần rác rưới phế thải của người dân và các hãng xưởng công nghiệp, đã gây nên tình trạng ô nhiễm rất đáng ngại!.

Giao thông:

- Đường hàng không: Sân bay quốc tế Nội Bài.

- Đường thủy: Bến phà Đen đi Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Việt Trì. Bến Hàm Tử Quan đi Phả Lại.

- Đường sắt: Hà Nội đi Lạng Sơn, Hải Phòng, Sài Gòn.

- Đường bộ: Quốc lộ 1A, 2, 3, 5, 6 đi khắp nơi trong nước. Lễ hội và di tích ở Hà Nội:

- Lễ đền Cổ Loa được tổ chức từ ngày 6 đến 16 tháng giêng (ÂL), tưởng nhớ An Dương Vương.

- Lễ Đồng Nhân, tưởng nhớ hai Bà Trưng, tổ chức ngày 5 tháng hai âm lịch (Hai bà Trưng hy sinh mùng 6 tháng 2). - Lễ Đống Đa mùng 5 tháng giêng (ÂL) mừng chiến công lẫy lừng vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

- Lễ Thánh Gióng Phù Đổng, tổ chức ở đền Sóc tới hai nơi là Chi Nam (Gia Lâm) và Xuân Đỉnh (Từ Liêm) vào ngày 9 tháng 4 (ÂL) hàng năm.

Đền chùa và nhà thờ ở Hà Nội:

- Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, xây dựng vào thời Lý Nam Đế (544-548). Được cất trên một đảo ở Hồ Tây. Trong chùa có pho tượng Phật Thích Ca. Trong khuôn viên chùa, có cây bồ đề cành lá sum sê, do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959, khi ông viếng thăm Việt Nam. Đền Ngọc Sơn xây dựng vào thế kỷ 19, trong hồ Hoàn Kiếm, có đền thờ Văn Xương là ngôi sao chủ về Văn chương thi cử và thờ Trần Hưng Đạo.

- Chùa Một Cột do vua Lý Thái Tổ xây năm 1049, tương truyền vua cầu tự, khi ngủ, chiêm bao thấy bà Quan Thế Âm hiện trên đài hoa sen ở giữa hồ nước, tay bồng đứa con trai tặng vua, ít lâu sau Hoàng hậu có thai và sinh Hoàng tử, vua ghi dáng dấp ấy mà cho xây chùa Một Cột. - Đền Voi Phục xây dựng vào đời Lý Thái Tông (1028-1054), ở góc phía tây nam thành Thăng Long. Tương truyền Linh Lang là Hoàng tử Hoằng Châu con vua Lý Thái Tông, Hoàng tử đem quân đánh thắng giặc, được vua cha truyền ngôi, nhưng Hoàng tử không nhận, về ở nơi mà lập đền ngày nay. Một hôm ông hóa thành rồng, bay xuống Hồ Tây biến mất. Nhà vua cho lập đền. Trước đền có tạc hình hai con voi quỳ, nên gọi là đền Voi Phục.

- Chùa Kim Liên: Vào thế kỷ 12, Công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông, cùng một số cung nữ đến Hồ Tây lập trại trồng dâu, chăn tằm. Để tưởng niệm Công chúa, vào năm 1631 lập chùa, đặt tên là chùa Kim Liên.

- Chùa Hoè Nhai, xây khoảng thời nhà Lý, trong chùa có tấm bia ghi vị trí chiến thắng Đông Bộ Đầu chống quân Nguyên năm 1258. Chùa có 68 pho tượng sơn son thiếp vàng và có quả chuông với khánh đồng đúc từ thời vua Tự Đức năm 1864.

- Đền Quán Thánh là một trong Thăng Long bát cổ. Thánh Trấn Vũ theo huyền sử đã giúp An Dương Vương, trừ ma diệt yêu và giúp vua xây thành Cổ Loa. Đền được xây vào thời Lý Thái Tổ, pho tượng Thánh Vũ làm bằng đồng đen, đúc năm 1677, nặng 3.600 kg, cao gần 4m và chu vi 3,48m. - Chùa Bà Đá, xây vào thời Lê Thánh Tông, tương truyền khi đào đất bên thành Thăng Long, thì gặp một pho tượng bằng Đá hình phụ nữ, lập đền nơi đây để thờ, sau này đền lại thờ Phật nên gọi là chùa Bà Đá.

- Chùa Hương ở khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Phong cảnh chùa Hương rất hấp dẫn: Núi cao chất ngất, rừng thênh thang, suối khe khúc khuỷu. Chùa cổ kính, thiêng liêng, có động Hương Tích, nhũ đá long lanh. Vào thế kỷ 17, chúa Trịnh Sâm đề nơi cửa động "Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam).

- Chùa Liên Phái, xây năm 1726, tên chùa là Liên Hoa, đến năm 1840 đổi tên là Liên Phái, trước cổng chùa có tháp Diệu Quang cao 10 tầng, uy nghi cổ kính.

- Nhà thờ Lớn khánh thành đêm 24-12-1887, từ đấy hàng năm, rất đông đảo tín đồ Công giáo về tham dự các lễ lớn. - Quốc Tử Giám xây năm 1076. Lúc đầu dạy chữ cho các Hoàng tử, sau đấy mở rộng dạy những học trò xuất sắc trong nước. Năm 1253, đổi tên Quốc Học Viện, năm 1483 đổi thành Thái Học Viện. đến thời vua Gia Long, Quốc Tử Giám dời vào Huế, nơi đây lại đổi thành “Điện Khải Thánh”. Những cầu nổi tiếng ở Hà Nội:

- Cầu Long Biên, cầu bắt qua sông Hồng nối liền Hà Nội và thị trấn Gia Lâm, cầu bắt đầu xây dựng năm 1898, do hãng Eiffel thiết kế. Lúc đầu chỉ có đường xe lửa, đến năm 1919 làm thêm đường hai bên cho người đi bộ và các loại xe nhỏ. - Cầu Thăng long bắt qua sông Hồng nối liền huyện Đông Anh và huyện Từ Liêm, xây năm 1974, là cầu dài nhất ở Đông Nam Á, cầu chính dài 1.688m, tính cả cầu dẫn dài 5.503m. - Cầu Chương Dương ở bến Bồ Đề, bãi Phúc Tân. Cầu Chương Dương, xây dựng năm 1979, là chiếc cầu cáp, nối liền bến Tàu thủy cũ ở phía nam, với bãi Phúc Tân bờ bắc sông Hồng. Đến năm 1983, được xây cất lại bằng vật liệu đầm thép, với chiều dài 1.213m, rộng 18,55m. Cầu có các loại xe mô tô và xe hơi qua lại tấp nập.

-Nhà tù Hỏa Lò: Nhà tù ở phố Hỏa Lò, do Pháp xây cất để giam giữ những người chống Pháp. Chính quyền Hà Nội dùng nhà tù này để giam các phi công Mỹ bị bắt khi máy bay bị bắn hạ trong thời chiến tranh. Năm 1996, nhà tù Hoả Lò, dời ra ngoại ô, nơi này được dùng làm văn phòng và khách sạn.

Viện bảo tàng: Hà Nội có nhiều viện bảo tàng: - Viện Bảo tàng Lịch sử, trình bày di tích lịch sử Việt Nam từ thời thượng cổ đến thời nay.

- Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Lưu giữ 10,000 hiện vật, 15.000 bức ảnh và nhiều tư liệu như băng ghi âm, ghi hình. Miêu tả về sinh hoạt, phong tục tập quán của 54 sắc dân Việt Nam. Bảo tàng Dân tộc Việt Nam rất hấp dẫn cho những ai muốn biết về đời sống của người Việt. Trường học ở Hà Nội: Kinh đô Thăng Long qua nhiều thế kỷ, là một địa điểm chính đã tổ chức các cuộc thi khoa bảng. Thời Pháp có các trường dạy nghề và giáo dục bậc đại học, trong đó có Viện Đại học Đông Dương, Trường Y khoa Đông Dương. Hà Nội là một trung tâm giáo dục đại học lớn quốc gia, thành phố Hà Nội có khoảng 50 trường đại học, cùng nhiều trường cao đẳng, đào tạo hầu hết các ngành nghề quan trọng. Những trường đại học ở đây: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia, Đại học Y khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Nông nghiệp, là những trường đào tạo đa ngành và chuyên ngành của Việt Nam. Phố phường, chợ búa ở Hà Nội: Hà Nội có Phố cổ, Phố nghề, dãy phố được bắt đầu bằng chữ “Hàng”: Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu... mang một cái tên của phố đặc biệt như vậy, là do sự buôn bán của loại hàng tương ứng với tên gọi, như: Phố Hàng Đường thì chuyên bán đường mật, bánh kẹo. Phố Hàng Thiếc, chuyên sản xuất và bán những thùng, chậu... bằng nhôm, bằng thiết, nên nơi đây luôn có tiếng gõ tôn, thiết nghe rộn ràng suốt ngày. Phố có tên Hàng Ngang là bởi khi xưa, vào thế kỷ 15 (thời nhà Lê) trên con đường phố này người Hoa ở đông đúc, ở hai đầu đường vào mỗi tối thì họ dùng hai cái cổng chắn ngang đường...

Phố phường, chợ búa ở Hà Nội luôn tấp nập, các chợ nổi tiếng: Chợ Ngọc Hà, chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Cửa Nam... chợ Đồng Xuân là lớn nhất ở Hà Nội, kể cả ở miền Bắc. Chợ xây cất năm 1889, ở phường Đồng Xuân, chợ gần sông Hồng nên giao thông tiện lợi. Ngày nay chợ Đồng Xuân đã được xây dựng lại 3 tầng đồ sộ, khang trang. Vẫn giữ lại một phần kiến trúc mặt tiền chợ cũ. Làng gốm sứ Bát Tràng ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Gốm sứ Bát Tràng sản xuất từ loại đất sét trắng mịn, sau khi nhào đất đúng độ dẻo, người thợ dùng bàn xoay để tạo hình sản phẩm, rồi phơi, sấy cho khô, vẽ hoa, hình ảnh... kế đến tráng men và đưa vào lò nung. Sản phẩm gồm có: Bát, đĩa, chén, lục bình... Gốm sứ Bát Tràng có mẫu mã độc đáo và rất bền đẹp.

Lụa Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), ở làng dệt lụa Vạn Phúc, nằm bên bờ sông Nhuệ. Nghề dệt lụa Hà Đông, đã có từ ngàn xưa, do bà tổ Lê Thị Nga dạy nghề. Lụa Hà Đông có tiếng là mịn màng, bền đẹp. Lụa nơi đây chẳng những được nhiều người trong nước thích thú may mặc, mà còn xuất cảng ra ngoại quốc.

Làng đan mây tre Phú Vinh (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) ở huyện Chương Mỹ, người thợ tỉ mỉ và khéo léo tạo ra những sản phẩm có hàng trăm mẫu mã đẹp đẽ như: Chim thú, đồ gia dụng.

Làng nón làng Chuông, huyện Thanh Oai (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), nón ở đây rất nổi tiếng, người thợ cần cù, vật liệu chọn lọc: lá phẳng, trắng, không nhăn, khuôn đẹp và cân đối... nên có câu:

“Muốn ăn cơm trắng, cá mè Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”

Làng sơn mài Hạ Thái ở huyện Thường Tín (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), kỹ thuật sơn mài ở đây gắn bó với nghề khảm triện tỉ mỉ, tạo nên những đường nét độ đáo. Về giải trí: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các rạp chiếu phim, nhà hát, còn có nhiều nơi hấp dẫn khác: Công viên nước Hồ Tây, được trang bị hiện đại với các đường trượt cao tốc, bể tạo sóng... Trong thành phố còn một số công viên lớn như Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ...

Hà Nội có nhiều món ăn đặc đặc sắc như: Chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, chả quế, bánh tôm Hồ Tây, phở cuốn, bún thang, bún chả, bún nem, bún bung, nem chua làng Vẽ...

Tuy nhiên, du lịch ở Hà Nội cũng còn không ít những tệ nạn, xin cảnh báo tình trạng du khách nước ngoài, đôi khi bị taxi tính giá lên gấp 5, 7 lần giá bình thường. Và taxi hoặc xe buýt lừa khách đến một số khách sạn giả danh nổi tiếng và bị đòi giá cao; ở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, du khách có thể bị mời mọc vào những quán karaoke, với một vài đồ uống, mà hóa đơn thanh toán có thể lên tới 100 USD hoặc hơn.

Phố phường Hà Nội cổ xưa

Nghìn năm văn vật, đền chùa thiêng liêng

. Cảm tác:

Phố phường Hà Nội

Thăng Long, lúc trước một triều đường Tử Cấm thành, cung cấm đế vương Văn võ họp hành, nơi chính điện Kinh thành cư trú, chốn dân thường . Cổ Loa di tích của sơn hà Lần lượt Long Biên đổi Đại La Nhà Lý, Thăng Long luôn hiển hách Nguyễn triều, Hà Nội mãi nguy nga . Hà thành tăm tiếng khắp muôn phương Lừng lẫy danh nhân giữ thổ cương Đền cổ Bà Trưng, nghi ngút khói Miếu xưa Phù Đổng, ngạt ngào hương . Chùa Hương rộn rịp khách hành hương Phong cảnh tốt tươi mỗi đoạn đường Hương Tích trầm trồ là nhất động Hương Sơn khách khứa khắp muôn phương . Sông hồ Hà Nội, nước long lanh Tô Lịch, Hồ Tây, đẹp tợ tranh Lờ lững sông Hồng, dòng nước đỏ Lăn tăn Hoàn Kiếm, mặt hồ xanh . Phố phường hàng hoá thật dồi dào Trong trẻo rao hàng, giọng ngọt ngào Chợ búa rộn ràng, người tấp nập Phố nghề nhộn nhịp, tiếng xôn xao . Nghìn năm văn vật đất Thăng Long Thắm thiết điểm tô bao máu hồng Hà Nội thăng trầm cùng đất nước Giống nòi vinh nhục với non sông.

Nguyễn Lộc Yên

nhận từ: VietChinh

            jovitran@gmail.com

Từ khóa » Diện Tích Hn