Thành Phố Hồ Chí Minh Vượt Qua đại Dịch, Vững Tin Phát Triển Bền ...

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch, vững tin phát triển bền vững ảnh 1Đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Từ đầu năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn kiểm soát tốt khi số ca nhiễm mới và tử vong thấp, trên cơ sở đó thành phố duy trì “mục tiêu kép” vừa chống dịch có hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội lần thứ 4 (từ ngày 27/4) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, hoạt động kinh tế, an sinh xã hội. Thành phố trở thành tâm dịch và là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Trước tình hình phức tạp đó, cả hệ thống chính trị đã nhanh chóng dốc sức, dồn lực và với sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Trung ương, các bộ, ngành nên thành phố không phải điều chỉnh “mục tiêu kép." Đến đầu tháng 10/2021, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển qua giai đoạn “bình thường mới."

Năm 2021 sắp qua với nhiều biến động do đại dịch COVID-19, năm 2022 đang tới với nhiều niềm tin, hy vọng tươi sáng. Nhân dịp này Thông tấn xã Việt Nam có bài viết nhìn lại một năm nỗ lực phòng, chống dịch cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa “mục tiêu kép” mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Một năm sóng gió

Dịch COVID-19 bùng phát dữ dội lần thứ 4 kể từ cuối tháng 4/2021 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Những dòng người lần lượt bỏ thành phố để về quê để “tránh dịch," do mất việc làm, không có thu nhập. Hàng chục ngàn doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán đóng cửa, cho người lao động nghỉ việc hoặc hoạt động cầm chừng.

Có những ngày đường phố không bóng người qua lại, các chốt, trạm kiểm soát dịch được lập lên ở khắp các ngõ hẻm, tuyến đường, các khu vực cửa ngõ. Chính quyền thành phố hạn chế sự đi lại, kiểm soát giấy tờ nghiêm ngặt. Các chuyến bay quốc tế và trong nước, các hãng xe, tàu lửa tạm ngưng khai thác, hoạt động.

Anh Nguyễn Dương Anh Đức, (trú ở đường Lý Thường Kiệt, quận 10) nhớ lại: “Nhà tôi ở gần bệnh viện nên hằng ngày, đặc biệt vào đêm khuya, rạng sáng vẫn thường nghe tiếng còi hú của xe cứu thương cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Mặc dù đã quen nghe nhưng lần nào lòng cũng cảm thấy lo âu khi biết rằng lại có thêm một bệnh nhân nữa nguy cấp."

Có những ngày, Thành phố Hồ Chí Minh có tới gần chục nghìn ca nhiễm mới. Chưa bao giờ thành phố vốn có nhịp sống đô thị sôi động bậc nhất cả nước lại trở nên vắng lặng như những ngày cao điểm chống dịch vừa qua. Sự căng thẳng lên đến mức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên không thôi day dứt, trăn trở: “Chúng ta thèm một ngày không có COVID-19."

Dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng GRDP của thành phố giảm tới 6,78% so với cùng kỳ năm 2020, không đạt chỉ tiêu đề ra (kế hoạch cả năm 2021 là tăng 6%). Đây là lần đầu tiên thành phố có tăng trưởng âm và giảm cả trên 4 lĩnh vực được cho là “thế mạnh” gồm nông-lâm-thủy sản (giảm 13,68%), công nghiệp và xây dựng (giảm 12,96%), khu vực dịch vụ (giảm 5,5%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (giảm 0,43%). Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 15,8%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 5,5%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 27,69%.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá cuối tháng 9/2021, thành phố đã từng bước kiểm soát dịch COVID-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới” nhưng thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua; các mặt của đời sống, kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong quý 1/2021, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%; đến 6 tháng đầu năm 2021 bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế-xã hội sụt giảm nghiêm trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch, vững tin phát triển bền vững ảnh 2Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 8, quận 11 chuyển thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Giữa bối cảnh đó, ngoài các biện pháp chuyên môn về y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế, thành phố đã khẩn trương dồn sức, dồn lực “chạy đua” chống lại tốc độ lây lan và gia tăng số ca tử vong, chuyển biến nặng do COVID-19 như thành lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị, các trạm y tế lưu động, cấp phát thuốc và ôxy điều trị F0 tại nhà… Trung ương và các bộ ngành, địa phương luôn kề vai, sát cạnh, hỗ trợ mọi nguồn lực cho Thành phố chống dịch.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội lần thứ 4, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành đã liên tục tổ chức các cuộc họp, trực tiếp vào kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt đặt tại thành phố để xử lý ngay những vấn đề cấp bách phát sinh.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tập trung cao độ nhiệm vụ công tác cho phòng, chống dịch, tổ chức họp và chỉ đạo liên tục, bất kể ngày đêm. Thành phố đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ đồng thời tùy theo từng diễn biến cụ thể dịch bệnh để ban hành nhiều Chỉ thị khác như Chỉ thị số 10/CT-TU, Chỉ thị số 12/CT-TU của Thành ủy, Chỉ thị số 11/CT-UBND, Chỉ thị số 18/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Đến nay, thành phố tiếp tục khống chế được dịch bệnh, số ca nhiễm mới và số ca tử vong, chuyển nặng thấp hơn rất nhiều so với cao điểm dịch bùng phát. Theo Bộ Y tế, tính đến chiều 29/12, Thành phố Hồ Chí Minh có 502.632 ca mắc COVID-19 được công bố, trong đó có 19.455 ca tử vong.

["Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục hồi, phát triển với vị thế mới"]

Nhìn lại công tác chống dịch gần một năm qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến hơn 292.000 người lao động rời thành phố.

Từ ngày 1/1-24/12, thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ và chi phòng, chống dịch với tổng giá trị hơn 6.726 tỷ đồng, nhân lực bổ sung cho thành phố chống dịch ngoài thành phố gần 30.000 người. Thành phố đã lập và đưa vào hoạt động 31 bệnh viện dã chiến với 44.000 giường bệnh, huy động gần 6.000 y, bác sỹ. Tổng số tiền chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố là hơn 9.143 tỷ đồng.

Quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng

Do đại dịch COVID-19, mặc dù kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng âm nhưng trong năm 2021, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá như kim ngạch xuất khẩu (tăng 2,8%), kim ngạch nhập khẩu (tăng 24,9%), Có 5 trong số 9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,8-6 tỷ USD (tăng hơn 11%), lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD (tăng gần 9%). Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021.

Việc cơ bản, kiểm soát được dịch là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Từ đầu quý 4/2021, các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu trở lại với nhịp độ sôi động, các chỉ tiêu kinh kế xã hội có dấu hiệu dần phục hồi. Cả năm 2021, thành phố dự kiến hoàn thành 14 trong tổng sô 29 chỉ tiêu (đạt 48,28%), chưa hoàn thành 13 chỉ tiêu (44,83%), chưa đủ cơ sở tính toán được 2 chỉ tiêu (6,89%).

Thành phố xác định chủ đề năm 2022 là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp." Trên cơ sở đó, thành phố đề ra 20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu lớn về kinh tế.

Cụ thể, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến đạt từ 6-6,5% trong đó khu vực dịch vụ chiếm 60% tỷ trọng, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TEP) vào GRDP đạt trên 40%, chi phí đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 0,75% GRDP, độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, năm 2021 là năm thành phố có nhiều biến cố và chuẩn bị đón năm 2022 với niềm tin và hy vọng. Toàn hệ thống chính trị thành phố sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ GRDP năm 2022 từ 6-6,5%. Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục, phát triển rất lớn.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu tập trung ưu tiên trước hết cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả." Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động. Thành phố sẽ sớm hoàn thành phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án, chương trình đột phá, trọng điểm của thành phố đã bị chậm lại do dịch bệnh.

Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch, vững tin phát triển bền vững ảnh 3Khu vực chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, thành phố đã thống nhất không thay đổi, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã đề ra. Nhưng trong bối cảnh “bình thường mới” cần phải có tư duy mới, giải pháp mới, cơ chế mới, kế hoạch phù hợp, thậm chí phải điều chỉnh trong đó cần nâng cao chất lượng chính quyền đô thị gắn với triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng khoa học-công nghệ và chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, các đề án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị hay đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế…

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện chủ đề năm 2021 đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng cho năm 2022 và những năm tiếp theo, với các điểm sáng như dù tăng trưởng âm nhưng thành phố vẫn đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021, hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thu hút FDI vẫn duy trì trong giãn cách và phục hồi nhanh, có mức tăng đáng khích lệ, một số ngành dịch vụ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.

"Năm 2022, để thích ứng linh hoạt, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ; trong đó đảm bảo trụ cột y tế là hàng đầu, trọng tâm, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển. Về kinh tế-ngân sách, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, xây dựng và thực hiện đề án quản lý hiệu quả tài sản công, nhà, đất công, thực hiện cổ phần hóa, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đối tác công tư," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Năm 2021 với nhiều biến động do đại dịch COVID-19 gây ra, chuẩn bị khép lại, “cánh cửa” năm mới 2022 cũng đang mở ra, hứa hẹn biết bao đổi thay, đầy gam màu tươi sáng. Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn trọn niềm tin vào “mục tiêu kép” đã đề ra, kỳ vọng thành phố sẽ sớm khôi phục, phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, để cho những vết thương, nỗi đau do COVID-19 gây ra sẽ chỉ còn là quá khứ mà mỗi khi nhắc đến người dân và lãnh đạo thành phố càng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Dịch ở Thành Phố Hồ Chí Minh Như Thế Nào