Thanh Sang – Wikipedia Tiếng Việt

Nghệ sĩ Ưu tú
Thanh Sang
Biệt danhGiọng ca trời sầu đất thảm
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhNguyễn Văn Thu
Ngày sinh(1943-02-02)2 tháng 2, 1943
Nơi sinhPhước Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất21 tháng 4, 2017(2017-04-21) (74 tuổi)
Nơi mấtThủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nguyên nhânXuất huyết não
An nghỉNghĩa trang hoa viên Bình Dương
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Dân tộcKinh
Nghề nghiệpDiễn viên sân khấu
Gia đình
VợNgọc Mỹ
Con cáiBảo Châu , Bảo Trân
Lĩnh vựcCải lương
Danh hiệuNghệ sĩ Ưu tú (1993)
Sự nghiệp âm nhạc
Dòng nhạcTân cổ, vọng cổ
Hợp tác vớiNSƯT Thanh NgaNSND Bạch TuyếtNS Phượng Liên
Tác phẩmChiềuChuyến tàu hoàng hônTrăng rụng xuống cầu
Sự nghiệp sân khấu
Vai tròDiễn viên
Năm hoạt động1957–2017
Thành viên củaDạ lý hương, Thanh Minh – Thanh Nga
Vai diễnThi Sách trong Tiếng trống Mê LinhLê Long Hồ trong Tuyệt Tình CaTrần Minh trong Bên cầu dệt lụa
Giải thưởng
Giải Thanh Tâm (1964) Huy chương Vàng
[sửa trên Wikidata]x • t • s

Thanh Sang (2 tháng 2 năm 1943 – 21 tháng 4 năm 2017) là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người Việt Nam, ông được xem là một trong những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương miền Nam (cùng thời với Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thành Được, Hùng Cường, Phương Quang, Diệp Lang,...). Ông cùng với Nghệ sĩ Thanh Nga được đánh giá là cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu cải lương.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Thật ra, nghệ danh ông muốn đặt là Thanh San, chữ San là Sơn, chỉ núi để tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn Sơn là thầy ông. Tuy nhiên người làm áp phích quảng cáo không hiểu đã ghi nhầm là Thanh Sang nên ông dùng nghệ danh này từ đó.

Thân thế và sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1943, tại xã Hòa Hiệp, Phước Hải. Quê nội anh ở Bình Định, quê ngoại Tuy Hòa, Phú Yên. Thanh Sang là Phật tử, có pháp danh Chơn Từ.

Cha ông từng tham gia Chiến tranh Đông Dương, hy sinh năm 1949. Mẹ ông phải làm lụng vô cùng cực nhọc để nuôi 4 đứa con nhỏ, trong đó chỉ có ông là trai. Vì vậy, từ năm 8 tuổi, ông bắt đầu sống bằng nghề đi biển đánh cá, vừa nuôi gia đình vừa kiếm tiền học chữ trong làng.

Do gia đình sống gần rạp Cải lương Hải Lạc, ông bị cuốn hút theo nghề hát xướng. Ban đầu, ông thường nhại lại các giọng của Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn rất giống, được bà con tán thưởng.

Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh đến Hải Lạc biểu diễn. Khi diễn vở Chiều đông gió lạnh về, ông Thu thường được đưa vào thay thế khi các kép bị ốm. Bầu Hoàng Kinh thấy vậy mới đặt cho nghệ danh là Thanh Sang.

Năm 1962, ông được bầu Hoàng Kinh cho thế Hùng Cường, vai Đông Nhật trong vở Tuyết phủ chiều đông. Ông diễn thành công và từ đó thành một kép chánh trong đoàn Cải lương Ngọc Kiều.

Năm 1964, ông chuyển về hát cho đoàn Dạ lý hương. Cũng trong năm này ông đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm (với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long). Vai diễn Tạ Tốn trong vở này bị mù, rất khó diễn song ông lại diễn rất hay, đến mức nhiều người nhắc đến ông bằng 4 chữ Kim Mao Sư Vương – danh hiệu của Tạ Tốn. Vai diễn đã đưa ông từ anh chàng chài lưới, chưa qua trường lớp, trở thành ngôi sao sáng chói trong làng sân khấu.

Vào thập niên 1970, ông kết hợp cùng với Thanh Nga, tạo thành cặp đào kép lý tưởng của sân khấu cải lương, được giới mộ điệu say đắm và mến mộ đến tận bây giờ.

Sau năm 1975, ông thành công với nhiều vai diễn khác như: vai Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa, vai Thi Sách trong vở Tiếng trống Mê Linh, vai Lê Hoàn trong vở Thái hậu Dương Vân Nga,...

Năm 1985, ông thôi hát ở các đoàn văn nghệ, chỉ thu băng đĩa và hát phục vụ khi có yêu cầu. 3 năm sau ông mới cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Paris biểu diễn.

Năm 2001, ông bị bệnh nặng, phải rời xa sân khấu một thời gian dài.

Ngày 4 tháng 3 năm 2007, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm "50 năm một tình yêu nghệ thuật" do Bạch Tuyết làm đạo diễn để kỷ niệm 50 năm nghiệp hát của ông.

Sau nhiều năm bệnh lúc già, Thanh Sang qua đời lúc 0 giờ 25 rạng sáng 21 tháng 4 năm 2017 tại nhà riêng, hưởng thọ 74 tuổi.

Những bạn diễn của ông: NSƯT Thanh Nga, Tiến sĩ - NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Phượng Liên, NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, NSND Thanh Kim Huệ, Thanh Tú, NSƯT Hùng Minh, NSND Diệp Lang, Bảo Quốc, NSND Minh Vương, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Út Bạch Lan,... Ông từng diễn chung với nhiều cô đào, nhưng người đóng chung với ông để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng giới mộ điệu cải lương vẫn là Thanh Nga. Họ đã tạo nên cặp đôi "sóng thần" cực kỳ nổi tiếng vào thập niên 1970.

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

Giọng ca của ông được đánh giá là rất trầm buồn, mùi mẫn, cùng nét diễn chân phương, tài hoa của ông đã chiếm trọn tình cảm của khán giả suốt 50 năm qua.

Trong số các vai diễn để đời của Thanh Sang, khán giả không thể không nhớ đến vai Trần Minh "khố chuối" trong tác phẩm kinh điển Bên cầu dệt lụa. Vào giai đoạn cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều khán giả, Thanh Sang đã cùng các đồng nghiệp mang đến nhiều vở diễn hay, giàu giá trị nhân văn, đậm triết lý, nhân nghĩa, trong đó Trần Minh "khố chuối" là nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp ca, diễn của ông. Các phân đoạn Trần Minh chăm sóc người mẹ bệnh tật, đối đáp nhân nghĩa ở đời với người anh em Nhuận Điền (Thanh Tú đóng), cảnh diễn tả ân tình với người đẹp Quỳnh Nga... được Thanh Sang nhập vai trọn vẹn. Gương mặt sáng ngời, chất phác, ngoại hình nho nhã, thư sinh cùng chất giọng trầm, điềm đạm của ông đã tạo nên một hình ảnh chuẩn mực cho nhân vật. Chỉ cần ông thốt lên "Mẹ ơi" hay "Quỳnh Nga...", xuống câu vọng cổ nhẹ nhàng rồi ngân vang nỗi niềm nhân tình thế thái trong câu hát với ánh mắt đượm buồn đủ làm rơi nước mắt người xem. Lối diễn tự nhiên, không lên gân của ông chạm vào trái tim khán giả, đồng thời khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này thấy khó khăn khi thể hiện lại hồn cốt của nhân vật Trần Minh.[1]

Những vai nào ông đã đóng rồi, thì gần như mặc định là "của riêng ông", không ai thay thế được.

Giải thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • 1964: Giải Thanh Tâm (vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long)
  • 1993: Nghệ sĩ ưu tú

Các vai diễn nổi bật

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông đã diễn nhiều vở cải lương nổi tiếng như vai Kim Mao sư vương Tạ Tốn (vở Cô gái Đồ Long), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh) và Lê Long Hồ (Tuyệt tình ca),...

  • Bên cầu dệt lụa (vai Trần Minh)
  • Cô gái Đồ Long (vai Kim Mao sư vương Tạ Tốn)
  • Đêm lạnh chùa hoang (vai Bạch Long Sứ)
  • Đời cô Hạnh (vai ba của Hạnh)
  • Đời cô Lựu (vai Võ Minh Thành)
  • Đường gươm Nguyên Bá (vai Vua)
  • Khi rừng mới sang thu (vai Tạ Tử Lăng)
  • Kim Vân Kiều (vai Kim Trọng)
  • Kiếp nào có yêu nhau (vai Lý Trọng Phu)
  • Kiều Nguyệt Nga (vai Lục Vân Tiên)
  • Lấy chồng xứ lạ (vai Tâm)
  • Máu nhuộm sân chùa (vai Dư Phong)
  • Mưa rừng (vai Khanh)
  • Người tình trên chiến trận (vai Tiêu Minh)
  • Nửa đời hương phấn (vai Tùng)
  • Sân khấu về khuya (vai Lĩnh Nam)
  • Tần nương thất (hay Nỗi buồn con gái) (vai Đảnh)
  • Thái hậu Dương Vân Nga (vai Lê Hoàn)
  • Tiếng hạc trong trăng (vai Tô Điền)
  • Tiếng trống Mê Linh (vai Thi Sách)
  • Tuyệt tình ca (vai Lê Long Hồ)

Tân cổ, vọng cổ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bên dòng kênh Sáng (Tác giả: Quốc Tân)
  • Chiếc áo mùa thu
  • Chiêu Quân cống hồ (Tác giả: Yên Sơn)
  • Chiều (Thơ: Hồ Dzếnh; nhạc: Dương Thiệu Tước; lời vọng cổ: ?)
  • Chiều tàn
  • Chuyến tàu hoàng hôn (Nhạc: Hoài Linh, Minh Kỳ; lời vọng cổ: Loan Thảo)
  • Có một vùng đất tôi yêu
  • Đơn Hùng Tín (Tác giả: Yên Sơn)
  • Em đi trên cỏ non (Nhạc: Bắc Sơn; lời vọng cổ:)
  • Gái làng Tân Hội
  • Gánh lúa đêm trăng (Sáng tác: Hải Đăng)
  • Giữa chúng mình là mùa xuân (Tân nhạc: Diệp Minh Tuyền; cổ nhạc: Minh Thùy)
  • Hoa thắm đồng bưng
  • Hoa trôi dòng thác lũ (Sáng tác: Viễn Châu)
  • Khóc Đơn Hùng Tín
  • Lối về xóm nhỏ (Nhạc: Trịnh Hưng; lời vọng cổ: Quế Chi)
  • Lộng ngọc (Tân nhạc: Hoàng Thi Thơ; cổ nhạc: Thế Châu)
  • Mồ em Phượng (Tác giả: Viễn Châu)
  • Mùa vú sữa
  • Ngày em về thăm quê tôi (Tân nhạc: Tô Hà Vân; cổ nhạc: Loan Thảo)
  • Ngày hạnh phúc (Nhạc: Lam Phương; lời vọng cổ: Loan Thảo)
  • Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận (Tác giả: Viễn Châu)
  • Nhớ mẹ (Tác giả: Viễn Châu)
  • Ông lão chèo đò (Sáng tác: Viễn Châu)
  • Qua bến đò xưa
  • Qua đồng tro (Tác giả: Ngô Hồng Khanh)
  • Tâm sự với quê hương
  • Tình anh bán chiếu (Tác giả: Viễn Châu)
  • Tình đất đỏ miền Đông (Nhạc: Trần Long Ẩn; lời vọng cổ: Anh Vị)
  • Trăng hờn tủi
  • Trăng rụng xuống cầu (Tân nhạc: Hoàng Thi Thơ; cổ nhạc: Tứ Lang)
  • Vó ngựa trên đồi cỏ non (Tân nhạc: Giao Tiên; cổ nhạc: Thế Châu)

Câu nói

[sửa | sửa mã nguồn]
Đa số các vai thành công của tôi lại không phải là vai chọn cho tôi đóng. Lúc trẻ tôi được tin cẩn giao vai già, khi lớn tuổi thì lại được đóng vai trẻ, bên cạnh nhiều cô đào trẻ.[2]
Nghệ sĩ ngày nay danh nổi trước tài, không chịu rèn luyện trao dồi. Chính nghệ sĩ cũng đang giết cải lương với nhiều vấn đề như hát nhép, đòi cátxê cao, không thuộc tuồng, diễn hời hợt... Nghệ sĩ phải biết yêu cải lương, thương cải lương, trân trọng cải lương để làm nghề tử tế, quên mình một chút vì cái chung cải lương mới sống nổi, dù cải lương sẽ không bao giờ chết.

Nhận xét về Thanh Sang

[sửa | sửa mã nguồn]
Với Thanh Sang, gần như vai diễn nào, anh cũng đặt hết niềm đam mê vào đó và anh biết nắm bắt nhân vật để dẫn dắt bạn diễn đi cùng anh trên sân khấu.[3]
— 

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Thanh Sang: Trần Minh "khố chuối" của làng cải lương”. VnExpress. 21 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  2. ^ [1] - Cải Lương Việt Nam
  3. ^ [2] - bài viết trên báo Lao động

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nghệ sĩ cải lương Thanh Sang: 50 năm một tình yêu nghệ thuật Lưu trữ 2008-05-21 tại Wayback Machine – Báo Bình Dương
  • Thanh Sang với 50 năm ca hát Lưu trữ 2008-05-20 tại Wayback Machine – Báo Lao động

Từ khóa » Tiểu Sử Của Nghệ Sĩ Thanh Sang