Thánh Thần Sẽ Dạy Mọi Điều

 

 

THÁNH THẦN SẼ DẠY ANH EM MỌI ĐIỀU VÀ SẼ LÀM CHO ANH EM NHỚ LẠI MỌI ĐIỀU THẦY ĐÃ NÓI VỚI ANH EM

(Gioan 14:26b)

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Con đường nên thánh của linh mục gắn liền với những tác vụ đã lãnh nhận. Do đó, việc canh tân đời sống thiêng liêng xét như là nguồn mạch và cùng đích của việc thực thi các tác vụ gắn liền với nỗ lực canh tân chính việc thực thi các tác vụ ấy, đặc biệt là tác vụ rao giảng Tin Mừng – ơn gọi của anh em. Hơn nữa, ở vào thời điểm Tạ Ơn (2006-2016) chuẩn bị kỷ niệm 800 năm châu phê Dòng, anh em cũng muốn canh tân hơn nữa sứ vụ rao giảng của mình. Trong ý hướng ấy, tôi xin được gợi lên một vài điểm để chúng ta cùng nhau suy tư và chia sẻ trong những ngày tĩnh tâm này. Trước hết, chúng ta cùng trở về nguồn mạch với (1) Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Gioan 14:26b) và lời nguyện (2) Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ (Gioan 17:17); kế đến, về lại với anh chị em của mình (3) Chính anh em hãy cho họ ăn đi (Mác-cô 6:37); với một nhiệt huyết của Phaolô (4) “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9:16), và một phương thức rao giảng mới học được nơi Đức Giêsu (5) “Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều” (Mt 13:3), và học được nơi Đức Maria (6) “Người bảo gì, các anh cứ làm theo!” (Gioan 1:1-12).

Chúng ta khởi sự cuộc hành trình với Chúa Thánh Thần, người Thầy đích thực của mọi tâm hồn. Các tường thuật chữa lành trong Tin Mừng thường kết thúc với sự kinh ngạc của đám đông. Sự kinh ngạc ấy cho thấy Thánh Thần hằng ngự trên Đức Giêsu và hoạt động ở nơi Người. Chính Thánh Thần dẫn Đức Giêsu đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ, chính Thánh Thần đã xức dầu tấn phong để Người loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Luca 4:18-19).

Trong kinh nghiệm giảng thuyết, không phải một lần nhưng nhiều lần chúng ta đã phải kinh ngạc trước tác động của Thánh Thần trong và qua người nói cũng như trong và qua người nghe. Cảm nghiệm nầy như rút ngắn khoảng cách hay giảm bớt sự căng thẳng vốn có giữa sự cao cả của sứ vụ rao giảng và thân phận nghèo hèn của người rao giảng. Nó củng cố sức mạnh và niềm tự tin của ta khi rao giảng Tin Mừng, bởi xác tín rằng chính Thánh Thần mới thực sự là thầy dạy đích thực của mọi tâm hồn.

Khi được hỏi “Ngài có sợ hãi khi được chọn làm giáo hoàng không ?” Đức cố Giáo hoàng Gioan 23 đã thuật lại câu chuyện lúc ngài còn nhỏ được theo cha tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ trong làng. Người thì đông mà ngài lại thấp bé, nên có muốn ngài cũng không tài nào thấy được Đức Mẹ. Bấy giờ ngài mới kéo tay cha và xin người giúp cho. Cha ngài liền cúi xuống, nâng ngài lên và cho ngài đứng trên đôi vai của người. Nhờ đó, ngài đã được như sở nguyện. Từ câu chuyện ấy, ngài rút ra kinh nghiệm này : Nếu tôi làm giáo hoàng bằng sức lực riêng thì tránh sao khỏi sợ hãi, nhưng nếu tôi để Chúa làm giáo hoàng thì có gì phải sợ.

Không biết anh em cảm thấy thế nào khi phải trình bày cho người dự tòng về các mầu nhiệm như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật, đã chết và sống lại, nay hiện diện trong Thánh Thể để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, mầu nhiệm Đức Maria sinh Chúa mà vẫn còn đồng trinh vv…  Phần tôi, cứ mỗi lần như thế lại cảm thấy lúng túng bởi chẳng biết nói thế nào cho một người chưa tin lãnh hội được những mầu nhiệm cao cả ấy. Có một lần, như thấy được sự lúng túng của tôi, một trong những người dự tòng đã lên tiếng trấn an: “Cha đừng lo, chúng con tin Chúa nên chúng con mới đến đây và chúng con tin không phải vì những lời cha trình bày đâu.” Tôi như bừng tỉnh và phần nào cảm thấy xấu hổ, nhưng thở phào nhẹ nhỏm cứ như thể vừa quẳng được một gánh lo. với Lời nhắc nhở ấy quả là bài học quý giá cho tôi; nó nhắc tôi nhớ rằng: không phải tôi mà chính Thánh Thần – Đấng ngự và hoạt động trong các tâm hồn – mới thực sự là người Thầy vĩ đại của mọi người. Chính Ngài làm cho họ khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa, và cũng chính Ngài mới có khả năng mở toang mọi cánh cửa tâm hồn cho Đức Kitô. Cảm nghiệm nầy đem lại cho tôi niềm tự tin và lòng khiêm tốn cần thiết của người rao giảng – đúng hơn, phục vụ – Lời của Thiên Chúa.

Một lần khác, tôi đang dạy giáo lý dự tòng cho một anh sắp kết hôn với một chị việt kiều công giáo đang sống ở Nhật Bản, thì có người đến báo cho biết chị kia đã lấy chồng rồi và người ấy lo lắng không biết anh ấy có biết không và một khi biết chuyện thì liệu anh có tiếp tục học đạo nữa không. Tôi phải khéo léo lắm mới giúp anh ấy tiếp cận được vấn đề nhưng điều xảy ra thật bất ngờ: chính tôi mới là người phải ngỡ ngàng chứ không phải anh ấy, bởi vì anh đã biết chuyện từ lâu rồi nhưng vẫn tiếp tục học đạo. Anh nói:  “Khởi đầu tôi học đạo vì cô ấy, nhưng sau khi học tôi thấy mình thay đổi nhiều – từ một người ít quan tâm đến kẻ khác, đặc biệt những người nghèo khổ, thường nóng nảy và ít khoan dung đến chỗ biết quan tâm đến những người chung quanh, điềm đạm và bao dung hơn.  Từ đó, tôi hiểu rằng mình không còn học vì cô ấy nữa.” Sự việc xảy ra thật bất ngờ và đầy thú vị, vượt trên sức tưởng tượng của tôi.  Tâm trí tôi như mở ra, lòng tràn niềm vui và sẵn sàng chấp nhận những gian khổ để rao giảng lời Chúa.

Có những biến cố xẩy ra chỉ một lần thôi, nhưng cả đời chúng ta gần như nhớ mãi. Những biến cố ấy có thể mở rộng hiểu biết hoặc trải rộng tâm hồn hoặc mở ra cho tương giao với người, với đời, với cả Thiên Chúa nữa. Nói cách khác, chúng dẫn ta đến một trong ba kinh nghiệm sau:

(1) kinh nghiệm về huyền nhiệm (mystery experience) mở rộng sự hiểu biết và tầm nhìn của ta về bản thân và thế giới, về con người và cuộc đời, và – nhờ ánh sáng của đức tin – về chính mầu nhiệm Chúa hiện diện trong cuộc sống hằng ngày; chẳng hạn kinh nghiệm của bà góa thành Xa-rép-ta, kinh nghiệm “cho mà không mất”, trái lại còn lãnh nhận nhiều hơn những gì đã cho đi, vì cứ như lời của người Thiên Chúa sai đến thì nắm bột từ nay sẽ không vơi và hũ dầu sẽ không cạn;

(2) kinh nghiệm hoán cải (conversion experience) mở toang những cánh cửa của hẹp hòi và ích kỷ và trải rộng tâm hồn ta ra cho người và cho đời, và cho cả Thiên Chúa nữa. Kinh nghiệm ấy không chỉ mở rộng nhận thức và tâm tư mà còn xoay chuyển cả cuộc đời con người theo một hướng đi mới, hướng tới một giá trị có khả năng thống nhất và chi phối cuộc đời của họ; chẳng hạn kinh nghiệm của thánh Mát-thêu khi được gặp Chúa Giêsu và được nghe Ngài mời gọi: “Hãy theo tôi!” Lời mời gọi chan chứa tình yêu của Chúa không những giúp ông nhận ra phẩm giá cao quý của mình hoặc lấy lại sự tự tin mà còn thay đổi cả tâm trí và cuộc đời ông, hướng ông tới một cuộc sống tốt đẹp hơn;

(3) kinh nghiệm bọc lộ (revelatory experience) bao hàm ước muốn thông truyền kinh nghiệm ấy cho người khác.  Qua kinh nghiệm huyền nhiệm và hoán cải, Mát-thêu như thấy được cả một chân trời mới vẫy gọi phía trước, thúc đẩy ông dấn thân rao giảng Tin Mừng cho muôn dân nhằm hoàn tất chương trình và kế hoạch của Chúa.

Theo John Shea, ba kinh nghiệm trên không chỉ là cơ hội giúp ta nhận ra sự hiện diện sinh động của một sức mạnh thánh thiêng, nhưng có thể là những khoảnh khắc của ân sủng giúp ta gặp gỡ Đấng Siêu Việt; từ đó, ta biết rõ mình là ai, mình sẽ trở thành người như thế nào, và mình phải làm gì để trở nên một con người như vậy. [1] Cả ba liên kết với nhau và làm nên cuộc hành trình mở ra cho Thiên Chúa.

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, không phải kinh nghiệm mà là chính Thánh Thần – Thần Khí kết hợp Cha và Con trong Tình Yêu – dẫn chúng ta tới Thiên Chúa, nguồn mạch của sự sống đích thực, của tự do chân chính, và của hiệp nhất vững bền. Người là “kho tàng duy nhất hay viên ngọc quý giá” mà ai đã tìm được thì lập tức chạy đi chia sẻ khắp nơi, trong gia đình, trong công việc, và trong mọi hoàn cảnh sống. Họ chia sẻ mà không sợ hãi, vì biết rằng mình đã được nhận làm con; không phô trương, vì tất cả đều là hồng ân; không nản chí, vì Thánh Thần của Thiên Chúa đi trước hành động của họ trong ‘con tim’ của con người và như hạt giống gieo vào các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau. Họ vượt khỏi ranh giới của bản thân, vì là người đem tin vui đến cho mọi người, mọi dân tộc.”[2]

Như thế, điều trước tiên chúng ta cần làm là tìm cho được “kho tàng hay viên ngọc” ấy. Nên chăng, trong những ngày tĩnh tâm này, ta hãy để cho Thánh Thần dẫn vào sa mạc của tâm hồn, để xem Chúa và Lời của Chúa đối với ta có thực sự là “kho tàng hay viên ngọc” không ? Ta có thực sự sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ Chúa và Lời của Chúa không ? Có thực là ta đang phục vụ Chúa và Lời của Chúa hay đang chiếm hữu Lời của Người để phục vụ cho những lợi ích riêng ? Ta có thực sự tin tưởng và phó thác vào Chúa và Lời của Chúa mà không cần đòi phải có bằng chứng để tin không ?

Lạy Chúa Giêsu,xin cho con biết con,xin cho con biết Chúa.Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,quên đi chính bản thân,yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.Xin cho con biết tự hạ,biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.Ước gì con biết nhận từ Chúa,tất cả những gì xẩy đến cho convà biết chọn theo chân Chúa luôn.Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa,và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

(Thánh Augustinô)

Gợi ý suy tư:

Có những bất ngờ đầy thú vị nào trong kinh nghiệm giảng thuyết giúp anh em nhận ra hoạt động củaThánh Thần trong và qua người giảng cũng như trong và qua người nghe không ?

 

[1] John Shea, An Experience of Spirit: Spirituality and Storytelling (Missouri: Ligouri Publications, 2004), 74-79.

[2] Bênêdictô XVI, Bài giảng cho các Phong trào mới trong Giáo Hội dịp  lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 3.6.2006 trong “Giáo Huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI” do Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả biên soạn (Roma: Mimeograph, 2007), trang 86.

 

 

.

Từ khóa » Thánh Thần Sẽ Dạy Anh Em Mọi điều