Thanh Toán Phi Tiền Mặt: Xu Thế Tất Yếu Không Thể “đảo Chiều”
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt, Kienlongbank triển khai Chương trình khuyến mại “Xài thẻ Kiên Long - Trúng quà xế hộp”
Chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi nhiều lợi ích hiện hữu.
Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính an toàn trong giao dịch.
Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…
Việc giảm chi tiêu bằng tiền mặt khiến người dân không có nhiều động lực giữ tiền bên mình, các ngân hàng cũng dễ dàng huy động vốn hơn, trên cơ sở đó có điều kiện mở rộng cho vay, giảm lãi suất, tăng vốn cho nền kinh tế cũng như giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp.
Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; chống thất thu thuế từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch; giảm rủi ro rửa tiền, kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng tới người dân.
Tuy nhiên, theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S (Báo cáo tiền mặt thế giới năm 2018 của Công ty giải pháp bảo mật G4S (Anh)), tiền mặt hiện vẫn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ. Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011. Vì vậy, một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam tăng trưởng nhanh về thanh toán di động
Khảo sát của PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến 31/3/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171.000 tỷ đồng (tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018).
Về thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4,5 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924.000 tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước.
Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thực tế đến thời điểm hiện nay việc phát triển TTKDTM ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Tỷ trọng TTKDTM/tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết, trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng TTKDTM, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
“Dẹp” mối lo bảo mật
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam còn cao, xuất phát từ thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, tâm lý e ngại với những công nghệ mới hoặc chưa trải nghiệm được sự vượt trội của thanh toán phi tiền mặt, nhất là trong các giao dịch giá trị thấp. Đặc biệt, đặc thù ở các vùng nông thôn, miền núi hay vùng sâu vùng xa, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy TTKDTM còn ít, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến người Việt chưa “mặn mà” với hình thức thanh toán này là lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn về tính an toàn trong thanh toán, bảo mật thông tin…
Nhận thức được vấn đề này, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ vòng đời của một hệ thống thông tin; trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận; đồng thời, xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng …
Các công nghệ mới, hiện đại, trang bị thêm nhiều lớp bảo vệ cho mỗi giao dịch, thanh toán như: Áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... cũng được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng nhằm nâng chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ, tạo lòng tin với người dùng, để họ dần từ bỏ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, cùng hướng tới một nền kinh tế văn minh, minh bạch.
Kienlongbank News
Từ khóa » Thanh Toán Phi Tiền Mặt Là Gì
-
Khoản Mục Phi Tiền Mặt (NONCASH ITEM) Là Gì ? - Luật Minh Khuê
-
[PDF] THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
-
Phí Không Bằng Tiền Mặt Là Gì? Các Loại Phí Không Dùng Tiền Mặt?
-
Thanh Toán “phi Tiền Mặt” Trong Ngành Khách Sạn: Xu Hướng Và Thử ...
-
Thanh Toán Không Tiền Mặt Là Gì Và Những Lợi ích Không Thể Phủ Nhận
-
Người Dân Vẫn “chê” Thanh Toán Phi Tiền Mặt
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt - Sự Lựa Chọn An Toàn Trong Giao ...
-
“Thanh Toán Phi Tiền Mặt” - Xu Hướng Hay Nhu Cầu Tất Yếu?
-
Thanh Toán Không Tiền Mặt Là Gì? Các Hình Thức Thanh Toán ... - VinID
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Phải Bảo đảm “an Toàn, Minh Bạch ...
-
Quản Lý Tiền Mặt - Nam A Bank
-
Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Là Xu Hướng Phát Triển Trên Thế Giới
-
Hệ Thống Thanh Toán điện Tử Liên Ngân Hàng
-
Nhân Tố Tác động đến Sự Phát Triển Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt ...