Thành Tựu Của Ngành Trồng Trọt – Một Năm Nhìn Lại

Trồng trọt là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt chiếm từ 64-68% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Năm 2021, thời tiết khá thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, năng suất nên hầu hết các loại cây trồng đều đạt khá. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng lĩnh vực trồng trọt vẫn tăng trưởng ổn định.

Thời tiết khá thuận lợi cùng với sự quan tâm của Chính phủ và chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành chuyên môn; sự chung sức, vượt khó và sáng tạo của bà con nông dân trên cả nước nên năng suất phần lớn các cây trồng đạt khá so với năm trước, sản lượng sản phẩm trồng trọt đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tính chung năm 2021, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 48,31 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn so với năm trước.

Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi từ diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như chuyển đổi diện tích trồng lúa bị hạn hán, nhiễm mặn hoặc kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả  tạo ra những sản phẩm có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước với giá trị thu được cao hơn trồng lúa. Đối với từng loại cây, vừa cơ cấu lại diện tích vừa thay đổi giống cây trồng phù hợp cho năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.

Lúa là cây trồng hàng năm chủ lực của nước ta. Sản xuất lúa gạo đánh dấu một năm sản xuất lúa thắng lợi với năng suất tăng ở tất cả các mùa vụ, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2021 đạt 7,24 triệu ha, tuy giảm 38,3 nghìn ha so với năm trước nhưng năng suất trung bình cả năm đạt cao với 60,6 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,88 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn.

Vụ đông xuân là vụ lúa cho tỷ trọng sản lượng lớn nhất trong năm, chiếm gần 47% sản lượng lúa sản xuất cả năm. Diện tích gieo trồng lúa đông xuân 2021 cả nước đạt 3.006,8 nghìn ha, bằng 99,4% vụ đông xuân năm trước do xu hướng đô thị hóa, chuyển dịch lao động và chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng. Năng suất đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,9 tạ/ha, sản lượng đạt 20.629,5 nghìn tấn, tăng 755,1 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó các địa phương phía Bắc, năng suất đạt 52,7 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha, sản lượng đạt 7.004,1 nghìn tấn, tăng 128,7 nghìn tấn; các địa phương phía Nam, năng suất đạt 71 tạ/ha, tăng 3,5 tạ/ha, sản lượng đạt 13.625,4 nghìn tấn, tăng 626,4 nghìn tấn. Kết quả sản xuất lúa đông xuân đạt được như vậy do thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới tiêu được cung ứng hợp lý, sâu bệnh được kiểm soát và diệt trừ kịp thời, cây lúa phát triển khá. Một số tỉnh có năng suất, sản lượng lúa đông xuân tăng nhiều so với cùng kỳ như: Kiên Giang năng suất tăng 3 tạ/ha, sản lượng tăng 43,8 nghìn tấn; Long An năng suất tăng 1,4 tạ/ha, sản lượng tăng 28,4 nghìn tấn; Ninh Thuận năng suất tăng 1,6 tạ/ha, sản lượng tăng 38,7 nghìn tấn.

Kết quả sản xuất vụ hè thu năm nay tăng khá so với năm trước. Diện tích gieo trồng lúa hè thu 2021 cả nước đạt 1.954,2 nghìn ha, tăng 9,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2020; năng suất đạt 57 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha; sản lượng đạt 11,14 triệu tấn, tăng 389,1 nghìn tấn. Diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch lúa Hè thu tăng chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ với diện tích tăng 2,4%, sản lượng tăng 10% và vùng Duyên hải miền Trung diện tích tăng 12,9%, sản lượng tăng 11,7%. Các địa phương tăng nhiều là: Khánh Hoà tăng 11,2 nghìn ha và tăng 67 nghìn tấn; Bình Định tăng 3,2 nghìn ha và tăng 20,5 nghìn tấn; Quảng Ngãi tăng 2,6 nghìn ha và tăng 13,6 nghìn tấn… do năm 2020 vùng này chịu anh hưởng nặng nề của hạn hán, thiếu nước tưới, năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn nước đủ cung cấp cho cả vụ nên sản xuất dần được phục hồi. Năng suất lúa Hè thu cũng tăng trên khắp các vùng trong cả nước, trong đó tăng cao nhất ở vùng Bắc Trung Bộ đạt 51,6 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha; tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 57,4 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha.

Vụ lúa thu đông chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên diện tích và sản lượng thường thấp hơn so với các vụ lúa khác. Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2021 sơ bộ đạt 719,7 nghìn ha, giảm 4,3 nghìn ha so với vụ thu đông 2020 do chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và do bị ảnh hưởng dây chuyền từ vụ hè thu xuống giống muộn, một số chân ruộng không đủ thời vụ sản xuất nên bà con nông dân tạm cho đất nghỉ ngơi, mở ruộng đón phù sa chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới; năng suất toàn vụ ước đạt 56,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4,04 triệu tấn, tăng 9,4 nghìn tấn so với vụ thu đông năm trước. Diện tích gieo trồng lúa thu đông 2021 giảm ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu nhưng tăng ở các địa phương như  Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh do năm trước các địa phương này bị hạn mặn không gieo cấy được, năm nay gieo cấy lại, đồng thời mở rộng một số diện tích ngoài vùng đê bao do mưa trễ, nước sông đầu nguồn thấp. Tổng chung diện tích toàn vùng giảm nhưng năng suất sơ bộ của các tỉnh đều tăng, phần lớn diện tích xuống giống đều nằm trong đê bao an toàn nên bà con luôn chủ động được lượng nước cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và khi vào vụ thu hoạch tỷ lệ hao hụt thấp và chuyển đổi sang giống lúa cho năng suất cao.

Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.559,7 nghìn ha, giảm 26,1 nghìn ha so với năm trước. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, cây lúa đẻ nhánh nhanh và đồng đều, các loại sâu bệnh xuất hiện được phòng trừ kịp thời nên năng suất vụ mùa năm nay tăng so với năm trước, ước tính đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha. Do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng chung toàn vụ ước tính đạt 8,07 triệu tấn, giảm 36,2 nghìn tấn so với vụ mùa năm trước. Tại các địa phương phía Bắc, năng suất ước tính đạt 52,7 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng đạt 5,49 triệu tấn, tăng 19,2 nghìn tấn. Tại các địa phương phía Nam, năng suất ước tính đạt 49,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng đạt 2,58 triệu tấn, giảm 55,4 nghìn tấn.

Sản lượng lúa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Sản xuất lúa gạo tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”, xuất khẩu gạo giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị.

Trong những năm vừa qua, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp các vùng miền, diện tích trồng mới của nhiều loại cây lâu năm tăng. Kết quả là năm 2021, diện tích cho sản phẩm và sản lượng một số loại cây sẽ tăng cao. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm sơ bộ năm 2021 đạt 3.688,6 nghìn ha, tăng 72,3 nghìn ha so với năm 2020, trong đó nhóm cây ăn quả đạt 1.173,4 nghìn ha, tăng 38,2 nghìn ha; nhóm cây lấy dầu đạt 189,1 nghìn ha, tăng 5,8 nghìn ha; nhóm cây công nghiệp đạt 2.209,9 nghìn ha, tăng 24,1 nghìn ha; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 55 nghìn ha, tăng 2 nghìn ha.

Nhóm cây ăn quả có diện tích gieo trồng tăng, chủ yếu tập trung vào nhóm các loại quả nhiệt đới và cận nhiệt đới như như sầu riêng, dứa, ổi, mít, bưởi, xoài,… do đây là những nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định. Diện tích hiện có một số cây ăn quả chủ yếu năm 2021 như sau: xoài đạt 114,2 nghìn ha, tăng 2,3 nghìn ha; bưởi 108,3 nghìn ha, tăng 2,9 nghìn ha; cam 93,8 nghìn ha, giảm 4,6 nghìn ha; chuối 155,3 nghìn ha, tăng 2,5 nghìn ha; nhãn 82,5 nghìn ha, tương đương cùng kỳ; vải 54,8 nghìn ha, tăng 0,4 nghìn ha; mít 72,2 nghìn ha, tăng 12,5 nghìn ha; ổi 23,1 nghìn ha, tăng 1,7 nghìn ha; sầu riêng 84,8 nghìn ha, tăng 13,4 nghìn ha.

Nhóm cây công nghiệp có diện tích gieo trồng năm 2021 tăng ở cây điều, cà phê và cao su. Cụ thể diện tích điều đạt 314,6 nghìn ha, tăng 12,2 nghìn ha, tương ứng tăng 4,0%; cà phê đạt 705,0 nghìn ha, tăng 9,4 nghìn ha, tương ứng tăng 1,4%; diện tích cao su đạt 938,8 nghìn ha, tăng 6,4 nghìn ha, tương ứng tăng 0,7%. Diện tích những cây này tăng chủ yếu do được trồng mới trên đất lâm nghiệp và do chuyển đổi từ diện tích được trồng xen trong các vườn cây lâu năm kém hiệu quả từ trước đó.

Sản lượng xoài ước tính đạt 938,2 nghìn tấn, tăng 43,4 nghìn tấn so với năm 2020; dứa đạt 737,3 nghìn tấn, tăng 25,3 nghìn tấn; nhãn đạt 602,8 nghìn tấn, tăng  34,6 nghìn tấn; vải đạt 386,6 nghìn tấn, tăng 71,2 nghìn tấn; bưởi đạt 1.006,9 nghìn tấn, tăng 74,9 nghìn tấn; cam đạt 1.545,9 nghìn tấn, tăng 385,1 nghìn tấn; sầu riêng đạt 693,8 nghìn tấn, tăng 105,8 nghìn tấn.

Sản lượng điều ước đạt 383,3 nghìn tấn, tăng 34,8 nghìn tấn; sản lượng cao su ước đạt 1.260,1 nghìn tấn, tăng 34,0 nghìn tấn; sản lượng cà phê ước đạt 1.816,0 nghìn tấn, tăng 52,5 nghìn tấn; sản lượng dừa ước đạt 1.787,3 nghìn tấn, tăng 66,6 nghìn tấn; sản lượng tiêu ước đạt 280,3 nghìn tấn, tăng 10,1 nghìn tấn; sản lượng chè búp ước đạt 1.087,2 nghìn tấn, tăng 22,2 nghìn tấn. Sản lượng các loại cây lâu năm tăng chủ yếu do thời tiết năm nay ổn định hơn cùng kỳ, đồng thời diện tích cây đến kỳ thu hoạch cũng tăng lên.

Một năm nhìn lại, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ngành trồng trọt đã phát huy được lợi thế, sản lượng các loại cây trồng đạt khá, năng suất cao, cung cấp nhu cầu cho tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu. Xuất khẩu nông lâm sản năm 2021 đạt 23,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu rau, quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7,8%.

Từ khóa » Trồng Cây Lúa Thuộc Lĩnh Vực Nào Của Nông Nghiệp