Thắt Chặt Tiêu Chuẩn Khí Thải đối Với Các Phương Tiện Giao Thông Cơ ...

Mới đây, Bộ TN&MT có công văn gửi các Bộ: Giao GTVT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công an, đề nghị các Bộ báo cáo việc triển khai thực hiện các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thời gian các bộ gửi báo cáo về Bộ TN&MT trước ngày 31/5/2021 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ tiến hành báo cáo đánh giá việc thực hiện các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, bao gồm: Ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Cụ thể, tiến hành đánh giá việc triển khai xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chưa được xây dựng, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng và những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.

 khí thải của các phương tiện giao thông

Nhiều thành phố ngột ngạt vì khí thải từ phương tiện giao thông. Ảnh minh họa.

Đồng thời, có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh các lộ trình tiêu chuẩn khí thải, lộ trình thắt chặt tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; Lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; Lộ trình phát triển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

Bộ Công Thương thực hiện báo cáo đánh giá năng lực sản xuất, nhập khẩu, cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhiên liệu sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đánh giá việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Quy chuẩn kỹ thuật về nhiên liệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phù hợp với lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải.

khí thải từ phương tiện giao thông

Việc áp dụng các tiêu chuẩn khí thải sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Bộ Tài chính báo cáo việc thực hiện xây dựng, ban hành mức phí thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiên liệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thống kê, cung cấp số liệu theo từng năm về số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô các loại, xe mô tô, xe gắn máy) nhập khẩu từ năm 2008 đến nay.

Bộ Công an thống kê số liệu đăng ký theo từng năm lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để lưu hành tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay; Thống kê số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được thu hồi, loại bỏ do quá niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường; Đề xuất, kiến nghị về việc quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; Thu hồi phương tiện quá niên hạn sử dụng; Phương tiện gây ô nhiễm môi trường.

Theo Cục trưởng Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GTVT) Phạm Tùng Lâm thông tin, đối với hoạt động giao thông, khí thải từ các phương tiện phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Trong đó, các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu như: CO, NOx, SO2, bụi TSP… Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh khác. Đặc biệt, đối với hệ hô hấp, môi trường có nồng độ CO cao sẽ gây ngạt thở, trong khi khí NO2 có thể làm giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hóa phổi.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm do khí thải giao thông, Bác sĩ Phan Thanh Thủy, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho biết, đối với khí thải từ xăng, dầu và bụi bặm do xe cơ giới gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân. Nếu hít phải các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ sẽ xâm nhập, tích tụ vào cơ thể gây viêm phế quản, nghẹt đường thở, hen cấp, lâu dần dễ dẫn đến sinh ra các bệnh mãn tính.

Được biết, việc áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về tiếng ồn và khí thải đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đơn cử như Singapore, với việc áp dụng tiêu chuẩn về tiếng ồn phát ra từ các phương tiện cơ giới sẽ phải giảm xuống và nằm trong dải từ 68 decibel (đối với ô tô) đến 77 decibel (đối với mô tô, xe máy). Quy định này nhằm hạn chế tình trạng các chủ xe “độ” hệ thống ống xả trong khi sử dụng phương tiện này.

Gần 26.000 xe ô tô trượt tiêu chuẩn khí thải khi áp dụng quy định mới

Thông tin được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, có gần 26.000 xe ô tô được sản xuất giai đoạn 1999-2008 không đạt tiêu chuẩn khí thải trong lần kiểm tra đầu tiên và buộc phải khắc phục, sửa chữa.

Trong đó, chủ yếu là các phương tiện chạy nhiên liệu diesel (máy dầu). Nguyên nhân là do muội bám và các chủ xe không để ý và chăm sóc phương tiện, những phương tiện đến kiểm tra không đạt về khí thải thì sau khi được các kỹ thuật viên tư vấn vệ sinh đến kiểm tra lần hai đều đạt. Đây là kết quả bước đầu khi Việt Nam bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới.

Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, các chủ phương tiện cần thay dầu, cốc lọc nhiên liệu và bảo dưỡng động cơ theo khuyến nghị của nhà sản xuất và không nên chở quá tải để giảm nguy cơ bị trượt khí thải theo chuẩn mới.

Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường

Từ khóa » Khí Thải Từ Phương Tiện Giao Thông