Thật Nghĩa Của "vô Minh" - .vn

TLYT - “Vô minh” là thuật ngữ khá quen thuộc đối với mỗi người học Phật. Nó là chi phần đứng đầu trong mười hai nhân duyên[1], là “si” trong Tam độc (tham, sân, si). Một cách cơ bản thì ai cũng có thể nói vô minh là ngu si, mê mờ. Ngược lại với vô minh là minh, tức là trí tuệ, sáng suốt. Ai cũng cũng muốn diệt trừ vô minh, đạt được minh. Nhưng để diệt trừ được nó thì cần phải hiểu thật rõ về nó, ngu si cái gì, mê mờ cái gì? Thời Phật còn tại thế, tôn giả Ma-ha Câu-hi-la là một trong các đệ tử lớn của Đức Phật nhưng cũng vẫn phải nhờ Tôn giả Xá-lợi-phất – bậc trí tuệ đệ nhất trong giáo đoàn dạy cho thật nghĩa của vô minh.

Tạp A Hàm, kinh số 256 chép như sau:

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: “Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: “Vô minh là không biết, không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt mà không biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt mà không biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường mà không biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường. Thức là pháp ma diệt mà không biết như thật thức là pháp ma diệt; thức là pháp sanh diệt mà không biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này mà không thấy, không biết như thật, không có vô gián đẳng, ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này gọi là vô minh…”[2]

Trong đoạn kinh trên, “không biết” được chú thích: Hán là不知, Pàli là nappajànati, tức là không nhận thức sâu sắc. “Pháp ma diệt” là pháp tập khởi, duyên khởi, là pháp băng hoại. “Năm thọ ấm” là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức ấm. Cách dịch xưa dùng chữ “ấm”, về sau dịch là “uẩn”[3]. Nên năm thọ ấm tức là năm uẩn.

Như vậy, theo đoạn kinh trên thì vô minh cũng khá dễ hiểu. Vô minh là không nhận thức sâu sắc, không biết như thật năm uẩn là vô thường, là pháp sinh diệt, là pháp duyên khởi.

Người vô minh giống như kẻ lạc lối trên sa mạc, ảnh minh họa Internet.

Vô thường là chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào thực tại. Đó chính là quy luật bất biến của tự nhiên. Sự vật luôn luôn vận động, biến chuyển, luôn trôi chảy không ngừng. Vạn hữu đều sinh, trụ, dị, diệt. Nhà triết học cổ đại người Hy Lạp là Heraclitus có câu nói nổi tiếng “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Dòng sông của sát-na sau đã khác sát-na trước rồi. Một bông hoa hồng đang nở rất đẹp, nhưng có thể vài tiếng sau đã bắt đầu tàn, từng cánh rụng xuống. Giây phút này ta đang buồn, nhưng giây phút khác có thể vui. Hôm nay khỏe mạnh, mai có thể đau yếu. Đó là chuyện thường bởi vì “vô thường”. Vô thường trên ba phương diện: thân, tâm và cảnh.

Duyên khởi tức là sự phát khởi, sự hình thành của các sự vật, hiện tượng đều do nhiều điều kiện phối hợp nhau mà thành. Cây lúa trĩu bông là nhờ có các điều kiện như hạt giống, phân bón, nước, công lao tác của người nông dân, mưa, nắng… Khi hội đủ các điều kiện thì nó sẽ phát khởi, biểu hiện ra, hay gọi là sinh. Nên duyên khởi cũng là duyên sinh. Khi một niềm vui phát khởi thì ta phải biết rằng trong ta có hạt giống của niềm vui, và có những yếu tố bên ngoài tác động vào, làm cho hạt giống ấy trong ta được nảy mầm. Chẳng phải tự nhiên mà nó mọc lên. Giống như ba cọng lau phải dựa vào nhau thì mới đứng vững, nếu lấy đi một cọng thì các cọng khác sẽ đổ xuống. Hai mặt của một tờ giấy cũng phải cùng hiện khởi, có mặt phải vì có mặt kia gọi là trái và ngược lại. Không thể lấy mặt trái khỏi mặt phải. Sự vật nương nhau mà biểu hiện, cái này có cho nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. “Thử hữu cố bỉ hữu, thử sinh cố bỉ sinh” [4]. Do duyên mà biểu hiện gọi là sinh, và cũng do duyên mà ẩn tàng, gọi là diệt. Nên pháp duyên khởi cũng chính là pháp sinh diệt. Do duyên khởi nên vạn hữu vô thường, vô ngã, không có tự tính…

Ngũ uẩn là hợp thể được dùng để chỉ cho con người. Trong năm uẩn, theo định nghĩa thông thường thì sắc thuộc lĩnh vực vật chất, là những cái gì ta thấy, ta nghe, ta xúc chạm… được. Tất cả những sắc đã nói ở trên đều nằm trong ba tính chất: Hữu kiến hữu đối, Vô kiến hữu đối, Vô kiến vô đối.[5]

Hữu kiến hữu đối: Tức là hiển sắc, hình sắc, cái sắc thấy được. Nó có đối ngại giữa cái nọ với cái kia. Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tức là có con mắt để nhìn, và có cái vật để mắt thấy được. Có cái tai để nghe và có cái tiếng để tai nghe được…

Vô kiến hữu đối: Như âm thanh tai nghe được, còn mắt không nghe được nhưng nó có đối ngại. Vị như ngọt, đắng, cay, chua… mắt ta cũng không thấy được. Mắt không thấy nhưng nó có đối ngại nên nó là vô kiến hữu đối.

Vô kiến vô đối: Có những hình ảnh, âm thanh, những vị ngọt, những kỉ niệm… ta đã lưu giữ trong ý thức của ta, hôm nay ta nghĩ lại về những hình ảnh, âm thanh… đó nó vẫn còn tồn tại trong ta, thậm chí còn nguyên những cảm giác về nó. Cái được lưu giữ ấy không còn đối ngại nữa, dùng con mắt không thấy được, dùng tai không nghe được, mũi không ngửi được… nhưng những cảm giác về nó vẫn còn. Đó là “vô kiến vô đối”. Như nhớ lại cảm giác được mẹ đặt tay lên trán thưở bé khi ốm lại thấy thật hạnh phúc, ấm áp.

Thọ có nghĩa là lãnh nạp. Căn lãnh nạp trần, nhãn lãnh nạp sắc, nhĩ lãnh nạp thanh, tỷ lãnh nạp hương, thiệt lãnh nạp vị, thân lãnh nạp xúc; năm căn lãnh nạp sự vật bên ngoài vào bên trong tâm thức, tức là Thọ. Thọ có 3 trạng thái: Khổ thọ, Lạc thọ và Xả thọ.

Tưởng trong tiếng Hán ( ) là chữ “tướng” trên “tâm”, tức là lấy cái ảnh tượng bên ngoài đưa vào trong tâm, có thể dịch là tri giác. Ví dụ như hôm qua ta thấy một bông hoa hồng đẹp, bây giờ ngồi đây nhắm mắt lại ta vẫn thấy nó, thì bông hoa hồng đó chính là tướng bông hoa ở trong tâm. Như vậy tưởng ở đây là có nghĩa là nhận lấy, chấp thủ lấy cái tướng, cái hình tượng, cái ảnh tượng lên trên tâm. Con người ta có rất nhiều cái tưởng (tri giác) sai lầm. Thầy, bạn vô tình nói một câu, chúng ta cứ chấp chặt lấy, cho là họ đang trêu chọc mình, coi thường mình rồi sinh giận hờn, đau khổ.

Hành có hai nghĩa là Thiên lưu và Tạo tác. Thiên lưu là biến dịch mãi, trôi chảy mãi, như một dòng nước chảy, không đứng yên một chỗ cho nên gọi là hành. Hành còn có nghĩa là tạo tác. Khi chúng ta nói điều gì, làm gì đó, hay tất cả những tâm niệm móng khởi trong tâm (cái giận, cái ghét, cái thương của mình…) đều được gọi Hành. Sự tạo tác của thân, sự tạo tác của miệng, sự tạo tác của ý, đều là sự tạo tác, đều là Hành.

Thức là phân biệt, nhận biết. Nhận thức cái này, cái nọ… rồi phản ánh lại, phản ánh cảnh vật ở trong tâm. Sắc tác động vào mắt, mắt biết đó là sắc; tiếng tác động vào tai, tai biết đó là tiếng…

Thọ, tưởng, hành, thức thuộc phần tâm lý, tinh thần. Hiểu theo nghĩa thông thường thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ thân tâm con người, thân tâm này là vô thường, là pháp sinh diệt, là pháp duyên khởi. Nhưng nếu hiểu rộng ra thì không chỉ có thân tâm này cả uẩn, xứ, giới cũng đều như vậy. Chúng đều là các pháp hữu vi, chúng vô thường mà ta cứ nghĩ chúng là thường, không biết như thật chúng là vô thường; là pháp duyên khởi, mà không biết rõ chúng là pháp duyên khởi, cứ nghĩ là chúng có tự tánh riêng biệt, có thể tồn tại biệt lập; là pháp sinh diệt mà ta cứ nghĩ chúng trường cửu, không bao giờ biến hoại. Thấy biết sai lạc như thế nên gọi là ngu si, mờ tối, mê lầm tức là vô minh.

Hẳn nhiên, ngược lại với vô minh là minh, là giác, là tuệ. Trong kinh, tôn giả Xá-lợi-phất định nghĩa: “Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức. Này Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, biết như thật, thấy như thật, sáng tỏ, có giác, có quán, có vô gián đẳng, thì đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”[6]

Để biết được các pháp như chúng đang là thì phải tư duy quán chiếu. Nhìn vào bản thân mình ta phải thấy được những yếu tố không phải là mình. Thân thể ta có được là dựa vào nghiệp thức, nhờ tinh cha, huyết mẹ và vô vàn điều kiện khác mà thành. Tuy có cái gọi là thân ta đó, nhưng ta lại không thể nào làm chủ được nó. Thân thể đẹp đẽ mà ta soi gương thấy mỗi ngày từ khi sinh ra đến giờ vốn đã thay đổi rất nhiều từ nhỏ cho đến lớn, lúc khỏe mạnh cường tráng, lúc đau ốm, lúc xinh đẹp, lúc xấu xí. Chẳng riêng gì sắc thân mà cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức của ta cũng biến chuyển vô thường, cũng vô ngã, cũng sinh diệt không ngừng. Ngay cả huynh đệ, thầy, bạn, cha mẹ… những người ta thương mến nhất, cho đến núi, sông, cây cỏ, ngoại cảnh bên ngoài… cũng vô thường, biến hoại. Nếu thấu suốt được và chấp nhận những cái lẽ thật đó thì ta thật là người có trí tuệ, sẽ tự mình cởi trói được khỏi những phiền não mê hoặc, đạt đến an lạc tự tại.

Ngài Xá-lợi-phất đã nói về vô minh rất dễ hiểu. Vô minh là không nhận thức sâu sắc, không biết như thật năm uẩn là vô thường, là pháp sinh diệt, là pháp duyên khởi. Ngược lại thì là minh. Học Phật, chúng ta đều biết năm uẩn là vô thường, là sinh diệt, là duyên sinh, vô ngã, giả danh… Nhưng chúng ta vẫn mê mờ, khổ đau như thường, bởi cái thấy, cái biết ấy nằm ở bề ngoài ý thức mà chưa phải thấy biết “như thật” như ngài Xá-lợi-phất nói. Vì vậy mà học Phật không chỉ có “văn”, “tư” mà phải thực “tu” nữa thì mới thành tựu được minh, diệt trừ vô minh.

Thích Nữ Mai Anh

(Lớp Cao học khóa I, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội)Bài đăng trên Tạp chí Khuông Việt, số 46, tháng 5/2019.

[1] Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử.

[2] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5 - Bộ A-Hàm V - Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Tạp A - Hàm Quyển 10 - Kinh 256: Vô Minh (1), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, trang 859, 860.

[3] Ngài Cưu Ma La Thập dịch là “ấm”, nguyên từ chữ Sanskrit là Skandha. Dịch “Ngũ ấm” tức là Ngài dịch ý, “ấm” nghĩa là ngăn che. Năm thứ đó ngăn che làm cho người ta không liễu ngộ được thực tính bình đẳng của vạn pháp, của sự vật, làm cho tối đi, mù đi, mê mờ.

Về sau Ngài Huyền Trang dịch là “uẩn”. Uẩn (Skandha) nghĩa là một sự tích tụ, tích tập theo từng loại, nhóm họp theo từng loại, cùng loại, cùng với tính chất giống nhau, nhóm lại một nhóm gọi là Uẩn. Năm thủ uẩn tức là năm nhóm bị Ái, Thủ chấp trước. Trong kinh có khi nói Ngũ uẩn, có khi nói Ngũ thủ uẩn, khi nói Ngũ Thủ uẩn là cố nhấn mạnh về sự chấp thủ Ngũ uẩn. Khi gọi Ngũ uẩn là muốn chỉ về cái nhóm đó, của cái thực thể đó.

[4]《雜阿含經》卷10:「此有故彼有,此生故彼生」(CBETA, T02, no. 99, p. 67, a5)

[5]《長部經典(24-34)》卷33:「三種色聚:有見有對色、無色有對色、無見無對色」(CBETA, N08, no. 4, p. 235, a1 // PTS. D. 3. 217)

[6] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5 - Bộ A-Hàm V - Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm Số 1, Tạp A - Hàm Quyển 10 - Kinh 256: Vô Minh (1), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, trang 863.

Từ khóa » Sinh Trụ Dị Diệt Nghĩa Là Gì