Thấy Bác Sĩ Mà Sợ đến Nổi Tăng Huyết áp

Thấy bác sĩ mà sợ đến nổi tăng huyết ápNgày cập nhật 01/07/2011

Ở nhiều người khi gặp bác sĩ, thầy thuốc hoặc nhân viên y tế mặc áo choàng trắng, còn gọi là áo blouse trắng thường có cảm giác hồi hộp, sợ hãi... và tự nhiên tăng huyết áp. Thấy bác sĩ, thầy thuốc mà sợ đến nổi tăng huyết áp được y học dùng thuật ngữ “Hội chứng áo choàng trắng” để chỉ tình trạng này.

Hội chứng áo choàng trắng Huyết áp được quyết định bởi 4 yếu tố là sức bóp của tim, tính đàn hồi của mạch máu, thể tích máu và độ nhớt của máu. Mọi nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng, biến đổi 4 yếu tố này sẽ làm thay đổi huyết áp; đặc biệt khi lo lắng quá mức, bị stress, tức giận… nhịp đập của tim sẽ tăng lên, mạch máu sẽ co thắt lại và hậu quả làm cho huyết áp tăng. Khi gặp bác sĩ, thầy thuốc là người thường mặc áo choàng trắng, nhiều người bệnh đã bị tăng huyết áp một cách tự nhiên. Hội chứng này được biết đến như là một tình trạng tăng huyết áp giả tạo do bệnh nhân cảm thấy quá lo lắng và căng thẳng. Thuật ngữ “Hội chứng áo choàng trắng” ” (White coat syndrome) được sử dụng để chỉ các trường hợp này. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng mối liên quan giữa hội chứng áo choàng trắng và nguy cơ bị cao huyết áp thực thụ rất thấp nên ít được đánh giá và theo dõi một cách thường xuyên, đầy đủ. Vì vậy, thuật ngữ “tăng huyết áp áo choàng trắng” (White coat hypertension) được sử dụng để chỉ tình trạng tăng huyết áp do bệnh nhân hồi hộp, sợ hãi, lo lắng, bị stress... trong môi trường bệnh viện, phòng khám bệnh khi thấy bác sĩ, thầy thuốc mặc áo choàng trắng. Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng thường thể hiện chỉ số huyết áp cao tại phòng khám bệnh hay bệnh viện nhưng lại bình thường khi đo huyết áp ở các môi trường và thời điểm khác. Hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng này cũng thường thấy trong thực tế lâm sàng và chiếm khoảng gần 20% các trường hợp. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường Đại học Milan, Italia ghi nhận những người bị hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng” sẽ có nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp cao gấp 2,5 lần so với những người bình thường. Một số người bệnh có dấu hiệu tăng huyết áp thường xuyên khi được đo huyết áp tại bệnh viện hoặc phòng khám bệnh, trong khi đó nếu đo huyết áp hàng ngày tại nhà hoặc đo huyết áp trong 24 giờ thì lại bình thường. Phương pháp đo huyết áp trong 24 giờ còn gọi là Holter huyết áp hay đo huyết áp lưu động 24 giờ. Phương pháp đo huyết áp đặc biệt này áp dụng cho bệnh nhân trong suốt 24 giờ và được thực hiện bằng máy đo đeo vào người của bệnh nhân để đo huyết áp ở tay trái người bệnh mỗi 15 đến 30 phút 1 lần vào ban ngày và mỗi 30 đến 60 phút 1 lần vào ban đêm. Máy sẽ tự động ghi lại các chỉ số huyết áp để bác sĩ kết luận bệnh nhân có bị tăng huyết áp thực sự hay không. Phương pháp đo này nhằm xác định tình trạng tăng huyết áp áo choàng trắng hay tăng huyết áp thực sự. Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và ghi nhận tỷ lệtăng huyết áp áo choàng trắng chiếm khoảng từ 10 đến 30%; một tỷ lệ không nhỏ trên đối tượng tăng huyết áp. Tăng huyết áp áo choàng trắng có thể là khởi đầu của tăng huyết áp thực sự và có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Nghi ngờ tăng huyết áp áo choàng trắng khi huyết áp đo tại bệnh viện, phòng khám bệnh tăng hơn mức bình thường hoặc có tình trạng kháng trị, tức là khi dùng liều thuốc hạ huyết áp tối ưu mà huyết áp không trở về mức bình thường và vẫn còn cao; trong khi đó không có tổn thương cơ quan đích. Những người tăng huyết áp tại bệnh viện, phòng khám bệnh đơn độc thường có bệnh tim mạch thấp hơn người có cả tăng huyết áp bệnh viện, phòng khám bệnh và tăng huyết áp trong 24 giờ. Chẩn đoán tăng huyết áp tại bệnh viện, phòng khám bệnh đơn độc khi huyết áp đo tại bệnh viện, phòng khám bệnh có chỉ số huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 140 mm Hg, huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mm Hg. Cần đo nhiều lần khi đi khám bệnh mặc dù trong khi đó huyết áp đo trong 24 giờ có chỉ số huyết áp tối đa dưới 125 mm Hg và huyết áp tối thiểu dưới 80 mm Hg. Nên thăm khám bệnh kỹ để tìm kiếm các yếu tố chuyển hoá như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hoá lipid máu... và tổn thương cơ quan đích như dày tâm thất trái, suy tim, suy thận, mờ mắt, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Sử dụng thuốc hạ huyết áp chỉ nên áp dụng khi có bằng chứng tổn thương cơ quan đích hoặc nguy cơ bệnh tim mạch cao. Việc thay đổi phong cách sống và theo dõi sát người bệnh nên được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân tăng huyết áp tại bệnh viện, phòng khám bệnh đơn độc chưa sử dụng thuốc hạ huyết áp. Xác định chính xác chỉ số huyết áp Để xác định chính xác chỉ số huyết áp của mình, người bệnh được khuyến cáo tự đo huyết áp ở tại nhà nhiều lần trong ngày bằng cách sử dụng máy đo huyết áp sau khi đã được bác sĩ, thầy thuốc hoặc cán bộ y tế hướng dẫn kỹ thuật cách đo một cách cụ thể. Người bệnh cần ghi lại chỉ số huyết áp đã đo được tại nhà để bác sĩ, thầy thuốc đối chiếu với huyết áp được đo ở bệnh viện hoặc phòng khám bệnh. Một số lời khuyên giúp chúng ta có thể biết được chính xác huyết áp của mình mà không bị ảnh hưởng bởi “hội chứng áo choàng trắng” là: - Nên thực hiện việc đo huyết áp tại nhà theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. - Không nên uống cà phê, hút thuốc lá, tập thể dục ít nhất 30 phút trước khi đo. - Không nên sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng huyết áp trước khi đo như các loại thuốc xịt làm giảm chảy nước mũi. - Nếu sử dụng máy đo huyết áp tự động như máy đo huyết áp điện tử, nên kiểm tra thiết bị máy trước khi đo và thực hiện đúng theo hướng dẫn cách đo của bác sĩ, thầy thuốc và nhà sản xuất máy. TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh (www.impe-qn.org.vn)

[In trang này ] [ Đóng ]

Từ khóa » Sợ đo Huyết áp