Thay Băng Vết Thương Nhiễm - Bệnh Viện Nhân Dân 115

Phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Nhân dân 115 xin giới thiệu tổng quan về kĩ thuật này.

I.MỤC ĐÍCH

-Ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn từ môi trường.

- Loại bỏ mô chết, chất tiết từ vết thương.

-Che chở hạn chế sự tổn thương thêm cho vết thương.

- Thấm hút các dịch tiết, giữ vết thương sạch, ẩm giúp vết thương mau lành.

II. CHỈ ĐỊNH

- Vết thương bị sưng tấy, đỏ và dính dịch tiết.

- Vết thương được tạo ra trong điều kiện không vô khuẩn như: tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp,…

III.CÁC BƯỚC CÔNG VIỆC

1. Chuẩn bị NB:

- ĐD mang khẩu trang đến kiểm tra số phòng, số giường, họ tên, tuổi NB.

- Báo và giải thích cho NB biết việc sắp làm.

- Quan sát và đánh giá tình trạng vết thương.

- Về phòng rửa tay thường quy/ sát khuẩn tay nhanh, soạn dụng cụ.

2.Chuẩn bị dụng cụ

*Dụng cụ vô khuẩn

-2 kềm kelly

-1 chén chum đựng dung dịch rửa vết thương.

- 1 chén chum đựng dung dịch sát khuẩn da.

- Gòn viên.

- Gạc miếng.

- Gòn bao dày mỏng tùy theo tình trạng vết thương (nếu cần).

- Dụng cụ băng vết thương tùy theo từng loại vết thương (nếu có).

- Chất trơn (nếu da xung quanh có rơm lở).

*Dụng cụ sạch:

- Mâm.

- Băng keo.

- Băng cuộn (nếu cần).

- Túi rác y tế.

- 1 đôi găng sạch.

- 1 kềm sạch gắp băng dơ.

- Tấm lót không thấm.

- Dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3. Tiến hành kỹ thuật:

- ĐD mang dụng cụ đến giường bệnh kiểm tra số phòng, số giường, họ tên, tuổi NB.

- Báo và giải thích lại cho NB biết việc sắp làm.

- Để mâm nơi thuận tiện, gần vết thương.

- Bộc lộ vùng vết thương (giữ cho NB được kín đáo và thoải mái).

- Đặt tấm lót không thấm phía dưới nơi vị trí vết thương.

- Rửa tay thường quy/sát khuẩn tay nhanh, mang găng tay sạch.

- Tháo băng dơ (bằng kềm sạch hoặc găng tay sạch), rửa lại tay (rửa tay thường quy/sát khuẩn tay nhanh nếu cần).

- Mở khăn mâm dụng cụ vô khuẩn.

- Lấy kềm vô khuẩn an toàn.

- Dùng kềm gắp gòn viên rửa bên trong vết thương: từ trong ra ngoài rìa (từ vùng trên cao xuống thấp, từ bên xa đến bên gần) với dung dịch rửa vết thương (tiếp liệu gòn khi rửa).

- Rửa vùng da xung quanh vết thương rộng ra ngoài 5 cm bằng dung dịch rửa vết thương.

- Dùng gạc miếng chậm khô bên trong vết thương (nếu cần).

- Lau khô vùng da xung quanh vết thương (nếu da bị rơm lở dùng gạc).

- Sát khuẩn vùng da xung quanh vết thương bằng dung dịch sát khuẩn da (nếu da không rơm lở). Trường hợp da xung quanh vết thương bị rơm lở, thoa chất trơn lên vùng da xung quanh.

- Đắp thuốc lên vết thương nếu có y lệnh.

- Đặt gạc, gòn bao hoặc băng sinh học che kín vết thương (rộng ra 3 - 5cm).

- Rút tấm lót ra.

- Tháo găng tay.

- Cố định băng bằng băng keo hoặc băng cuộn (nếu cần).

- Báo cho NB biết việc đã xong, cho người bệnh nằm lại tư thế tiện nghi.

4. Dọn dụng cụ:

- Thu dọn dụng cụ, xử lý chất thải lây nhiễm và đồ vải đúng cách.

- Rửa tay thường quy/ sát khuẩn tay nhanh

5. Ghi hồ sơ:

- Ngày, giờ thay băng.

- Tình trạng vết thương.

- Dung dịch sử dụng để rửa vết thương đã dùng, thuốc đắp lên vết thương (nếu có).

- Loại băng dùng trên vết thương (nếu có).

- Các can thiệp trên vết thương nếu có: cắt lọc mô chết,....

- Phản ứng của NB (nếu có).

- Tên ĐD thực hiện.

IV.AN TOÀN NGƯỜI BỆNH

1. Các nguy cơ tai biến, cách phòng ngừa và xử trí khi tai biến xảy ra:

STT

TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG

PHÒNG NGỪA

XỬ TRÍ

1

Nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng vết thương .

-Mỗi mâm thay băng chỉ dùng riêng cho một người bệnh.

-Dinh dưỡng: cho NB ăn đầy đủ chất, uống nhiều nước.

- Sát khuẩn vùng da xung quanh vết thương.

- Đặt gạc che kín vết thương theo quy định.

- Rửa vết thương đúng nguyên tắc từ trong ra ngoài,…

- Trên cùng một người bệnh, nên thay băng vết thương vô khuẩn trước, rồi đến sạch và nhiễm sau.

- Khi thay băng luôn quan sát, nhận định tình trạng vết thương.

- Thay băng đúng theo quy trình.

- Dinh dưỡng tốt cho NB.

- Báo BS và thực hiện theo y lệnh.

- Quan sát, nhận định vết thương trong khi thay băng để đánh giá tiến triển của vết thương.

2

Nguy cơ tạo vết thương mãn do tổn thương mô.

- Tránh xử lý thô bạo.

- Chăm sóc nhẹ nhàng, tránh gây đau, chảy máu.

- Sử dụng dung dịch rửa vết thương phù hợp, dung dịch rửa vết thương tốt nhất là NaCl 0,9%.

- Tránh để cồn dính vào trong mô của vết thương trong khi sát khuẩn vùng da chung quanh vết thương.

- Làm ướt miếng băng trước khi bóc ra để tránh làm tổn thương niêm mạc vết thương.

- Dùng các băng sinh học (gạc betadine…) để che chở vết thương, giúp hạn chế việc tổn thương mô khi thay băng.

- Dinh dưỡng tốt cho NB.

3

Tổn thương vùng da xung quanh vết thương.

- Khi tháo băng keo nhẹ nhàng tránh làm tổn thương da.

- Sát khuẩn da đúng cách.

- Giữ vùng da chung quanh vết thương được sạch và khô ráo.

- Thay băng ngay khi dịch thấm ướt băng tránh tình trạng dịch thấm ra ngoài da gây kích ứng da.

- Rửa vết thương đúng theo quy trình.

- Thoa chất trơn lên vùng da xung quanh.

2.Đảm bảo an toàn cho người bệnh :

- Áp dụng kỹ thuật vô khuẩn hoàn toàn trong khi thay băng.

- Luôn luôn quan sát, nhận định tình trạng vết thương trong khi thay băng.

- Rửa vết thương theo trình tự: từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ bên xa đến bên gần để tránh làm nhiễm lại vùng đã rửa.

- Nếu vết thương quá dơ, rửa bên ngoài trước nhưng phải thay kềm khi rửa bên trong vết thương.

- Băng thấm ướt nhiều dịch phải thay ngay tránh rơm lở da.

- Cắt lọc nếu vết thương có nhiều mô hoại tử.

- Ứng dụng máy hút chân không (VAC) hoặc các băng sinh học giúp vết thương mau lành.

- Che vết thương đủ kín.

- Hướng dẫn NB chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp với bệnh lý.

IV.BẢNG KIỂM LƯỢNG GIÁ DỰA THEO CHUẨN NĂNG LỰC

TT

NỘI DUNG

ĐIỂM CHUẨN

TIÊU CHUẨN LƯỢNG GIÁ

1

Giao tiếp hiệu quả với người bệnh: lời nói, cử chỉ động viên khuyến khích người bệnh, thông báo, giải thích việc sắp làm (TCNL: 10; 11)

5

- ĐD tự giới thiệu. Báo và giải thích rõ mục đích của kỹ thuật, những yêu cầu hỗ trợ từ NB, những can thiệp trên NB trước khi thực hiện kỹ thuật thay băng vết thương cho NB hiểu và hợp tác.- Luôn giải thích từng bước của kỹ thuật cho người bệnh yên tâm trong lúc thực hiện kỹ thuật.- Nói chuyện, trấn an và quan sát sắc diện người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.

2

Nhận định tình trạng người bệnh - chuẩn bị dụng cụ phù hợp (TCNL: 1; 2)

5

- Nhận định NB: tuổi, tổng trạng, thân nhiệt, dinh dưỡng, bệnh lý kèm theo, thuốc sử dụng.- Nhận định tình trạng vết thương: vị trí, loại vết thương, nguyên nhân gây ra vết thương, thời gian xảy ra, tình trạng nền vết thương: màu sắc, sưng, nóng, đỏ, đau, có lỗ dò/đường ngầm. Số lượng, màu sắc, tính chất dịch tiết, tình trạng da xung quanh vết thương.- Tùy theo tình trạng vết thương, lựa chọn loại băng phù hợp, kiểm tra dụng cụ đầy đủ, chuẩn bị sẵn sàng trong việc thực hiện kỹ thuật.

3

Thực hiện kỹ năng theo đúng quy trình, an toàn và thoải mái cho NB (TCNL: 5.2; 5.3;6)

25

- Bộc lộ vết thương an toàn (tháo băng dơ).

5

- Thao tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương bề mặt vết thương và vùng da xung quanh.- Tạo tư thế NB an toàn, thoải mái, kín đáo trong suốt quá trình thay băng.

Mở mâm dụng cụ đúng cách, lấy kềm an toàn.

5

- Mở mâm dụng cụ an toàn, không phạm vào vùng vô khuẩn của mâm/làm nhiễm các dụng cụ vô khuẩn.

Chăm sóc vết thương đúng kỹ thuật:

- Rửa bên trong vết thương.

- Dùng gạc chậm khô vết thương.

- Sử dụng dung dịch phù hợp, không kích thích mô của vết thương.- Tiếp liệu gòn phù hợp: kềm tiếp liệu luôn để cao hơn kềm chăm sóc, tiếp liệu phía trên túi rác/giấy lót. Giấu mũi kềm trong gòn, không để chạm hai mũi kềm với nhau.- Thao tác đủ mạnh, nhẹ nhàng tránh tổn thương mô.- Dùng gạc chậm khô, không để rớt lại tơ gòn/gạc bên trong vết thương.

- Tuân thủ nguyên tắc: trong ngoài, trên dưới, xa gần.

Chăm sóc vùng da xung quanh vết thương đúng cách:

- Rửa vùng da xung quanh vết thương.

-Lau khô.

- Sát khuẩn vùng da xung quanh vết thương.

5

- Sử dụng dung dịch phù hợp có tác dụng sát khuẩn da.

- Tiếp liệu gòn phù hợp:kềm tiếp liệu luôn để cao hơn kềm chăm sóc, tiếp liệu phía trên túi rác/giấy lót. Giấu mũi kềm trong gòn, không để chạm hai mũi kềmvới nhau.

- Thao tác đủ mạnh, nhẹ nhàng tránh tổn thương vùng da xung quanh.

- Chậm khô, không để rớt lại tơ gòn/gạc bên trong vết thương.

- Không để dung dịch sát khuẩn dính lên mô vết thương/vùng da bị rơm lở.

- Tuân thủ nguyên tắc: trong ngoài, trên dưới, xa gần.

- Rửa/sát khuẩn da đủ rộng (5 cm)

Che chở vết thương và cố định băng an toàn, đúng cách:

- Đắp gạc che kín vết thương.

- Cố định bông băng.

5

- Sử dụng bông băng che chở phù hợp tùy theo tình trạng diện tích và dịch tiết của vết thương.

- Giữ cho mặt bông băng vùng tiếp xúc với vết thương được vô khuẩn.

- Băng kín, đủ rộng phủ choàng ra ngoài rìa vết thương 3 - 5 cm.

- Sử dụng băng cố định bông băng chắc chắn, thẩm mỹ, vừa đủ cố định để hạn chế tổn thương vùng da xung quanh/dị ứng.

- Thao tác nhanh, nhẹ nhàng, tránh phơi bày vết thương quá lâu.

4

Tuân thủ các qui định về vô khuẩn, tạo sự an toàn và thoải mái và kín đáo cho NB trong suốt quá trình thực hiện kỹ năng (TCNL: 5.1; 6.3).

5

- Không vi phạm 1 trong các bước quan trọng (bôi đen).

- Áp dụng nguyên tắc vô khuẩn ngoại khoa khi thực hiện kỹ thuật. Nếu sai phạm phải có ý thức xử lý.

5

Thiết lập môi trường chăm sóc an toàn và hiệu quả, tuân thủ các yêu cầu về phòng chống nhiễm khuẩn và xử lý chất thải, dụng cụ và rác đúng quy định, thu dọn dụng cụ đúng cách (TCNL: 6.3; 20.1; 20.2; 20.4)

5

- Mang dụng cụ bảo hộ đúng cách và đúng lúc: vệ sinh tay, mang găng tay, khẩu trang khi thay băng, tháo găng tay khi không còn nguy cơ lây nhiễm.

- Rửa tay thường quy/ sát khuẩn tay nhanh đúng thời điểm: trước và sau khi thực hiện kỹ thuật.

- Xử lý chất thải đúng ngay tại nguồn: phân biệt được rác thải lây nhiễm và rác thải thông thường.

- Thu dọn dụng cụ tránh lây nhiễm cho môi trường xung quanh, cho NB và bản thân.

6

Đảm bảo chăm sóc liên tục: ghi hồ sơ cụ thể, chính xác và đúng theo qui định của BYT (TCNL: 8; 16)

5

- Ghi hồ sơ đầy đủ nội dung yêu cầu: ngày giờ thay băng; tình trạng vết thương, dung dịch, loại băng sử dụng, thuốc đắp lên vết thương (nếu có), phản ứng của NB, nội dung giáo dục cho NB và thân nhân trong việc giúp cho vết thương mau lành, tên người thực hiện.

TỔNG CỘNG

50

V.BIỂU MẪU ÁP DỤNG

TT

Tên biểu mẫu

Mã số

Thời gian lưu tối thiểu

Nơi lưu

1

Phiếu chăm sóc

09/BV - 01

10 -20 năm

Kho HSBA

2

Phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh

Không mã hóa

10 -20 năm

Phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Nhân dân 115

Từ khóa » Cách Thay Băng Vết Thương Nhiễm Khuẩn