Thế Chiến Thứ Hai Trong 1 Cuốn Sách - Tuổi Trẻ Online

Thế chiến thứ hai trong 1 cuốn sách - Ảnh 1.

Ảnh: DIỆU LINH

Một nghìn hai trăm trang khổ lớn với rất nhiều bản đồ, ảnh tư liệu là số trang "khủng" với một cuốn sách. Nhưng với một chủ đề đồ sộ như Thế chiến hai, cuốn sách của Beevor vẫn chỉ là một bản tóm tắt về giai đoạn lịch sử với mọi cung bậc bi tráng hào hùng được đẩy lên tới cực độ này.

Và đây cũng là lần đầu tiên một cuốn sách tóm lược toàn bộ Thế chiến thứ hai có hệ thống, cuốn sách được vô vàn độc giả say mê tìm hiểu về cuộc chiến kinh hoàng này mong đợi đã lâu, được xuất bản bằng tiếng Việt.

Được xuất bản lần đầu vào năm 2012, Thế chiến thứ hai có lẽ là thử thách lớn nhất mà Anthony Beevor - một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong số các tác giả đại chúng về thời kỳ Thế chiến thứ hai - đặt ra cho bản thân để chinh phục chủ đề ưa thích trong sự nghiệp viết sách của mình.

Ngôn ngữ súng đạn - thời của thế chiến

Không thử thách kiên nhẫn với các độc giả muốn được đọc ngay về các biến cố hấp dẫn của cuộc thế chiến bằng màn khởi đầu quá dài dòng, tác giả chỉ cung cấp một phần dẫn nhập ngắn để đem đến cho những độc giả còn xa lạ với Thế chiến thứ hai một diễn giải về căn nguyên cuộc chiến, để rồi bắt đầu ngay chương 1 với những biến cố diễn ra ngay sát thời điểm ngày 1 tháng 9 năm 1939 - ngày vẫn được đa số thừa nhận là ngày mở đầu của Thế chiến thứ hai.

Những biến cố đó là câu chuyện về trận Khalkhin Gon - trận đánh đã có ý nghĩa quyết định đến diễn biến sau này của cuộc chiến tại mặt trận châu Á - Thái Bình Dương, cũng như những toan tính ngoại giao và chuẩn bị quân sự ngấm ngầm diễn ra sôi sục tại châu Âu sau sự kiện Tiệp Khắc bị Đức và các nước láng giềng xâu xé lãnh thổ trong những tháng đầu năm 1939.

Lần đầu tiên kể từ khi "Cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến" kết thúc, một quốc gia có chủ quyền nằm giữa châu Âu bị xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ bởi một quốc gia khác trong khi những nước châu Âu còn lại nếu không khoanh tay đứng nhìn hay phản đối lấy lệ bằng lời suông thì lại xông vào cùng xâu xé đất nước trong cơn nguy khốn đó. Tiền lệ xấu này cho thấy súng đạn sắp sửa trở thành ngôn ngữ chính thức của thời kỳ sắp tới - thời của thế chiến.

Chương 2 cho tới chương 50 của Thế chiến thứ hai được Anthony Beevor dành để tường thuật lại diễn biến của cuộc chiến từ ngày 1 tháng 9 năm 1939, khi quân Đức tấn công Ba Lan, cho tới ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi Nhật Bản - thành viên cuối cùng của phe Trục - phải ký văn bản đầu hàng vô điều kiện trên thiết giáp hạm Missouri đậu ngay trong vịnh Tokyo.

Thảm kịch lớn trong lịch sử loài người

Để giúp độc giả dễ theo dõi diễn biến của sáu năm chiến cuộc với vô vàn biến cố trên chiến trường, trong ngoại giao và chính trị ở nhiều mặt trận khác nhau trải khắp địa cầu, Anthony Beevor đã ưu tiên lựa chọn cách tường thuật theo trình tự thời gian và khéo léo luân chuyển giữa các chiến trường, các chủ đề quan trọng, đảm bảo cho mạch tường thuật được liền lạc mà vẫn duy trì được cái nhìn tổng thể về diễn biến trên mọi chiến trường.

Từ mặt trận Xô - Đức tới Bắc Phi, Thái Bình Dương tới "mặt trận thứ hai" ở Tây Âu, từ những cuộc đấu xe tăng khổng lồ trên mặt trận Xô - Đức cho tới những cuộc đối đầu khốc liệt giữa hạm đội Nhật và Mỹ trên Thái Bình Dương, từ những đỉnh núi Kavkaz quanh năm tuyết phủ đến sa mạc Bắc Phi cằn cỗi..., cuốn sách kỳ vĩ của Anthony Beevor dẫn dắt độc giả tới những bối cảnh đa dạng khác nhau của cuộc xung đột vũ trang có quy mô lớn nhất và gây ra nhiều thiệt hại nhất trong lịch sử loài người.

Thế chiến thứ hai, không nghi ngờ gì nữa, là thảm kịch lớn hàng đầu trong lịch sử loài người và là một trang sử khủng khiếp đến nỗi sự ám ảnh về nó đủ để khiến mọi quốc gia trên thế giới thời hậu chiến phải suy nghĩ cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước mọi dấu hiệu dù nhỏ nhất của mỗi leo thang căng thẳng có thể dẫn tới chiến tranh.

Những bài học không bao giờ cũ

Những bài học về hậu quả bi kịch do tư tưởng cực đoan của giới cầm quyền tại các quốc gia phe Trục cũng như sự toan tính, do dự, thỏa hiệp với cái ác của chính phủ nhiều quốc gia khác trong thời kỳ trước chiến tranh gây ra sẽ không bao giờ là cũ và sẽ luôn là tấm gương soi chiếu để nhân loại cảnh giác, tỉnh táo trong hiện tại cũng như tương lai.

Ngoài những bức tranh đại cảnh lớn lao của chiến cuộc, độc giả sẽ tìm thấy trong những trang sách ngập tràn khói lửa của Beevor những nét điểm xuyết về số phận cá nhân con người, cả những người bình thường bị cuốn vào cơn cuồng phong chiến tranh một cách bất đắc dĩ đến những nhân vật đóng vai trò quyết định chiều hướng của cơn cuồng phong đó.

Có cả câu chuyện về kẻ bại lẫn người thắng, nhưng tựu trung lại sự hủy diệt, bi kịch luôn là âm hưởng chủ đạo. Và với một cuộc chiến khốc liệt như Thế chiến thứ hai, âm hưởng ấy lại càng dữ dội.

Đọc đến những phần cuối, độc giả cũng thấy được trong đoạn kết của Thế chiến thứ hai nỗi kinh hoàng chưa từng có tiền lệ từ sự hủy diệt của vũ khí phân hạch lần đầu tiên được sử dụng cũng như những mầm mống manh nha của Chiến tranh lạnh sẽ bao trùm thế giới trong phần lớn nửa sau của thế kỷ 20.

Không còn ai gọi Thế chiến thứ hai là "cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến" nữa. Loài người đã tỉnh giấc mộng hòa bình. Chấm dứt chiến tranh sẽ còn là một ước vọng khó lòng thành hiện thực trên toàn Trái đất ít nhất là trong một thời gian không ngắn nữa.

Song hành cùng những trang sách sinh động và cuốn hút, Thế chiến thứ hai còn được bổ sung 24 bản đồ về các chiến trường và trận đánh, chiến dịch then chốt của cuộc chiến cùng những trang ảnh tư liệu đương thời, những lát cắt, những khoảnh khắc của chiến tranh được lưu giữ cho hậu thế. Những tư liệu hình ảnh đó sẽ giúp người đọc mường tượng ra trọn vẹn hơn về sáu năm khói lửa đã cách xa chúng ta hơn bảy thập niên.

Sách do Omega+ và NXB Hà Nội ấn hành.

​Người phụ nữ biểu tượng của thế chiến thứ hai qua đời ​Người phụ nữ biểu tượng của thế chiến thứ hai qua đời

TTO - Bà Greta Friedman, người phụ nữ mặc đầm trắng được hôn bởi anh thủy thủ tại quảng trường Thời Đại, New York vào cuối thế chiến thứ hai, vừa qua đời ở tuổi 92.

Từ khóa » Thế Chiến Thứ 2 Tiếng Anh