The Cranes Are Flying – – Sự Kì Lạ Giữa Bài Hát Và Bộ Phim

Hôm nay mình xin phép …lấn sân Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, để kể câu chuyện lạ về một bài hát và một bộ phim Nga thời Sô Viết.

KHI ĐÀN SẾU BAY QUA

“The Cranes are flying” là một kiệt tác điện ảnh của nhân loại, nói về những khổ đau, mất mát ở hậu phương trong bối cảnh chiến tranh ở nước Nga thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Phim duy nhất của Liên Xô đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes lần thứ XI (năm 1958) giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (Tatiana Samoilova),

Nhân vật chính là Veronica, đã phải chia tay người yêu là Boris vì anh phải ra chiến trường.

Nhà bị bom phá hủy, thất lạc cha mẹ, Veronica phải ở tạm với gia đình Boris và cô đã bị Mark (một tên cơ hội và hèn nhát- là người em họ và bạn của hai người) cưỡng đoạt khi đang ở một mình với y trong lúc quân Đức ném bom.

Mọi người đều tin là Veronia đã phản bội Boris đang ở nơi chiến tuyến.

Boris bị bắn chết ở đầm lầy, khi đang cố gắng cứu một đồng đội bị thương. Tuy nhiên, người ta chỉ thông báo là anh đã mất tích. Và, dù đã phải kết hôn với Mark, Veronica vẫn chờ đợi Boris trong hy vọng mong manh, bởi Boris là người cô yêu và yêu cô duy nhất.

Veronia cuối cùng cũng được giải thoát khỏi Mark khi mọi người vạch trần chân tướng cơ hội của hắn.

Gia đình Boris hiểu và tha thứ cho Veronica, họ vẫn cho cô ở lại và đuổi tên Mark ra khỏi nhà.

Bộ phim kết thúc với cảnh Veronica một mình lao vào dòng người hân hoan trở về sau chiến tranh để cuối cùng chỉ tìm được một người bạn xác nhận rằng Boris đã hy sinh.

Bó hoa để chào đón Boris được Veronica chia cho nhiều người đang hạnh phúc trong sum họp. Cô không thấy đau khổ nữa khi nhìn lên bầu trời mùa xuân, đàn sếu đang bay về như hiện thân của những người lính đã vĩnh viễn nằm xuống vì đất nước, như một lần cô đã cùng Boris nhìn ngắm những đàn sếu bay về…

Bài hát “Đàn sếu”

Nhiều người lầm tưởng rằng bài hát “Đàn sếu” là ca khúc trong phim “Khi đàn sếu bay qua” nhưng không phải vậy.

Bộ phim sản xuất năm 1957, trong khi bài hát được phổ nhạc năm 1969. Do có sự tương đồng về chủ đề nên người ta làm đoạn video clip và sử dụng hình ảnh trong phim để minh họa.

Không nhiều người biết rằng, nguồn cảm hứng cho bài hát ấy là từ nước Nhật. Khi nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Daghestan là Rasul Gamzatov (nổi tiếng với tập thơ Daghestan của tôi) thăm đài tưởng niệm các nạn nhân Hiroshima, một bé gái Nhật Bản đã tặng ông một con sếu gấp bằng giấy . Hình ảnh những con sếu đã khiến ông liên tưởng đến những chiến binh tử trận. Và ông đã sáng tác bài thơ “Đàn sếu” bằng tiếng Alva- tiếng mẹ đẻ của ông, và nhà thơNaum Grebnhev đã dịch bài này sang tiếng Nga.

Dựa trên bài thơ, Mark Berne soạn lại lời và Yan Frenkel phổ nhạc. Bài hát “Đàn sếu” ra đời sau bộ phim 12 năm, nhưng hình ảnh của nó như minh họa cho bộ phim, không thể nào hay hơn thế.

Tôi cảm thấy đôi khi, những người lính Từ chiến trường đẫm máu chẳng quay về Không nằm xuống nơi lòng đất lạnh Mà hoá thành đàn sếu trắng bay đi…

Đàn sếu bay, từ thưở xa xưa ấy Đến bây giờ, cất tiếng gọi chúng ta Phải vì thế mà lòng thường buồn bã Ta lặng im nhìn về phía trời xa

Bay, bay mãi trời cao, đàn mệt mỏi Bay trong sương khi ngày đã tàn rồi Và trong đàn vẫn còn kia khoảng nhỏ Có lẽ là một chỗ để cho tôi.

Ngày sẽ đến, và tôi cùng đàn sếu Bơi đi trong mờ mịt của khói sương Từ trời cao, tôi sẽ cất tiếng chim Gọi tất cả mọi người nơi mặt đất

Tôi cảm thấy đôi khi, những người lính Từ chiến trường đẫm máu chẳng quay về Không nằm lại ở nơi lòng đất lạnh Mà hoá thành đàn sếu trắng bay đi…

(Lưu Minh Phương dịch)

Các bạn nghe clip “Đàn sếu” với hình ảnh minh họa của phim “Khi đàn sếu bay qua”. Một bài hát Nga quá hay và quá xúc động.

http://www.youtube.com/watch?v=yB1J7JBszys

Từ khóa » Phim Khi đàn Sếu Bay Qua Youtube