The Elder Scrolls V: Skyrim – Bài Cảm Nhận Muộn Màng

The Elder Scrolls V: Skyrim là tựa game ra mắt gần đây nhất của dòng TES được phát triển bởi Bethesda (hay với cái tên dân dã là Bê Tha). Game được ra mắt ngày 11/11/2011 (số đẹp đấy) và cũng là tựa game thứ 3 trong series TES giành được GOTY (all hail Todd Howard and his friends). Cốt truyện của Skyrim sẽ xoay quanh một anh chàng Dovahkiin (aka Đỗ Văn Kiên aka Dragonborn, người diệt rồng) đi diệt rồng Alduin cứu thế giới khỏi sự hủy diệt nhưng không bao giờ thành công vì trước khi tìm được con rồng mắc toi thì đã vớ phải một chục bug này bug nọ và hàng trăm vụ Crash to Desktop (CTD). (Đùa thôi <(“), mà cũng có thật đấy)

Ông này cũng có vài meme của riêng mình đấy UwU

Lần đầu tui biết đến Skyrim là lúc nó đang thành trend ở 1 “group game nào đấy” vào khoảng tầm 2017 (tức là 6 năm sau ngày ra mắt, 6 năm trời sống trong sự mù quáng). Lúc đầu nhìn người ta cũng bàn tán sôi nổi lắm nhưng có một suy nghĩ ngây thơ là “vì đấy là game trend nên chắc đòi cấu hình cao” nên cũng không tải về chi cả. Sau đấy cỡ nửa năm, lúc đã hết game chơi được trên con card onboard quèn Intel HD Graphics 3000 thì nhớ lại cái trend Skyrim lúc ấy, lọ mọ lên youtube tìm thông tin này nọ mới biết là laptop của tui chơi được con game huyền thoại này.

Và cái cú click download Skyrim đó đã gây nghiện cho tui tới tận 2 năm rưỡi đến khi tui có một con lap mới đủ để chơi những tựa game AAA khác mà tui hằng muốn chơi. Nhưng mà thật sự, tui khá chắc rằng tui đã bỏ ra không dưới 2000h để chơi Skyrim, trong đó có 300h chơi vanilla (game không có mod) và phần còn lại đắm chìm trong mod để rồi sa lầy thêm vào vũng bùn.

Lúc tui chơi thì cũng tầm tầm thế này, nhiều chi tiết hơn tí và cũng nhiều răng cưa hơn

Lúc còn chơi trên cái laptop Intel 3000 kìa, tui đã phải giảm graphic xuống hết cỡ (800×600 + lowest setting) thì mới chạy được tầm 25FPS. Nhưng mà 300h sau đó đã chứng tỏ việc này là xứng đáng bởi vì lần đầu tiên tui được chơi 1 con game RPG góc nhìn thứ ba (hoặc gọi góc nhìn thứ nhất cũng được) và nó quá hay đi. Tui là một người chơi game vì story của game, hoặc là gameplay phải đủ hay để “lấn át” phần story kinh khủng của nó. Và Skyrim chính là một tựa game như vậy, mặc dù có một cái cốt truyện khá là tệ, nhưng hệ thống alchemy, enchanting, magic và cảm giác roleplay hoàn toàn đè bẹp cái story chán chường đó làm tui mù quáng đến mức có lúc tui chỉ muốn chìm đắm trong Skyrim, coi nó như là thế giới thực và mọi điều tệ hại ở cuộc sống thật chỉ là một giấc mơ :v

Khởi đầu của game, chúng ta sẽ hóa thân vào một tù nhân bị bắt vì lén trốn qua biên giới và bị áp giải cùng với một thằng trộm ngựa và vài bọn Stormcloaks (phe “khởi nghĩa”) và thủ lĩnh Ulfric Stormcloak aka Jarl (giống lãnh chúa) của thành phố Windhelm. Sau đó chúng ta sẽ được phép “sửa” gương mặt của mình hàng giờ đồng hồ, chọn lựa giữa 10 race khác nhau trước bọn Imperial (phe “chĩnh nghĩa”); và chỉ vì bị bắt cùng Stormcloak, ta bị xử tử cùng lũ này luôn. End game.

Có cả 1 meme về việc tạo nhân vật trong Skyrim…

Just Kidding. Sau đó ta sẽ được Alduin ngẫu nhiên “cứu” (vâng chính là con rồng bạn phải diệt để cứu thế giới) trong cuộc raid của nó. Sau đó chúng ta sẽ thoát ra cùng với Stormcloak hay Imperial tùy sự lựa chọn. Và sau đó nữa là một cuộc hành trình dài đằng đẵng đến với Alduin mà tui bị ngăn cản bởi bọn bandit, necromancer, các faction quest, side quest và cả chục bug, CTD (game của Bethesda thì đây là lẽ thường luôn).

Rồng Alduin “cứu” đối thủ truyền kiếp của mình. Rất “fair-play”

Tới đây bạn sẽ tự hỏi “làm thế quái nào mà yêu được một tựa game một đống bug?”. Tui sẽ trả lời: “Tui cũng không biết tại sao.” Thực sự phần gameplay của TESV nó “hút” mạnh quá, nó “hút” mạnh đến nỗi tui không màng bug, không màng CTD, không màng đến cả con số 25fps cùng hình ảnh xấu tệ hại đầy răng cưa để rồi ngày đêm đều chơi Skyrim, hóa thân thành nhân vật mình tạo ra đi phượt khắp Skyrim. Chính sự sáng tạo của Bethesda trong việc đa dạng hóa phong cảnh trong Skyrim cũng là một nguyên nhân rất lớn khiến tui yêu tựa game này. Chúng ta có một rừng lá vàng vùng the Rift, đồng bằng vùng Whiterun, rừng thông vùng Falkreath, những rặng núi đá ở the Reach, một phong cảnh toàn băng tuyết của the Pale và Winterhold, vùng đầm lầy ẩm ướt ở Hjaalmarch và rặng núi tuyết của Haafingar. Cùng vô số ổ bandit, necromancer, ruin và hàng chục các thứ khác làm tui chìm đắm trong Skyrim mà không biết chán.

Rừng ở vùng The Rift đã được tui mod lên cho đặc sắc.

Nordic Ruin

Ngoài ra với tui, dù game không có DLC NG+ nhưng game vẫn có giá trị chơi lại rất cao vì… lí do gì tui cũng không biết. Thật sự game chỉ được cái nhiều quest chứ đa phần các quest đều chỉ có một ending hoặc là 2 ending nhưng cũng rất đơn giản và vô vị. Tui thú thật chứ tui cam đoan 2000h của tui cũng không có dưới 15 lần new game, trong đó có 2 lần xong main quest, 2 lần xong DLC Dawnguard và 1 lần xong DLC Dragonborn vì… quá nhiều side quest, các quest do tui mod hoặc chưa chơi tới thì đã dính bug không-thể-fix. Mỗi lần save tui lại thử trải nghiệm 1 lối chơi khác nhau. Có lúc thì stealth archer, lúc 1 sworld 1 shield, lúc thì chơi kiểu destruction mage, hay là illusion mage no kill, dual sword, vân vân và mây mây. Có rất nhiều nhánh để nâng cấp, và từ đó dẫn ra nhiều class khác nhau. Ngoài ra còn có hệ thống alchemy: cắn nguyên liệu từ hoa, nấm đến ngón chân, tim người để tìm hiệu ứng của nó rồi sau đó đem đi làm thuốc; hệ thống enchanting để cường hóa đồ vật với các hiệu ứng ma thuật khác nhau; smithing để chế tạo vũ khí/giáp bằng các nguyên liệu từ những cuộc săn bắn, vân vân và mây mây.

Enchanting Table – Bàn cường hóa giáp/vũ khí/trang sức trong Skyrim

Và lí do cuối cùng trong bộ ba lí do chính mà tui yêu Skyrim cũng như toàn bộ series TES: lore. Thật sự mà nói, lore của cả vũ trụ TES theo tui nghĩ thì chắc là bộ lore đồ sộ nhất lịch sử ngành game rồi. Chúng ta có câu chuyện về trận chiến giành gái (tên là Nir) của 2 anh em Anu (tượng trưng cho trật tự) và Padomay (tượng trưng cho hỗn loạn), và trải qua abcdxyzt (quá trình này vô tình giết chết Nir) mà hình thành ra vũ trụ Aurbis aka Nir(yup, được đặt tên theo người con gái mà cả 2 anh em đều yêu). Chúng ta có câu chuyện về Lorkhan lừa các vị thần để tạo ra Mortal Plane (Nirn). Và thậm chí ta còn có cả câu chuyện Tam Quốc phiên bản Tamriel: diễn ra giữa 3 thế lực là Ebonheart Pact, Daggerfall Covenant và First Aldmeri Dominion (mà ai sở hữu TES Online sẽ được trải nghiệm rõ hơn) và vô vàn những câu chuyện khác như sự biến mất của tộc Dwemer vì ăn phải zero-sum (có chú thích ở cuối bài viết), chuyện Ygsramor dẫn 500 anh em từ Atmora qua Skyrim báo thù Snow Elves và chiếm lấy Skyrim, hay như chuyện Empire chống lại Fourth Aldmeri Dominion và ba chấm. Thực sự lore của dòng game The Elder Scrolls rất là khủng, và điều đó tạo nên cái chất rất riêng, làm game dường như có chiều sâu hơn, và giúp tui yêu TES nhiều hơn.

Lorkhan’s Heart – sau khi biết bị Lorkhan dụ, các Aedra đã lấy tim của ông như sự trừng phạt và cố gắng hủy nó nhưng không thành, đành chôn vùi nó trong Mundus (cõi trần) do chính ông gián tiếp tạo ra.

Và để tô đậm hơn Skyrim nói riêng, Bê Tha đã thả ra bộ Creation Kit để game thủ mặc sức tung hoành, tô thêm những nét màu độc đáo cho Skyrim, giúp Skyrim trở thành một tựa game “bình cũ rượu mới”. Đối với tui mà nói, nếu bạn có sử dụng mod cho Skyrim, bạn sẽ khó mà hoàn thành được main quest và 2 cái DLC của nó. Mod ở đây có rất nhiều loại khác nhau, mod tăng đồ họa cũng có, mod thêm nhiệm vụ mới, mod thêm các loại magic mới, mod thêm vào game các yếu tố survival, và sắp tới đây ta còn sẽ được chu du Morrowind và Oblivion – 2 bản “remastered” của TES III: Morrowind và IV: Oblivion dựa trên đồ họa của Skyrim. Với đầy đủ hội thoại, nhiệm vụ, nhân vật hứa hẹn đem lại một trải nghiệm đầy đủ và hoàn chỉnh nhất để game thủ trải nghiệm. Và tất cả điều này được thực hiện bởi cộng đồng modders!!!

Bộ công cụ thần thánh giúp đỡ cho các modder rất nhiều

Mặt khác, cái giá phải trả của bạn khi muốn “hô biến” Skyrim bằng mod là bạn ăn nhiều CTD hơn (bug thì đã ít hơn nếu bạn cài mod). Nhưng mà với người chơi lâu năm như tui, việc chơi 1 cái save tới 200h rồi gặp bug không-thể-fix đến nỗi phải new game thì cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Điều này gián tiếp tạo cho các bạn cảm giác “mình nhất định phải phá đảo game này” và chắc chắn các bạn khó mà cảm nhận được cảm giác trống rỗng khi phá đảo game vì… có hoàn thành được đâu mà trống!

Nói vậy thôi, tui thật sự khuyên bạn nên trải nghiệm thử Skyrim đã được mod thử một lần. Có thể nói không ngoa rằng, Skyrim chính là một sự lựa chọn hấp dẫn nếu bạn đang hằng mong muốn tìm một tựa game theo ý thích của mình. Bạn muốn sinh tồn kinh dị? Check. Bạn muốn mình là bá chủ thiên hạ với cây kiếm lòe loẹt mười mấy ngàn damage? Check. Bạn muốn bắn chưởng tung tóe? Check. Bạn muốn những trận đánh vạn người? Check. Bạn muốn game Turn-Based hay xây dựng thành phố? Check. Bạn muốn thành Geralt? Check luôn. Bạn muốn Tán gái? “Quệt” dạo? Check hết. Hay nếu bạn chỉ đơn giản muốn làm một người bình thường như thợ săn? Lái buôn? Ăn xin? Nhà giả kim? Đầu bếp?… Mọi thứ đều có thể được hiện thức hóa bởi mod, giúp Skyrim trở thành ngôi nhà thứ 2 đúng nghĩa của bạn. Và yên tâm bởi vì đa số mọi thứ bạn tưởng tượng ra đều đã được hiện thực hóa bằng modding community của Skyrim (trừ khi bạn tưởng tượng cao và xa quá, ví dụ toàn bộ NPCs đều xài súng chẳng hạn). Tui nói như vậy bởi vì chỉ mới gần đây thôi, đã gần 8 năm kể từ ngày game ra mắt, nhưng tui vẫn còn đang rất phấn khởi khi với sự xuất hiện của 2 mod mà tui đã chờ đợi từ lâu: Minimap (cái tên nói lên chức năng) và Destructible Skyrim (cho phép phá hủy đồ đạc trong Skyrim). Và chỉ với sự xuất hiện này thôi cũng đã đủ để giúp tui củng cố niềm tin của tui đối với việc Skyrim sẽ còn hot trong ít nhất 2, 3 năm tiếp theo.

Và dĩ nhiên không thể không kể đến các mod đồ họa…

Và giờ, sau một bài review dài về một tựa game 8 năm tuổi, tui muốn kể cho mọi người nghe về Skyrim “của tui” mà tui đã mod – “hô biến” Skyrim thành một tựa game giống như Kingdom Come: Deliverance ver2.0. Để hình dung, bạn sẽ không có sức mạnh vượt trội gì cả, bạn chỉ là một thằng dân thường yếu hơn cả con sói ngoài đường, vô tình bị gọi là Dovahkiin và phải luyện tập CỰC KHỔ mới có thể diệt rồng. Bạn phải chặt củi, nhặt rau thuê, đưa thư, lụm rác bán để dành dụm từng cắc một để đi tìm trainer (người luyện skill nhanh cho bạn, quan trọng là bạn phải có tiền) để nâng từng cấp độ một. Bandit thậm chí còn mạnh hơn bạn ở 10 cấp độ đầu tiên và thật sự: đâm đầu vào các ổ bandit ở các cấp độ này không phải là ý tưởng hay đâu. Và nếu bạn muốn ra ngoài đường tìm nguyên liệu về “cắn”, chế tạo potion/poison để bán lấy tiền thì cũng hãy cầu nguyện là bạn sẽ không đó một bầy sói lang thang nào đó, hoặc bão tuyết nổi lên bất ngờ và bạn chết vì lạnh. Bạn cũng cần phải ăn uống ngủ nghỉ để có thể sống sót. Tất cả chi tiết đều được tui mod trở nên thật hơn và tốt hơn so với phiên bản TESV do Bethesda phát hành (và khổ dâm hơn trước). Tui thực sự yêu “thế giới thứ 2” của mình và tui dám chắc chắn rằng sau hành trình dạo chơi game AAA của mình, tui – sẽ một lần nữa – quay trở về ngôi nhà trong Skyrim của tui, nơi mà tui vẫn còn một người vợ và 2 đứa con nuôi (dù là ảo) ngày đêm chờ đợi Đỗ Văn Kiên quay lại từ các hầm ngục tăm tối, những trận chiến ác liệt về nhà sum vầy cùng gia đình.

Whiterun (nhà của tui ở đây nè)

Chú thích:

-Zero-sum: Thực ra toàn bộ vũ trụ TES là GIẤC MƠ của một người gọi là Godhead (hay Todd Howard, nhưng cũng có thể hiểu là bất kì ai trong chúng ta). Và hầu hết cư dân của Nirn (nơi các chủng tộc sinh sống) đều không nhận thức được đều này, kể cả các vị thần như Daedra hay Aedra. Chỉ có vài cá thể biết được mình thực sự đang ở trong giấc mơ và điều này dẫn tới 2 kết quả:

  • CHIM: Là cảnh giới trên cả Anu và Padomay, có thể nhận biết mình đang ở trong giấc mơ và tiếp tục tồn tại, thậm chí đạt đến cảnh giới cao hơn là thoát ra khỏi giấc mơ để trở thành một godhead thứ 2. Talos và Vivec là 2 người đạt được CHIM mà tui biết
  • Zero-sum: Khi nhận biết được mình trong giấc mơ, đa phần họ sẽ dẫn tới kết quả này nhiều hơn CHIM. Dẫn đến bị mâu thuẫn giữa việc “tôi tồn tại” và “tôi không tồn tại” cùng một lúc và bị biến mất hoàn toàn khỏi giấc mơ. Quay trở lại tộc Dwemer, họ có khả năng liên kết nhận thức của toàn bộ cá thể Dwemer trong 1 thế giới lại với nhau. Và khi tộc Dwemer nghịch ngu trái tim của Lorkhan, cả tộc đều nhận thức được mình đang ở trong giấc mơ và dẫn tới kết quả toàn bộ đều bị tan biến. Duy chỉ có 1 pháp sư Dwemer tài ba có khả năng di chuyển giữa các thế giới là Yagrum Bagarn khi đó đang ở một thế giới khác (Oblivion) thì vẫn còn sống. Ông có xuất hiện ở phần TES3: Morrowind.

P/S: Khuyến khích cực mạnh nếu ai đang muốn giết thời gian thì hãy tìm đọc bộ lore của The Elder Scrolls.

Bài viết có tham khảo đoạn thông tin về Godhead, CHIM và Amaranth từ bạn Cao Nguyễn Hải Duy

Từ khóa » Trò Chơi Skyrim