Thế Giới Ngầm Trong Bán độ Bóng đá: Những Kẻ "bán Linh Hồn" Cho ...

Mua và bán độ hay dàn xếp tỷ số là thứ ung nhọt khiến một nền bóng đá suy kiệt. Lý do trước nhất? Dĩ nhiên là tiền!

Kẻ mua độ không ngoài mục đích thắng cược. Kẻ bán độ cũng nhằm kiếm được món lợi cao hơn nhiều so với thu nhập. Tại những nơi bóng đá càng thiếu chuyên nghiệp và tổ chức, nạn mua bán độ càng hoành hành.

Chỉ với một lần bán độ, các cầu thủ có thể kiếm được số tiền gấp 10 lần so với thu nhập bọt bèo từ bóng đá. Đừng nghĩ cầu thủ nào cũng nhận mức lương triệu phú như Messi hay C.Ronaldo. Và nên nhớ, sự nghiệp cầu thủ bóng đá chỉ kéo dài 10 năm.

Nhưng, nếu so số tiền bất chính này với cả danh tiếng và sự nghiệp thì quả thực vô cùng khiêm tốn. Thậm chí, số tiền bán độ trông thật nực cười khi bị phanh phui. Chính bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến nỗi đau như thế…

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 1

Tháng 2/2012, Lee Wai Lim bị cấm thi đấu vĩnh viễn, phạt tiền và kết án 180 giờ lao động công ích vì hành vi gian lận hoặc cố tình thay đổi kết quả hai trận giao hữu của CLB chủ quản, với giá 10.000 đô-la Hong Kong, tương đương 30 triệu đồng theo thời giá. Số tiền đó chỉ đủ để mua một chiếc iPhone 13 Pro Max hiện nay. Tương lai của một cựu "Cầu thủ xuất sắc nhất năm", một tuyển thủ Hong Kong (Trung Quốc), chỉ bằng một chiếc điện thoại.

Tuy nhiên, không chỉ Hong Kong, ở khu vực Viễn Đông hay châu Phi, các nền bóng đá còn kém phát triển, ngay cả những nền bóng đá phát triển vẫn xảy ra tình trạng mua bán độ một cách thường xuyên ở các giải đấu hạng dưới. Đức, Tây Ban Nha, Nga, Hà Lan v.v. và có lẽ ở mọi nơi khác. Bởi lẽ, ai quan tâm đến một trận giao hữu chuẩn bị cho mùa giải mới của "giải hạng lông"?

Trả lời: các nhà cái - đặc biệt là các trang cá cược trực tuyến - và khách hàng của họ, những người chơi cá cược. Trong trường hợp cụ thể này, những người chơi không mua độ để đảm bảo đội bóng yêu thích chiến thắng hay đạt được thành tích nào đó, như trụ hạng, thăng hạng hay vô địch. Kẻ mua độ chỉ với một mục đích duy nhất là ăn tiền nhà cái, theo cách lừa đảo.

Thị trường mua bán độ này rộng lớn hơn nhiều so với những gì có thể mường tượng. Theo tính toán của Teve Menary, nhà báo đồng thời là nhà nghiên cứu hiện trạng mua bán độ, từ 6-14% các trận đấu bóng đá "lên sàn" trên các trang web cá cược là giao hữu.

Giới thiệu thêm, ông Menary là người khởi xướng và điều phối dự án nghiên cứu về hiện tượng thao túng các trận đấu của chương trình Erasmus +. Chuyên gia người Anh quốc này đã dành hơn 3 năm để điều tra việc gian lận ở các trận đấu giao hữu tại châu Âu, một cuộc điều tra mà ông đã trình bày kết luận tại hội nghị do FIFPro (Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới) tổ chức tại Amsterdam vào tháng 11 năm ngoái.

Trong hội nghị này, ngoài đơn vị tổ chức còn có sự hiện diện của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và Interpol, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế. Nhiệm vụ của Menary không hề đơn giản. "Khó khăn đầu tiên là chứng minh rằng một trận đấu có gian lận", ông chia sẻ với France Football. "Những thay đổi bất ngờ về tỷ lệ cược mà nhà cái đưa ra trong trận đấu là một chỉ dấu hữu ích, đôi khi xác định, nhưng cũng có thể gây hiểu lầm. Để chứng minh rằng có sự thao túng, bạn cần chứng cứ khác - lời khai, bản ghi âm các cuộc nói chuyện và lời thú tội".

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 3

Lee Wai Lim bị cấm thi đấu vĩnh viễn vì bán độ

Bất chấp độ khó của nhiệm vụ, Menary đã xác định được - từ biến động tỷ lệ cược trên thị trường kèo độ và lời khai của các chứng nhân - 257 trận giao hữu "đáng ngờ" diễn ra tại châu Âu từ năm 2016 đến 2020. "Bản đồ 'bán độ' xuất hiện trong hồ sơ của tôi không nên hiểu theo nghĩa đen", ông nói. "Chỉ vì bạn không thấy bất kỳ trận đấu đáng ngờ nào được liệt kê ở Pháp hoặc Anh không có nghĩa là những nơi này "sạch sẽ". Chúng tôi không thể kể xiết, xét về số trận mà chúng tôi đang đề cập".

Thực sự có hàng ngàn trận giao hữu giữa các CLB được đề cập ở đây. "Chỉ riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là thành phố Antalya, chúng tôi đang nói về 1.500 trận đấu đáng ngờ mỗi năm. Áo, điểm đến ưa thích của các đội bóng châu Âu vào mỗi mùa hè, có vài trăm trận. Làm thế nào để theo dõi tất cả những gì xảy ra, liên quan đến những con số như vậy?".

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 5

Trong một số nỗ lực, các đơn vị thu thập dữ liệu đã triển khai trinh sát của họ trên hầu hết các sân bóng tại châu Âu để cung cấp thông tin trực tiếp cho các trang web cá cược, không chỉ bàn thắng và thẻ phạt, mà còn cả số quả phạt góc và số lần phạm lỗi, đặc biệt là theo dõi những diễn biến đáng ngờ về tỷ lệ cược trên thị trường kèo độ và cảnh cáo cho các cơ quan chức năng - Ban tổ chức giải, Liên đoàn bóng đá quốc gia, UEFA - khi họ nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường.

Mỗi năm, hai trong số các đơn vị này, Starlizard và Stats Perform, xuất bản một báo cáo, trong đó họ đánh giá tỷ lệ các trận đấu "có vấn đề" xảy ra tại châu Âu. Trong năm 2017, tỷ lệ này là 1,2% đối với các trận giao hữu (so với 0,73% đối với các trận đấu chính thức, vốn được giám sát chặt chẽ hơn); năm 2018, tăng lên thành 2% (so với 0,61%), một xu hướng đáng lo ngại.

Rốt cuộc, gây sức ép với một người bạn sẽ dễ dàng và an toàn hơn nhiều việc dàn xếp cả hệ thống. "Các CLB không có nghĩa vụ phải thông báo cho Liên đoàn bóng đá chủ quản về việc họ ra nước ngoài thi đấu một trận giao hữu", một vị lãnh đội nói với Menary. "Các trận đấu chỉ được quảng cáo trên truyền thông để người ta có thể cá cược".

Đặt cược và giành chiến thắng, với số tiền không đáng kể: vào năm 2009, NK Travnik, một đội bóng hạng tư của Bosnia, đã tham gia 3 trận giao hữu với các đội bóng hạng nhất của Thụy Sỹ, thua Sion 1-4, thua Winterthur 1-7, và thua Neuchatel Xamax (2-3). Số tiền thắng cược của những kẻ mua độ (những kẻ đã bị bắt, xét xử và kết án sau cuộc điều tra của cảnh sát Đức) lên tới 300.000 euro, khoảng 8 tỷ đồng, sau khi đặt số tiền cược tương đương.

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 7

Trường hợp như Lee Wai Lim không phải là hiếm trong thế giới bóng đá.

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 9

Hơn nữa, tỷ lệ này chắc chắn đánh giá thấp tổng số trận đấu bị thao túng, dựa trên kết quả cuộc khảo sát do ông Menary tiến hành song song với sự hỗ trợ của FIFPro ở Serbia, Hy Lạp, Síp và Malta. 694 cầu thủ chuyên nghiệp đã tham gia với điều kiện giấu tên.

Tại Hy Lạp, 1/4 số cầu thủ tham gia cho biết họ đã được tiếp cận - thường xuyên nhất bởi một trong những HLV của họ, nhưng đôi khi cũng bởi trọng tài - với mục đích sắp xếp kết quả một trận giao hữu. 1/5 tham gia vào những trận đấu họ biết đã bị thao túng. Lời khai của những cầu thủ này cũng phản ánh sự đáng nguyền rủa của mặt tối bóng đá.

Đây là một trong số đó (nguyên văn được FIFPro và Menary thu thập trong quá trình điều tra): "Anh sẽ bị đe dọa nếu từ chối bán độ. Nếu anh tiếp tục nói không, anh sẽ bị thay bằng một thằng nhóc 17 tuổi hoặc một lão tướng, người sẽ xếp đặt việc bán độ".

"Chủ sở hữu CLB có một nhóm cầu thủ ông ấy cảm thấy tin tưởng. Giữa họ có thỏa thuận riêng. Tất cả những cầu thủ này đều là cựu binh. Họ không đoái hoài sự nghiệp nữa, họ chỉ muốn tiền".

"Tôi vào phòng vệ sinh trong giờ nghỉ giữa hai hiệp và họ khóa trái cửa. Tất cả những gì tôi có thể nghe thấy là tiếng la hét. Tôi mới 16 tuổi, tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra".

Hoặc: "Chúng tôi có một trận đấu quan trọng để hướng tới chức vô địch, nhưng ông chủ bắt chúng tôi phải đi đá giao hữu để kiếm tiền bằng cách đặt cược vào trận đấu đó".

Đại dịch càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Khi hầu hết các giải bóng đá tại châu Âu, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, đều bị gián đoạn hoặc kết thúc sớm, các nhà cái chuyển sang những quốc gia hiếm hoi trái bóng vẫn lăn, chẳng hạn như Burundi, Guatemala, hoặc những quốc gia vẫn tổ chức các trận giao hữu.

Không chỉ vậy, những trận đấu tập của các đội hạng Sáu, Bảy hoặc Tám - được phát trên YouTube - thu hút hàng trăm ngàn euro tiền cược mỗi trận. Vào ngày 30/3/2020, một trận giao hữu giữa đội Eskilstuna (Hạng Bảy Thụy Điển) và Nashulta GoIF (Hạng Tám) đã phải hủy bỏ khi các cầu thủ bị tấn công bằng tin nhắn, với cường độ đe dọa hàng trăm tin mỗi giờ.

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 11

Làng bóng đá thế giới đang bị thao túng?

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 13

Một số đã đi xa hơn. Cũng vào tháng 3/2020, một nhóm mua độ, rất có thể là người Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus, đã tổ chức một "giải đấu tưởng tượng" giao hữu ở Ukraine, mang tên Azov Cup, quy tụ 4 đội bóng hạng lông FC Berdyansk, FC Lozovatka, SC Tavriya và Melitopol.

Có vẻ nhờ sự đồng lõa của một trinh sát, họ đã thuyết phục được một số trang web cá cược trực tuyến đưa giải đấu này lên sàn kèo độ và đặt cược hơn 100.000 euro vào những trận đấu, với kết quả được biết trước vì trận đấu không bao giờ diễn ra trong thực tế.

Kế hoạch lừa đảo này chẳng có gì mới lạ: Nó đã được áp dụng thành công vào năm 2014 ở Bồ Đào Nha và 2015 ở Belarus. Sự gian lận của giải đấu ma Azov Cup chỉ bị phát hiện ở lần thứ tư tổ chức.

Trên tất cả, đừng nghĩ rằng những giải đấu ma để đào mỏ này chỉ liên quan đến các CLB ít danh tiếng. Vào tháng 1/2015, Trung tâm Quốc tế về An ninh Thể thao (ICSS) báo cáo rằng một băng nhóm gian lận bóng đá hoạt động ở miền nam Tây Ban Nha, đã thao túng các trận đấu có sự hiện diện của ADO La Haye, Heerenveen, Standard de Liege và nhà vô địch Albania, Skenderbeu Korce. UEFA hoài nghi, băng nhóm này đã can thiệp vào kết quả 53 trận đấu của các đội bóng vừa nêu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu không có biện pháp nào xử phạt, khi chưa có bằng chứng rõ ràng.

Đó là mấu chốt vấn đề. UEFA, tại hội nghị ở Amsterdam, cho rằng vai trò "bác sĩ chẩn đoán và điều trị thứ ung nhọt này" thuộc về các Liên đoàn bóng đá quốc gia và ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp. Ngoại trừ việc đại đa số các Liên đoàn bóng đá quốc gia không đủ nhân lực và tài chính để giám sát mọi thứ, đôi khi thậm chí họ không có cơ chế quản lý hoặc luật pháp để dựa vào đó để can thiệp, nếu biết được việc mua bán độ xảy ra. Tại Đức, việc giàn xếp tỷ số một trận giao hữu không bị cấu thành một tội.

Tuy nhiên, ở một số Liên đoàn bóng đá, chẳng hạn như Áo (OFB), đã áp dụng biện pháp kiểm soát để ngăn chặn nỗ lực thao túng trận đấu ngay từ đầu, bằng cách yêu cầu đơn vị tổ chức trận đấu và CLB tham dự trả phí bảo hiểm (từ 200 đến 5.000 euro tùy trình độ) sẽ được sử dụng để trả công cho các trọng tài. Nhưng trường hợp của OFB vẫn là ngoại lệ. Phần còn lại của thế giới bóng đá, cho đến nay, vẫn nhìn theo hướng khác.

Thế giới ngầm trong bán độ bóng đá: Những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ - 15

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Nguyễn Vượng

25/02/2022 - 07:31

Từ khóa » Bán độ Bóng đá