Thế Giới Nhìn Qua Lỗ Kim

Makét 02
  • Your cart is empty Browse Shop
ReadingThế Giới Nhìn Qua Lỗ Kim Thế Giới Nhìn Qua Lỗ Kim Hà ĐàoCộng Đồng Tháng năm 26, 2017

Không có ống kính, đo sáng, viewfinder hay bất kì cơ chế tự động nào: nghe thì không tưởng, nhưng công nghệ nhiếp ảnh đã khởi thuỷ từ một chiếc máy đơn sơ như thế.

Mọi thứ đã bắt đầu từ camera obscura, một hiện tượng quang học được phát hiện từ những năm 500 trước công nguyên. Có thể hình dung đơn giản là camera obscura là một phòng tối với một lỗ nhỏ trên tường. Ánh sáng sẽ truyền theo đường thẳng, đi xuyên qua lỗ hở đó và để lại trên tường đối diện một hình ảnh ngược của không gian bên ngoài. Về cơ bản, cái lỗ tròn nhỏ trong phòng tối đóng vai trò như một chiếc ống kính với tiêu cự vô hạn và độ mở rất nhỏ.

Nhận biết được đặc tính đó, kích cỡ của camera obscura được con người thu gọn từ một căn phòng đến một căn lều và sau đó là một chiếc hộp di động, được phổ biến rộng rãi trong giới hoạ sĩ như một công cụ hỗ trợ đo tỉ lệ khi vẽ vào thế kỷ 17. Tiếp sau đó vào thế kỷ 19, máy ảnh pinhole – lỗ kim ra đời, một phiên bản khác của camera obscura cỡ hộp. Cùng nguyên lý hoạt động, nhưng thay vì chiếu hình lên một mặt phẳng để quan sát trong thời gian thực, ánh sáng sẽ được in lên một tấm film hay giấy ảnh nhạy sáng, phát minh mới thời bấy giờ, để có được hình ảnh như ta biết ngày nay.

Minh hoạ giản lược nhất về camera obscura. Image taken from www.asa-tucson.org

Việc mở nắp che cho ánh sáng lọt qua lỗ kim này chính là quá trình phơi sáng để tạo nên một tấm ảnh. Vì độ mở của ‘ống kính’ lỗ kim rất nhỏ, máy ảnh pinhole cần được đặt lên chân máy hay bệ đỡ và phơi sáng hàng giây, hàng phút hay thậm chí là hàng tháng để có được một hình ảnh đủ sáng. Bởi đặc tính này, máy ảnh pinhole có thể lưu lại sự chuyển động của mặt trời trong một khoảng thời gian dài, một thực hành nhiếp ảnh có tên gọi solargraphy. Với máy ảnh pinhole có độ mở ống kính 0.25mm gắn vào cột điện, nhiếp ảnh gia Justin Quinnell đã để phơi sáng trong 6 tháng, tương đương với 15,552,000 giây để ghi lại quỹ đạo chuyển động của mặt trời trên cây cầu Clifton Suspension. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải kỷ lục phơi sáng dài nhất trong lịch sử. Nhiếp ảnh gia người Đức Michael Wesely đã sắp đặt 8 máy ảnh ở 4 góc khác nhau để lưu lại toàn bộ quá trình dỡ đi và xây lại của bảo tàng Nghệ Thuật Đương Đại MoMa trong suốt 34 tháng. Sự trôi đi của thời gian, vốn không nhìn được bằng mắt thường, trở nên hiện hữu với vẻ siêu thực như tranh vẽ.

© Michael Wesely

Máy ảnh pinhole không có cơ chế nào giúp bạn lấy nét, đo sáng hay ngắm trực tiếp qua viewfinder. Nghe bất tiện và đầy rủi ro, nhưng thiết bị ghi hình cổ lỗ sĩ này lại được Justin Quinnell ưu ái sử dụng làm công cụ thực hành – người đã theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh pinhole từ năm 1989 đến nay. Ông được biết đến bởi những tấm hình ngộ nghĩnh chụp bằng cách đặt chiếc máy dài khoảng 7cm tự làm vào miệng. Thích thú chế tạo máy ảnh pinhole hoàn toàn thủ công từ những vật liệu sẵn có như vỏ diêm, vỏ lon bia hay bất cứ hộp kín nào mà ánh sáng không lọt vào được, số lượng máy ảnh pinhole Quinnell tự chế tạo cho mình đã chạm tới con số 200. Ông đặc biệt thích những chiếc máy ảnh này bởi sự đơn giản và tính phổ cập của chúng: “Không cần phải thuộc về cộng đồng tranh đua độ phân giải, máy ảnh pinhole khuyến khích sự thử nghiệm và cảm giác ngạc nhiên kỳ thú. Nó đem lại cơ hội để khám phá thế giới thị giác quanh ta.”

© Justin Quinnell
© Justin Quinnell

Có lẽ càng về sau này, người ta càng có xu hướng tìm về và trân trọng những thứ cổ xưa. Sai lầm khi nghĩ thời đại này chẳng ai quan tâm đến cái máy lịch sử, bởi ở đâu đó vẫn tồn tại những cộng đồng pinhole hoạt động rất tích cực. Từ 2001, Ngày hội Nhiếp ảnh Pinhole thế giới – Worldwide Pinhole Photography Day tổ chức thường niên đã quy tụ hàng ngàn tác phẩm từ những người thực hành nhiếp ảnh với máy pinhole từ khắp mọi nơi. Cuối tháng 04/2017 vừa rồi, hơn 1700 tấm ảnh đã được các pinholers từ 59 quốc gia gửi đến để cùng tham gia một triển lãm trực tuyến.

© Joe Baker
© Howard Moiser
© 春霖杨

Ngay tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Nikolaj Svennevig cũng đang tìm tòi và thể nghiệm với những chiếc máy ảnh pinhole nhỏ xinh này. Cho dù đã cầm máy được mười năm và thể nghiệm với nhiều công cụ khác nhau, Nikolaj chia sẻ việc thực hành với máy ảnh pinhole đã cho anh những trải nghiệm thú vị nhất tới thời điểm hiện tại. Hào hứng với chuyện tìm hiểu ngược lại sử nhiếp ảnh, Nikolaj đang tự thiết kế máy ảnh, chụp và phổ biến loại hình này bằng cách tổ chức khoá học hướng dẫn lắp ráp một chiếc máy cho riêng mình. Nguyên liệu cần có đơn giản là bao diêm Thống Nhất huyền thoại, băng dính đen và tinh thần sẵn sàng thử nghiệm. Ở đây, quá trình làm ảnh đi xa hơn rất nhiều trước khi nhấn nút chụp, hay nói chính xác hơn là trước khi băng dính che lỗ kim được mở.

© Nam Nguyen
© Nam Nguyen

“Công nghệ gì thiếu trong máy ảnh, bạn có thể tìm được trong chính mình. Điều đó có nghĩa là khi công cụ làm việc cùng bạn thay vì cho bạn, các giác quan của bạn sẽ nhạy bén hơn. Có thể cảm nhận thế giới bằng giác quan là cách để ta thấy con người nhất”, Nikolaj chia sẻ. Trong khoảng thời gian nửa năm, anh đã sáng chế ra năm chiếc máy, mỗi chiếc đem lại một cái nhìn riêng biệt và ghi lại khung cảnh Hà Nội với chúng.

© Nikolaj Svennevig
© Nikolaj Svennevig
© Nikolaj Svennevig

Máy ảnh pinhole có lẽ là loại máy ảnh duy nhất trên có thể được lắp ráp và đập bỏ không cần tốn nhiều công sức. Bởi giá thành rẻ và chẳng lo hỏng hóc, nó cho phép ta thoả sức sáng tác ở những điều kiện mà những chiếc máy to đắt tiền không thể. Bạn có thể coi những đặc tính của máy pinhole là thiếu sót hoặc cơ hội thú vị để thử nghiệm bản thân. Với Matca, chúng tôi luôn khuyến khích sự tìm tòi và tin rằng càng hiểu biết về công cụ, chúng ta càng có nhiều lựa chọn sáng tạo hơn. Nếu coi nhiếp ảnh là một thú vui thì hãy để máy ảnh pinhole là một món đồ để nghịch. Chúc bạn chơi vui!

Start typing to see results or hit ESC to close vietnam personal project review must read hanoi See all results

Từ khóa » Hiệu ứng Lỗ Kim