Thế Nào Là Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ? - Phamlaw

Thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Nhìn suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia hàng đầu trên thế giới, thời điểm ban đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn là động lực của nền kinh tế. Trong nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định như nước ta, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò rất lớn.

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Nhóm doanh nghiệp này đang tích cực đóng góp thường xuyên và liên tục khoảng hơn 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số nhân công lao động và hàng năm đóng góp xấp xỉ 17,26% nguồn thu ngân sách Nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là mục tiêu quan trọng của Chính phủ và các cơ quan ban ngành thông qua việc xúc tiến các chính sách ưu đại đầu tư phát triển trong nước, tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…Vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Toggle
  • Thế nào doanh nghiệp vừa và nhỏ theo một số nước trên thế giới
  • Thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định pháp luật Việt Nam
  • Đặc điểm của Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thế nào doanh nghiệp vừa và nhỏ theo một số nước trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới chưa có khái niệm chung thống nhất về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, tùy điều kiện, quy mô nền kinh tế- xã hội ở mỗi quốc gia mà định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được tiếp cận theo các góc độ và tiêu chí khác nhau.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về vốn, lao động hay doanh thu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chia thành ba loại căn cứ vào quy mô, đó là: Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa”.

Theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới (World Bank), doanh nghiệp siêu nhỏ là “Doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 người đến 50 người, còn doanh nghiệp vừa có từ 50 đến 300 lao động”.

Tiêu chí về vốn và lao động được một số quốc gia áp dụng để định nghĩa doanh nghiệp vừa nhỏ. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, theo quy định của Bộ luật cơ bản về doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác thì doanh nghiệp sử dụng dưới 300 lao động, có số vốn sản xuất kinh doanh dưới 100 triệu yên thuộc doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Một số quốc gia lại đánh giá quy mô doanh nghiệp không phải chỉ theo từng ngành kinh tế kỹ thuật, dựa vào tiêu chí lao động và vốn mà còn dựa vào doanh thu của doanh nghiệp. Như quy định trong ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng và khai khoáng ở Đài Loan thì doanh thu không vượt quá 1,5 triệu USD, vốn không được vượt quá 120 triệu tệ Đài Loan và sử dụng dưới 50 lao động được xếp vào doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ…

Thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, hướng dẫn đầu tiên về doanh nghiệp vừa và nhỏ là Công văn số 681/CP- KTN ngày 20/6/1998 của Chính phủ về việc định hướng chiến lược và chính sách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  Tuy nhiên, Công văn chưa quy định cụ thể về khái niệm vừa và nhỏ mà chỉ quy định về tiêu chí làm văn cứ xác định. Theo đó, Công văn quy định áp dụng số vốn và lao động để làm xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể những doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 5 tỷ đồng và có số lao động trung bình hàng năm dưới 200 người. Quy định này được áp dụng linh động tại từng phương tùy và điều kiện kinh tế – xã hội mà mỗi địa phương có thể lựa chọn căn cứ là cả hai tiêu chí hoặc một trong hai tiêu chí trên.

Đến thời điểm năm 2001, do nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có khái niệm để thuận tiện cho việc quản lý và định hướng phát triển, lần đầu tiên đã có một văn bản pháp luật là Nghị định số 90/2001/NĐ- CP đã chính thức đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều 3 Nghị định số 90/2001/NĐ – CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra định nghĩa như sau: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. trong quá trình thực hiện các biện pháp, chương trình trợ giúp có thể linh hoạt áp dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu vốn và lao động hoặc một trong hai chỉ tiêu nói trên”. Như vậy, việc xác định doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ và vừa đã được cụ thể hóa trong khái niệm trên với các tiêu chuẩn cụ thể hơn.

Trong quá trình áp dụng Nghị định 90/2001/NĐ-CP xuất hiện một số tồn tại, hạn chế so với thực tiễn, đến năm 2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ- CP ngày 30/06/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị định mới này đưa ra định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên). Như vậy, quy định này đã cụ thể và chi tiết hơn về phân loại doanh nghiệp theo quy mô thành ba cấp độ và ưu tiên dùng tiêu chí tổng nguồn vốn để đánh giá phân loại.

Các định chế về hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện và tiến bộ. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã có đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khi Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vào ngày12/6/2017. Các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, như sau:

“1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:

a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;

b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

c) Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.”

Như vậy có rất nhiều các quan điểm khác nhau về doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể của mỗi nước trên thế giới. Các khái niệm/định nghĩa được đặt ra chỉ mang tính chất tương đối về tiêu chí, phân cấp phù hợp với thực tiễn từng thời điểm.

Đặc điểm của Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chiếu theo quy định hiện hành tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, doanh nghiệp vừa và nhỏ có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở sản xuất kinh doanh độc lập, tồn tại dưới các hình thức kinh doanh khác nhau.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở kinh doanh độc lập, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau được thành lập dưới sự góp vốn do một hoặc nhiều chủ thể đầu tư (có thể là tổ chức, cá nhân). Doanh nghiệp vừa và nhỏ là một chủ thể có tư cách pháp nhân, tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, bình đẳng với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn. Mục đích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thực hiện hoạt động kinh doanh hướng đến lợi nhuận.

Theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam thì doanh nghiệp vừa và nhỏ là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định (trụ sở chính), đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật và thực hiện các hoạt động kinh doanh hướng đến mục đích lợi nhuận. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình doanh nghiệp được tổ chức hoạt động theo các ngành nghề mà pháp luật cho phép, với các loại hình mà Luật doanh nghiệp quy định

Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ và số lượng lao động ít.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có quy mô nguồn vốn nhỏ; sử dụng ít lao và động, doanh thu thấp hơn, trình độ quản lý doanh nghiệp và chất lượng nhân sự, người lao động của doanh nghiệp cũng như chi phí đào tạo lao động chưa cao trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp khác.

Tiêu chí quy mô nhỏ và số lượng lao động ít là những tiêu chí quan trọng để nhận diện đó có phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ so với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở Việt Nam việc xác định tiêu chí đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự khác biệt giữa các thời kỳ và tùy từng lĩnh vực. Có sự khác nhau như vậy là vì yêu cầu hoạt động kinh doanh của mỗi lĩnh vực kinh doanh có đặc thù khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng. Nhưng doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu những ưu điểm nhất định:

+ Với đặc điểm quy mô vốn nhỏ, tổ chức quản lý doanh nghiệp đơn giản, gọn nhẹ, dễ dàng thành lập doanh nghiệp với số vốn nhỏ nên doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng, năng động hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc thay đổi hướng kinh doanh.

+ Mặt khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng mạo hiểm đầu tư vào các lĩnh vực mới, mạo hiểm với rủi ro có thể xảy ra, từ đó tạo nên nguồn động lực phát triển cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh những ưu điểm doanh nghiệp vừa và nhỏ thì doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn như:

+ Việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh.

+ Khó khăn trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.

+ Bên cạnh đó, vì doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít vốn nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc thu hút lao động có tay nghề cao, với nguồn kinh phí hạn hẹp nên doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động.

Trên đây là bài viết về Thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ? – Luật Phamlaw

Xem thêm:

  • Quy mô doanh nghiệp là gì
5/5 - (1 bình chọn)Có thể bạn quan tâm
  • Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quanNghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
  • Những lưu ý quan trọng khi soạn thảo hợp đồngNhững lưu ý quan trọng khi soạn thảo hợp đồng
  • Thủ tục hành chính về sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệpThủ tục hành chính về sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp
  • Các loại thuế, phí phải nộp khi chuyển quyền sử dụng đấtCác loại thuế, phí phải nộp khi chuyển quyền sử dụng đất
  • Xử lý hành vi cho vay nặng lãi theo quy định mới nhấtXử lý hành vi cho vay nặng lãi theo quy định mới nhất
  • Hồ sơ mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoàiHồ sơ mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài
  • Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐQuyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ
  • Thủ tục tách thửa đấtThủ tục tách thửa đất
  • Hợp đồng tín dụng là gì?Hợp đồng tín dụng là gì?
  • Thông tư số 08/2010/TT-BKH ngày 21 tháng 04 năm 2010Thông tư số 08/2010/TT-BKH ngày 21 tháng 04 năm 2010

Bài viết cùng chủ đề

  • Thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề
  • Thủ tục tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư
  • Quy định về tập trung kinh tế
  • Các quy định trong điều lệ của công ty cổ phần
  • Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động
  • Các hoạt động cơ bản của công ty chứng khoán
  • Thủ tục thay đổi tên công ty cổ phần
  • Tập quán là gì?

Từ khóa » Tiêu Chí Doanh Nghiệp Nhỏ Và Siêu Nhỏ