THẾ NÀO LÀ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG - Công Ty Luật Ánh Sáng Việt

Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành có nhắc đến một khái niệm đó chính là “Nhãn hiệu nổi tiếng”. Vậy, thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng; nhãn hiệu nổi tiếng có ảnh hưởng như thế nào đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay không? Luật Ánh Sáng Việt sẽ giúp quý khách hàng giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

  1. Khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng

– Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”

– Các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng:

Để xem xét một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng hay không, pháp luật quy định phải dựa vào những tiêu chí như sau:

  • Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  • Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  • Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  • Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  • Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  • Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
  1. Chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và sự nổi tiếng của nhãn hiệu

Để được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu phải có các tài liệu chứng minh như sau:

–  Tài liệu huyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

–  Số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng;

–  Danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

–  Phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ;

– Số lượng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ;

– Giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế;

– Các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền;

– Số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị;

– Xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng;

– Giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ.

Nhãn hiệu nổi tiếng

                                                              Nhãn hiệu nổi tiếng

  1. Bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng: Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Như vậy, nếu chủ sở hữu chứng minh được nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng thì không cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu vẫn sẽ được bảo hộ. Các dấu hiệu trùng, tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ không được bảo hộ; hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Nếu quý khách hàng chứng minh được nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu của bạn sẽ được bảo hộ mà không phụ thuộc vào việc đã có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay chưa? Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu của bạn chỉ là nhãn hiệu thông thường thì để bảo hộ bạn vẫn phải vẫn phải tiến hành thủ tục Đăng ký nhãn hiệu.

Luật Ánh Sáng Việt hi vọng bài viết trên đây giúp Quý khách hàng hiểu hơn về Nhãn hiệu nổi tiếng, ngoài ra nếu quý khách hàng có nhu cầu đăng ký cho nhãn hiệu thông thường của mình thì có thể liên hệ đến chúng tôi qua số điện thoại: 0988975005.

Từ khóa » định Nghĩa Thương Hiệu Nổi Tiếng