Thế Nào Là Phá Thai An Toàn ? - Bệnh Viện Từ Dũ

Hình ảnh mang tính chất minh hoạ.

BV Từ Dũ

Phá thai an toàn là gì ?

Phá thai an toàn là phương pháp chấm dứt thai nghén do người cung cấp dịch vụ được đào tạo, có kỹ năng tốt thực hiện tại cơ sở y tế đạt chuẩn với đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ trong môi trường vệ sinh đảm bảo. Phá thai an toàn sẽ hạn chế được tối đa các tai biến và biến chứng.

Các phương pháp phá thai an toàn

Dưới đây là một số phương pháp phá thai an toàn mà bạn có thể tham khảo.

1. Phá thai 3 tháng đầu:

Là các phương pháp chấm dứt thai nghén đối với thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần, tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng. Có hai lựa chọn:

* Phá thai bằng thuốc:

- Là phương pháp dùng phối hợp hai loại thuốc là Mifepristone và Misoprotol để chấm dứt thai nghén.

- Chỉ được thực hiện đối với thai 7 tuần trở xuống, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.

- Thuốc phá thai sẽ làm cho thai ngừng phát triển và gây co bóp dạ con để đẩy thai ra ngoài như bị sẩy thai.

- Có hiệu quả chấm dứt thai nghén tới 96 - 98%.

Lưu ý: Theo quy định của Bộ Y tế, phương pháp phá thai bằng thuốc phải do bác sĩ đã được đào tạo thực hiện và chỉ được thực hiện ở tuyến tỉnh. Bạn KHÔNG ĐƯỢC tự ý mua thuốc và sử dụng.

* Hút thai:

- Là một thủ thuật sử dụng dụng cụ hút chân không để chấm dứt thai nghén.

- Được thực hiện đối với thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.

- Thai trong buồng tử cung được hút ra ngoài qua ống hút vào một bơm hút.

Có hiệu quả chấm dứt thai nghén đến 98%.

2. Phá thai ba tháng giữa bằng phưong pháp nong và gắp:

- Đây là phương pháp phá thai dùng cả thuốc và dụng cụ để chấm dứt thai nghén.

- Được thực hiện đối với thai từ 13 tuần đến 18 tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.

- Phương pháp này chỉ an toàn khi người cung cấp dịch vụ là các cán bộ y tế đã được đào tạo và có đủ kỹ năng thực hiện thủ thuật tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện. Tuy nhiên, bạn có nguy cơ gặp tai biến trong quá trình phá thai cao hơn khi phá thai ba tháng đầu.

Bạn sẽ làm gì trước khi phá thai ?

- Nhân viên y tế khám để kiểm tra sức khỏe của bạn và tình trạng thai nghén.

- Nhân viên y tế sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về sức khỏe và hoàn cảnh riêng của bạn, giúp bạn cân nhắc quyết định phá thai và chọn phương pháp phá thai phù hợp. Sau đó, nhân viên y tế sẽ giải thích về quá trình phá thai và tư vấn cách chăm sóc sau phá thai cũng như sử dụng biện pháp tránh thai sau phá thai. Nếu bạn có bất kỳ điều gì còn e ngại hay thắc mắc thì đây là lúc tốt nhất để bạn chia sẻ và hỏi cán bộ y tế.

- Nhân viên y tế sẽ giải thích về các phương pháp giảm đau mà bạn sẽ được sử dụng.

- Bạn có thể phải làm một số xét nghiệm, siêu âm, tuỳ theo quy định của cơ sở y tế.

- Bạn cần ký vào bản cam kết phá thai.

- Lúc này bạn có thể thấy rất hồi hộp vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu có người yêu, bạn bè, bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn trong quá trình phá thai. Bạn nên thư giãn, hít thở sâu và có thể nói chuyện với người thân để cảm thấy bình tĩnh hơn.

Quá trình phá thai sẽ diễn ra như thế nào ?

1. Phá thai bằng thuốc:

- Nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn uống một viên thuốc để làm cho thai ngừng phát triển. Sau đó bạn có thể về nhà.

- Sau khi uống viên thuốc này, bạn có thể thấy ra máu âm đạo. Hãy sử dụng băng vệ sinh như khi bạn có kinh nguyệt.

- Sau 2 ngày (48 giờ), bạn phải quay lại cơ sở y tế để uống 2 viên thuốc khác. Bạn sẽ ở lại cơ sở y tế trong vòng 4 giờ đồng hồ.

- Thông thường, trong vòng từ 30 phút đến 4 giờ sau khi uống loại thuốc thứ hai này, bạn sẽ đau bụng, ra máu nhiều và ra máu cục khi thai bị đẩy ra ngoài. Nếu bạn ra máu ướt đẫm 2 băng vệ sinh dầy trong 1 giờ và kéo dài 2 giờ liền, cần liên lạc ngay với nhân viên y tế.

- Một số bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy hoặc bị nôn trong quá trình uống thuốc phá thai. Dù điều này không dễ chịu nhưng không phải là vấn đề lớn và hết dần mà không cần phải điều trị.

- Nếu bạn bị đau đầu hoặc chóng mặt sau khi uống thuốc phá thai, hãy uống nhiều nước hoặc nước hoa quả.

2. Hút thai:

- Nhân viên y tế sẽ tiến hành khám thai bằng hai tay, rồi sau đó sát khuẩn bộ phận sinh dục. Bạn có thể thấy hơi đau hoặc khó chịu ở phần bụng dưới. Nếu bạn hít thở sâu và thả lỏng các cơ bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

- Tiếp theo, nhân viên y tế sẽ đưa mỏ vịt hoặc van âm đạo vào trong âm đạo. Bạn sẽ cảm thấy hơi tức ở nơi đặt mỏ vịt do âm đạo bị căng ra.

- Nhân viên y tế sẽ tiến hành tiêm thuốc giảm đau ở cổ tử cung.

- Nhân viên y tế sẽ dùng dụng cụ hút chân không để hút thai.

- Bạn sẽ tỉnh táo trong suốt thời gian làm thủ thuật và thấy đau. Thông thường sẽ có một nhân viên y tế đứng nói chuyện, vỗ về và động viên bạn trong khi làm thủ thuật. Hãy cố gắng thả lỏng các cơ và nói chuyện, bạn sẽ cảm thấy đỡ đau hơn và nhân viên y tế sẽ tiến hành thủ thuật dễ dàng hơn.

- Bạn có thể cảm thấy đau hơn khi thủ thuật gần kết thúc do tử cung co lại. Tuy nhiên, cơn đau sẽ giảm đi ngay sau khi thủ thuật hoàn tất.

- Thông thường, quá trình phá thai sẽ kéo dài trong khoảng 5 - 10 phút. Sau đó, bạn sẽ được đưa về nghỉ tại phòng sau thủ thuật.

3. Phá thai bằng phương pháp nong và gắp:

- Bạn sẽ được ngậm viên thuốc vào bên trong má (giữa má và lợi) để làm mềm cổ tử cung và đợi vài giờ để thuốc có tác dụng.

- Bạn có thể thấy ra máu và đau bụng sau khi ngậm thuốc.

- Sau 4 tiếng, bạn sẽ được đưa vào phòng thủ thuật và được dùng thuốc giảm đau.

- Nhân viên y tế sẽ nong cổ tử cung, dùng dụng cụ để hút và gắp thai ra.

- Bạn sẽ tỉnh táo trong lúc làm thủ thuật và cảm thấy đau do tử cung co lại. Thông thường, sẽ có nhân viên y tế đứng nói chuyện, vỗ về và động viên bạn trong khi làm thủ thuật. Hãy cố gắng thả lỏng cơ thể và nói chuyện, bạn có thể thấy bớt đau hơn.

- Thông thường, quá trình phá thai sẽ hoàn tất trong khoảng 10 -15 phút. Sau đó, bạn sẽ được đưa về nghỉ tại phòng sau thủ thuật.

Bạn cần phải làm gì sau khi phá thai ?

- Uống các thuốc theo đơn và chỉ dẫn của nhân viên y tế.

- Vệ sinh, tắm rửa bình thường.

- Thay băng vệ sinh thường xuyên như kỳ kinh bình thường cho đến khi hết ra máu.

- Không thụt rửa sâu trong âm đạo (không đưa tay hay đồ vật vào sâu trong âm đạo để vệ sinh).

- Không cần phải kiêng bất kỳ loại thức ăn nào mà nên ăn bổ sung những thức ăn nhiều chất sắt và bổ dưỡng như thịt bò, thịt nạc, trứng, sữa và các loại rau xanh.

- Tránh lao động nặng (gánh/ vác nặng) trong vài tuần đầu tiên sau khi phá thai.

- Đến cơ sở y tế để khám lại trong vòng 2 tuần sau khi phá thai.

- Nếu có quan hệ tình dục, hãy sử dụng biện pháp tránh thai theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh thai (sau khi phá thai 10-14 ngày bạn sẽ có khả năng có thai nếu quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai).

Dấu hiệu bình thường sau phá thai là gì ?

1. Sau khi phá thai bằng thuốc:

- Phần lớn bạn gái sẽ thấy ra máu như hành kinh trong vòng 10 ngày kể từ khi uống thuốc. Tuy nhiên, một số ít bạn gái có thể thấy ra máu nhẹ kéo dài hơn.

- Một số bạn gái có thể bị sốt trong vài giờ, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Mặc dù vậy, triệu chứng này không nguy hiểm và sẽ nhanh chóng qua đi.

2. Sau khi hút thai:

- Nhân viên y tế sẽ kiểm tra mạch, huyết áp và tình trạng ra máu, sau đó bạn có thể ra về nếu sức khỏe ổn định.

- Thông thường, bạn sẽ thấy ra máu giống một kỳ kinh bình thường và đau bụng do co cơ tử cung trong vài ngày đầu sau đó đau bụng sẽ giảm và ít ra máu hơn.

3. Sau khi phá thai bằng phương pháp nong và gắp:

- Nhân viên y tế sẽ thường xuyên theo dõi sự hồi phục của bạn trong vòng 1- 4 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn nếu cần thiết, sau đó bạn có thể ra về.

- Thông thường, bạn sẽ thấy ra máu và đau bụng do co cơ tử cung trong vài ngày đầu. Nếu các dấu hiệu trên nặng lên thì bạn cần liên hệ với cơ sở y tế.

Dấu hiệu bất thường nào có thể xảy ra sau khi phá thai ?

Bạn nên quay lại cơ sở y tế để khám ngay nếu thấy một trong các dấu hiệu sau:

- Đau bụng ngày càng tăng hơn.

- Ra máu nhiều hoặc kéo dài trên một tuần và lượng máu không ít đi.

- Sốt hoặc ớn lạnh.

- Khí hư có mùi hôi.

Sau khi uống thuốc lần 2, bạn bị sốt từ 380C trở lên, kéo dài hơn 1 ngày (khi phá thai bằng thuốc).

Không ra máu trong vòng 24 tiếng sau khi uống thuốc lần 2 (khi phá thai bằng thuốc).

Những biến chứng sau đây có thể xảy ra nhưng hiếm, đó là:

- Chảy máu nhiều gây yếu mệt hoặc hoa mắt nhưng rất hiếm khi phải truyền máu.

- Nhiễm trùng và cần dùng thêm kháng sinh.

- Với phương pháp hút thai và phương pháp phá thai bằng nong và gắp: tổn thương cổ tử cung, tử cung hoặc các tổ chức trong vòng bụng và can thiệp ngoại khoá.

- Nhiễm trùng máu thậm chí dẫn đến tử vong.

Tai biến muộn của phá thai: nhiễm trùng bộ phận sinh dục dễ gây nên tắc vòi trứng, dính buồng tử cung và có thể dẫn đến vô sinh.

Bạn gái cần hỗ trợ gì về mặt tinh thần sau khi phá thai ?

Sau khi phá thai, bạn có thể cảm thấy không bình thường. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn hoặc có thể thấy tội lỗi hay xấu hổ. Điều quan trọng là bạn nên tự chăm sóc thật tốt và cố gắng ăn đủ chất để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Nếu bạn không ngủ ngon, hãy cố gắng thư giãn như trò chuyện với bạn bè, làm những việc mà bạn thích, tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng như đi bộ.

Một số bạn phàn nàn rằng, sau khi phá thai, họ cảm thấy dễ khóc, dễ cáu giận, lo lắng quá mức trước khi có kinh nguyệt. Những biểu hiện này có thể mất đi sau vài tháng. Sự an ủi và động viên của bạn trai, gia đình, bạn bè và người thân có thể giúp bạn nhanh chóng hồi phục hơn.

Một số bạn có thể gặp rắc rối trong mối quan hệ với chồng hoặc bạn trai. Nguyên nhân có thể là do hai người có hai cách nhìn nhận khác nhau về việc phá thai. Hoặc có thể anh ấy không hiểu bạn đang nghĩ gì hay đơn giản là nói với bạn rằng: "Thôi quên điều đó đi" mà không cố gắng tìm hiểu và chia sẻ xem bạn đang nghĩ gì. Hãy chân thành chia sẻ cảm xúc của mình để người ấy hiểu và thông cảm. Nếu bạn thật sự cảm thấy trầm cảm, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ thêm.

Tại sao chúng ta lại hay phá thai nhiều lần ?

Một số lý do có thể là:

- Không có kiến thức đầy đủ về các biện pháp tránh thai.

- Tin vào các tin đồn rằng các biện pháp tránh thai có thể gây vô sinh hoặc có hại cho cơ thể.

- Lầm tưởng rằng quan hệ tình dục ít hay không thường xuyên thì không có khả năng có thai.

- Sử dụng biện pháp tránh thai không đều đặn hoặc không đúng cách.

- Bị cưỡng ép, lạm dụng tình dục.

- Thay đổi kế hoạch kết hôn.

Hậu quả của phá thai nhiều lần là gì ?

- Sức khỏe giảm sút.

- Tăng nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục, hậu quả có thể dẫn đến vô sinh.

- Ảnh hưởng tới tình yêu và hạnh phúc.

Sau khi phá thai sẽ như thế nào ?

Nếu bạn không muốn tiếp tục quan hệ tình dục, hãy thảo luận với nhân viên y tế hoặc cán bộ tư vấn về cách thương thuyết với người yêu, bạn tình và kiềm chế cám dỗ, đặc biệt là cám dỗ về kinh tế. Cuộc tư vấn này giúp bạn được thảo luận chi tiết về các biện pháp tránh thai để tránh có thai ngoài ý muốn cũng như các viêm nhiễm lây qua đường tình dục kể cả HIV. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy mình bị lạm dụng tình dục, hãy tìm kiếm thông tin và các dịch vụ thích hợp để được tư vấn và hỗ trợ thêm. Bạn có thể gọi đến số 1900 585808 - Đường dây tư vấn về SKSS của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).

Nếu bạn muốn có quan hệ tình dục, bạn có thể tiếp tục khi cảm thấy khỏe mạnh và sẵn sàng cho vấn đề này. Tuy nhiên, bạn có thể có thai trở lại torng vòng 2 tuần sau khi phá thai nếu quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp tránh thai. Vì vậy, hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai đáng tin cậy và giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc các viêm nhiễm lây qua đường tình dục.

Từ khóa » Bỏ Thai Khi Nào An Toàn