Thêm Cơ Hội Duy Trì Sự Sống Cho Bệnh Nhân Chạy Thận Nhân Tạo

Nếu như trước đây, bệnh nhân sẽ phải tạo cầu tay mới; nhưng với những người thể trạng không cho phép thì việc tạo cầu tay mới khá khó khăn, có nhiều trường hợp không còn vị trí tạo cầu tay nữa đã phải đặt catheter tĩnh mạch với chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Mới đây, BVĐK tỉnh đã áp dụng thành công phương pháp nong tái tạo sau hẹp cầu tay ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, giúp người bệnh không phải tạo cầu tay mới và hiệu quả tại cầu tay cũ vẫn đạt yêu cầu.

Biến chứng hẹp cầu tay trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo khiến việc lọc máu không đảm bảo lưu lượng, giảm hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nếu không được can thiệp sẽ bị hỏng và phải làm cầu tay mới

Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, BVĐK tỉnh hiện đang thực hiện lọc máu chu kì cho 200 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi tuần 3 lần, những bệnh nhân này đến viện để được chạy thận nhân tạo nhằm duy trì chức năng thận. Ước tính bệnh viện thực hiện hơn 30.000 lượt lọc máu chu kì/năm. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân – Phó trưởng khoa cho biết, khi chức năng thận của bệnh nhân kém hẳn thì chỉ định lọc máu là không thể trì hoãn. Nhưng việc lọc máu cũng gây ra những biến chứng gần như nôn, buồn nôn, tăng hay tụt huyết áp, đau đầu, chóng mặt, chuột rút…; biến chứng xa là suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng, hội chứng đường hầm cổ tay, tắc hẹp cầu tay, huyết khối… Riêng với biến chứng tắc hẹp cầu tay sẽ khiến cho việc lọc máu không đảm bảo lưu lượng, từ đó giảm hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và lâu dần sẽ hỏng cầu tay phải làm cầu mới.

Cánh tay trái của bà Dằm với đầy các u, cục vì đã phải làm cầu tay 2 lần. Nhờ được can thiệp nong tái tạo sau hẹp cầu tay mà bà đã giữ được cầu tay cũ, không phải làm cầu tay mới ở cánh tay phải còn lại

Bệnh nhân Nguyễn Thị Dằm 60 tuổi quê ở xã Long Châu, huyện Yên Phong bị suy thận mạn và đã chạy thận chu kì được 10 năm nay. Bản thân bà cũng đã gặp các biến chứng của việc chạy thận nhân tạo lâu năm là suy tim. Trước đây, bà đã phải tạo một cầu tay mới sau 4 năm chạy thận do cầu tay cũ bị hẹp không còn thực hiện lọc máu được nữa. Cách đây khoảng nửa năm, vào tháng 6/2018, cánh tay bên trái (bên có cầu tay để chạy thận) bị phù to gấp 3 lần cánh tay đối diện; khi thực hiện chạy thận nhân tạo về, tay của bà bị tức, đau, khó chịu không ngủ được. Điều này cũng khiến quá trình lọc máu của bà trở nên khó khăn hơn, không thực hiện được lọc máu tốc độ cao mà chỉ chạy được 180 -200ml/phút (trong khi tốc độ bình thường là 250 – 300ml/phút).

Kĩ thuật điện quang can thiệp nong tái tạo sau hẹp cầu tay là kĩ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu, bệnh nhân không phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ, vết thương sau mổ bé chỉ khoảng 2mm nên thời gian bình phục nhanh

Bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp tĩnh mạch cánh tay đầu bên trái là một trong các biến chứng sau chạy thận nhân tạo kéo dài. Sau khi được giải thích cụ thể về phương pháp nong tái tạo sau hẹp cầu tay, bà Dằm đồng ý thực hiện và trở thành bệnh nhân đầu tiên được thực hiện phương pháp này ngay tại BVĐK tỉnh. Bác sĩ Đào Mạnh Sơn – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, kĩ thuật được thực hiện vẫn là điện quang can thiệp với ứng dụng rộng rãi trong nhiều loại bệnh lí. Bệnh nhân được chụp mạch máu dưới hệ thống máy chụp mạch DSA đánh giá tổng thể tình trạng các mạch máu liên quan đến cầu tay, đánh giá vị trí, mức độ hẹp tắc mạch máu trước cầu, tại cầu hay sau cầu tay từ đó đưa ra phương hướng tái tạo lòng mạch. Thông thường bệnh nhân được tạo một đường vào mạch máu từ động mạch cánh tay hoặc tĩnh mạch sau cầu tay. Các bác sĩ sử dụng bóng chuyên dụng, luồn trong lòng mạch máu tới chỗ hẹp để nong rộng lòng mạch sao cho trở về kích thước như người bình thường. Trong suốt quá trình can thiệp, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể trò chuyện bình thường với bác sĩ.

Bà Dằm cho biết, trong khi can thiệp, thỉnh thoảng các bác sĩ lại hỏi thăm xem bà cảm thấy thế nào, bảo bà cứ bình tĩnh, yên tâm, chỉ đau tức một chút chỗ cánh tay thôi nên bà thấy rất thoải mái. Ngay sau khi can thiệp, cánh tay của bà đã hết phù, không còn đau tức sau lọc máu. Các bác sĩ đã có thể chỉ định cho bà lọc máu ở tốc độ 250ml/phút như bình thường. Bà Dằm vừa xoa nắn cánh tay gồ ghề với đầy các cục u do lọc máu vừa cười: “Bà cũng quen rồi, cả cánh tay trái của bà sau 2 lần làm “cầu tay” đã chi chít các vết như thế. May mắn lần hẹp vừa rồi được thực hiện kĩ thuật mới ngay tại bệnh viện tỉnh, không phải lên trung ương như ngày trước, lại được bảo hiểm thanh toán 100%. Chứ nếu phải làm cầu tay mới, là phải làm bên tay phải thì coi như cả 2 cánh tay của bà đều không dùng được rồi! Vì tay chạy thận yếu lắm, không được vận động mạnh!”

Hình ảnh chụp mạch máu vị trí cầu tay của bệnh nhân bị hẹp trước và sau khi can thiệp

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, bệnh viện cũng đã thực hiện được một số ca bệnh bị hẹp mạch máu do biến chứng chạy thận, gây sưng, nóng, đỏ, đau khắp vùng mu và các ngón của bàn tay trái, hạn chế vận động các khớp. Ngay sau khi được nong tái tạo lòng mạch, các triệu chứng trên hết hoàn toàn sau chỉ một ngày, bệnh nhân lại có thể tiếp tục lọc máu được bình thường. Với việc triển khai thành công kĩ thuật này, người bệnh chỉ chịu một vết chọc kim rất nhỏ khoảng 2mm, không cần gây mê, sau can thiệp thời gian bình phục nhanh. Điều quan trọng là bệnh nhân hoàn toàn giữ được cầu tay cũ với chất lượng tương đương như trước khi chạy thận. Không phải làm thêm cầu tay mới nghĩa là cuộc sống của họ được kéo dài thêm, bởi nếu liên tục làm các cầu tay mới sẽ làm nặng thêm các biến chứng của cầu tay, giảm chất lượng cuộc sống, mặt khác cũng không nhiều bệnh nhân có nhiều vị trí để làm cầu tay. Cho đến nay, phương pháp nong tái tạo sau hẹp cầu tay này mới chỉ được thực hiện tại các trung tâm y khoa lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy. Bắc Ninh là một trong số ít những bệnh viện tuyến tỉnh có thể thực hiện được kĩ thuật này.

Suy thận mạn có chỉ định chạy thận nhân tạo là người bệnh xác định phải gắn bó với bệnh viện cả đời. Tuần nào cũng 6 lần chọc kim rút máu tại cầu tay, tháng nào cũng 24 lần xâm lấn khiến mạch bị xơ, hỏng, thậm chí là nhiễm trùng. Hiện nay, cơ bản các Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai được kĩ thuật chạy thận nhân tạo. Vì thế, nhu cầu điều trị của các bệnh nhân bị hẹp cầu tay là rất lớn. Việc triển khai thành công kĩ thuật nong tái tạo lòng mạch sau hẹp cầu tay ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo với chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán thực sự là một thông tin có ý nghĩa thiết thực đối với những người kém may mắn do bị bệnh hiểm nghèo.

Từ khóa » Cầu Tay Chạy Thận Nhân Tạo Là Gì