Theo Chân Hàng Trung Quốc Vào Việt Nam - Kỳ Cuối

Thế là chúng tôi tiếp tục theo chân những người buôn hàng từ Hữu Nghị quan đến chợ mậu biên Lũng Vài - con đường hơn 20km cho chúng tôi hình dung rõ hơn về đoạn cuối “con đường tơ lụa” đang đổi thay ở chợ biên mậu Lũng Vài.

wbnAfsEp.jpgPhóng to
Xe tải trên đường Áo Nam chở đầy ắp hàng tập kết cho các cửu vạn vác qua biên giới - Ảnh: Lê Nam

Kỳ 1: Đến Quảng Châu “đánh hàng” Kỳ 2: Kinh đô hàng hóa Kỳ 3: Hệ thống chân rết

Trung tâm thương mại

Tài xế taxi là một người trung niên khá cởi mở, anh kể mỗi ngày anh có thể đi hàng chục chuyến chở hàng từ Hữu Nghị về Lũng Vài, chở cho những người mang hàng qua cửa khẩu. Còn nặng hơn mà chưa tới độ đóng bao cho dịch vụ chuyển về thì họ đến thẳng Lũng Vài chuyển theo con đường cửu vạn qua Hang Dơi, Lũng Trắng, Cây Sấu hay hàng chục lối mòn nào đó ở Lạng Sơn mà dân vùng biên có thể đi được. Hàng qua bên kia biên giới sẽ được chuyển về bất cứ nơi nào ở VN theo địa chỉ cho sẵn.

Nghe chuyện thì nghĩ Lũng Vài chỉ là một trung tâm trung chuyển hàng qua biên giới, nhưng đó là hình ảnh cũ của Lũng Vài nhiều năm về trước, giờ đây Lũng Vài có một vai trò hoàn toàn khác với những biến đổi từ bên trong của nó. Và lý do mà Minh cùng những người đi buôn ghé lại có khi chỉ là mang những mẫu hàng từ Quảng Châu về đặt người ở Lũng Vài làm gia công và nhờ chuyển trực tiếp mấy bao hàng sang bên kia núi. Họ có thể làm hàng vạn mẫu hàng chỉ trong vòng 1-2 tuần cho bất cứ loại hàng hóa nào.

Chiều mưa tháng 4, những con phố nhỏ của Lũng Vài trở nên vắng ngắt, nhưng bên trong những ngôi nhà im lặng là đầy ắp những tủ và kiện hàng. Trước đây, Lũng Vài vốn chỉ là những dãy nhà kho chứa hàng qua VN, nhưng giờ đây nó là một trung tâm thương mại với những cửa hàng và tủ bày hàng đủ thứ bảng hiệu bằng cả hai thứ tiếng Việt - Trung, cửa hàng nào cũng có hai số điện thoại VN (một di động, một điện thoại bàn dùng sóng vô tuyến). Những chiếc xe hối hả ra vào chợ biên mậu này. Gọi là chợ nhưng thật ra giống như một cái kho lớn để chuyển hàng sang biên giới VN.

Con đường Áo Nam ở Lũng Vài dài gần 2 km có đến gần 80% văn phòng các công ty chuyên làm giày, quần áo xuất sang VN đặt cơ sở. Chúng tôi tìm đến văn phòng đại diện của Công ty thương mại Thao Bác, bà chủ Tả Phương Cầm cho biết bà là một trong những công ty cung cấp tất cả các chủng loại giày từ giày da, giày thể thao, giày vải, dép da, sandal... cho các công ty VN với “thâm niên” chừng 20 năm.

Bà Tả lấy 20 năm làm giày để bảo chứng uy tín với khách hàng và đưa ra phương cách làm việc chủ động: đã gặp nhau rồi thì chỉ cần chuyển email thông báo kiểu giày đã chọn, rồi gửi tiền cho người ở VN mà bà sẽ giới thiệu, sau đó chờ hàng về để phân phối. Khi chúng tôi nói có một hệ thống cung cấp hàng ở các tỉnh miền ĐBSCL, bà đon đả bảo đặt hàng nhiều cỡ nào chỉ trong 5-6 ngày là có ngay.

Chúng tôi hỏi bà có thay đổi được các nhãn hiệu giày sang hiệu Clark và gắn mác “Made in Vietnam” bên trong giày được không, bà Tả gọi cho đối tác và trả lời phải đặt trước 10 ngày mới có. Bà Tả khẳng định đội ngũ cửu vạn ở Trung Quốc có thể chuyển hàng an toàn sang VN, tính trung bình giá cước vận chuyển một đôi giày (chưa có hộp) đến Hà Nội chỉ nhỉnh hơn 20.000 đồng.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

PWJAzbYr.jpgPhóng to
Một cửu vạn vác hàng qua biên giới theo đường Cây Sấu - Ảnh: L.Nam

Chúng tôi đến công ty của ông Lôi Xương Phi ở đường Áo Bắc chuyên cung cấp nguyên phụ liệu ngành da giày, máy móc, linh phụ kiện dây lưng cho nhiều khách hàng VN, ông Lôi giới thiệu đã bán rất nhiều phụ kiện giày da cho hai nhãn hiệu T. và V. được 5-6 năm rồi. Chỉ lên kệ trước bàn làm việc, ông Lôi nói mấy kiểu đế nhựa này công ty giày V. rất thích và thường nhập, mỗi lần lấy mấy nghìn đôi đế sau khi đã khắc tên, thương hiệu lên. Ông bảo còn rất nhiều loại đế như thế ở hai văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội. Nói rồi ông chuyển cho chúng tôi địa chỉ và số điện thoại của hai văn phòng đại diện của công ty tại VN.

Khác với bà Tả, khách hàng ở phía Nam của ông Lôi nhiều hơn. Ngoài cung cấp nguyên phụ liệu, công ty này còn bán các loại máy cho ngành công nghiệp giày da: máy lạng da tấm, máy gò hậu giày, máy làm giày... Ông Lôi bảo ngày trước công ty chỉ bán cho thương hiệu T. nhưng gần đây chủ yếu làm đầu khóa dây lưng, mỗi lần lấy vài vạn cái.

Chúng tôi đưa cho ông Lôi xem thắt lưng mình đang đeo, ông phì cười và lấy cho xem một cuốn sổ, trong đó có hàng loạt các kiểu đầu khóa dây lưng mà công ty T. đã đặt chỗ ông làm và cái kiểu khóa của tôi nằm ở hàng thứ ba bên trái trong danh sách có giá hơn 20 tệ/cái (hơn 50.000 đồng), trong khi chúng tôi mua cả dây và khóa gần 400.000 đồng. Ông Lôi cho biết công ty T. chuyên sang Quảng Châu lấy mẫu khóa rồi về đưa cho công ty ông gia công. Chỉ 15 ngày sau hàng đã về đến kho của công ty T.

Nhiều chủ hàng ở Lũng Vài khẳng định nếu chiều tối hàng từ Lũng Vài đi, đến 11 giờ đêm đã có ở Đồng Đăng và sáng sớm hôm sau về Hà Nội. Người Lũng Vài trước đây chỉ lấy hàng giá thấp về giao qua phía VN theo yêu cầu, thì giờ họ yêu cầu ngược lại phía VN là đến Quảng Châu, Thâm Quyến... lấy mẫu hàng về, bất cứ mẫu gì: quần áo, giày dép, điện thoại... họ đều gia công được hết, giá nào cũng có. Họ có thể làm trung gian cho thứ công nghệ đang phát triển vượt bậc của Trung Quốc để cung ứng hàng trực tiếp sang phía VN chứ không phải là cái kho chứa hàng tồn quá hạn sử dụng như trước nữa. Và cứ thế, hàng Trung Quốc cứ ùn ùn vượt sang biên giới VN.

Không thể kiểm soát được hàng hóa bên “cánh gà”!

Một cán bộ của Hải quan Lạng Sơn cho biết ngoài công việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu chính thức, họ không thể kiểm soát được lượng hàng hóa chuyển sang các bên “cánh gà” vì thiếu nhân sự và địa hình hiểm trở. “Chúng tôi cũng biết có những khu vực hàng hóa được người dân cõng sang biên giới nhưng không thể triển khai để bắt hết được”, vị cán bộ này cho hay.

Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết thêm phía Trung Quốc cho tập kết hàng và làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa phần lớn đã được vi tính hóa ở một địa điểm cách cửa khẩu 8 km, từ đây hàng hóa sẽ tủa đi các cửa khẩu quốc tế thông với VN. Hàng hóa từ VN nhập khẩu vào Trung Quốc cũng được kiểm tra như vậy và gắn chip để có thể kiểm soát trên suốt chặng đường hàng đi trong địa phận Trung Quốc. Trong khi đó nhân viên hải quan VN lại phải làm hết tất cả các thủ tục kiểm hàng, thông quan... gần như thủ công nên gần như quá tải.

Từ khóa » Kho Hàng Lũng Vài