Theo Dõi Cử động Thai - Bệnh Viện Từ Dũ
Có thể bạn quan tâm
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Cảm nhận cử động thai (hay còn gọi là thai máy) là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của người mẹ khi mang thai. Ở một thời điểm nào đó, đột nhiên bạn cảm thấy em bé đang cử động trong bụng và dần dần sẽ quen với các cử động này cho đến cuối thai kỳ. Không chỉ mang lại cảm xúc đặc biệt cho người mẹ, các cử động thai còn là một dấu hiệu giúp đánh giá sức khỏe thai nhi, đặc biệt là ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Bằng cách đó, nếu bạn cảm thấy em bé của mình cử động ít hơn, hãy thông báo cho bác sĩ để được đánh giá thêm.
Cử động bình thường của thai
Hình minh họa - nguồn internet |
Thai nhi bắt đầu cử động từ rất sớm. Thông thường, cử động của thai đã có thể quan sát được khi siêu âm ở 11-13 tuần. Hầu hết phụ nữ lần đầu tiên cảm nhận được các cử động bên trong tử cung khi họ mang thai ở tuần18-20. Các cử động đầu tiên của thai được người mẹ cảm nhận là các cử động nhanh. Tuy nhiên nếu mang thai lần đầu, nhiều khả năng đến tuần 20-22 bạn mới cảm nhận được, trong khi đó các mẹ bầu có con rạ có thể cảm nhận được chúng sớm hơn, ở tuần thứ 16. Một số ít trường hợp có thể cảm nhận từ sớm hơn 16 tuần hoặc muộn hơn một chút sau 22 tuần.
Bạn có thể cảm thấy các cử động này giống như một cú đạp, đá, rung, lắc lư hoặc cuộn tròn.
Khi em bé của bạn lớn lên, cả số lượng và kiểu cử động sẽ thay đổi. Thông thường, buổi chiều và buổi tối là thời gian em bé của bạn hoạt động nhiều nhất. Trong cả ngày lẫn đêm, con bạn sẽ có những khoảng thời gian ngủ, thường kéo dài từ 20 đến 40 phút, hiếm khi kéo dài hơn 90 phút. Trong khi ngủ, thai nhi sẽ không cử động. Do đó, có những khoảng thời gian trong ngày bạn sẽ không cảm nhận được cử động thai.
Số lần cử động có xu hướng tăng dần cho đến tuần thứ 32 và giữ nguyên đến cuối thai kỳ. Nếu bạn đang vận động hoặc bận rộn làm việc, bạn có thể không cảm nhận được các chuyển động này. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn cần để ý và cảm nhận cử động thai.
Tại sao cử động thai lại quan trọng?
Trong thời gian mang thai, cảm giác em bé đang chuyển động giúp bạn yên tâm về sức khỏe của bé. Đó là một dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển về kích thước và sức mạnh. Mẹ bầu thường được hướng dẫn theo dõi và lưu ý đến cử động thai ở 3 tháng cuối thai kỳ, từ tuần 28. Nếu để ý thấy em bé của bạn cử động ít hơn bình thường, nó có thể là một dấu hiệu cho thấy em bé không được khỏe và do đó, bạn cần phải đến bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa cử động thai với chức năng bánh nhau, các bất thường của tử cung, thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy theo dõi cử động thai hàng ngày giúp giảm nguy cơ thai chết lưu trong tử cung.
Cử động bao nhiêu là bình thường?
Không có một con số cụ thể được coi là bình thường. Mỗi thai nhi sẽ có kiểu hoạt động và số lần cử động khác nhau. Mẹ bầu là người trực tiếp cảm nhận rõ nét điều này. Một số yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của bạn về cử động thai. Ví dụ như khi bánh nhau nằm ở mặt trước tử cung hoặc nếu lưng của bé nằm ở phía trước, bạn có thể cảm thấy ít cử động hơn so với khi bé nằm ngửa.
Do vậy, trong thời kỳ mang thai, bạn cần chú ý đến kiểu cử động của cá nhân bé. Điều quan trọng là em bé có giảm hoặc thay đổi kiểu cử động so với giai đoạn trước đó hay không. Nếu có bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được đánh giá thêm. Nếu quá bận rộn, bạn có thể chỉ cần theo dõi cử động thai mỗi ngày 1 lần khi nghỉ ngơi, tốt nhất là vào một thời điểm nhất định trong ngày. Một bữa ăn nhẹ có thể khiến em bé của bạn hoạt động nhiều hơn.
Một số loại thuốc giảm đau mạnh hoặc thuốc an thần có thể làm cho em bé của bạn ít cử động. Rượu và thuốc là cũng ảnh hưởng đến cử động của bé.
Cách đếm cử động thai:
- Mẹ bầu nên chọn 1 thời điểm nhất định trong ngày và sau bữa ăn để thực hiện đếm cử động thai.
- Cần đi tiểu để làm trống bàng quang trước khi đếm cử động thai.
- Đặt tay lên bụng để cảm nhận và đếm số đợt cử động của thai nhi trong vòng 1 giờ.
- Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.
- Nếu có ít hơn 4 cử động thai, mẹ bầu nên tiếp tục đếm trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ có ít hơn 10 cử động, nghĩa là có giảm cử động thai.
Nên làm gì nếu cảm thấy có giảm cử động thai?
Ở bất kỳ thời điểm nào, bạn nên đến ngay trung tâm y tế sản khoa để được kiểm tra. Việc chăm sóc thai kỳ tiếp theo sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn mang thai.
Ở 3 tháng cuối, các xét nghiệm đánh giá sức khỏe thai sẽ được thực hiện như non-stress test, siêu âm kiểm tra thai, lượng nước ối, Doppler mạch máu thai. Các kiểm tra này thường cho biết tình trạng sức khỏe em bé có đang ổn hay không. Nếu có bất kỳ bất thường nào gây lo ngại về sức khỏe thai nhi, các can thiệp khác sẽ được thảo luận. Trong một số trường hợp, có thể bạn cần sinh em bé càng sớm càng tốt. Tuy vậy, đa số các trường hợp mẹ bầu trải qua một giai đoạn giảm cử động thai có một thai kỳ bình thường và sinh ra em bé khỏe mạnh.
Nếu bạn chưa từng cảm nhận được bất kỳ một cử động thai nào cho đến 24 tuần, bạn nên liên hệ một cơ sở sản khoa để được kiểm tra nhịp tim thai và siêu âm đánh giá thêm các bất thường khác.
Tóm lại, theo dõi cử động thai là một cách để mẹ bầu đánh giá sức khỏe thai, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ. Đây là một phương pháp hữu ích, an toàn, không tốn kém giúp giảm lo lắng cho sản phụ và hạn chế các thăm khám không cần thiết. Ở những tháng cuối thai kỳ, bạn nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, tốt nhất là vào một thời điểm nhất định, sau bữa ăn.
Tham khảo:
https://www.rcog.org.uk/globalassets/documents/patients/patient-information-leaflets/pregnancy/pi-your-babys-movements-in-pregnancy.pdf
https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=fetal-movement-counting-90-P02449
https://www.webmd.com/baby/fetal-movement-feeling-baby-kick#1
Từ khóa » Chu Kỳ Máy Của Thai Nhi
-
Cử động Thai: Nên đếm Lúc Nào Trong Ngày? | Vinmec
-
Thai Máy Trung Bình Bao Nhiêu Lần Một Giờ? | Vinmec
-
Thai Máy Như Thế Nào Là Bất Thường?
-
Bao Nhiêu Tuần Thì Thai Máy? Hướng Dẫn Theo Dõi Cử động Thai Cho ...
-
Hướng Dẫn Theo Dõi Cử động Thai - Bệnh Viện Từ Dũ
-
Thai Máy Bao Nhiêu Lần Một Ngày?Là Khỏe Mạnh | TCI Hospital
-
Hướng Dẫn Cách Theo Dõi Số Lần Thai Máy Chính Xác Nhất
-
HƯỚNG DẪN ĐẾM CỬ ĐỘNG THAI (THAI MÁY)
-
Những Thông Tin Mẹ Bầu Cần Biết Về Thai Máy
-
Đếm Cử Động Thai - Bệnh Viện FV - FV Hospital
-
Hiện Tượng Tăng Và Giảm Thai Máy Như Thế Nào
-
Cách Nhận Biết Thai Máy Mà Mẹ Mang Thai Lần đầu Nên Biết
-
Đếm Cử động Thai - Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội
-
Theo Dõi Cử động Thai | Bệnh Viện Quốc Tế Vinh