Theo Nhịp Võng đưa - Báo Quảng Ngãi điện Tử

(Báo Quảng Ngãi)- Tiếng võng đưa kẽo cà, kẽo kẹt và hình ảnh cánh gió trưa hè gắn bó với người Việt từ thuở ấu thơ cho đến khi đã xế bóng cuộc đời. Từ chiếc võng bằng tàu cau, bẹ chuối của thời tuổi nhỏ, đến chiếc võng kê ở hiên nhà của một người đã tuổi về chiều nằm gác tay lên trán là cả một cuộc hành trình nhân thế qua bao nhiêu thăng trầm, xuôi ngược. Dẫu là người lính ngoài biên cương hay anh thợ cày trên đồng ruộng, từ đứa bé lên năm lên bảy, đến cụ già tóc đã bạc phơ, hầu như ai cũng thích thú với những giờ phút tựa lưng lên cánh võng. Và rồi theo nhịp võng đưa là câu hát ru của bà, của mẹ. Những câu hát thấm vào trong tâm khảm, mang theo bao kỷ niệm đi suốt cuộc đời. Nếu ở miền Đông Nam Bộ hay vùng Tây Nguyên ta thường bắt gặp khá nhiều quán nước bên đường với hàng chục chiếc võng đợi khách ngả lưng, thì dọc theo vùng duyên hải miền Trung hình ảnh chiếc võng thấp thoáng sau rặng dừa ven biển hay nhấp nhô dưới bóng hàng dương xanh chạy theo đồi cát đã trở nên quen thuộc tự bao đời.

Bà cụ Nguyễn Thị Muôn (91 tuổi), ở Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) người cao tuổi nhất còn giữ nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng.
Bà cụ Nguyễn Thị Muôn (91 tuổi), ở Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) người cao tuổi nhất còn giữ nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng.

Trong thế giới tự nhiên, có rất nhiều loài vật thích đu mình lắc lư theo nhịp chuyển động tạo ra bằng sức gió hoặc do tác động của chính mình. Lũ khỉ trên rừng thường đu mình chuyền từ cành này sang cành nọ, hoặc nằm khểnh trên những mớ dây rừng như chiếc võng đan mắc giữa từng không. Chú chim bói cá đậu trên ngọn tre cong vút, lặng im khi rình mồi, nhưng khi liệng cánh xuống mặt sông trong tích tắc để tóm lấy con mồi, lúc trở lên lại lắc lư, nhún nhảy trên chiếc võng trời cho, ra chiều khoái trá với thành quả sinh tồn. Nhưng có lẽ độc đáo nhất, kỳ diệu nhất là chiếc võng dệt bằng cỏ, bằng xơ hoặc bằng lá, chỉ với chiếc mỏ và đôi chân khéo léo của con chim dồng dộc trống khi làm tổ. Chim dồng dộc (dòng dọc, rồng rộc), tên khoa học là Ploceidae, thuộc bộ sẻ. Đây là loài chim khá phổ biến từ các tỉnh miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long. Dồng dộc sống bầy đàn nên thường làm tổ chung trên một cành cây. Tổ dồng dộc có hai loại mà con người quen gọi là tổ chim trống và tổ chim mái, nhưng thực ra không phải như vậy. Việc xây tổ của chim dồng dộc rất phức tạp và kỳ thú. Để chinh phục người đẹp ở lần tỏ tình đầu tiên, chim trống phải xây tặng cho nàng một chiếc tổ có dáng như chiếc mũ úp ngộ nghĩnh với chiếc võng nhỏ bắc ngang, làm chỗ cho nàng đậu. Khi chim mái hài lòng với món quà, cuộc hôn nhân của chúng sẽ bắt đầu. Ở giai đoạn này chim trống trổ tài khéo léo trong vài tuần để đan một chiếc tổ mới xinh xắn cho chim mái đẻ trứng nuôi con. Trong thời gian chim trống cặm cụi làm tổ, chim mái đứng vào chiếc tổ để ngắm chim trống làm việc hoặc bay liệng đây đó rong chơi. Tổ chim lúc này trông giống như chiếc túi hình chuông, một bên hông phình ra, nối liền với một cái ống tròn, phồng lên như ống tay áo loe ra, phần cuối buông thõng xuống mặt đất làm cái “cửa” rất khác biệt, để chui ra chui vào ấp trứng, nuôi con… Sau khi xây tổ xong, đôi chim kiểm tra từng chi tiết của tổ như: Hình dáng, màu sắc, độ bền chắc… Nếu hài lòng với chiếc tổ, chúng sẽ giao phối và đẻ trứng. Nếu tổ làm không chắc chắn, không đồng sắc đồng màu (do chim trống làm tổ từ nhiều loại lá), thì chỉ cần vài phút là chim mái cắn vào cuống tổ để chiếc tổ rơi xuống đất, và chàng trai mong con lại phải kiên nhẫn xây lại tổ mới. Nói về những chiếc võng do con người đan dệt, có lẽ không ở đâu hình dáng và nguyên vật liệu sử dụng để đan võng lại đa dạng như vùng ven biển miền Trung, nơi cái thú nằm võng đã vào tận ca dao: Đêm nằm võng rách còng queo/ Bá hộ đi hỏi chê nghèo không ưng. Bình Định thì có võng tàu thơm An Ngãi, Phò An (An Nhơn), võng dừa Bồng Sơn, Tam Quan (Hoài Nhơn); Quảng Ngãi thì có võng đan bằng vỏ cây trân Đức Chánh (Mộ Đức), võng dừa Cổ Lũy (Tư Nghĩa). Quảng Nam nổi tiếng với võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, Nghệ An thì có võng gai Quỳnh Hợp, Nghĩa Đàn; Ninh Thuận thì có võng Khánh Nhơn; Thanh Hóa thì có võng Sầm Sơn…

Cây thơm tàu- nguyên liệu đan loại võng thơm tàu vừa bền, vừa êm.
Cây thơm tàu- nguyên liệu đan loại võng thơm tàu vừa bền, vừa êm.

Để làm nên một chiếc võng thơm tàu thành phẩm, những người đan cũng phải trải qua khá nhiều công đoạn. Nguyên liệu để đan võng cắt từ lá tàu thơm, đem ngâm nước từ 10 đến 15 ngày tùy trời mưa nắng, rồi đem lên cạo hết lớp nhớt để lấy sợi tơ của thơm. Những sợi tơ sẽ được phơi nắng cho thật khô rồi mới đem ra đan võng. Võng thơm tàu không những nằm êm mà còn có độ bền rất cao, có chiếc sử dụng đến 50 năm vẫn còn nguyên vẹn. Võng ngô đồng đặc biệt ở chỗ được làm từ sợi của thân cây ngô đồng, chỉ mọc ở trên những mỏm núi cao hay vách đá cheo leo. Khoảng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, khi thân cây đã trút hết những chiếc lá cuối cùng để lại những cành cây trơ trọi, cũng là lúc ngô đồng đâm chồi, nở rực một màu hoa đỏ. Muốn đan được võng người ta phải chặt lấy những cành ngô đồng khoảng bằng nửa cổ tay của người trưởng thành. Cành ngô đồng mang về sẽ được đập ra rồi dùng tay tước lớp vỏ cứng đã mục, lấy lớp xơ màu trắng đục, gọi là manh đồng. Những sợi manh đồng này sẽ được ngâm trong nước tù khoảng vài ngày rồi mang đi giặt cho sạch và trắng, sau đó đem ra phơi nắng thật khô cho đến khi chuyển thành màu trắng ngà tinh mới, có độ óng là lúc xơ đã sẵn sàng để đan võng. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sống có nhiều thay đổi so với trước, người ta có thể nằm ghế xếp, nằm võng có máy đưa tự động hoặc vào phòng lạnh để nghỉ ngơi, nhưng không vì thế mà có thể lãng quên chiếc võng đã trở thành sản phẩm góp phần lưu giữ nét văn hoá, nếp sống sinh hoạt độc đáo của người Việt. Thú nằm võng, thú đưa võng đã trở thành món “nghiện” của người Việt ở khắp mọi miền. Chả thế mà trong kho tàng dân ca, anh chàng lãng tử, trăng hoa kia lại dám buông lời thách thức: Đố ai nằm võng không đưa/ Ru con không hát anh chừa nguyệt hoa…

Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh

Từ khóa » Võng Dứa Gai