Theo Vết Nhà đầu Tư “cá Mập” - Tin Nhanh Chứng Khoán

Chọn cổ phiếu có câu chuyện

Tự nhận từng tham gia thị trường chứng khoán “đời đầu” và nhiều năm làm nhà tạo lập thị trường - market maker, nhân vật mà người viết tiếp xúc - anh V.Q.A hiện không còn thích làm công việc này và “nghỉ hưu” 5 năm nay. Dù vậy, bên cạnh công việc kinh doanh riêng, anh vẫn dành tâm sức đầu tư, tập trung nghiên cứu, tính toán các kịch bản đường đi cổ phiếu dựa trên các thông tin có được về doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, “công việc tạo lập” nhiều năm, mối quan hệ rộng rãi với giới chứng khoán, tài chính hỗ trợ cho anh rất nhiều.

Phong cách đầu tư của anh V.Q.A là nghiên cứu từ sớm, không thụ động đợi tin chính thức công bố - bởi khi đó, giá cổ phiếu đã tăng cao ngất ngưởng.

Vào đầu năm 2021, anh chia sẻ đang nghiên cứu cổ phiếu FRT với câu hỏi: trước đây, MWG, PNJ thành công nhờ hệ thống bán lẻ, với FRT có thành công với hệ thống nhà thuốc Long Châu không? Nhưng thời điểm nhà đầu tư này mua là đầu quý III/2021.

Giá cổ phiếu FRT trong quý III/2021 tăng hơn 75%. Tính từ đầu quý III/2021 đến nay, mã FRT tăng 285%, gia nhập câu lạc bộ 3 chữ số.

Lý giải cho việc mua FRT, anh V.Q.A cho biết, quyết định dựa trên chuỗi Long Châu mùa dịch bán hàng tốt, theo đó, doanh nghiệp mở cửa hàng với tốc độ nhanh hơn dự kiến.

Là Fn, nhưng nhà đầu tư này cũng thay đổi chiến thuật đầu tư theo “tâm điểm thị trường”, tức là dòng tiền F0 mạnh mẽ nhưng xoay chuyển rất nhanh, không nằm cố định ở một nhóm ngành nào, nên mua và ôm lâu như các năm trước sẽ không hiệu quả.

Bức tranh kinh doanh của FRT từ quý III/2021 đã có thêm điểm sáng nhờ chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu có lãi. Điều này càng khiến nhà đầu tư mạnh dạn nắm giữ.

Dự kiến, sang năm 2022, khi FRT có thể mở thêm 200 - 300 nhà thuốc mới, gia tăng độ phủ nhằm thực hiện chiến lược chiếm thị phần số 1 ở mảng bán lẻ nhà thuốc, kinh doanh của FRT kỳ vọng sẽ tích cực hơn. Anh V.Q.A cho biết, có “phím” cho anh em thân, mỗi người mua vài trăm ngàn FRT đầu tháng 12/2021, tới nay họ đang lãi trên 80%.

Trà dư tửu hậu cùng nhóm 7 nhà đầu tư có tài sản ròng trên 100 tỷ đồng vào ngày cuối năm 2021, đây là cuộc gặp “anh em chiến hữu” đã và mới quen nhau trên con đường đầu tư năm qua. Dĩ nhiên, không khí chung là “vui” khi danh mục ai cũng tăng tốt.

Trong nhóm này, có một nhà đầu tư giới thiệu tham gia đầu tư từ “đời đầu” nhưng từng rút lui sau cú knock out thị trường năm 2008.

Vốn tưởng sẽ rời xa thị trường chứng khoán từ đấy, nhưng anh kể: “Tôi đã bị lôi cuốn trở lại khi thị trường quá sôi động 2 năm nay”. Nhà đầu tư này cho biết, anh không lạ gì với mấy trò kéo giá rồi “úp bô” lên nhà đầu tư cá nhân, kinh nghiệm giúp cho anh “đọc vị” nhiều cổ phiếu có tín hiệu như trên.

Từ chối thì không hẳn, nhưng phân bổ tỷ trọng nhỏ và vào nhanh, ra nhanh với các cổ phiếu cũng “kiếm được rất khá”. Nhà đầu tư kể, có lúc trong danh mục của anh có cổ phiếu đầu cơ họ Louis, SJF, LIC… và đều lãi tốt.

Một nhà đầu tư nữ, là kế toán đã nghỉ hưu thảo luận về TTF. Sự quan tâm của chị tới TTF là khi đọc thông tin có khả năng bị huỷ niêm yết do nguy cơ âm vốn chủ và sau đó là kế hoạch phát hành vừa “cứu cánh” cho việc âm vốn, vừa xử lý được khoản nợ xấu ngân hàng.

Đây là tín hiệu mà chị đánh giá là tích cực và vốn dĩ theo dõi TTF trước đó (nhưng chưa giải ngân), nhà đầu tư này quyết định “xuống tiền”. “Khi đọc phương án phát hành, đọc thông tin về các chuyển động của TTF và hơn cả, tôi tin lãnh đạo doanh nghiệp này là ông Mai Hữu Tín. Tôi đầu tư vào TTF vừa qua chính là đầu tư vào lãnh đạo doanh nghiệp”, nhà đầu tư nữ cho hay.

Dù vậy, việc giá cổ phiếu tăng quá nhanh cũng khiến nhà đầu tư dè chừng, nếu tăng vượt giá mục tiêu đề ra, hoặc tăng nhanh trong thời gian tới, vị này cho biết sẽ bán vì cổ phiếu có dấu hiệu đầu cơ ngày càng cao. Rút lui trước, rồi mua lại sau khi giá bình ổn hơn là chiến thuật mà nhà đầu tư lựa chọn.

Trao đổi với một nhà đầu tư lớn đã kiếm nhiều tiền từ cổ phiếu bất động sản, anh chia sẻ quan điểm cá nhân, giai đoạn vừa qua có nhiều cổ phiếu tăng nóng, sắp tới phải cẩn trọng. Dòng cổ phiếu này có thể còn sóng ít nhất nửa đầu năm 2022, nhưng phân hoá.

Bên cạnh dòng bất động sản, nhà đầu tư dành sự quan tâm tới cổ phiếu ngân hàng, nhóm “bị bỏ quên” gần 2 quý vừa qua.

Thời gian tích luỹ đủ dài, kết quả kinh doanh khá tốt, đặc biệt là câu chuyện giá bất động sản tăng giúp tài sản đảm bảo của ngân hàng bán được giá hơn là những luận điểm mà nhà đầu tư lưu tâm.

Thị trường đi lên nhất định phải có sự góp sức của của cổ phiếu ngân hàng, nhưng cũng tương tự như cổ phiếu bất động sản, trong cả dòng chọn cổ phiếu nào anh phải lọc với quan điểm “Quan tâm vậy nhưng tôi vẫn cho rằng thời điểm mua là quan trọng, tôi quan sát nhưng để sau dịp Tết dương lịch mới cân nhắc đầu tư”.

Tiền lớn kiếm cơ hội

Sự sôi động của thị trường năm qua không chỉ ở sự xuất hiện của các nhà đầu tư F0, mà nhiều Fn kiếm đậm từ thị trường vẫn quay vòng dẫn đến những phiên giao dịch bùng nổ trên 2 tỷ USD. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, bên cạnh các công việc quản trị, điều hành doanh nghiệp hàng ngày, dành sự đam mê lớn cho chứng khoán.

Một đội như vậy quy mô tiền bỏ vào một mã chứng khoán xoàng xĩnh cũng trên 200 tỷ đồng. “Buôn có bạn, bán có phường”, các hội nhóm đầu tư chứng khoán từ quy mô nhỏ đến vừa và lớn là nhu cầu và hiện tượng phổ biến trong năm qua.

Trên thị trường hiện có không ít nhà đầu tư chứng khoán cá nhân nhưng chuyên nghiệp. Họ gan lì và đầu tư rất bản lĩnh, với tầm nhìn 3-5 năm không khác gì các quỹ, các tổ chức đầu tư, nhưng lại có độ linh hoạt cao nên lợi nhuận kiếm được không hề thấp.

Một nhóm khoảng 10 nhà đầu tư mới đây có bữa ăn tối tổng kết tại khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Người được cả nhóm nể phục có tài khoản tăng 25 lần kể từ “điểm vào” tháng 4/2020, người nào thấp nhất cũng tăng 3 lần.

Một nhóm khoảng 10 nhà đầu tư mới đây có bữa ăn tối tổng kết tại khách sạn 5 sao ở Hà Nội với thành tích đáng nể.

Người được cả nhóm nể phục có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng 25 lần kể từ “thời điểm vào” tháng 4/2020, người nào thấp nhất cũng tăng 3 lần. Cách đánh của nhà đầu tư này bài bản, vốn là tiến sĩ toán học, chị nhảy sóng nhưng trước đó đều dành tâm sức nghiên cứu bức tranh lớn và sự vận động của dòng tiền để quyết định nhóm cổ phiếu nào sẽ đổ vốn, sau đó chọn điểm vào phù hợp.

Nửa đầu năm 2021, chị đổ vốn vào cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, quý III chỉ đầu tư cổ phiếu thị giá thấp, thậm chí mua nhiều “hàng rác” như cách nói của chị thì đến quý IV, chị lại chuyển sang cổ phiếu bất động sản.

Không nhảy sóng như nhà đầu tư trên, một “cá mập” khác đang cầm vài triệu cổ phiếu FLC từ giá 5.000 đồng/cổ phiếu đến nay chưa bán, cầm hơn chục triệu cổ phiếu ROS từ giá 4.000 đồng/cổ phiếu và bán ra khi giá đạt 12.000 đồng/cổ phiếu, mua HBC giá 12.000 đồng/cổ phiếu và bán ra với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Sử dụng ký quỹ (margin) tối đa, chọn điểm vào thấp, mức độ lãi của những nhà đầu tư này là rất lớn.

Chỉ riêng một khoản đầu tư 400 triệu đồng mua cổ phiếu ROS bằng “đánh kho”, nhà đầu tư đã kiếm được gần 5 tỷ đồng. Trong khi “đánh kho” không phải là mục tiêu, mà phải biết mọi thứ để còn bám thị trường, như nhà đầu tư chia sẻ.

Từng được coi là nhà đầu tư thành công nhất trong nhóm nhưng cho đến nay phương pháp “đánh lì” của nhà đầu tư này cho lợi suất gấp 6 lần, kém nhiều so với tỷ suất 25 lần của “thủ lĩnh” mới và hầu hết những người trong nhóm đã chơi theo lối chơi của người đạt tỷ suất 25 lần.

Nói vậy, nhưng kiếm tiền không đơn giản. Các nhà đầu tư trên mất nhiều công sức để nghiên cứu, tìm kiếm, lọc cổ phiếu, lọc ngành, bám các nguồn tin, có mối quan hệ để chắt lọc thông tin và quan trọng nhất như họ nói, không có đam mê thực sự rất khó để thành công trên thị trường chứng khoán nhiều màu sắc nhưng không kém phần nghiệt ngã.

Từ khóa » Cá Mập Của Thị Trường Chứng Khoán