Thép Mới - Nhà Báo Cách Mạng Xuất Sắc
Có thể bạn quan tâm
Một ngày thu 2010, tôi gặp nhà báo Hồng Hà (1) tại Ðại hội Nhà văn lần thứ 8, ở Hà Nội. Anh Hồng Hà ngồi kế bên, kéo tôi ra hành lang đại hội, bàn với tôi năm nay 2011 kỷ niệm 20 năm Ngày mất của Thép Mới, vì anh biết những ngày ở miền nam tôi và Thép Mới thân nhau cũng như với Nguyễn Văn Bảy, Phan Quang, Ðặng Minh Phương vậy.
- Mình có nhờ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Ðinh Thế Huynh, triệu tập anh em viết và tổ chức kỷ niệm vì anh Thép - tên gọi thân mật - là người dẫn dắt mình, giác ngộ mình và làm cho mình yêu văn chương. Rồi sau đó anh có gọi dây nói cho tôi vài lần, đột nhiên tháng 1- 2011 anh vội vã qua đời. Hồng Hà là em ruột Thép Mới.
Năm 1958, tôi còn nhớ hôm ấy vào cuối tháng Chạp, mùa đông Hà Nội rất lạnh. Hồi ấy tôi được cử đi học Ðại học Tổng hợp. Bỗng một hôm tôi gặp Thép Mới, đang đạp xe đạp trước đường Lê Thánh Tông (giảng đường Ðại học, số 23 đường này). Anh vẫy tôi lại hỏi:
- Ðoàn Minh Tuấn muốn xem phim không?
- Dạ, có chớ!
Hồi ấy Hà Nội chưa có ti-vi, xem phim phải xếp hàng thật dài mua vé ở rạp. Ðược mời xem phim thì thú quá còn gì. Tôi hỏi 'Phim gì'.
- Phim Cây tre Việt Nam.
Phim này là phim tài liệu nghệ thuật mầu 35 li, dài cả tiếng đồng hồ do Ba Lan quay. Với lời bình của Thép Mới. Cây tre trong phim nói lên được tâm hồn Việt Nam. Chỗ nào có cây tre là có xóm làng, nông dân Việt Nam. Họ hàng cây tre mọc lên từ rừng sâu qua những cánh đồng trù phú... Cây tre là bạn với ta lúc ấu thơ nằm trên nôi, theo ta đánh giặc như theo Thánh Gióng...
Thép Mới là một nhà báo lớn, chuyên viết ký. Chủ yếu là ông sử dụng loại bút ký chính luận rất tài hoa, bởi vậy nên lời thuyết minh của ông trong phim này rất sôi nổi, sắc sảo đầy chất chiến đấu, đầy chất thơ, chất trữ tình. Tác giả từ chiều sâu xúc cảm mới đã biểu dương tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân ta, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta, và khẳng định sức mạnh của thời đại mới.
Thép Mới tên thật là Hà Văn Lộc, sinh năm 1925. Ông là nhà báo xuất sắc và đồng thời là nhà văn Việt Nam với các bút danh khác: Phượng Kim, Hồng Châu, Ánh Hồng. Thuở nhỏ ông học ở Nam Ðịnh đến trung học, sau đó ông lên Hà Nội học Ðại học Luật khoa. Trước năm 1945 giác ngộ cách mạng, tham gia viết tờ Tự Trị của phong trào sinh viên yêu nước chống Nhật, sau Cách mạng Tháng Tám, ông công tác ở các tờ báo của Ðảng như Cờ giải phóng (1945 - 1946), Sự thật (1946 - 1951) và Nhân Dân (1951) cho đến khi xuôi tay, 1991. Ông trải qua nhiều vị trí công tác: Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Tổng Biên tập báo Giải phóng (miền Nam), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2 và 3.
Tác phẩm đã xuất bản: Cây tre Việt Nam (thuyết minh phim 1958), Hiên ngang Cu-ba (bút ký 1962), Nguyễn Ái Quốc đến Lê-nin (thuyết minh phim 1980), Ðiện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam (bút ký 1965), Trường Sơn hùng tráng (bút ký 1967), Ðường về Tổ quốc (thuyết minh phim 1981).
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài cuốn Trách nhiệm (bút ký 1951) ông chuyên viết phóng sự, tùy bút biểu dương tinh thần chống giặc giữ nước của nhân dân ta. Những bài ký khá hay là: Kháng chiến sau lũy tre, Trên đồng lúa (1947), Qua vùng chiếm đóng (1948). Từ năm 1954 ông có nhiều dịp đi nước ngoài theo các lãnh tụ, ông đã có những tác phẩm: Hữu nghị (1955), Như anh em một nhà (bút ký 1957)... ngợi ca tinh thần quốc tế. Thép Mới là một nhà báo xông xáo, dũng cảm, đã vượt Trương Sơn, có vốn sống phong phú. Như trong bài Ngọn lửa trong ngòi bút Thép Mới, nhà văn - nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang đã viết: 'Nói đến Thép Mới người ta thường nghĩ anh là một nhà báo, nhà báo lớn, được công chúng mến mộ, được bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhà báo Thép Mới còn là dịch giả Thép đã tôi thế đấy!, Tuyên ngôn Ðảng cộng sản và thời gian ủng hộ chúng ta. Nhưng Thép Mới còn là nhà văn, hay nói đúng hơn là nhà báo đậm chất văn trong tư duy sáng tạo, trong cách diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ...'.
Sau này, những năm 1989 - 1990, ông và nhà báo Trần Hữu Phước cộng tác trong phụ san của tạp chí Toàn cảnh 'Nhịp cầu vàng' do tôi phụ trách (Thép Mới và Trần Hữu Phước trong Hội đồng Biên tập). Qua câu chuyện Thép Mới thổ lộ là ông không có ý định viết văn. Nhưng chất thơ từ tim ông toát ra đã thấm vào những thiên phóng sự nhiều kỳ hấp dẫn. Có lần Báo Nhân Dân đăng mấy bài của tôi cả mấy tháng chưa thấy gửi nhuận bút, tôi 'kiện' Thép Mới. Ông nói: 'Mình sẽ lấy tiền túi trả cho cậu. Nếu sau này báo trả thiếu thì mình chịu. Trả thừa thì chúng mình đi uống bia'. Thép Mới là một nhà báo lớn nhưng rất giản dị và vui tính.
Năm 1991, tháng 8 mùa thu, ngày 25, trước khi mất ba ngày, ông có đưa cho tôi bài báo cuối cùng: Nhà báo Mỹ với Việt Nam, nội dung viết về nhà báo Mỹ nổi tiếng Uy-li-am Broi-lơ (William Broyles)- chủ bút tờ Newsweek sang thăm Việt Nam vào cuối thập niên 80, có hai nơi nhà báo Mỹ định đi: một là Tân Trào, hai là Tuý Loan (vành đai Ðà Nẵng) nơi mà năm 1969 Uy-li-am Broi-lơ mang lon Trung úy thủy quân lục chiến đóng tại đó. Bài báo không ra kịp trước khi ông mất, đầu tháng 9 - 1991 mới in xong. Tôi đem đến căn hộ của ông ở Nguyễn Ðình Chiểu, gần chợ Vườn Chuối (quận 3, TP Hồ Chí Minh) tờ tạp chí và phong bao tiền nhuận bút cùng hoa quả thắp hương ông. Ông là người cầm bút đến khi nhắm mắt mới rời. Chúng tôi thường gọi đùa ông là nhà báo hàm 'thứ trưởng'.
Lại nhớ, có lần Hồng Hà tâm sự với tôi: Hồng là bí danh Thép Mới, Hà là họ Hà, đồng thời là Hà Nội, là sông Hồng Hà. Hai anh em cùng trận tuyến báo chí. Xin xem đây là nén tâm hương tưởng nhớ hai người bạn làm báo, làm văn thân yêu.
---------------
(1) Nhà văn, nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng.
Từ khóa » Sự Nghiệp Của Thép Mới
-
Thép Mới – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tác Giả Thép Mới | Tác Giả - Tác Phẩm Văn 6
-
Tóm Tắt Cuộc đời Và Sự Nghiệp Tác Giả Thép Mới - Áo Kiểu đẹp
-
Nhà Báo Thép Mới: Tài Hoa Và Chất Thép (Bài 1)
-
Tác Giả Thép Mới - Tiểu Sử, Quan điểm, Phong Cách Sáng Tác
-
Thép Mới - Đôi Nét Về Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Tác Giả ... - ICAN
-
Nhà Văn Hiện đại Việt Nam Thép Mới
-
Ngòi Bút Thép Mới - Trường Thcs Nguyễn Lương Bằng
-
”Sống động Sự Nghiệp Báo Chí” Của Thép Mới
-
Tác Giả - Tác Phẩm: Cây Tre Việt Nam (Hoàn Cảnh Sáng Tác, Tóm Tắt ...
-
Thép Mới, Như Tôi đã Biết - Báo Đại Đoàn Kết
-
Thép Mới Cây Tre Việt Nam
-
Thép Mới
-
Vài Nét Về Tác Giả Thép Mới - Luyện Tập 247