Thị Phần Xoài Việt Nam Trên Bản đồ Thế Giới Vẫn Rất Khiêm Tốn

Thị trường xoài Việt gia tăng ở thị trường khó tính

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019, nguyên nhân được đánh giá khách quan do đại dịch Covid-19 làm ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc đạt 151,8 triệu USD, chiếm 83,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giảm 4,18% so với năm 2019; đứng thứ 2 là thị trường Nga, đạt 8,4 triệu USD, chiếm 4,65%, là thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh đạt 76,1% so với năm 2019; thứ 3 là thị trường Papua New Guinea với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5,5 triệu USD, chiếm 3,03% thị phần, tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Hồng Kông.... cũng là những thị trường chính của Việt Nam.

an-giang-dat-muc-tieu-xuat-khau-10-tan-xoai-sang-my

Tin vui đối với xoài Việt khi nhiều thị trường khó tính gia tăng nhập xoài Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho hay, nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ trong năm 2020 đạt 728,92 nghìn tấn, trị giá 916 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 12% về trị giá so với năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân xoài các loại đạt 1,26 USD/kg, tăng 0,5% so với năm 2019. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 14 cho Hoa Kỳ, lượng và trị giá nhập khẩu xoài từ Việt Nam tăng rất mạnh đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, tăng 2,5% so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Xoài tươi là chủng loại lớn thứ 2, sau xoài đông lạnh Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam, lượng xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,14% tổng lượng xoài tươi Hoa Kỳ nhập khẩu và chiếm 36,6% tổng lượng xoài các loại nhập khẩu từ Việt Nam. Xoài đông lạnh là chủng loại Hoa Kỳ nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam trong năm 2020, đạt 1,15 nghìn tấn, tăng 38,16% so với năm 2019, chiếm 54,76% tổng lượng xoài các loại nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại thị trường Hàn Quốc, năm 2020, Việt Nam đang đứng thứ 4 trong những thị trường cung cấp xoài cho nước này, chiếm 6,2% tổng lượng nhập khẩu xoài của Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng đang tăng mạnh nhập khẩu xoài từ thị trường Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp có lô xoài đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng 27 tấn, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T Group - cho biết, những tháng đầu năm 2021, công ty xuất khẩu 35 tấn xoài/tuần.

Lợi thế hiện nay là xoài được cấp phép xuất vào thị trường Hoa Kỳ và Australia với công nghệ bảo quản 30 ngày, các hiệp định thương mại tự do được ký kết giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường trong khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, xoài là loại trái cây có mùa vụ quanh năm, chất lượng ổn định nên doanh nghiệp thuận lợi trong chủ động ký kết các hợp đồng xuất khẩu…

Phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm

Dù có những bước tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn rất khiêm tốn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu mới chỉ đạt con số hơn 180 triệu USD.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền. Đối với trái xoài, là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối và Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích trồng xoài trong cả nước khoảng trên 87.000 ha và tổng sản lượng xoài trong năm 2020 của Việt Nam đạt 893,2 ngàn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Xoài được trồng nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước với tổng sản lượng xoài năm 2020 đạt 567.732 tấn.

Nhu cầu tiêu thụ xoài trên thế giới rất tiềm năng. Để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài xuất khẩu, gia tăng thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới, nhiều ý kiến cho rằng phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, tác động vào mọi đối tượng, liên kết: từ người sản xuất - người thu mua - sơ chế, đóng gói, bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng theo quy định của thị trường xuất khẩu. Trong đó, vai trò của các HTX là rất quan trọng, HTX chính là đầu mối để phối hợp, liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX sẽ quy tụ các xã viên để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp, hình thành nên vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu của nhiều thị trường khác nhau…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến nghị các địa phương tiếp tục đăng ký vùng trồng xoài, cấp mã số; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo. Đối với cơ sở đóng gói, xử lý, phải được kiểm tra giám sát định kỳ và có sự chấp nhận của nước nhập khẩu…

Từ khóa » Bản đồ Xoài