Thi Sĩ Thuý Kiều

Tài năng của nàng Kiều được Nguyễn Du giới thiệu gọn một câu trong phần đầu truyện : Thông minh vốn sẵn tính trời - Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm; nghĩa là năng khiếu bẩm sinh, đủ cả cầm - kỳ - thi - họa; mà tài nào cũng làu bậc, ăn đứt, rất mực, giải nhất...; nghĩa là số một, là duy nhất; đã chẳng có người đồng hạng, nói gì đến kẻ trên cơ !…

1. Những lần tuôn trào thi hứng

Cái đêm đầu tiên Kim Trọng Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai, Kiều phóng bút trên bức tranh tùngvừa vẽ của người sơ ngộ :

Tay tiên gió táp mưa sa,

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.

Thơ đề tranh ngoài việc sáng tác cho hay, cho hợp, còn phải đề vào cho đẹp nữa; mà sao nét bút nhoáng nhoàng giông bão thế ?! Làm thơ mà sóng động trong lòng; chắc nàng đã linh tính Biết đâu rỗi nữa chẳng là chiêm bao…Đúng là một dự báo tương lai. Kim Trọng nhận xét :

Khen :"Tài nhả ngọc phun châu,

Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này"…

Thật là tâm phục khẩu phục; một đánh giá cao nhưng có phần cứng nhắc và công thức.

Trên những nẻo đường lưu lạc, không ít lần Kiều đã nổi nguồn cảm hứng. Trước lầu Ngưng Bích, tứ thơ vì đau đớn mà thành :

Chung quanh những nước non người

Đau lòng lưu lạc nên và bốn câu.

Hay dở thế nào không rõ. Mà dở thế nào được với tài ấy, với tâm trạng ấy. Có lẽ thơ đang nói về niềm nỗi tha hương, về cảnh đời tù đày, về hoài vọng người dưới nguyệt và kẻ tựa cửa hôm mai. Một trong những đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất được Nguyễn Du viết ở đoạn đời này của Kiều phải chăng thoát ra từ hồn thơ nhân vật ?! Bộ "tứ bình" "Buồn trông…" có thể được xem là một bài thơ hoàn chỉnh mà nếu không thác vào hồn nhân vật thì dẫu tài năng mấy cũng đố ai viết nổi. Nhiều đoạn thơ Kiều ta đọc mà không phân biệt được đâu là lời Nguyễn đâu là lời Kiều chính vì một lẽ ấy.

Rồi những lúc trà dư tửu hậu cùng Thúc Sinh, những ngày tháng ngắn ngủi tạm gọi là qua cơn sóng gió ban đầu, Kiều dụng bút :

Khi gió gác, khi trăng sân

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nổi thơ.

Làm thơ cho Kim Trọng thì là tay tiên, là thi tiên; còn làm thơ cho Thúc thì câu thần, là thi thần. Nguyễn Du có ý gì chăng ?! Thơ nàng đã xuống tay, hay họa vần cùng họ Thúc thì cần gì phải trổ hết công năng ?!…

Chỉ có hai người được Kiều tự nguyện làm thơ xướng họa; cũng là hai người từng cùng nàng yêu thương, gắn bó. Còn năm năm chung sống với người gươm đàn nửa gánh thì không thấy Kiều làm bài thơ nào. Thơ không phải mối bận tâm của kẻ chọc trời khuấy nước; hay thi sĩ Kiều - như bao nhiêu thi sĩ khác trên thế gian này - khi sống trong cảnh đời nhung gấm bỗng đột nhiên cụt hứng?! Nếu quả thế thì Nguyễn Du khéo đến khó lường !

Còn 3 lần nữa Kiều đã lĩnh ý đề bài, nhưng không phải cho người mà cho…ma. Thơ viết vì Đạm Tiên, cho Đạm Tiên, với Đạm Tiên lại là những bài thơ trước nhất, nhiều nhất, nhanh nhất; đa dạng nhất (tuyệt cú, cổ thi, ngâm khúc), có cách viết khác thường nhất, trong không - thời gian sáng tạo lạ lùng nhất, không - thời gian phi trần thế.

Khi nghe Vương Quan kể về người ca nhi Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương, Kiều liền :

Rút trâm sẵn giắt mái đầu

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

Cảm xúc có sẵn, viết từ gan ruột trong mối đồng thanh tương ứng, nào đợi bút giấy; viết là có người đọc ngay, cảm ngay; viết cho người mà cũng là cho chính mình, đúng là Hữu tình ta lại gặp ta.Siêu bạn đọc Đạm Tiên chẳng nề u hiển đáp lời; Kiều lập tức có ngay bài mới với một tâm trạng phấn hứng tột đỉnh của khoảnh khắc sáng tạo có một không hai:

Lòng thơ lai láng bồi hồi,

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

Thế rồi, đêm về, trong cơn mộng ảo, Đạm Tiên mang đến 10 bài thơ của Hội đoạn trường để xin Kiều họa lại. Nàng liền :

Tay tiên một vẫy, đủ mười khúc ngâm.

Thơ làm trong mộng tưởng, thảo nào không nhanh như gió thoảng. Và đây là lời của “nhà phê bình văn học” không thuộc cõi ta bà - một đại biểu đến từ Hội thơ đứt ruột của thế giới không biết đố kị :

Xem thơ nức nở khen thầm

Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường

Ví đem vào tập đoạn trường

Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.

Hóa ra, người tri kỷ với thi sĩ Kiều đâu có ở kiếp phù sinh. Kim và Thúc, xét riêng về tài thơ, nào có ăn thua! Con người như thế làm sao ngồi cho yên ổn, ở cho vững vàng?! Đây đâu chỉ là lời bình phẩm mà còn là "quyết định kết nạp" một thành viên mới vào hội tài hoa mệnh bạc, là dự báo kinh hoàng mười lăm năm truân chuyên nữa về sau…Điều mà ta gọi là tiếng nói tri âm thì cũng chỉ đến đấy là kỳ cùng.

2. Những câu thơ không tự nguyện

Gia biến, Kiều phải bán mình. Tay họ Mã lõi đời trước món hàng mà hắn hết sức ý thức về mặt giá trị nên cân sắc cân tài đủ kiểu :

Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.

Không thấy Nguyễn Du mô tả lời khen của Mã về tài thơ. Thơ bị ép viết thì còn hay nỗi gì mà khen. Chắc Mã hơi bị kém chuyện văn chương, trình độ nào mà dám nhận xét thơ Kiều ? Cụ Nguyễn lờ đi, bàn chi nữa…

Chốn lầu xanh, không ít lần Kiều phải làm thơ giải trí cho khách làng chơi : Đòi phen nét vẽ, câu thơ - Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa. Cái loại thơ mua vui này, cũng là một kiểu ép; có thể đối với bọn người nhiều tiền của hoặc rỗi việc thì sính, mắc mớ chi mà Kiều phải dồn tâm lực. Nguyễn Du cũng chỉ nhắc qua; nhắc qua không phải để khẳng định tài thơ, mà để thấy thêm một nỗi khổ nữa là, bán thân xác không thôi chưa đủ, Kiều còn đem cả linh hồn bán cho bọn mua vui - Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa kia mà. Đoạn trường ấy mới là kinh !

Một lần khác, nàng bị bắt làm thơ trong trường hợp khá hi hữu. Thúc ông kêu kiện cửa công. Kiều gặp ông quan phủ máu me văn chương (may mắn thay!), yêu cầu làm thơ vịnh cái gông gỗ (Mộc già hãy thử một thiên trình nghề); nàng vội cất bút tay đề. "Độc giả quan lại" bình văn :

Khen rằng : "Giá đáng Thịnh Đường

Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân".

Bị ép làm thơ, làm thơ về gông cùm để mong thoát khỏi gông cùm, đương nhiên Kiều phải cố gắng; nhưng không thể vì thế thành thiên tuyệt bút. ấy vậy mà đã được xếp ngay vào hàng Lý - Đỗ. Quan phủ quá lời hay Nguyễn Du tìm mọi cơ hội để khẳng định tài năng muôn một của Kiều ?!...

*

Trong tám lần Nguyễn Du tả nàng Kiều làm thơ, ta không thấy thơ Kiều đâu. Nàng là nhà thơ ngoại hạng mà chẳng ai đọc được lấy một dòng. Điều đáng nói là, trong Kim Vân Kiều truyện, nàng Kiều của Thanh Tâm tài nhân đã có khá nhiều thơ; nhưng nhìn chung, thơ không lấy gì làm xuất sắc, chỉ là "thù tạc" mà thôi. Khi sáng tạo Truyện Kiều, Nguyễn Du đã không dùng lấy một câu thơ nào cả. Trong một số tác phẩm xưa nay, khi nhân vật làm thơ, thường có một hai bài hoặc một đôi câu được đưa vào (của tác giả hoặc mượn của một tác giả nào đó). Riêng Truyện Kiều thì không. Nguyễn Du đã từng viết những câu tuyệt bút; ông có thể "gán" một số câu ấy vào Kiều được chứ !

Có phải Nguyễn Du muốn phong kín "tác phẩm" của Vương Thúy Kiều như là một nghệ thuật xây dựng hình tượng, để người đời mặc sức tưởng tượng về tài thơ trác việt của nàng ở cả hai cõi âm dương !...

Từ khóa » Thuý Kiều Làm Thơ