Thị Trấn Lang Chánh Chia Sẻ Về Cách Làm điếu.

 

Về làng Lưỡi – thị trấn Lang Chánh, huyện Lang chánh tỉnh Thanh Hóa, ai cũng biết gia đình anh Lê Văn Tiếp, người đầu tiên trong làng coi nghề làm điếu cày và những chiếc điếu như một thứ hàng hóa thương phẩm để tăng thu nhập cho gia đình. Vừa tỉ mỉ khoét điếu, anh vừa giới thiệu cho chúng tôi những công đoạn để làm nên 1 chiế,  điếu thành phẩm “đạt”. Theo như lời anh Tiếp thì chiếc điếu được cho là đạt phải đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã. Phải cân đối về thân điếu, nõ điếu, có độ bóng và điều quan trọng là khi hút phải tạo được tiếng vang riêng biệt của chiếc điếu.

Ống điếu được làm bằng thân tre hoặc nứa, một đầu để mắt bịt kín, một đầu hở để hút, trên thân điếu có nõ điếu để tra thuốc và chân để dựng giữ cho chiếc điếu không bị đổ. Điếu cũng được làm theo nhiều kiểu dáng và độ dài ngắn khác nhau, tuy nhiên muốn làm được một chiếc điếu cày đảm bảo thì cũng cần phải tuân thủ một số quy định chung, chẳng phải thế mà từ xưa người làm điếu trên Lang Chánh đã truyền nhau câu “Thân một thước, nước một nắm”. Tức là thân điếu có thể dài từ một thước (khoảng 48cm), và từ chỗ đầu bịt kín đến nõ điếu là 1 nắm tay, phần này được dùng để chứa nước điếu.

Vợ chồng anh Lê Văn Tiếp - Làng Lưỡi - Thị Trấn Lang Chánh chia sẻ về cách làm điếu.

Thân điếu được làm từ những ống tre hoặc nứa sẵn có từ địa phương, thường người ta chọn những cây nứa từ 2 đến 3 năm tuổi trở lên mới đảm bảo độ già và bóng, khi hút mới phối hợp với nõ điếu sẻ tạo được tiếng rít vang. Trên thân điếu, cách chỗ đầu bịt kín 1 nắm tay người ta khoét 1 lỗ nhỏ để gắn nõ điếu. Nõ điếu là nơi tra thuốc lào vào, thường được làm bằng gỗ hoặc kim loại. Đây là bộ phận quan trọng nhất, góp phần tạo nên tiếng kêu giòn tan khi hút. Phía đầu không bịt kín, người ta lắp chân điếu để giữ cho chiếc điếu nằm dốc lên và không bị đổ nước ra ngoài. Bên trong ống điếu người ta đan 1 chiếc lồng bằng mây hình bầu dục được gọi là bóng điếu, phần này có tác dụng để lọc khói và ngăn nước điếu không bị sặc lên.  Bên cạnh đó, để chiếc điếu được đẹp và trở nên bắt mắt, người làm điếu còn đan thêm một số vòng mây trên ống điếu, hoặc có thể mang điếu đi bọc đồng... tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Anh Tiếp chia sẻ: "Làm điếu không phải là khó, nhưng cũng không hề đơn giản, quan trọng nhất vẫn là khoét lỗ để tra nõ điếu vào và lựa chọn nõ điếu sao cho phù hợp với thân điếu, lỗ để tra nõ điếu phải vừa khít như được dán keo, không được hở để tránh ra hơi và ngấm nước. Nõ điếu phù hợp mới tạo được tiếng kêu khi hút và cân đối về mặt thẩm mĩ."

Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng anh Tiếp làm được từ 20 đến 30 chiếc điếu, mỗi chiếc điếu thành phẩm được bán nhập cho các nơi với giá dao động từ 50, 60 nghìn đến hàng trăm nghìn tùy thuộc vào chất lượng từng chiếc điếu. Anh Tiếp còn cho biết thêm, thời gian gần đây ngày càng nhiều các thương lái từ các huyện trong và ngoài tỉnh như Thọ Xuân, Cẩm thủy, Như xuân, Hoằng hóa, Hòa Bình... đến nhập điếu từ gia đình mang về bán, cũng có nhiều người khi đi qua dừng lại mua về sử dụng hoặc đem tặng bạn bè... Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ làm điếu cày, nhiều bà con trong làng cũng học tập gia đình anh làm điếu bán để tăng thu nhập cho gia đình.

Từ khóa » Cách Làm Nõ điếu Cày