Thị Trường Cá Tra Trong 05 Tháng đầu Năm 2021

Tính đến cuối tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 638 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, giảm gần 17%, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2020 tăng khoảng 38%, cho thấy có dấu hiệu gia tăng tích cực trong bối cảnh bùng nổ đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này (Hình 1). Trong 5 tháng đầu năm nay bên cạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ các thị trường truyền thống, còn có sự tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh mẽ từ các thị trường Mexico, Brazil, Colombia và Thái Lan.

Description: E:\Cong thong tin dien tu So\Dang tin bai\NAM 2021\QUI 3-2021\BAN TIN THI TRUONG\Ky2-T7-Bantinthitruong2021\1. Thị trường cá tra trong 05 tháng đầu năm 2021\H1.jpg

Nguồn: VASEP

Có 02 lý do dẫn đến sự tăng trưởng ổn định đối với thị trường Trung Quốc và Mỹ đó là thời gian gần đây Trung Quốc đã ra lệnh đình chỉ nhập khẩu thủy sản đông lạnh từ 06 công ty xuất khẩu của Ấn Độ do Hải quan Trung Quốc phát hiện dấu vết Coronavirus trên bao bì sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Ấn Độ. Sự kiện này vừa tạm được xem là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng cũng là vừa là lời cảnh báo và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Chính phủ và Chính quyền địa phương quy định hiện nay.

Còn đối với thị trường Mỹ, do kiểm soát được tốt hơn tình hình dịch bệnh vào cuối năm 2020, nên lượng cá tra tồn kho trong nước của họ đã bắt đầu sụt giảm, chính vì thế nhu cầu nhập khẩu cá tra đông lạnh của Mỹ bắt đầu gia tăng trở lại. Từ đây, có thể kết luận rằng phòng chống dịch bệnh tốt là một trong những giải pháp hữu hiệu đáp ứng mục tiêu kép của cả nước nói chung và của doanh nghiệp nói riêng “Vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”. Hơn thế nữa, giải pháp này một cách gián tiếp sẽ giúp cho các tác nhân khác trong chuỗi giá trị cá tra có được thu nhập ổn định, góp phần duy trì và nâng cao sinh kế, đặc biệt đối với tác nhân người nuôi. Thêm vào đó, trong 3 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu cá tra của Mỹ từ Trung Quốc – cùng với Việt Nam, là một trong 2 nguồn nhập khẩu cá tra lớn nhất của Mỹ- giảm mạnh tới 41% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm vào đó, sản lượng cá da trơn nuôi ở Mỹ trong năm 2021 giảm mạnh, khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tra của Mỹ phải tăng cường lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Với những dấu hiệu tăng trưởng này đối với thị trường Mỹ, theo tôi, trong những tháng còn lại của năm 2021 triển vọng xuất khẩu cá tra của Việt nam sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ VASEP, theo Bộ thương mại Mỹ, nửa đầu năm nay, Mỹ cũng đã nhập khẩu sản phẩm cá trê, cá chình, cá lóc, cá rô phi từ Brazil, El Salvado, Nauy, Hàn Quốc, Burma, Ghana v.v…Điều này có thể làm giảm lượng nhập khẩu cá tra của Mỹ từ các quốc gia xuất khẩu cá tra, trong đó có Việt Nam, do bị cạnh tranh bởi các sản phẩm thay thế này. Đứng ở một góc nhìn khác, theo tôi, đây cũng là một cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam trong tương lai nếu như xu hướng nhập khẩu này của Mỹ tiếp tục trong thời gian tới, do phần lớn sản phẩm thay thế này đều có thể được sản xuất và chế biến tốt ở Việt Nam.

Nếu như xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu lạc quan, trái lại xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu (EU) vẫn còn tồn tại mức tăng trưởng âm. Cụ thể, theo VASEP, tính đến nửa đầu tháng 5 giá trị xuất khẩu cá tra sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8%; và Bỉ giảm 38,2%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chi phí logistics của các nhà nhập khẩu, đặc biệt là những nhà nhập khẩu theo phương thức FOB. Trong khi đó, những nhà xuất khẩu cá tra của Việt Nam lại đang nỗ lực thay đổi cách bán hàng từ phương thức CIF sang FOB. Chính vì vậy, theo tôi, sự gia tăng chi phí logistics sẽ tiếp tục kiềm hãm khả năng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường EU. Do vậy, theo tôi, cứu cánh có vẻ khả thi để đối mặt với tình trạng này đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam là hướng đến việc chế biến và xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu cá tra (khô, chả cá, bánh có nhân từ cá tra v.v…). Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn còn ở phía trước đối với người nuôi do giá bán hiện tại xoay quanh 21.500 – 22.000 đồng/kg, so với giá thành bình quân của người nuôi khá cao (22.000 – 23.000 đồng/kg). Do vậy, cắt giảm chi phí sản xuất trong khâu nuôi vẫn là ẩn số cần có lời giải cho người nuôi và những nhà khoa học chuyên ngành thủy sản trong thời gian tới.

Mặc dù tình trạng xuất khẩu sang thị trường EU đang gặp phải những thách thức nhất định, đặc biệt từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng đối với thị trường này, cá tra có những lợi thế cạnh tranh đáng được tận dụng để khôi phục lại thị trường này trong thời gian tới. Một trong những lợi thế lớn của cá tra Việt Nam trên thị trường EU đó là Việt Nam chi phối nhập khẩu cá tra vào thị trường này. Hiện tại, không có đối thủ cạnh tranh đáng kể (Bangladesh và Trung Quốc có sản lượng cá tra xuất khẩu thấp hơn của Việt Nam nhiều). Ngoài ra, những nhà nhập khẩu châu Âu và các nhà cung cấp Việt Nam đã tạo dựng được mối quan hệ mua bán lâu dài; giá cả lao động ở Việt Nam có thể chấp nhận được; Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đã có hiệu lực vào tháng 8/2020 làm tăng thêm lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam do giảm được thuế suất khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Thêm vào đó, những sản phẩm thay thế cho cá tra ở châu Âu lại khác nhau ở khắp các quốc gia, do vậy làm nổi bật thêm cho hình ảnh cá tra của Việt Nam trên thị trường này. Đặc điểm này hàm ý cho những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nhà nhập khẩu châu Âu để xây dựng những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ hơn nhằm thay đổi nhận thức tiêu dùng của người dân châu Âu đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam trong thời gian tới.

Vẫn là chưa đủ để chúng ta hướng đến thị trường châu Âu với chỉ những lợi thế nhưu đã được phân tích ở trên. Thay vào đó, để có thể phục hồi lại thị trường này, chúng ta cũng cần phải nhận diện được rằng, thị trường này đang có những nhu cầu gì về sản phẩm cá tra nhập khẩu. Đây là một triết lý kinh tế tiên quyết cho tất cả những người làm thị trường “Bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”. Cụ thể như, để xuất khẩu cá tra sang châu Âu, chúng ta không được phép xử lý cá tra với carbon dioxide; phải kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng chlorate trong sản phẩm; Minh bạch về lượng nước thêm vào khi chế biến cá tra; phải có giấy chứng thư vệ sinh kèm theo sản phẩm v.v…Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cá tra hữu cơ ở châu Âu cũng được xem là thị trường ngách rất có tiềm năng để ngành hàng cá tra của Việt Nam thâm nhập. Đối với thị trường ngách này, tác nhân người nuôi là chủ thể quan trọng nhất. Nếu đáp ứng được nhu cầu cho thị trường ngách sẽ góp phần làm gia tăng lợi nhuận cho toàn chuỗi giá trị cá tra của Việt Nam.

Từ những phân tích về thị trường cá tra như đã nêu ở trên, để phát triển thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đối với những thị trường truyền thống (Mỹ, Trung Quốc), các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam nên tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; mở rộng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các hộ nuôi để duy trì được nguồn nguyên liệu ổn định. Đối với các thị trường Bắc, Nam Mỹ và châu Á, tiếp tục mở rộng các mối quan hệ mua bán để duy trì tốc độ tăng trường như hiện nay. Riêng đối với thị trường châu Âu, cần tăng cường mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa với nhà nhập khẩu trong các hoạt động marketing để làm thay đổi nhận thức tiêu dùng của người tiêu dùng ở châu Âu; tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; mở rộng sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu cá tra. Cuối cùng, các tác nhân trong chuỗi cần liên kết với nhau để sản xuất sản phẩm cá tra hữu cơ nhằm hướng tới thị trường ngách đầy tiềm năng này./.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nguyễn Phú Son

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Xuất Khẩu Cá Tra Sang Mỹ