Thị Trường Nông Sản Tuần Qua: Giá Lúa Chững Lại

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ ổn định, cụ thể: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là 5.800 đồng/kg; OM4218 là 5.900 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn có giá lúa ở mức ổn định so với tuần trước. Như tại Cần Thơ, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg.

Tại Hậu Giang nhiều loại lúa cũng có giá không đổi so với tuần trước. Điển hình như: giá lúa IR 50404 là 6.400 đồng/kg, OM 18 là 7.000 đồng/kg, RVT là 9.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự ổn định so với tuần trước như: IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.700-5.800 đồng/kg; riêng OM 18 từ 5.800-5.900 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.

Hiện nhiều địa phương phía Nam đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa Hè Thu. Việc xuống giống đồng loạt, tập trung, dứt điểm trên từng cánh đồng nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại theo từng vùng, giúp vụ sản xuất lúa Hè Thu đạt thắng lợi.

Điển hình như tỉnh Trà Vinh, địa phương này đã xuống giống đạt khoảng 80% kế hoạch. Vụ lúa này, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường như: OM 5451, OM 18, OM 4900, các giống lúa bổ sung như: ST24, ST25… Đối với các giống lúa chất lượng trung bình như: IR 50404, ML 202, Siêu Hàm Trâu, diện tích xuống giống không vượt quá 20% diện tích sản xuất lúa của tỉnh, để tránh tình trạng khó tìm thị trường tiêu thụ.

Còn tại phía Bắc, năng suất và sản lượng vụ Đông Xuân 2021-2022 đều giảm so với vụ Đông Xuân năm trước; trong đó, năng suất ước đạt khoảng 62,7 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; sản lượng ước đạt 6,8 triệu tấn, giảm khoảng 246.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thời tiết có nhiều bất thường như nền nhiệt độ trung bình vụ thấp hơn trung bình nhiều năm; mưa lớn vùng Bắc Trung bộ từ 31/3 - 3/4 gây ngập lụt, ngã đổ nhiều diện tích lúa.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân 2021-2022, khi lúa vừa chín tới theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” và thực hiện nguyên tắc gieo cấy vụ Hè Thu, vụ mùa càng sớm càng tốt.

Về sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa 2022 toàn vùng dự kiến gieo cấy gần 1,2 triệu ha (giảm khoảng 20.000 ha so với năm 2021).

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức từ 415-420 USD/tấn trong phiên 26/5, không đổi so với tuần trước đó.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sang Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng nhanh nhờ sự hỗ trợ từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 369.882 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/5 đến ngày 28/5, trong đó phần lớn gạo xuất sang Philippines, châu Phi và Cuba.

Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã nới rộng đà giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm do sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ và nguồn cung tại nước xuất khẩu hàng đầu này vẫn dồi dào.

Chú thích ảnh
Một công nhân thu gom gạo đã xử lý để sấy khô tại một nhà máy gạo ở ngoại ô Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: reuters.com

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 350-354 USD/tấn, giảm so với mức từ 351 -356 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền nam nước này cho biết mặc dù có nhu cầu nhưng nguồn cung cũng dồi dào nên giá giảm. Nhiều người mua đang tìm kiếm loại gạo 100% tấm để thay thế ngô làm thức ăn chăn nuôi vì giá ngô đang cao.

Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức kỷ lục trong tuần trước so với đồng USD, làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ việc bán hàng ở nước ngoài.

Giá gạo tại nước láng giềng Bangladesh đã tăng trở lại trong tuần này, bất chấp nguồn cung tốt, điều mà các nhà giao dịch đổ lỗi cho mức tăng giá trên thị trường toàn cầu.

Một thương nhân tại Dhaka cho biết rằng Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo và nếu vây, giá gạo sẽ tăng trở lại.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giao dịch ở mức 450 USD/tấn, tăng so với mức từ 430-445 USD/tấn trong tuần trước do đồng nội tệ mạnh lên và chi phí sản xuất tăng.

Một thương nhân tại Bangkok cho hay nguồn cung vẫn dồi dào, nhưng giá gạo tăng là do giá phân bón cao hơn. Một nhà giao dịch khác cho biết nhu cầu đã giảm trong vài tuần qua vì giá cao hơn đã gây cản trở cho những người mua tiềm năng.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản đều tăng trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) hôm 27/5, dẫn đầu là ngô.

Từ khóa » Giá Cả Thị Trường Nông Sản Cần Thơ