Thị Trường Tài Chính Việt Nam: Thêm Nhiều Dư địa Cho Hợp Tác Quốc Tế
Có thể bạn quan tâm
- Thời sự
Thị trường tài chính Việt Nam và sự tham gia của các NĐT nước ngoài
Thị trường chứng khoán
TTCK đang dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước và đóng góp vào sự phát triển của thị trường tài chính nói chung. Trong 11 tháng đầu năm 2017, TTCK Việt Nam ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ thông qua việc tạo thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng thu hút các nhà đầu tư (NĐT), tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong tổ chức giao dịch, thanh toán, tăng sự kết nối giữa TTCK trong nước và thị trường khu vực.
Về quy mô thị trường, tỷ lệ vốn hóa thị trường 11 tháng đầu năm đạt 4.333.932 tỷ đồng, chiếm 96,25% GDP, tăng 50,47% so với năm 2016. Tính đến tháng 11/2017, có 2.016 doanh nghiệp (DN) niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, tăng 18,17% so với năm 2016.
Về quỹ đầu tư, tính đến tháng 11, có khoảng 35 quỹ đầu tư trên TTCK. Số lượng tài khoản đầu tư của cá nhân và tổ chức là 1.901.649, tăng so với cùng kỳ năm trước 9,98%, trong đó, số lượng tài khoản của cá nhân và tổ chức là NĐT nước ngoài là 22.114, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng lượng tài khoản.
Về giá trị danh mục NĐT nước ngoài, tính đến tháng 11/2017, tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của NĐT nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng 59% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.
Thị trường bảo hiểm
Năm 2017, thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt doanh thu 105.611 tỷ đồng, tăng 21,20% so với năm 2016. Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm 2016; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016.
Quy mô thị trường tăng từ 37 DN năm 2006 lên tới 62 DN năm 2016, trong đó, có 30 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm, 01 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 17 DN bảo hiểm nhân thọ và 12 DN môi giới bảo hiểm. Ngoài ra, còn có 26 văn phòng đại diện của DN bảo hiểm nước ngoài, 14 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 9 DN bảo hiểm nhân thọ, 01 DN tái bảo hiểm, 2 DN môi giới bảo hiểm.
Thị trường tiền tệ
Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Tính đến 17/11/2017, so với cuối năm 2016, huy động vốn tăng khoảng 12,80-12,53%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,18-12,21% và tăng trưởng tín dụng tăng 14,42-14,45%.
Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần nhờ việc điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất điều hành các mức và điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 46 tỷ USD, tạo dư địa tốt cho việc ổn định tỷ giá.
Nhằm mục tiêu đáp ứng thêm nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế cả năm 2017 đạt khoảng 21% so với năm 2016.
Chính sách thị trường tài chính ngày càng hoàn thiện
Chính sách đối với TTCK
Ngày 26/06/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Thông tư số 123/2015/TT-BTC ngày 19/8/2015 hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài được nới rộng hơn so với quy định cũ, cụ thể:
- Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng: Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế; Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với NĐT nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%...
- Đối với DNNN thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa. Trường hợp pháp luật về cổ phần hóa không có quy định, tỷ lệ này thực hiện theo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng.
- Việc đầu tư vào trái phiếu của NĐT nước ngoài: NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu DN, trừ trường hợp pháp luật có liên quan hoặc tổ chức phát hành có quy định khác. Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải bảo đảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu.
- NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ Quỹ Đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác. Ngoại trừ quỹ mở, Quỹ Đầu tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt 51% trở lên, thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐT nước ngoài khi góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Chính sách đối với thị trường bảo hiểm
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, một số nội dung đáng chú ý như bỏ quy định DN bảo hiểm không được trả hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm trong trường hợp đấu thầu;Sửa đổi quy định về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm giữa DN bảo hiểm và DN môi giới bảo hiểm; Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc hạch toán doanh thu trong trường hợp nhận và nhượng tái bảo hiểm…
Về công tác quản lý, giám sát thị trường, tiếp tục thực hiện quản lý giám sát thường xuyên, tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình thị trường bảo hiểm nhằm có phương thức quản lý, giám sát phù hợp.
Chính sách tiền tệ
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu; Cho phép áp dụng nhiều chính sách mới tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu; Hướng tới mục tiêu giảm số lượng TCTD yếu kém, củng cố các TCTD có quy mô, uy tín và hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống; Đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại...
Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại các TCTD mới đạt được kết quả ban đầu, duy trì được hoạt động ổn định của hệ thống trong năm 2017, đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiệm vụ này cần được đẩy mạnh thực hiện từ năm 2018 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều dư địa cho hợp tác quốc tế
Chiến lược về tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 40/TTg ngày 7/1/2016. Trong thời gian qua, Việt Nam đã từng bước mở cửa, gắn nền kinh tế và thị trường trong nước với nền kinh tế và thị trường khu vực, thế giới thông qua thiết lập các mối quan hệ song phương về thương mại, đầu tư, tài chính và tham gia vào các thể chế đa phương.
Xét về các kênh hợp tác, có thể thấy thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm hợp tác song phương, khu vực và cả hợp tác đa phương, cụ thể:
Về hợp tác song phương
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, trong năm 2017, Bộ Tài chính Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Australia, Hungary. Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Quốc gia Hungary đã được ký kết vào ngày 25/9/2017 tại Hà Nội. Ngày 20/10/2017, Biên bản ghi nhớ giai đoạn 2017-2019 giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia đã được ký kết tại Quảng Nam bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.
Nội dung của Biên bản ghi nhớ tập trung vào các lĩnh vực cải cách thị trường tài chính, quản lý nợ công, phân tích, dự báo tài chính và kinh tế vĩ mô, chính sách và công tác quản lý thu chi ngân sách. Thông qua hợp tác trong chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước, đây sẽ là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy cải cách cơ cấu, cải cách chính sách để phát triển thị trường tài chính trong thời gian tới.
Về hợp tác trong ASEAN
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam tham gia quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trên các nội dung về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính khu vực; Cam kết mở cửa thị trường bao gồm cả thương mại dịch vụ (dịch vụ tài chính bảo hiểm và chứng khoán); Hợp tác và kết nối phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm.
Về mở cửa dịch vụ tài chính bảo hiểm và chứng khoán: Trong dịch vụ tài chính, Việt Nam đã thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán trong ASEAN với mức độ ngang bằng với WTO. Cam kết dịch vụ tài chính của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nền cam kết chung của Việt Nam trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, trừ một số nội dung được cam kết ở mức cao và mở rộng hơn, với phạm vi rộng hơn, tiếp cận mở cửa thị trường đòi hỏi cao hơn.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng với các nước ASEAN đã ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính ASEAN vào ngày 23/6/2016. Ngày 6/2/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP phê duyệt Nghị định thư, tạo một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu tự do hóa dịch vụ tài chính mà Lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tại Tuyên bố chung Bali II.
Việt Nam tham gia vào kênh hợp tác thường niên Diễn đàn bảo hiểm ASEAN (AIRM). Khung khổ Hội nhập Bảo hiểm ASEAN hướng dẫn các bước tự do hóa trong hoạt động bảo hiểm, giúp nâng cao tính cạnh tranh của thị trường và mở rộng phạm vi lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của lĩnh vực bảo hiểm thảm họa tự nhiên sẽ giúp nâng cao năng lực phục hồi các nền kinh tế ASEAN…
Về kết nối và phát triển thị trường vốn ASEAN: Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tham gia sáng kiến Liên kết thông tin giữa các Sở Giao dịch Chứng khoán (www.aseanexchange.org), tham gia hợp tác trong lĩnh vực marketing-truyền thông, kết nối các công ty chứng khoán, tham dự các hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư (Invest ASEAN).
Bộ Tài chính cũng đã bước đầu tham gia Kế hoạch phát triển Hạ tầng cơ sở thị trường vốn ASEAN, nhưng do TTCK Việt Nam còn một số khác biệt về mặt pháp lý nên cần thời gian điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các quy định chung của ASEAN nên sẽ tham gia sau khi đủ điều kiện.
Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN +3
Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) được khởi xướng từ năm 2003 với mục tiêu hoạt động là thúc đẩy các thị trường trái phiếu trong nước phát triển và hướng tới một thị trường trái phiếu khu vực dễ tiếp cận hơn cho cả nhà phát hành và NĐT.
Hiện Giai đoạn 8 của hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực trái phiếu đang được triển khai, bao gồm các nội dung tăng cường hoàn thiện khung khổ pháp lý về Quỹ hưu trí tự nguyên, thị trường trái phiếu phái sinh và nghiệp vụ mua lại trái phiếu...
Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM)
Việt Nam đã tham gia ký kết thành công Thoả thuận Quỹ Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai với quy mô Quỹ CMIM là 240 tỷ USD nhằm giúp ngân hàng trung ương các nước giải quyết những khó khăn về cán cân thanh toán, ngăn ngừa khủng hoảng, trong đó, Việt Nam đóng góp 1 tỷ USD.
Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 3/2010. Hiện tại, Việt Nam đang tham gia Sáng kiến, tiến hành thử nghiệm vận hành CMIM với giả định xảy ra khủng hoảng và hoàn tất bộ chỉ số đánh giá kinh tế vĩ mô để phục vụ quá trình ra quyết định cho vay…
Hợp tác trong khuôn khổ APEC
Chứng chỉ quản lý quỹ châu Á (ARFP) là một sáng kiến tự do hoá thương mại quan trọng nhằm giảm bớt các trở ngại đối với hoạt động quản lý Quỹ xuyên biên giới, qua đó cải thiện mối liên kết tài chính trong khu vực châu Á.
Sáng kiến ARFP là một kết quả quan trọng của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, là kết quả đóng góp của rất nhiều các nhà hoạch định chính sách tài chính, các nhà quản lý, các đại diện ngành công nghiệp và các chuyên gia kỹ thuật từ các nền kinh tế APEC, đã được báo cáo các kết quả hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 trên một số lĩnh vực.
Theo đó, các nước tham gia vào thoả thuận này sẽ cho phép các công ty quản lý quỹ của các nước trong nhóm được cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư trong thị trường nội địa của mình với điều kiện các công ty này đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của ARFP...
Với các diễn đàn hợp tác song phương, khu vực và đa phương, cùng với quá trình hoàn thiện thể chế trong nước, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có những cơ hội mới trong những năm tiếp theo, từng bước hội nhập vào thị trường tài chính khu vực và thế giới.
Từ khóa » Thị Trường Tài Chính Quốc Tế Mở Rộng Như Thế Nào
-
Thị Trường Tài Chính Quốc Tế - Công Ty Luật ACC
-
Tài Chính Quốc Tế – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thị Trường Tài Chính – Wikipedia Tiếng Việt
-
Định Hướng Phát Triển Thị Trường Tài Chính Việt Nam Giai đoạn 2021
-
Tài Chính Quốc Tế - UEF
-
Những Vấn đề Nổi Bật Của Thị Trường Tài Chính Thế Giới Trong Bối Cảnh ...
-
Các động Thái Của Thị Trường Tài Chính Thế Giới đầu Năm 2022 Và ...
-
Mở Rộng Quy Mô Thị Trường Tài Chính - Báo Nhân Dân
-
Kinh Tế Thế Giới Phục Hồi Chậm, Các Nước đang Phát Triển đối Mặt ...
-
Thị Trường Tài Chính Là Gì ? Quy định Pháp Luật Về Thị Trường Tài Chính
-
Tóm Lược Lịch Sử Hoạt động Của Ngành Ngân Hàng
-
Ổn định Tài Chính Và Vai Trò Của ổn định Tài Chính
-
[PDF] Triển Vọng Thị Trường Toàn Cầu - Standard Chartered
-
Các Công Ty Công Nghệ Lớn Trên Thị Trường Tài Chính: Rủi Ro Và Thách ...