Thiên Hạ Ai Người Khóc Tố Như? - Báo Thanh Tra

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên sinh năm 1765 ở thành Thăng Long, có cha là tể tướng Nguyễn Nghiễm, mẹ là bà Trần Thị Tần quê tỉnh Bắc Ninh. Tuổi thơ ông sống trong nhung lụa, lầu son. Nhưng đến năm 13 tuổi thì mồ côi cả mẹ lẫn cha. Tiếp đó, ông sống trong xã hội có nhiều biến động dữ dội của đế chế Lê - Trịnh, triều đại Tây Sơn tiến quân ra Bắc, rồi nhà Nguyễn lên ngôi. Có ai ngờ rằng, từ cuộc sống vương giả mà ông đã phải chấp nhận cảnh sống thiếu cơm, rét thiếu áo, ốm thiếu thuốc, sống nương nhờ bên vợ cả chục năm trời. Rồi cha con đưa nhau về quê Nghi Xuân nương nhờ họ hàng. Nhờ đức thông tuệ, ông được Vua Gia Long ban nhiều ân sủng, nhiều lần bổ nhiệm làm quan, đi sứ sang Trung Quốc... nhưng ông không mặn mà với “cân đai mũ mão”, cứ được vời lên một thời gian ông lại cáo quan về quê. Năm 1820, Vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, ông được cử đi sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì ngã bệnh và mất tại Kinh thành Huế, hưởng thọ 55 tuổi.

Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng bằng chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán, nổi trội là tác phẩm “Bắc hành tạp lục” ghi lại những điều tai thấy, mắt nghe trong khoảng thời gian ông đi sứ ở Trung Quốc. Về chữ Nôm, truyện Kiều là một kiệt tác thơ có tên “Đoạn Trường Tân Thanh” - Truyện thơ nôm lục bát ông viết dựa theo truyện “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Bối cảnh của Trung Quốc vào năm Gia Tĩnh triều Nhà Minh, nhưng khi chuyển thể sang truyện Kiều lại có bối cảnh là một bức tranh rộng lớn về cuộc sống của thời đại mà Nguyễn Du đang sống. Truyện Kiều gồm 3.254 câu kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng gặp cảnh gia biến, nàng bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” bị thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.

Giá trị hiện thực của tác phẩm là phơi bày sự bất công, xấu xa của xã hội. Giá trị nhân đạo là tiếng nói đề cao tự do, khát vọng công lý, ca ngợi vẻ đẹp con người. Kiều là một thân phận mà ông đã thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng khóc ông và khóc cả nhân vật: “Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều”. Hiện thực xã hội trong tác phẩm, ông thẳng tay phê phán đó là xã hội công lý bị uốn cong vì đồng tiền: “Trong tay sẵn có đồng tiền/ Dù lòng đổi trắng thay đen khó gì!”, “Tính bài lót đó luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Sức tàn phá, hủy diệt của đồng tiền bất chính đã biến con người thành thứ hàng hóa. Kiều phải bán mình để lấy ba trăm lạng chuộc cha! Thế sự nhân tình thời Nguyễn Du sống, đồng tiền tác oai, tác quái. Đến thời nhà thơ Tú Xương, sức ngự trị của đồng tiền cũng có kém gì thời trước đâu: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?”. Câu hỏi tu từ mà khẳng định đến chua chát.

Tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Du, Thúy Kiều là một thân phận và Nguyễn Du cũng là một số phận đặc biệt, một sản phẩm của hoàn cảnh. Ông khóc Thúy Kiều nhưng ai khóc ông? Đó là điều ông đã từng trăng trối, cụ thể: Năm 1813 trên đường đi sứ sang Trung Quốc (lần đầu) khi ghé thăm Đền thờ Tiểu Thanh ở Hàng Châu tỉnh Triết Giang, một mỹ nhân tài hoa nhưng bạc phận. Nguyễn Du làm thơ khóc người đẹp nhưng nghĩ đến thân phận mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như” (dịch nghĩa: Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?).

Nhiều nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi: Tại sao không phải là 100 năm sau, 200 năm sau mà lại phải sau 300 năm mới có người khóc cho thân phận ông? Phải chăng ông quá bi quan về giai thời mà ông sống, đầy rẫy sự bất công, oan sai... Muốn thay đổi được hiện thực xã hội, xóa bỏ cái xấu, xây cái mới phải cần thời gian dài, phải đến hàng trăm năm như ông tiên đoán?

Không phải tính đến bây giờ đã là 250 năm chúng ta mới long trọng kỷ niệm ngày sinh của ông, mà trước đó người Việt Nam đã vô cùng thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ với thân phận của ông, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông về mặt xã hội cũng như văn học. Ở Việt Nam, ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở những nơi khác nhau đã từng có cách thể hiện sự tôn kính khác nhau về quy mô nhưng đều có chung sự tri ân vô giá với ông. Sự tri ân đó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, đó là đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền... chống cái ác, nuôi điều thiện...

Xin được minh họa một nét tri ân bằng đoạn trích bài diễn thuyết về Truyện Kiều được cụ Phạm Quỳnh (nhà văn hóa) đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí Tiến Đức của ông tổ chức. Bài được đăng lại tại Tạp chí Nam Phong số 86: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”.

Thế Lữ

Từ khóa » Khóc Tố Như