Thiên Ma Ba Tuần Tu Phước Nghiệp Gì Mà được Sinh Về Cõi Trời?

Thiên ma Ba Tuần được làm vua trời Tha hóa tự tại căn bản vẫn do phước quả dị thục thập thiện trong quá khứ tạo nên, chỉ trừ một việc là không tin vào Chánh pháp.

Trong 6 tầng trời Dục giới (Tứ thiên vương, Đao lợi, Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại) thì Tha hóa tự tại là cõi trời cao nhất, chư thiên ở đây có phước báo về các phương diện như dung sắc, thọ mạng, sức mạnh lớn nhất.

Tha hóa tự tại thiên có nghĩa, chư vị thiên ở cõi này thọ hưởng dục lạc thắng diệu của cõi trời từ nơi các vị thiên khác, biết được ý muốn của vị trời ấy nên hóa hiện ra để dâng lên. Ba Tuần là vị vua trời cõi này, ngoài việc cai trị cõi trời của mình còn thống lĩnh các cõi trời thấp hơn.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: Ba Tuần, Pāli là Pāpiya, Māra Pāpiya. Hán dịch nghĩa Ác giả là người ác, Sát giả là kẻ giết hại pháp thân huệ mạng của người thiện, lúc nào cũng theo phá những người tu tập Chánh pháp, nhất là những vị sắp chứng đạt Thánh quả. Ba Tuần còn gọi Ma vương, Thiên ma, kẻ phá Phật lúc sắp thành đạo.

Nói về nhân duyên phước nghiệp của các vị trời Dục giới: “Tất cả 6 cõi trời Dục giới, nguyên nhân hóa sinh lên đều do phước cả. Tùy thuộc cấp độ, toàn mãn hay không toàn mãn về tín (đức tin), giới (Ngũ giới, Bát quan trai giới), văn (nghe pháp), thí (bố thí, cúng dường), tuệ (biết nhân quả, thiện ác).

Phước báo này cũng có thể phát sinh từ 10 nguyên nhân sinh phước: Bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng công đức, tùy hỷ công đức, thuyết pháp, nghe pháp, chuyển tà kiến thành chánh kiến.

Cũng có thể do tu tập 10 nghiệp lành… Đúng là có vô vàn thiện sự để sinh lên các cõi trời nhưng quan trọng nhất là hai pháp tàm và quý, bỏ ác làm lành đã là điều kiện cần và đủ (HT.Giới Nghiêm, Giải về cõi trời).

Thiên ma Ba Tuần cũng vậy, được làm vua trời Tha hóa tự tại căn bản vẫn do phước quả dị thục thập thiện trong quá khứ tạo nên, chỉ trừ một việc là không tin vào Chánh pháp, chấp thủ tà kiến tự ngã và thường đoạn kiến sâu nặng, không muốn có người tu đắc đạo thoát khỏi luân hồi trong ba cõi.

Tương đồng với phước nghiệp của thiên ma Ba Tuần xét kỹ trong nhân gian cũng không phải là hiếm. Đây là những người có tu tạo thiện nghiệp mà không gieo duyên với Phật pháp. Vì không tin Phật pháp, thêm chấp thủ tà kiến, không muốn mất quyến thuộc nên thiên ma thường phá hoại thành quả tu hành của người sắp đắc đạo.

Không phải ngay lúc khởi lên niệm xấu liền bị đọa mà phải đợi đến khi hết phước trời, cộng thêm tội phá hoại Chánh pháp nên thiên ma Ba Tuần bị đọa vào cõi khổ. Thành ra, tu nhân tạo nhiều nghiệp lành ắt sẽ hưởng quả dục công đức tương ứng nơi các cõi trời.

Nhưng nếu chỉ làm lành, tạo nghiệp thiện to lớn mà không nương theo Chánh pháp, thậm chí không tin và phá hoại Phật pháp thì sẽ có phước quả cộng nghiệp với thiên ma Ba Tuần.

Người đệ tử Phật thì lại khác, song hành với tu tập thiện nghiệp là tin sâu, hộ trì và thực hành Phật pháp, hồi hướng công đức phước báo về sau thành tựu giải thoát luân hồi trong tam giới, lục đạo.

Nếu tái sinh làm trời (Dục giới hoặc Sắc giới) hưởng phước vẫn nương theo Chánh pháp tu học, cộng trú với các vị thiên tu hành tinh tấn đến ngày đắc đạo, giải thoát sinh tử luân hồi.

Thiên ma Ba Tuần phá Phật như thế nào?

Vào đêm thứ 49, khi Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề bên dòng sông Ni Liên Thiền, Thiên ma Ba Tuần đã đến quấy phá. Ma Ba Tuần đã hiện ra các cảnh trong ngũ dục để Thái tử khởi niệm ham muốn, ưa thích với mục đích cản trở Ngài thành tựu đạo quả.

Khi ấy, Ngài chỉ tuyên bố: “Cái đấy ta bỏ rồi. Không cần nữa”; “Cái đấy ta vứt đi rồi. Nó là đờm dãi thôi”. Không chỉ dừng lại đó, Ma Vương còn cho con gái của ông ta đến quấy phá. Khi con gái của Ma Vương hiện đến, Ngài tuyên bố chân lý: “Ái là khổ, tham tài là khổ, tham sắc là khổ, tham danh là khổ”. Ngài tuyên bố rằng Ngài đã rời xa các dục và Ngài chứng đạo chỉ trong sát na. (tức là trong thời gian rất ngắn).

Thiên ma Ba Tuần tu phước nghiệp gì mà được sinh về cõi trời?

Tại sao Thiên ma Ba Tuần lại phá Phật?

Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia cầu đạo vì Ngài muốn tìm ra con đường chân hạnh phúc cho muôn loài chúng sinh. Và chư Tăng (trưởng tử của Đức Như Lai) chính là trụ cột để chiến đấu, phá trừ, diệt trừ cái ác. Cho nên chư Tăng là chỗ dựa rất quan trọng, là nhân duyên để các thiện Pháp phát khởi. Khi nhìn thấy hình bóng chư Tăng thì những người đang chịu cảnh đau khổ, tuyệt vọng liền được an ủi, những người hành ác chợt bừng tỉnh.

Còn về Ma Ba Tuần, tuy rằng ông ta có phước nhưng còn đắm say trong dục lạc, không thích ai hơn mình và không muốn ai thoát khỏi tầm của mình. Bởi khi có một người tu tập theo chính Pháp Phật thì sẽ làm chấn động ma cung, khiến chúng ma kinh hãi, khiếp sợ. Chính vì vậy, Ma Ba Tuần luôn muốn cản phá người tu tập thanh tịnh, khiến cho các thiện Pháp của người tu tập không thể tăng trưởng được. Và khi người tu hành đắm say, ham mê dục lạc thì Thiên ma vô cùng vui mừng, sẵn sàng dẫn họ đi vào chốn ác pháp, xa rời thiện Pháp.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, những người tu tập chính Pháp thật cao quý. Và cao quý hơn cả đó là đệ tử xuất gia – những người đang đi trên con đường thanh cao giải thoát, viễn ly tất cả dục lạc. Để làm phước điền, chỗ nương tựa vững chắc cho muôn loài chúng sinh.

Tại sao ma Ba Tuần phá Phật Pháp mà vẫn được sinh làm vua cõi trời Dục giới?

Cõi Trời là một trong 6 cõi của lục đạo sinh tử luân hồi. Người được sinh về cõi Trời đều do nhân tu tập phước báo, trong đó có tu hành mười thiện nghiệp. Theo luật nhân quả, gieo nhân thiện sẽ hưởng quả báo thiện. Gieo nhân ác sẽ chịu quả báo ác. Nếu một vị chư Thiên khởi niệm ác sẽ bị mất phước, bị đọa. Vậy tại sao Thiên ma Ba Tuần làm việc ác là phá Phật Pháp nhưng lại được làm vua cõi Trời Dục giới?

Ma Ba Tuần phá Phật Pháp mà vẫn được sinh làm vua cõi trời Dục giới vì trong tiền kiếp ông ta từng làm rất nhiều việc thiện nên có phước được sinh lên làm vua của cõi trời, đặc biệt gọi là cõi trời Tha Hóa Tự Tại (tầng trời cao nhất của cõi Trời Dục giới). Tuy hành nhiều việc thiện nhưng ông ta không tin Phật Pháp, chưa từng quy y Tam Bảo, tà kiến, chấp ngã, chấp thân kiến, chấp thường, chấp đoạn nên được làm vua cõi trời nhưng luôn ác hại Phật Pháp, phá hoại người tu hành thanh tịnh.

Tuy nhiên, theo góc nhìn đạo Phật, ma giúp chúng ta thành tựu tu tập công đức bởi nếu ma (tượng trưng cho cái ác) không xuất hiện thì chúng ta rất khó thành Phật, không có chướng ngại, chướng nạn thì không thể thành tựu được. Vì thế, có thể nói rằng, sự xuất hiện của Thiên Ma Ba Tuần trong đêm thứ 49 chính là nhân duyên hội đủ để Đức Phật thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mở ra giáo Pháp bất tử, cứu khổ cho hết thảy chúng sinh.

Có thể nói rằng, Ma Vương như “ban giám khảo” để ấn chứng rằng Đức Phật đã thành đạo và ấn chứng cho đệ tử Phật rằng, nếu vượt thoát khỏi dục lạc, cấu uế thế gian thì chắc chắn sẽ thành tựu quả giải thoát.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Từ khóa » Thiên Ma Ba Tuần Wiki