Thiên Nhiên Trong Tranh Của Tề Bạch Thạch

Trong giới hội họa của Trung Quốc có câu “Nam Tề-Bắc Ngô”, có nghĩa là Trời Nam có Tề Bạch Thạch, phía Bắc có Ngô Xương Thạc. Tề Bạch Thạch được xem là một tài năng thiên bẩm về vẽ tranh thiên nhiên, người đi tiên phong, mở đường cho nền quốc họa Trung Quốc. Tề Bạch Thạch sinh ngày 1/1/1864, mất ngày 16/ 9/1957.

Khởi đầu lập nghiệp của Tề Bạch Thạch không phải là hội họa mà lại là nghề trạm gỗ. Năm 27 tuổi, một người đồng hương của ông tên là Hồ Thâm Viên - một họa sĩ chuyên về công bút (lối vẽ công phu tỷ mỷ) - đã nhận ông làm đệ tử. Nhận thấy Tề Bạch Thạch là nhân tài, Hồ Thâm Viên mời thêm danh sĩ Trần Thiếu Phồn về dạy cho họ Tề thêm văn chương, thi phú. Dưới sự dạy dỗ tận tình của hai danh sư Hồ và Trần, Tề Bạch Thạch tiến bộ nhanh chóng. Sau một thời gian khổ luyện, năm 30 tuổi, Tề Bạch Thạch đã bắt đầu sống bằng nghề vẽ và bán tranh.

Chuyên tâm nghiên cứu, miệt mài khổ luyện, cuối cùng Tề Bạch Thạch đã nắm bắt được bí quyết của tranh quốc họa. Tranh ông là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm dấu ấn của một phong cách tài hoa.

Tề Bạch Thạch tên thật là Tề Thuần Chi, tự Vị Thanh, hiệu Lan Đình. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Tinh Đẩu, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Nhận xét về ông, Smôticôva, một nhà phê bình mỹ thuật của Liên Xô, báo Ảnh Liên Xô (số tháng 9/1984) đã nhận định: “Sống giữa hai thế kỷ, khi nhiều họa sĩ Trung Quốc quay sang nghệ thuật châu Âu, Tề Bạch Thạch đã chọn những người thợ dân gian lão luyện làm thầy. Và kết quả thật ngược đời: không liên quan tới một khuynh hướng hội họa mới mẻ nào, thế nhưng ông đã trở thành họa sĩ hiện đại một cách kỳ lạ, tên tuổi của ông đã trở thành vốn quí của nền văn hóa thế giới”.

Những sáng tác của Tề Bạch Thạch là sự kết hợp nhuần nhuyễn cân bằng giữa thực và hư. Ông từng nói “Không giống thì dối đời, mà giống thì mị đời quá”. Những tư tưởng và đạo đức truyền thống Trung Quốc mà Tề Bạch Thạch tiếp thu được nhờ chuyên tâm rèn luyện nơi các đại nho, danh sĩ đã giúp ông đủ trí tuệ để biện minh phân biệt, đủ khiêm nhường lấy hư tâm mà thỉnh giáo mọi người, đủ tự tin để vượt qua nghịch cảnh và đủ tự do để thoát khỏi những mô thức, những định kiến cũ kỹ mà khai phóng một con đường nghệ thuật riêng. Ông từ bỏ lối “công bút”- tức là lối vẽ công phu tỷ mỷ - nệ cổ, để chuyển sang lối “ý bút”- tức là lối vẽ tả ý, phóng khoáng, đầy sáng tạo.

Các kỹ thuật truyền thống như dùng bút lông, mực tàu và giấy được ôngkhai thác và nâng cao một cách tuyệt vời. Tranh của ông vừa thâm trầm về cội nguồn xa xăm, vừa rạng rỡ tinh thần mới của thời đại; nhưng cũng đầy sắc thái hài ước, hỏm hỉnh và trìu mến đối với đối tượng được miêu tả.

Bức tranh "Tôm" của Tề Bạch Thạch.

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn một thời gian dài, vì vậy, đề tài trong tranh của ông luôn gắn bó với cuộc sống đời thường của người lao động, của cỏ cây hoa lá, chim trời, cá nước... và được ông miêu tả thật sống động. Ví dụ như bức tranh “Đàn ếch”, mô tả trận mưa đầu mùa xuân, bụi khoai nước bung nở lá non, cũng là lúc đàn ếch ra khỏi hang nô đùa... Đặc biệt, Tề Bạch Thạch rất thành công với đề tài về con tôm. Với tài nghệ tuyệt kỹ về sự chấm phá, chỉ một gam màu đen của mực tàu, Tề Bạch Thạch thể hiện lên mặt giấy hàng trăm chú tôm bơi lội trong nước hết sức sống động. Khi Tề Bạch Thạch 80 tuổi, tôm trong tranh ông đạt đến đỉnh điểm tuyệt vời của nghệ thuật hội họa

Năm 1921, ông sáng chế lối vẽ “Hồng hoa mặc diệp”, có nghĩa là hoa đỏ, lá đen rất độc đáo. Chính lối vẽ độc đáo này của Tề Bạch Thạch đã làm giới phê bình mỹ thuật ở phương Tây phải kinh ngạc. Đến năm 1927, tên tuổi của Tề Bạch Thạch đã lừng lẫy chốn đế đô. Ông được mời giảng dạy tại Quốc lập Bắc Kinh nghệ thuật chuyên môn học hiệu (nay là Học viện mỹ thuật).

Một bức họa của Tề Bạch Thạch theo lối vẽ “Hồng hoa mặc diệp”.

Từ khóa » Tranh Tôm Của Tề Bạch Thạch