Thiên Sơn Tuyết Liên, Tiên Dược Thúc đẩy Lưu Thông Khí Huyết - YouMed

Nội dung bài viết

  • Thiên sơn tuyết liên là gì?
  • Thành phần hóa học
  • Thiên sơn tuyết liên có tác dụng gì?
  • Những bài thuốc từ thiên sơn tuyết liên
  • Lưu ý, kiêng kỵ

Tuyết liên, tuyết hà liên, tuyết liên hoa là những tên gọi của thiên sơn tuyết liên. Đây là loại dược liệu được mệnh danh là bách thảo chi vương (vua của trăm loài dược thảo). Thiên sơn tuyết liên có tác dụng thúc đẩy lưu thông khí huyết và mang đến nhiều ứng dụng trong y học hiện đại. Hãy cùng YouMed tìm hiểu kỹ hơn về loại dược liệu quý này qua bài viết sau. 

Thiên sơn tuyết liên là gì?

Thiên sơn tuyết liên có tên khoa học là Saussurea involucrata, hay còn gọi là sen tuyết. Loài thực vật này thuộc họ Cúc.

Phân bố

Thiên sơn tuyết liên sinh trưởng ở vùng núi cao Trung Á. Tuyết liên đã và đang được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền ở những đất nước như Uyghur, Mông Cổ, Kazakhstan và Trung Quốc.

Sở dĩ nó có tên gọi là tuyết liên (sen tuyết) bởi đây là loại dược liệu vươn mình và phát triển ngay trong thời tiết lạnh buốt giá trên những tảng núi cao vời vợi. Khi bung nở, hoa tuyết liên trông hệt như một đóa sen. Người dân địa phương tại Tân Cương vẫn truyền tai nhau nhiều đời nay rằng hình dáng yêu kiều của tuyết liên chính là thành quả kết tinh từ gió, mây và tuyết.

Thiên sơn tuyết liên vì được sinh ra trên vùng núi tuyết, khi nở hoa hình dạng như hoa sen
Thiên sơn tuyết liên vì được sinh ra trên vùng núi tuyết, khi nở hoa hình dạng như hoa sen

Đặc điểm hình thái

Theo nhiều ghi nhận từ y học cổ truyền Trung Quốc, vẻ đẹp của hoa tuyết liên được đánh giá là “giản đơn nhưng lại rất đặc biệt”. Cây có hình dáng khá giống cây súp lơ trắng và có lớp lá ngoài cùng màu xanh đậm. Lá xoăn nhẹ, trông như lưỡi mác, ôm trọn lấy toàn bộ đóa hoa ở bên trong.

Dưới ánh nắng mặt trời ở vùng núi tuyết, những cánh hoa tuyết liên ánh lên màu vàng trắng rực rỡ. Từng lớp từng lớp xếp chồng lên nhau và cùng ôm trọn nhụy hoa có màu tím đỏ nổi bật. Tùy theo điều kiện ánh sáng và nhiệt độ mà cánh hoa sẽ “khép – mở” linh hoạt để thích nghi với thời tiết tự nhiên.

Cận cảnh nhụy hoa màu tuyết liên
Cận cảnh nhụy hoa màu tuyết liên màu đỏ tím
Phần thân nhẹ nhàng và vậy song rễ của thiên sơn tuyết liên lại rất cứng cáp.

Thành phần hóa học

Hơn 70 hợp chất đã được phân lập và xác định của loại dược liệu này; chúng bao gồm phenylpropanoids, flavonoid, coumarin, lignans, sesquiterpenes, steroid, ceramides, polysaccharides.

Loại thảo dược này đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư, chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa, chống mệt mỏi, chống lão hóa, chống thiếu oxy, bảo vệ thần kinh và điều hòa miễn dịch.

Thiên sơn tuyết liên có tác dụng gì?

Thúc đẩy lưu thông máu

Theo y học cổ truyền, tuyết liên có thể thúc đẩy lưu thông máu. Từ đó, nó giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến tuần hoàn kém.

Bên cạnh đó, các bài thuốc thuốc từ loại dược liệu này còn được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, ho do lạnh, đau dạ dày, đau bụng kinh và say độ cao.

Ảnh hưởng đến hệ tim mạch

Các chất alkaloid và chiết xuất ethanol có trong thiên sơn tuyết liên có thể làm giảm tính thấm của mao mạch dưới da và được chứng minh có tác dụng tốt đối với hệ tim mạch.

Theo nghiên cứu trên thỏ và chó:

  • Các alkaloid toàn phần của tuyết liên có tác dụng ức chế tim thỏ cô lập, có thể làm giảm phạm vi co bóp, làm chậm nhịp tim, thậm chí ngừng tim.
  • Ion kiềm trong tuyết liên cho thấy nhịp tim chậm hơn và sóng T lồi trên ECG của thỏ, kéo dài trong 10 phút.

Những bài thuốc từ thiên sơn tuyết liên

Chữa dương nuy: Sen tuyết, đông trùng hạ thảo ngâm rượu.

Chữa suy nhược cơ thể ở phụ nữ: tuyết liên, nhân sâm, địa hoàng. Hầm chung với gà đến khi nhừ thì ăn.

Chữa phong thấp, phụ nữ đau lạnh bụng dưới: tuyết liên 19 gram, thêm 100 ml rượu trắng hoặc rượu gạo. Ngâm bảy ngày. Mỗi ngày tối đa 10ml.

Trị đau răng: Hoa sen tuyết 8 đến 16 gram. Ăn sống hoặc ngâm nước.

Chữa chảy máu do chấn thương: lấy một lượng tuyết liên vừa đủ bôi lên vùng bị thương.

Lưu ý, kiêng kỵ

Bạn có thể dùng thiên sơn tuyết liên theo hai cách:

  • Dùng đường uống: sắc canh 6 ~ 12g, hoặc ngâm rượu.
  • Dùng ngoài: lượng thích hợp, giã nhỏ và bôi.

Lưu ý phụ nữ có thai không nên dùng loại dược liệu này; vì nó có thể làm co tử cung và dẫn đến sảy thai.

Phụ nữ có thai không được sử dụng thiên sơn tuyết liên
Phụ nữ có thai không được sử dụng thiên sơn tuyết liên

Bên cạnh những công dụng trong y học, thiên sơn tuyết liên còn được xem là hình ảnh tượng trưng cho vẻ kiên cường, mạnh mẽ và bản lĩnh trước những khắt nghiệt trong cuộc sống. Dù vậy, việc sử dụng loại dược liệu này trong việc điều trị bệnh cũng cần được tư vấn kỹ lưỡng từ những bác sĩ có chuyên môn. Người dùng đừng nên lạm dụng thần dược cũng như cẩn thận trong việc tìm mua tuyết liên trên thị trường.

Từ khóa » Hoa Núi Tuyết