Thiền Sư Hải Bình Bảo Tạng (1818 – 1872) - Chốn Thiêng

Thân Thế

Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818 – 1872) là một vị cao tăng triều Nguyễn, Sư thuộc thiền phái Lâm Tế Liễu Quán, đời pháp thứ 40. Ngài xuất thân từ tổ đình Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) và là cao tăng của Tăng cang Tánh Thông Giác Ngộ (1774 – 1842). Dưới mái chùa Bát Nhã, Ngài đã được thầy trao truyền diệu pháp và cho tham phương học đạo với các đại sư đương thời. Noi gương công cuộc hoằng pháp của các bậc tổ sư. Ngài phát tâm vân du giáo hóa, từng dừng chân ở nhiều chùa cảnh thuộc các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận và vào cả tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. 

Ngài Bảo Tạng có thế danh Huỳnh Văn Yết, cha là Huỳnh Văn Xưa và mẹ là Trần Thị Tấn. Về niên đại, sinh năm Mậu Dần, tịch ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Thân.

Hoạt động Phật sự

Sau thời gian tu học ở chùa Bát Nhã, Thiền sư Bảo Tạng cùng hai sư huynh là Thiền sư Bảo Thanh và Bảo Chân vân du hoằng hóa về phương Nam. Trong khi hai Sư huynh Bảo Thanh và Bảo Chân vào hoằng hóa ở vùng Đồng Nai (miền đông Nam Bộ ngày nay), Thiền sư Bảo Tạng đến núi Trà Bang (làng Bình An – Phú Quí – Phan Rang) tu hành. Sau đó, sư Bảo Tạng đến vùng Vĩnh Hảo, lập chùa Linh Sơn để hoằng dương Phật pháp ở vùng Phan Rang – Phan Rí.

Thiền sư Bảo Tạng được cung thỉnh làm đường đầu hòa thượng tại giới đàn chùa Long Quang tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 5 năm Mậu Thìn (1868). Thực ra, trước đó hai ngày đã khai đàn rồi, có thể ngày mồng 8 trao giới Tỳ – kheo và giới Bồ – tát và cũng là ngày cuối của giới đàn. Giới đàn chùa Long Quang Ngài Hoằng Ân làm đàn chủ, Hòa thượng chùa Từ Quang làm hộ giới đàn, Hòa thượng chùa Hồ Sơn làm sám chủ, Pháp sư chùa Thiên Đức làm thuyết giới, Bảo tạng chùa Long Quang làm hòa thượng truyền giới. Bảo Nghiêm chùa Sơn Long làm Yết – ma – A – xà – lê, Viên Thông chùa Long Sơn Bát Nhã làm giáo thọ A – xà – lê, Huệ Tường chùa Cổ Lâm làm thầy tôn chứng thứ nhất, Phổ Hóa chùa Bảo Lâm làm thầy tôn chứng thứ nhì, Huệ Minh chùa Bảo Sơn làm thầy tôn chứng thứ ba, Vĩnh Thọ chùa Viên Quang làm thầy tôn chứng thứ tư, Trí Chánh chùa Phổ Báo làm thầy tôn chứng thứ năm, thầy chùa Kim Sơn làm tôn chứng thứ sáu, Huệ Tuệ chùa Phước Quang làm tôn chứng thứ bảy.

Thiền sư bảo tạng còn tham gia in ấn kinh sách, nhất là kinh Kim Cương Bát Nhã. Theo bản in Kim Cương chú giải mà ở tờ đầu có ghi rõ: “Tự Đức Mậu Ngọ trung thu cốc nhật trùng tuyên, Châu Viên sơn tự tàng bản” nghĩa là bản in được thực hiên năm Tự Đức Mậu Ngọ (1858), ván khắc được tàng bản tại chùa núi Châu Viên. Mặt sau ghi: “Châu Viên sơn tự Bảo Tạng thiền sư phát khởi”. Phía gần cuối tập sách có ghi thêm thông tin: “Châu Viên sơn tự trụ trì kiêm lý An Long tự, Bảo An tự, Hưng Long tự tự Bảo Tạng thiền sư phát khởi tạo bản”.

Sư còn đứng in bản Kim Cương Tâm kinh diễn nghĩa vào năm Tân Dậu (1861) mà cuối sách ghi rõ: “Đại Nam quốc Phú Yên đạo Đồng Xuân huyện Xuân Vinh tổng Phong An xã Tuy Dương ấp Phước Sơn tự thượng Bảo hạ Kế hộ bản, Thạch Sơn tự thượng Bảo hạ Tạng phát tâm san bản…” nghĩa là: chùa Phước Sơn, ấp Tuy Dương, xã Phong An tổng Xuân Vinh huyện Đồng Xuân đạo Phú Yên nước Đại Nam, Thiền sư Bảo Kế hộ bản, Thiền sư Bảo Tạng chùa Thạch Sơn phát tâm in ván. Năm này, thiền sư đã về trụ trì chùa Thạch Sơn tại tỉnh Phú Yên.

 Thiền sư Bảo Tạng thường hành đạo ở nhiều nơi. Từ Phú Yên vào đến tận Bà Rịa. Khoảng năm 1858, sư đã vân du vào Nam hành hóa trụ trì mấy ngôi chùa. Khoảng năm 1861 đến năm 1868 thì thiền sư trở lại Phú Yên làm Đường đầu Hòa thượng  tại giới đàn chùa Long Quang, trụ trì chùa Thạch Sơn và tại tự sở này sư đứng in bản dịch nôm kinh Kim Cương và Tâm kinh Bát Nhã. Sau đó, sư trở vào Nam trụ trì chùa Long Hòa, Ngọc Tuyền cho đến  khi viên tịch.

Niên biểu

Mậu Dần (1818) ngày 14 tháng 8: ngài sinh tại tỉnh Phú Yên, thế  danh  là Huỳnh Văn Yết. Cha ngài tên  là Huỳnh Văn Xưa, mẹ là Trần Thị Tấn. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ với Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ tại chùa Bát Nhã, Phú Yên.

Năm Nhâm Dần (1842), bổn sư Tánh Thông Giác Ngộ viên tịch tại chùa Bát Nhã. Sau đó, ngài vân du hoằng hóa ở núi Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong. Ngài vào khai sơn chùa Trà Cang.

Mậu Ngọ (1858), ngài trùng tu chùa Thiền Lâm (Ninh Thuận), đứng in Kim Cang chú giải tại chùa núi Châu Viên, kiêm nhiệm trụ trì các chùa An Long, Bảo An, Hưng Long. Thực hiện công trình khắc ván in sách, cung thỉnh Thiền sư Hải Thanh chứng minh.

Tân Dậu (1861) đứng  in Kim Cang kinh diễn nghĩa, Thiền sư Bảo Kế chùa Phước Sơn hộ bản. Lúc này, ngài về trụ trì chùa Thạch Sơn, Liên Trì ở tỉnh Phú Yên.

Mậu Thìn (1868) Đại sư Hoằng Ân chùa Long Quang đứng ra tổ chức giới đàn và được bầu làm đàn chủ, cung thỉnh ngài làm Hòa thượng  Đường đầu truyền giới tại giới đàn chùa Long Quang (Phú Yên). Sau đó, ngài lại du Nam trụ trì chùa Long Hòa, chùa Ngọc Tuyền.

Nhâm Thân (1872), ngài viên tịch, đồ chúng lập tháp tại chùa Ngọc Tuyền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Tham khảo

  • Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543

  • https://phatgiaoquangnam.com/
Chấm điểm

Từ khóa » Tiểu Sử Tổ Hải Bình Hiệu Bảo Tạng