Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Viên Tịch Tại Tổ đình Từ Hiếu

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh có liên quan đến hai tác phẩm nổi tiếng?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1942, xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Tháng 9 năm 1945, thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân.

Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc) do Nhà xuất bản Routledge Worlds ấn hành, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chọn là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu -0
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, trụ thế 95 năm.

Trong sách này, GS.TS Phật học John Powers chọn Đức Phật Thích ca Mâu ni là vị thầy đầu tiên và Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị thầy thứ 10, vị thầy thứ 11 kế sau đó là Hòa thượng Ấn Thuận (Master Yinshun); 12 là Đức Đạt Lai Lạt Ma và 13 là Buddhadãsa Bhikkhu. Đây là công trình mang tính hàn lâm, rất quy mô do các vị học giả Phật học nổi tiếng thế giới hiện nay thực hiện.

Tăng thân Làng Mai từng công bố bức thư ghi ngày 26/10/2018, được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đóng dấu ấn chứng sau khi thiền sư về tới Đà Nẵng, nêu rõ tâm nguyện mong muốn được tịnh dưỡng lâu dài cho đến cuối đời tại Tổ đình Từ Hiếu. Thiền sư Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu vào tháng 10/2018 và an trú từ đó đến nay. Trước đó, khi hồi phục sau đợt tai biến, từ Pháp ngài về Làng Mai tại Thái Lan và ở đó một thời gian.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư ông Làng Mai - là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp, Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hóa Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu. 

  • Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
  • Lãnh đạo Bộ Công an chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Từ khóa » Sư Thích Nhất Hạnh Viên Tịch