Thiền Tập Cho Người đồng Tính Luyến ái - Làng Mai
Có thể bạn quan tâm
Ở Pháp bây giờ là mùa xuân. Con đường dẫn đến Tăng xá trên Xóm Thượng Làng Mai nở hoa anh đào thật đẹp. Người Tây phương gọi mùa xuân là mùa tuôn dậy, bởi vì muôn hoa cỏ đều đâm chồi nẩy lộc cùng một lúc. Tôi tự hứa với mình là sẽ dành nhiều thời giờ hơn để đi dạo ngoài thiên nhiên. Những bước chân thoải mái đặt trên mặt đất bình an đã luôn luôn nuôi dưỡng tôi.
Mỗi con người sống trên trái đất này đều có quyền có hạnh phúc. Dù bạn là người đồng tính hay là dị tính luyến ái, thì bạn cũng là những con người có quyền có hạnh phúc. Mà hạnh phúc là một cái gì có thật. Tôi vẫn thường nói như vậy với những người bạn của tôi. Tuy hạnh phúc có sinh và có diệt, nhưng ai bảo là sinh diệt không mầu nhiệm? Mùa xuân cũng có sinh và có diệt. Nhưng sự sinh diệt đó càng làm cho mùa xuân càng rực rỡ thêm mỗi khi đúng hạn trở về cùng với mọi người. Hạnh phúc là một thứ mùa xuân. Hạnh phúc là cái mà mọi người đều có quyền hưởng. Là người đồng tính luyến ái, bạn cũng có hạnh phúc của bạn. Bạn có hạnh phúc khi gần với một người bạn đồng tính. Tôi hoàn toàn tôn trọng niềm hạnh phúc đó của bạn. Vấn đề tôi quan tâm là làm thế nào để bạn giữ gìn hạnh phúc mình đang có. Cái đó đạo Bụt gọi là giữ giới. Nếu không giữ giới mình có thể làm hư hoại hạnh phúc của mình. Điều trước hết tôi đề nghị bạn thực tập, như một người đồng tính luyến ái là:
1. Thấy đồng tính luyến ái không phải là một căn bệnh.
Ở xã hội Tây phương, những người đồng tính luyến ái có quyền kết hôn với nhau. Đã có những vị linh mục đồng ý làm lễ thành hôn cho họ. Đây là một phát triển rất tốt của xã hội. Qua đó, những em trai khi khám phá ra rằng mình là người đồng tính luyến ái thì sẽ không bị mặc cảm, che dấu và đau khổ. Bụt dạy rất rõ là ta đau khổ vì ta vô minh. Ta đừng để con cháu của ta đau khổ trong vô minh nữa. Ta hãy hướng dẫn cho chúng biết đồng tính luyến ái là một chuyện bình thường. Các em không cần phải mặc cảm khi mình là người đồng tính luyến ái. Trong xã hội ta, có nhiều em gái phải mang thai là vì không được giáo dục đàng hoàng về tính dục. Ta hãy lấy giáo dục làm nền tảng cho mọi sự giải thoát. Đây là hướng đi của đạo Bụt. Đạo Bụt khuyến khích ta luôn luôn cởi mở, phải thấy các pháp là không, là trống rỗng – trong đó có nhận thức, hiểu biết của ta – vì vậy cho nên ta phải cởi mởi để mà học hỏi. Ta cần cho các em biết là trong xã hội ta có bao nhiêu phần trăm là những người đồng tính luyến ái. Và nếu em là một người đồng tính luyến ái, thì em cũng là một đứa con của ba, của mẹ và của gia đình. Không có lý do nào mà em phải mặc cảm, xấu hổ hay coi đó là một căn bệnh. Điều thứ hai bạn cần thực tập là:
2. Biết trân quí tình thương giữa mình và bạn mình.
Tình thương là một cái gì quí giá vô cùng. Ta không thể nhân danh một cái gì để mà hủy hoại tình thương. Em có quyền thương yêu và có quyền được thương. Em có quyền thương người mình chọn lựa. Và em cần học hỏi để nuôi dưỡng và bảo vệ tình thương đó. Tu tập là để hiểu và thương cho thật sâu sắc, trong đó có những phương pháp như là thiền ngồi, thiền đi. Và ta phải nên học nói lời ái ngữ và học hạnh lắng nghe. Khi nói, ta lựa nói lời chân thật, từ tốn. Khi nghe ta học nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn. Tôi hoàn toàn không thấy một lý do nào tại sao một người đồng tính luyến ái tu tập không thành công được. Muốn tu tập có kết quả, bạn phải hiểu tại sao mình cần hành trì. Tu tập sẽ mang đến có bạn niềm bình an, sự hiểu biết và lòng thương yêu. Đó là những hoa trái rất cụ thể của sự tu tập. Nếu bạn thương yêu một người và người đó cũng thương yêu bạn, thì hai bạn là những người rất may mắn. Dù người đó có phải là người đồng tính hay không thì tôi vẫn thấy đây là một tình thương đáng được bạn trân quí và bảo vệ. Điều thứ ba:
3. Bạn cần học hạnh chung thủy đối với bạn tình của mình.
Nếu bạn không cẩn trọng trong sự giao du và nhất là trong sinh hoạt tính dục, bạn mang lại cho bạn tình của mình nhiều niềm đau khó mà hàn gắn được. Niềm tin là nền tảng của đời sống hạnh phúc. Lòng chung thủy là để bảo vệ niềm tin đó. Tình thương là một cái gì sâu sắc và cao quí hơn niềm đam mê tính dục rất nhiều. Đồng tính luyến ái không phải là căn bệnh, nhưng nếu bạn buông thả trong đời sống tính dục của người đồng tính luyến ái thì điều đó mới mang lại nhiều căn bệnh cho bạn, trong đó có những bệnh về tâm và những bệnh về thân. Nếu đã có kinh nghiệm về việc này rồi thì ta phải điều chỉnh lại những thói quen của ta. Ta hãy cho xã hội thấy là người đồng tính luyến ái, ta cũng có nếp sống rất lành mạnh. Điều này sẽ tạo ra sự kính nể nơi mọi người trong xã hội. Nếu thấy đó là con đường đúng thì ta phải can đảm mà bước tới, dù ta cần có vài thập kỷ để thay đổi nhận thức của cộng đồng. Điều thứ tư:
4. Ta thấy ta là sự tiếp nối của gia đình.
Ta có cha, có mẹ và đương nhiên ta là sự tiếp nối mầu nhiệm của ông bà tổ tiên ta. Muốn sống đời sống hai người cho có hạnh phúc, ta cần nuôi dưỡng gốc rễ của ta trong gia đình thật mạnh. Vì vậy mà chuyện tu tập không phải chỉ thiết yếu đối hai người mà còn cần thiết đối với gia đình đôi bên. Ta cần phải tập tạo truyền thông ở trong gia đình. Ba ta có hạnh phúc hay nỗi khổ gì? Mẹ ta có hạnh phúc hay nỗi khổ gì? Anh ta, chị ta, em ta, họ đều rất cần sự chăm sóc và quan tâm của ta. Ta không phải là một cá nhân riêng lẻ, ta là một sự tiếp nối. Ta phải biết chăm sóc cho ta và cho cả gia đình của ta. Vì vậy ta phải thấy rằng ta không phải chỉ là một người đồng tính luyến ái mà thôi, mà là một cái gì rộng lớn hơn nhiều. Ngày nay những cặp vợ chồng trẻ tại Tây phương thường đi tới ly dị sau một thời gian ngắn ngủi sống chung với nhau. Đó là vì họ không biết nương tựa và chăm sóc cho gia đình huyết thống của hai người. Điều thứ năm:
5. Ta phải biết chăm sóc cho sự tiếp nối của ta.
Ở tại Tây phương, những cặp đồng tính luyến ái có thể xin con nuôi và cùng tạo dựng một gia đình. Khi có con ta phải sống với nhau như thế nào để cho con ta thấy một gương mẫu về đời sống đạo đức. Sự hòa thuận giữa hai người sẽ là món quà lớn nhất ta có thể tặng cho con. Con ta là sự tiếp nối của ta, dù đó là con nuôi hay là con ruột. Mỗi ngày, qua sự tu tập của ta mà ta trao truyền vốn liếng của sự hành trì cho con. Cho nên ta đừng để hết thời gian để lo kinh tế cho gia đình. Ta phải tập sống như thế nào để ta có thời gian cho nhau. Ta sống và có sự thảnh thơi trong khi sống. Ngay cả với người tu, nếu ta không có sự thảnh thơi trong đời sống thì sự hành trì của ta không thể nào đạt tới chiều sâu được. Vì vậy mà muốn chăm sóc cho tương lai, mỗi người trong chúng ta phải tập sống bớt bận rộn, bớt lăng xăng. Tiền của chưa phải là món quà lớn ta có thể để lại cho con mình. Ông bà mình thường nói: để đức cho con. Con cháu ở đâu thì ông bà ở đó. Ông bà luôn có mặt trong dạng của đức độ, trong hình thức của những hạt giống trong tâm ta.
Trên đây là năm điều tôi đề nghị. Nếu bạn thấy phù hợp thì cần phải đem ra hành trì. Không phải làm là được liền đâu bạn. Nếu ta có niềm tin thì ta sẽ có quyết tâm. Cái đó đạo Bụt gọi là tín lực làm phát sinh ra tấn lực. Rồi tấn lực làm ra niệm lực. Niệm lực tức là chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng giúp ta biết cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong hiện tại, ta có đủ hạnh phúc không? Thảnh thơi không? Bình an không? Và niệm lực mang đến định lực. Rồi định lực mang tới tuệ lực. Tuệ là sự hiểu biết giúp cho ta biết sống, biết thương. Tất cả đều phát sinh ra từ niềm tin và sự quyết tâm. Chúc bạn thành công.
Làng Mai, 29-3-2006.
**************************
MỘT GIA ĐÌNH CHO NGƯỜI ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI
Gia đình là một cái nôi hạnh phúc của con người. Người xuất gia như tôi cũng có gia đình, đó là tăng thân. Tăng thân giúp cho tôi có bình an trong đời sống và vững chãi trong sự tu tập. Gia đình giống như là mặt đất, nơi nương tựa của tất cả các loài cỏ cây. Khi biết mình là người đồng tính luyến ái, một em trẻ có thể dấu gia đình vì sợ không được gia đình thông cảm và chấp nhận. Nhưng dấu như vậy, em không được hướng dẫn để sống đời sống của mình như thế nào cho có hạnh phúc. Em sẽ cảm thấy mặc cảm, cô đơn và lẻ loi. Em có những vấn đề mà không sao bày tỏ được với gia đình, gồm những người mà em thương yêu.
Nếu em tiếp tục dấu chúng ta, thì trong cuộc đời, em phải chịu đựng nhiều đau khổ, em phải vấp nhiều tai nạn không cần thiết. Đây là điều tôi muốn gởi đến các bậc làm cha, làm mẹ. Ông cha ta vẫn thường nói là sinh con chứ ai nỡ sinh lòng, con của ta như thế nào thì trước tiên ta cần tập chấp nhận nó như vậy. Sau đó, ta mới xem thử ta có thể làm gì để giúp đỡ con em chúng ta. Khi con ta thưa thật với ta em là một người đồng tính luyến ái, ta đừng phản ứng bằng sự giận dữ. Ta đừng vội la rầy. Nếu ta phản ứng bằng thái độ không chấp nhận, em sẽ bị một vết thương rất sâu ở trong lòng và tự dặn là sẽ không bao giờ nói ra sự thật về mình nữa.
Ta cần học nghệ thuật lắng nghe. Điều này không dễ làm. Ta có khuynh hướng phán xét, phản ứng vì ta cho rằng mình đã hiểu vấn đề. Nhưng sự hiểu biết của ta có giới hạn. Lúc nào ta cũng cần học hỏi để làm lớn thêm sự hiểu biết của mình. Ta biết gì về đồng tính luyến ái? Có thể ta cho là con em của ta bị tà nhập và ta đi cầu thầy, cầu cô, cúng kiến để con em chúng ta tai qua nạn khỏi. Ta có thể cho đó là một căn bệnh. Hoặc ta cho rằng đó là một hành động bất hiếu đối với ông bà tổ tiên. Ta dọa rằng nếu tái phạm thì ta sẽ từ em. Thật ra đây không phải là căn bệnh. Em cũng không bị hồn ma bóng quế nào nhập cả. Em chỉ cần sự thông cảm mà thôi. Em cần sự chấp nhận và thương yêu của gia đình. Làm cha mẹ, ta hoàn toàn không có một chọn lựa nào khác. Ta phải chấp nhận em. Nếu không chấp nhận thì ta mất em. Cho nên ta cần tập lắng nghe. Ta lắng nghe bằng tấm lòng từ bi, không phản ứng, không phán xét.
Là người đồng tính luyến ái, em chịu nhiều khổ đau hơn những người bạn cùng trang lứa. Nỗi khổ đầu tiên mà em phải chịu đựng là dấu diếm gia đình về tình trạng của mình. Nếu để tâm, ta có thể biết được nỗi khó khăn của em trước khi em dám thú thực. Và khi em nói, ta giữ tâm ta bình tĩnh, khuyến khích em bày tỏ sự thật và hứa sẽ làm mọi cách để nâng đỡ cho em. Điều này tôi cứ lập đi lập lại hoài. Hạnh phúc con em chúng ta tùy thuộc vào thái độ chấp nhận, thông cảm của ta. Ta tu là để làm chuyện này cho giỏi. Nếu không tu, ta dễ nỗi giận và làm tan vỡ tất cả. Có gia đình nâng đỡ, tâm lý em sẽ vững chãi, ít bấp bênh hơn. Nhiều em không nói được với gia đình, mang mặc cảm là mình bị bệnh và đâm ra tuyệt vọng. Nhiều em đau khổ và tự tử.
Không có gia đình nâng đỡ, em phải chịu nhiều mặc cảm và tâm lý em sinh ra nhiều biến chứng. Em dễ ghen tuông khi thấy những người khác có hạnh phúc. Nhìn những người bạn khác cùng trang lứa có đôi có cặp, em thấy mình khác thường và đau khổ. Nhưng em đâu cần phải giống ai. Em là em. Ta cần phải chấp nhận em là em. Chấp nhận là nền tảng căn bản để tạo ra niềm tin. Tin ta thì em mới nghe lời khuyên bảo hướng dẫn của ta. Có nhiều điều em cần học. Ta đừng để em phải lui cui học hỏi một mình. Ta có thể học cùng với em. Như trong quan hệ tình dục, em cần học sử dụng những trợ cụ nào để không bị nhiễm bệnh. Ta nên biết là năm 2005 ở Bangkok, trong số những người đồng tính luyến ái và lưỡng tính luyến ái có tới 28 % người bị nhiễm HIV. Vi rút HIV này rất dễ lây qua đường giao hợp. Khi em trai là người đồng tính luyến ái, cơ hội em bị lây bệnh cao hơn những những người dị tính luyến ái rất nhiều. Một phần là do các em không biết sử dụng những trợ cụ cần thiết. Hiện nay có những câu lạc bộ dành cho những người đồng tính luyến ái. Tại đây, người ta hướng dẫn cặn kẽ, chu đáo những gì mà một người đồng tính luyến ái cần phải biết để có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc. Cũng tại đây, em sẽ có cơ hội gặp những người ở trong giống như em. Họ có thể ngồi lại với nhau, thảo luận và học hỏi nơi nhau.
Có thể suốt đời, em không hề lập gia đình. Đây không phải là một điều tốt lành. Khi không có gia đình, liên hệ tính dục của em có thể trở nên bừa bãi. Trong trường hợp đó, em chỉ có thể có những liên hệ chớp nhoáng mà không hề có tình thương. Điều này cũng có nguồn gốc nơi thái độ của gia đình và xã hội. Khi chấp nhận và nâng đỡ em, ta giúp em sống và lớn lên trong tình thương của một gia đình. Không chấp nhận em, ta đẩy em vào một góc cô đơn, không có truyền thông và hạnh phúc. Em sẽ lén lút đi tìm những liên hệ mà trong thâm tâm em cho rằng gia đình và xã hội không bao giờ chấp nhận được. Những liên hệ này thường chớp nhoáng, không bền bỉ và mang nặng tính chất tình dục. Tôi nghĩ rằng ta có thể khuyến khích em về nhà với một người bạn đồng tính của em. Qua đó, ta sẽ giúp hai em học hỏi chăm sóc và thương yêu nhau. Một tình thương bền bỉ, chung thủy là cái mà tất cả chúng ta đều cần học hỏi.
Tại một số nước, việc kết hôn giữa hai người đồng tính luyến ái đã được chấp nhận. Ta có thể chấp nhận việc này đối với con em chúng ta hay không? Nếu không, em phải sống trong cô đơn và lạnh lẽo. Em có thể sống đời sống buông thả và chán nản. Nếu chấp nhận thì đó là một điều rất khó khăn cho ta. Hai người cùng phái mà lại làm đám cưới sao? Nhưng đã có những vị linh mục chấp nhận cử hành hôn lễ cho những người này rồi. Họ còn có con nữa. Họ nuôi những đứa con nuôi được xin về những gia đình khác. Con nuôi cũng là con. Nhiều khi con nuôi lại có hiếu hơn con ruột. Cái đó là do ở sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của những người làm cha, làm mẹ. Trong trường hợp một cặp đồng tính luyến ái, đứa con có hai người cha hay là hai người mẹ. Con em của ta sẽ học nuôi con, học trao truyền tình thương và những đức tính tốt đẹp cho con mình.
Ta đừng quên rằng hạnh phúc của con ta chính là hạnh phúc của ta. Con của ta là người đồng tính luyến ái, em có những quan niệm về hạnh phúc khác ta, điều này ta phải tôn trọng. Tôn trọng sự khác biệt đó thì ta sẽ trao truyền được kinh nghiệm của mình cho em. Ta đừng bắt em phải giống ta. Em có những nhu cầu khác. Nhưng không phải vì vậy mà ta cho rằng em bệnh. Đồng tính luyến ái không phải là một căn bệnh đâu. Người đồng tính luyến ái cũng có thể có gia đình, có tình thương, có sự chung thủy, nuôi con, dạy con và đóng góp rất nhiều điều tốt lành cho xã hội. Ta biết xã hội ta chưa chấp nhận người đồng tính luyến ái. Nhưng điều em cần nhất là sự chấp nhận của gia đình. Gia đình chính là nền tảng của xã hội. Nếu gia đình ta thành công trong việc hướng dẫn con em ta sống có hạnh phúc như một người đồng tính luyến ái, thì xã hội sẽ thay đổi cái nhìn của mình về những người như em.
Đạo Bụt dạy ta phải giữ giới. Ở trong giới thứ ba, Bụt dạy không nên có quan hệ tình dục với những người không phải là vợ hay chồng của ta. Em không có vợ hay một người chồng theo quan niệm thông thường của ta được. Nhưng em vẫn có nhu cầu tình dục. Nếu ta không giúp em xây dựng một gia đình hai người, thì quan hệ tình dục của em sẽ gây ra những vết thương, những chứng bệnh trong thân và cả trong tâm. Ta cần giúp cho em nghĩ tới đời sống hai người, với một lời cam kết về sự chung thủy. Đó chính là giữ giới thứ ba trong năm giới của đạo Bụt. Không chấp nhận những người đồng tính luyến ái lấy nhau, ta không khuyến khích họ thực tập việc giữ giới. Dù có sự nâng đỡ của gia đình và xã hội, em còn phải đi một đoạn đường rất dài trong việc xây dựng hạnh phúc. Đoạn đường này sẽ bớt khó khăn hơn nếu gia đình tham gia vào việc nâng đỡ cho con em mình.
Tôi nghĩ chính phủ, nhà nước cũng nên tham gia vào việc này. Tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 3 năm 2006, một câu lạc bộ dành cho người đồng tính luyến ái đã được chính thức mở cửa. Tôi thấy đây là một tiến bộ rất lớn của nhà nước Việt Nam. Câu lạc bộ này hiện đã có 22 thành viên trẻ tuổi. Rất nhiều người đồng tính luyến ái vẫn còn rụt rè, chưa dám xuất hiện công khai trong xã hội. Chúng ta phải cần có thái độ cởi mở để những người đồng tính luyến ái tham gia, góp tay với chúng ta xây dựng một xã hội lành mạnh. Việc gì làm lén lút đều không mang tới kết quả tốt đẹp. Ta cần phải có thêm nhiều câu lạc bộ dành cho những người đồng tính luyến ái nữa ở các nơi như Sài Gòn, Nha Trang… và cuối cùng là khắp nơi trên đất nước.
Trong học đường, ta hướng dẫn học sinh hiểu và thông cảm cho những người đồng tính luyến ái. Kỳ thị là một yếu tố không lành mạnh trong mọi xã hội. Không ai muốn mình bị kỳ thị cả. Cho nên ta không nên kỳ thị người khác. Tất cả mọi điều tốt đẹp đều bắt đầu bằng sự giáo dục.
Trong nhà chùa, ta nên có những khóa tu tập dành cho những người đồng tính luyến ái. Em có thể đến chùa để học ngồi thiền, đi thiền, học nhận diện và chăm sóc cho cảm thọ của mình. Chính ở đây mà ta khuyến khích emthọ giới và giữ giới. Giới thứ ba là để cho cả những người đồng tính và dị tính luyến ái cùng thực tập. Tại nhà chùa, ta đã làm lễ cưới, vậy ta có thể làm đám cưới cho những cặp đồng tình luyến ái hay không? Đạo Bụt ra đời là để cứu khổ. Ta cần phải nhận diện nỗi khổ niềm đau của những người đồng tính luyến ái và đưa cánh tay nâng đỡ họ. Ta hành động sớm chừng nào thì hay chừng nấy. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu người đồng tính luyến ái đang là nạn nhân của sự kỳ thị, đau khổ, lây lan bệnh tật, đang cần đến sự thông cảm của gia đình, học đường, nhà nước và cửa thiền.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng cách trở về với gia đình. Gia đình là cơ sở giáo dục con em về hạnh phúc. Chính trong gia đình mà con em chúng ta tiếp nhận được những bài học vỡ lòng về làm thế nào để sống một đời sống có ý nghĩa.
Làng Mai, 6-4-2006
**************************************
SỐNG HÀI HOÀ VỚI NĂNG LƯỢNG TÌNH DỤC
Làm con người, ai cũng có năng lượng tình dục. Vào khoảng 12, 13 tuổi thì năng lượng này trở nên quan trọng nơi một người con trai, hay một người con gái. Có khi thì năng lượng này khá mạnh và có khả năng khuấy rối tâm tư mình. Nhưng đây lại là một chuyện rất bình thường. Năng lượng này có thể có mặt ở trong ta cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy ta nên tập sống hòa bình với năng lượng tình dục. Ta phải hiểu nó, thay vì chán ghét hay là chạy theo. Nếu không hiểu, ta dễ dàng bị năng lượng này sai sử, làm những việc mà sau đó ta hối hận. Nhưng học hỏi, tìm hiểu cần phải có phương pháp và có thời gian. Thiền tập giúp cho ta một phương pháp cụ thể để nhận diện năng lượng tình dục. Và chính lòng kiên nhẫn giúp cho ta có thời gian. Bài học đầu tiên mà ta có thể áp dụng là:
1. Công nhận rằng ai cũng có năng lượng tình dục, và ta không nằm ngoài thông lệ đó.
Trong khi sống đời sống hàng ngày, ta cần nhận diện mỗi khi năng lượng này xuất hiện. Ta đừng ngạc nhiên hay xấu hổ. Ta chỉ cần nhận diện: đây là năng lượng tình dục của ta. Khi ta thấy được thì nó trở nên ít nguy hiểm hơn. Có khi nó xuất hiện với một cảm giác thích thú, dễ chịu. Nhưng nếu quan sát cho kỹ lưỡng thì nhiều lúc năng lượng tình dục đi tới với một sự bức xúc. Nó mang tới cho ta sự khó chịu, bất an. Nó bắt ta phải làm, phải nói những việc, những lời mà ta không muốn. Cho nên ta có thể thấy rõ là:
2. Năng lượng tình dục thường mang tới cho ta sự bức xúc, khó chịu và bất an.
Điều này ít người nhìn thấy lắm, cho nên họ mới dễ dàng trở thành nạn nhân của năng lượng tình dục. Thiền tập giúp ta thấy rõ được thực tại. Không có thiền tập, ta không nhận diện được mặt mũi chân thật của năng lượng tình dục và có thể mãi mãi là nạn nhân của năng lượng này, có người đã 70 tuổi rồi mà vẫn chưa thoát khỏi. Sở dĩ nó chi phối ta là vì ta không thấy được bản chất của nó. Trong đạo Bụt, sự giải thoát, tự do luôn luôn được đặt nền tảng trên sự hiểu biết. Hiểu biết tức là trí tuệ. Mà hiểu được thì ta thương được. Ta biết đối xử với năng lượng tình dục trong ta bằng một tấm lòng cởi mở, từ hòa.
3. Hãy tập đối xử với năng lượng tình dục bằng tấm lòng từ hòa.
Bạn đừng quá khó khăn với chính mình. Năng lượng tình dục cũng chỉ chính là mình mà thôi. Nếu ta đối xử với năng lượng tình dục bằng sự hiểu biết thì ta đang chăm sóc ta một cách rất hay. Mỗi khi năng lượng này phát khởi, ta biết phải làm gì để chăm sóc nó. Chẳng hạn như ta đi dạo. Cách hay nhất để giải tỏa sự bức xúc do năng lượng tình dục mang tới không phải là đàn áp hay phán xét nó. Hễ còn phán xét, đàn áp nó thì ta còn là nạn nhân của năng lượng này. Ta nên chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm ta. Không phải là tiêu diệt được năng lượng tình dục rồi thì ta mới có tự do. Tự do của ta được làm bằng sự hiểu biết và cảm thông.
4. Ta có thể sống hài hòa cùng với năng lượng tình dục trong ta.
Ta thường có khuynh hướng muốn tiêu diệt cái ta không ưa thích. Oái oăm thay, năng lượng tình dục càng trở nên mạnh mẽ hơn mỗi khi ta đàn áp nó. Nó là vùng năng lượng cứng đầu, khó đối trị nhất ở trong tâm ta. Nhưng tại sao nó lại khó đối trị? Là vì ta chăm sóc nó không đúng phương pháp. Hoặc nói cách khác là ta không biết rằng mình cần phải chăm sóc cho năng lượng tình dục. Biết chăm sóc thì nó lại trở nên rất ngoan ngoãn và đôi khi lại giúp đỡ cho ta nữa. Thật vậy, nhờ biết chăm sóc cho năng lượng tình dục mà lòng từ bi, hay tình thương chân thật nơi ta được phát khởi và nuôi dưỡng. Nhận diện năng lượng tình dục giúp cho ta phát khởi ra năng lượng từ bi.
5. Biết sống hài hòa với năng lượng tình dục, tình thương trong ta sẽ trở nên sâu sắc hơn.
Năng lượng tình dục không phải là xấu đâu bạn ạ. Thật ra, nó cần thiết ở trong cuộc đời chúng ta. Và nó sẽ luôn luôn có mặt trong ta. Nó chính là ta. Nếu ta biết thương nó, thì ta cũng biết thương chính ta. Và trong ta còn nhiều vùng năng lượng khác nữa, như là năng lượng giận, năng lượng ghét. Cái giận hay cái ghét cũng cần được ta chăm sóc. Nếu ta không nhận diện, quan sát, học hỏi, tìm cách chăm sóc những vùng năng lượng này thì ta rất dễ dàng trở thành nạn nhân của chúng. Muốn học nhận diện và chăm sóc thì ta cần điều kiện gì? Bằng cách nào để ta nắm được phương pháp thiền tập? Bằng cách là ta đừng sống đời sống ta một cách bận rộn. Ta cần thời gian. Muốn học điều gì cho sâu sắc, ta cần nhất là thời gian.
6. Ta cần thời gian rảnh rỗi để phát triển thiền tập và chăm sóc năng lượng tình dục của ta hiệu quả hơn.
Nhận diện năng lượng tình dục là một thực tập không phức tạp. Nhưng nhận diện chính là căn bản của thiền tập. Trong thiền tập, ta có thể đạt tới hiểu biết là nhờ ở sự nhận diện này. Và sự thực tập này chỉ mang tới kết quả khi ta hành trì liên tục, không gián đoạn. Ta cần có niềm tin vững chắc vào sự hành trì của mình. Và ta cần quyết tâm đối xử với năng lượng tình dục bằng một lòng thương mà thôi. Mỗi ngày, ta cần lập đi lập lại sự thực tập của ta. Chẳng hạn như ta tập ngồi thiền mỗi ngày. Có người khi ngồi thiền thì thích quán chiếu những đề tài cao siêu nhưng không hề biết chăm sóc cho năng lượng tình dục ở trong chính mình. Kết quả là mỗi khi năng lượng tình dục biểu hiện thì ngơ ngác, không biết gì hết và hoàn toàn hành xử trong vô minh. Ta sẽ bị năng lượng tình dục sai khiến và cảm thấy sự tu tập của mình không thành công.
7. Nhận diện, quán sát và chăm sóc năng lượng tình dục ta sẽ tháo gỡ được sự ràng buộc của vùng năng lượng này.
Ta đừng quên rằng sự thật thứ nhất là khổ đế. Khổ đau là một sự thật mầu nhiệm vì nó chỉ cho ta thấy con đường vượt thoát khổ đau. Năng lượng tình dục là một vùng năng lượng khổ đau trong ta. Ta thường lẫn lộn đây là hạnh phúc. Vì lẫn lộn cho nên ta bị nó ràng buộc. Ta phải thấy nó là khổ đau. Nhưng tại sao khổ đau lại là một sự thật mầu nhiệm? Vì khổ đau chứa trong nó mọi yếu tố cần thiết để làm ra hạnh phúc. Năng lượng tình dục giúp cho ta chế tác ra tình thương và sự hiểu biết. Năng lượng tình dục luôn luôn có mặt trong ta. Đó là một điều hết sức bình thường. Đó là một vùng năng lượng hết sức thiết yếu. Ta không nên có thái độ đam mê hay thù ghét đối với vùng năng lượng này. Ở trong người trẻ, vùng năng lượng này có thể rất mạnh. Nhưng ở người lớn tuổi, nó vẫn hoạt động âm thầm, mạnh mẽ. Ta chỉ có thể thoát khỏi nó bằng con đường quán chiếu của thiền tập. Nhìn sâu để hiểu, để thương là con đường Bụt đã dạy giúp ta áp dụng và tháo gỡ những khó khăn của ta trong đời sống hàng ngày.
8. Chăm sóc cách ăn uống là một cách chăm sóc cho năng lượng tình dục rất hay.
Nếu ăn vừa đủ, đừng dư thừa quá mức thì nhu cầu tình dục cũng sẽ bớt lại. Có thể chúng ta ăn quá nhiều, quá dư thừa và năng lượng dư thừa sẽ chuyển thành năng lượng tình dục. Bớt ăn, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái hơn. Ăn chay cũng là một cách tiết dục rất có hiệu quả. Nếu không quen ăn chay, ta có thể tập ăn mỗi tuần một ngày hay hai ngày. Ta đừng cho rằng ăn chay là một sự chịu đựng, khổ hạnh. Ăn chay rất ngon. Và khi ăn chay, ta có thể nấu những món mà ta và gia đình ưa thích. Dành một khoảng thời gian thoải mái để nấu ăn cho gia đình là một điều nên làm. Tôi nhắc lại: ăn chay hay ăn bớt lại không phải là một hình phạt đối với thân thể ta. Ta cần phải có hạnh phúc trong khi ta thực tập. Và đối với những bạn trai tôi dặn điều này: rượu bia thường làm cho năng lượng tình dục phát khởi. Ta nên bớt uống bia, uống rượu lại. Không uống bia, uống rượu thì càng hay hơn nữa.
9. Tập tiêu thụ những sản phẩm sách báo, phim ảnh không chứa quá nhiều yếu tố kích thích năng lượng tình dục nơi ta.
Trong xã hội bây giờ, phim ảnh và sách báo thường chứa hình ảnh kích thích tình dục. Những cuốn sách hay, phim hay, không hẳn phải chứa những yếu tố kích thích này. Chọn sách hay là một nghệ thuật mà ta phải cần học hỏi. Trong giới thứ năm của đạo Bụt có dạy ta không nên tiêu thụ những sản phẩm có độc tố. Điều này có nghĩa là ta cần tiêu thụ những sản phẩm có tính chất nuôi dưỡng, dù đó là thức ăn đi vào ta bằng đường miệng hay là bằng tai, bằng mắt. Có những cuốn phim được làm ra để kích thích năng lượng tình dục. Nhưng cũng có những cuốn phim là để trao truyền cho ta tình thương và sự hiểu biết. Nếu xem được một cuốn phim hay và lành mạnh, ta nên giới thiệu cho bạn bè ta cùng thưởng thức.
10. Tập chơi một môn thể thao để cơ thể ta biết sử dụng năng lượng vào mục đích lành mạnh.
Ta có thể tập chơi đá banh, bóng bàn, bóng rổ… Điều này tùy thuộc vào sự ưa thích của ta. Nhưng ưa thích cũng chỉ là một thói quen. Nếu ta tập chơi bóng bàn một hồi thì ta cảm thấy thích thú. Ở trong tu viện, chúng tôi cũng chơi thể thao. Hoặc cũng có những thầy, những sư cô thích đi bộ. Mới hôm qua đây, chúng tôi cùng nhau đi bộ hai tếng đồng hồ quanh một khu lâu đài rất đẹp của xứ Pháp. Đi xong, chúng tôi rất đói bụng, ngồi xuống và lấy thức ăn ra ăn với nhau và cảm thấy tình huynh đệ trong thiền môn rất là nuôi dưỡng. Trong gia đình, trong nhóm bạn ta nên rủ nhau chơi thể thao, vận động cơ thể và đó cũng là một cách nuôi dưỡng tình thương trong nhau. Hai vợ chồng cũng có thể cùng chơi một môn thể thao. Ở Đài Loan, những cặp vợ chồng thường áp dụng phương pháp này để giải tỏa bớt sự áp bức của năng lượng tình dục. Và chơi thể thao cũng là để nuôi dưỡng niềm vui chớ không phải là một khổ hạnh, hành xác. Trong thiền tập, sự hành trì phải đi chung với niềm vui. Tu không phải là ép xác. Dù đó là sự cưỡng ép xảy ra trong phạm vi cơ thể hay tinh thần.
11. Ta cần một hướng đi tâm linh để dẫn dắt năng lượng tình dục phát triển đúng hướng.
Ngày hôm nay người ta thường dùng danh từ 'tâm linh' để thay cho từ 'tôn giáo'. Người ta nhận ra là trong tôn giáo, chất liệu tâm linh có thể rất nghèo nàn. Con người có thể có tôn giáo nhưng lại không có hướng đi tâm linh. Hướng đi tâm linh mang đến sự lớn lên chuyển hóa những tri giác sai lầm và mở rộng không gian trong tâm thức con người. Tôn giáo cũng bắt đầu từ chất liệu tâm linh, nhưng có thể dần dà đi vào huynh hướng giáo điều, khiến cho người trẻ cảm thấy xa lạ. Và cuối cùng thì tôn giáo không còn có khả năng trả lời cho người trẻ những thắc mắc, khổ đau của họ. Thiền tập cần phải mang nội dung tâm linh. Thiền môn, từ Lục tổ đã mang đậm nét không chấp vào hình thức. Ta cần thực tập như thế nào để sự hiểu biết và tình thương phát triển trong ta, chuyển hóa tự thân và gia đình ta. Năng lượng tình dục là một sinh vật sống. Nó phát triển không ngừng cả ngày lẫn đêm. Nhưng nó phát triển về hướng nào? Nếu ta có một hướng đi tâm linh, năng lượng tình dục sẽ được chuyển hóa và bồi đắp cho chất liệu tâm linh đó.
12. Ta cần một cộng đồng có tu tập để làm nền tảng chăm sóc và chuyển hóa năng lượng tình dục.
Một ngôi chùa hay một trung tâm tu học gồm có những người đang hành trì miên mật là một nơi lý tưởng cho ta nương tựa để tu học. Đó là một môi trường lành mạnh. Sống trong một môi trường lành mạnh, sự chuyển hóa của ta xảy ra nhanh hơn. Khi trong gia đình có một người hạnh phúc, thì hạnh phúc đó lan ra những người chung quanh. Trong một môi trường có những người biết tu tập, thì ta sẽ hưởng được năng lượng tu tập chung đó. Nếu trong ngôi chùa có sự tu tập thì nơi đó sẽ trở thành đất lành cho chim đậu. Ta cần nhiều ngôi chùa như vậy. Người trẻ có thể đến những ngôi chùa đó ở lại một, hai tuần để tu tập. Họ nghe pháp thoại, ngồi thiền, đi thiền và pháp đàm về những vấn đề họ đang vấp phải. Họ học nâng đỡ để tháo gỡ những vấn đề đó. Nhiều ngôi chùa như vậy sẽ tạo ra một xã hội lành mạnh. Nhưng ta đừng chờ đợi gì cả. Ta phải bắt đầu thực tập và nếu cần ta có thể thành lập một nhóm tu tập chung tại nhà ta. Nhà ta sẽ trở thành một ngôi chùa.
Tôi đã viết ra mười hai đề nghị giúp ta thực tập sống hài hòa với năng lượng tình dục. Điều này ai cũng cần học hỏi cả, dù ta là em nhỏ 12, 13 tuổi, một thanh niên trưởng thành, một người đã có gia đình hay một người ở tuổi trung niên, lão niên. Năng lượng tình dục có khả năng gây đổ vỡ rất lớn ở trong gia đình và trong xã hội. Ta có thể bị nó chi phối và tạo ra một sự tan nát khó hàn gắn. Nhưng nếu biết cách, năng lượng này lại có thể giúp ta hiểu biết hơn, thương yêu hơn và kiên nhẫn hơn. Cái đó là sức mạnh của thiền tập. Thiền tập không phải để gây ra một cuộc chiến tranh giữa thiện và ác. Thiền tập là để giúp ta chuyển hóa những vùng năng lượng tiêu cực thành ra những vùng năng lượng tích cực và giúp ta sống có hạnh phúc ngay trong đời sống hàng ngày.
Làng Mai, 4-4-2006
Từ khóa » Không Luyến ái Là Gì
-
Vô Tính Luyến ái – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dị Tính Luyến ái – Wikipedia Tiếng Việt
-
Suy Nghiệm Lời Phật: Luyến ái Buộc Ràng | Giác Ngộ Online
-
"Đồng Tính" Và "luyến ái" - Sáu Sắc
-
Người Vô Tính Của Cộng đồng LGBT+: Những Bí Mật Chưa Bật Mí
-
LGBT Là Gì - Những Vấn đề Xoay Quanh đồng Tính, Song Tính Và ...
-
Đồng Tính Có Phải Là Bệnh?
-
Đồng Tính Luyến ái Có Phải Là Bệnh? - Báo Tuổi Trẻ
-
Đồng Tính Luyến ái Và Cuộc Cách Mạng Tình Dục Mới - BBC
-
3. Tình Thương Khác Với Luyến ái - Rộng Mở Tâm Hồn Và Phát Triển Trí ...
-
LGBT Là Gì? LGBT Có Mấy Loại, đặc điểm Thế Nào?
-
Đồng Tính Luyến Ái Có Được Phật Giáo Chấp Nhận Không
-
Đặc điểm Phái Tính | Ontario Human Rights Commission
-
[PDF] LGBT, BẠN LÀ AI? - PFLAG San Gabriel Valley