Thiết Giáp Hạm – Wikipedia Tiếng Việt

HMS Dreadnought

Thiết giáp hạm (tiếng Anh: battleship)là một loại tàu chiến lớn được bọc thép dày với dàn hỏa lực chính bao gồm pháo có cỡ nòng rất lớn (trên 300mm). Thiết giáp hạm là loại tàu to hơn, được trang bị vũ khí mạnh hơn và có vỏ giáp tốt hơn so với tàu tuần dương và tàu khu trục. Là những tàu chiến vũ trang lớn nhất của hạm đội, thiết giáp hạm thường được sử dụng để chiếm lấy quyền kiểm soát mặt biển và là đại diện cho đỉnh cao sức mạnh hải quân của một quốc gia trong giai đoạn từ thế kỷ XIX cho đến giữa chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, do sự phát triển vượt bậc của các loại vũ khí tác chiến tầm xa trên biển như máy bay, ngư lôi và nhất là tên lửa có điều khiển sau Thế chiến 2 đã khiến các khẩu pháo siêu lớn của thiết giáp hạm ngày càng trở nên lạc hậu và không còn hữu dụng như trước. Điều này khiến cho thiết giáp hạm mất đi vai trò trong tác chiến hải quân và dần bị thải loại theo thời gian. Đến cuối thế kỷ 20 thì không còn chiếc thiết giáp hạm nào được sử dụng chính thức trong biên chế của các lực lượng hải quân trên toàn thế giới.[Ghi chú 1]

Việc thiết kế thiết giáp hạm được tiến triển qua việc tích hợp và ứng dụng nhiều tiến bộ về kỹ thuật. Tên tiếng Anh battleship được dùng để mô tả một kiểu tàu chiến bọc sắt được cải tiến, mà sau này được gọi là thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Đến năm 1906, việc đưa ra hoạt động chiếc HMS Dreadnought báo trước một cuộc cách mạng về thiết kế đến mức những thiết giáp hạm ra đời sau nó được gọi là những "dreadnought".

Thiết giáp hạm từng là biểu trưng của sự thống trị hải quân và là sức mạnh của một quốc gia, và trong nhiều thập niên chúng là những yếu tố quan trọng trong cả chiến lược quân sự lẫn ngoại giao.[1] Cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu trong việc chế tạo thiết giáp hạm vốn đã bắt đầu từ cuối Thế kỷ XIX và càng trầm trọng hơn với sự ra đời của chiếc HMS Dreadnought là một trong những nguyên nhân đưa đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chứng kiến cuộc đối đầu giữa các hạm đội lớn trong trận Jutland. Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 cùng các thỏa thuận tiếp theo trong những năm 1930 đã thành công trong việc giới hạn số lượng và tải trọng của thiết giáp hạm, nhưng không thể ngăn cản sự tiến triển trong thiết kế. Cả hai phe Đồng Minh và Phe Trục đều đưa ra hoạt động cả những thiết giáp hạm cũ và mới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Giá trị của những chiếc thiết giáp hạm từng bị nghi ngờ, ngay cả vào thời kỳ thịnh hành của chúng.[2] Trận Tsushima (1905) là cuộc đối đầu quyết định duy nhất giữa hai hạm đội tàu chiến bọc thép. Ngoại trừ trận Jutland (1916) không có tính quyết định thì có ít những cuộc đối đầu trực tiếp giữa các thiết giáp hạm sau đó. Cho dù có pháo lớn và vỏ giáp dày nhưng thiết giáp hạm ngày càng trở nên mong manh trước các đợt tấn công của các loại vũ khí, khí tài có kích thước nhỏ và chi phí chế tạo, vận hành rẻ tiền hơn rất nhiều lần, thoạt đầu là tàu ngầm được trang bị ngư lôi và thủy lôi, rồi sau đó là đến máy bay và tên lửa có điều khiển.[3] Nhược điểm chính của thiết giáp hạm là cự ly tấn công bị giới hạn ở mức dưới 40 km (là tầm bắn của hải pháo trên tàu), cự ly này đã bị vượt qua bởi máy bay và tên lửa. Kết quả là các tàu sân bay được trang bị máy bay có cự ly tấn công hàng trăm km, ngoài tầm bắn của những khẩu siêu pháo trên các thiết giáp hạm đã thay thế cho loại tàu này ở vai trò tàu chiến chủ lực từ nửa sau Thế Chiến 2 trở đi. Chiếc thiết giáp hạm cuối cùng được người Anh hạ thủy vào năm 1945 là HMS Vanguard. Những chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Iowa được Hải quân Hoa Kỳ giữ lại sử dụng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh chỉ với vai trò hỗ trợ hỏa lực mặt đất; và những chiếc thiết giáp hạm này cuối cùng được rút toàn bộ khỏi Đăng bạ Hải quân vào tháng 3 năm 2006.[4]

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi battleship trong tiếng Anh được đưa ra lần đầu tiên vào khoảng năm 1794, và là thể rút gọn của cụm từ tàu chiến tuyến (line-of-battle ship), vốn dùng để chỉ đến thế hệ các tàu chiến bằng gỗ từng thống trị trong kỷ nguyên tàu buồm (Age of Sail).[5] Từ này được sử dụng một cách thông dụng vào cuối những năm 1880 để mô tả một kiểu tàu chiến bọc sắt được cải tiến,[6] mà sau này được gọi là thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Vào năm 1906, việc đưa ra hoạt động chiếc HMS Dreadnought báo trước một cuộc cách mạng trong thiết kế thiết giáp hạm. Các kiểu thiết giáp hạm sau đó vốn chịu ảnh hưởng lớn bởi HMS Dreadnought được gọi là những "dreadnought".

Sau khi tiếng Anh có từ battleship, các ngôn ngữ khác cũng tìm thuật ngữ tương đương với từ này cho ngôn ngữ của mình. Trung Quốc gọi là 戰列艦 (chiến liệt hạm, nghĩa là "tàu chiến dàn hàng"), 戰鬥艦 (chiến đấu hạm), 主力艦 (chủ lực hạm) hay 戰艦 (chiến hạm); Nhật Bản thì gọi là 戦艦 (chiến hạm); tiếng Nga: Линейный корабль, nghĩa là "tàu chiến tuyến". Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam ấn bản 2004 còn gọi thiết giáp hạm là tàu thiết giáp hay tàu bọc thép có khả năng dựa trên thuật ngữ Cuirassé của Pháp. Một số từ điển quân sự Anh-Việt tại Việt Nam và đa số các từ điển trực tuyến trên mạng thì dịch battleshiptàu chiến lớn[7][8].

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tàu chiến tuyến

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tàu chiến tuyến

Tàu chiến tuyến là tàu chiến chạy buồm lớn bằng gỗ không bọc thép, được trang bị một dàn pháo có thể lên đến 120 khẩu pháo nòng nhẵn và pháo ngắn. Tàu chiến tuyến là một sự tiến triển dần dần từ một thiết kế căn bản vốn đã bắt đầu từ thế kỷ XV, và ngoài việc tăng lên về kích thước, chúng có ít thay đổi giữa việc áp dụng chiến thuật hàng chiến trận vào đầu thế kỷ XVII cho đến khi kết thúc thế hệ tàu chiến chạy buồm vào thập niên 1830. Từ năm 1794, từ ngữ thay thế 'line of battle ship' được thu gọn (trước tiên là không chính thức) thành 'battle ship' hay 'battleship'.[5]

Le Napoléon (1850), tàu chiến chạy bằng hơi nước đầu tiên

Số lượng pháo thuần túy có thể bắn qua mạn tàu có nghĩa là một tàu chiến chạy buồm có thể phá hủy mọi con tàu gỗ, phá hỏng lườn tàu và cột buồm và giết chết thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả của các khẩu pháo vào lúc đó chỉ có vài trăm mét, nên chiến thuật của các tàu chạy buồm phụ thuộc một phần vào gió.

Thay đổi lớn đầu tiên trong khái niệm về tàu chiến tuyến là việc giới thiệu động cơ hơi nước như là nguồn động lực phụ cho tàu chiến. Năng lượng hơi nước được áp dụng dần trong hải quân vào nữa đầu thế kỷ XIX, thoạt tiên là cho các tàu nhỏ và sau đó là cho các tàu hộ tống (frigate). Hải quân Pháp áp dụng hơi nước cho tàu chiến tuyến đầu tiên là chiếc Le Napoléon 90 khẩu pháo vào năm 1850,[9] chiếc thiết giáp hạm hơi nước thực sự đầu tiên.[10] Napoleon được trang bị vũ khí như một tàu chiến tuyến thông thường, nhưng động cơ hơi nước khiến cho nó có thể đạt được vận tốc 22 km/h (12 knot) bất kể điều kiện gió, một ưu thế tiềm năng mang tính quyết định trong những cuộc hải chiến. Việc giới thiệu động cơ hơi nước đã thúc đẩy sự gia tăng kích cỡ của tàu chiến. Pháp và Anh Quốc là những nước duy nhất phát triển các hạm đội tàu gỗ động cơ hơi nước chân vịt, cho dù hải quân nhiều nước khác đưa ra hoạt động một số lượng nhỏ tàu chiến chạy bằng chân vịt, bao gồm Nga (9), Thổ Nhĩ Kỳ (3), Thụy Điển (2), Napoli (1), Đan Mạch (1) và Áo (1).[11][1]

Tàu chiến bọc sắt

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tàu chiến bọc sắt
Tàu chiến La Gloire (1859) của Pháp, tàu chiến bọc thép đi biển đầu tiên

Việc áp dụng năng lượng hơi nước chỉ là một trong số các tiến bộ kỹ thuật đã cách mạng hóa việc thiết kế tàu chiến trong Thế kỷ XIX. Tàu chiến tuyến bị tàu chiến bọc sắt bắt kịp là nhờ: động lực bằng hơi nước, bảo vệ bằng áo giáp kim loại, và trang bị pháo bắn ra đạn nổ công suất mạnh.

Đạn nổ công suất mạnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Pháo bắn ra đạn nổ hay đạn cháy là mối đe dọa chính cho các tàu gỗ, và các kiểu vũ khí này nhanh chóng phổ biến sau sự ra đời của pháo 203 mm (8 inch) như một vũ khí tiêu chuẩn của các tàu chiến tuyến Pháp và Mỹ vào năm 1841.[Ghi chú 2] Trong cuộc chiến tranh Crimea, sáu tàu chiến tuyến và hai tàu hộ tống thuộc Hạm đội Biển Đen Nga đã tiêu diệt bảy tàu hộ tống (frigate) và ba tàu hộ tống nhỏ (corvette) Thổ Nhĩ Kỳ bằng đạn nổ công suất cao trong trận Sinop vào năm 1853.[12] Sau đó trong cuộc chiến, hạm đội tàu chiến bọc sắt Pháp đã sử dụng vũ khí tương tự để chống lại sự phòng ngự trong trận Kinburn.[13]

Dù sao tàu vỏ gỗ cũng chịu đựng khá tốt đạn pháo, như được chứng tỏ trong trận Lissa năm 1866, khi chiếc tàu hơi nước hai tầng hiện đại của Áo Kaiser băng qua chiến trường hỗn loạn và húc trúng một tàu bọc sắt Ý, phải chịu đựng khoảng 80 phát bắn trúng từ các tàu bọc sắt Ý[14] trong đó có nhiều đạn pháo,[15] và ít nhất có một phát đạn 136 kg (300 lb) bắn trực diện. Cho dù bị mất rầm néo buồm mũi cùng cột buồm trước và bị cháy, nó lại sẵn sàng hoạt động chỉ trong ngày hôm sau.[16]

Vỏ bọc sắt và việc chế tạo

[sửa | sửa mã nguồn]
HMS Warrior (1860), tàu chiến bọc sắt đi biển đầu tiên của Hải quân Hoàng gia.

Sự phát triển của đạn nổ công suất cao đưa đến sự cần thiết phải áp dụng vỏ giáp bọc sắt cho tàu chiến. Vào năm 1859, Pháp cho hạ thủy La Gloire, chiếc tàu chiến bọc sắt đi biển đầu tiên. Nó có cách bố trí của một tàu chiến tuyến, được giảm bớt còn một sàn tàu để tiết kiệm trọng lượng. Cho dù được làm bằng gỗ và phụ thuộc vào buồm trong hầu hết chuyến đi, La Gloire được trang bị một chân vịt, và lườn tàu bằng gỗ được bảo vệ bởi một lớp vỏ sắt dày.[17] La Gloire đã dấy nên những sự cải tiến hơn nữa của Hải quân Hoàng gia, vốn khao khát muốn ngăn cản Pháp có được ưu thế dẫn đầu về kỹ thuật.

Chiếc tàu hộ tống bọc sắt vượt trội HMS Warrior của Anh nối gót La Gloire chỉ trong vòng 14 tháng, và cả hai quốc gia đều khởi sự một chương trình chế tạo tàu bọc sắt mới cũng như chuyển đổi các tàu chiến tuyến chân vịt hiện có thành những tàu hộ tống bọc sắt.[18] Trong vòng hai năm, Ý, Áo, Tây Ban Nha và Nga đều đặt hàng các tàu chiến bọc sắt; vào lúc diễn ra trận chạm trán nổi tiếng giữa hai tàu bọc sắt USS Monitor và CSS Virginia ở trận Hampton Roads trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, ít nhất hải quân của tám nước đã sở hữu những tàu chiến bọc sắt.[1]

Thiết giáp hạm Pháp Redoutable (1876), thiết giáp hạm đầu tiên sử dụng thép làm vật liệu chế tạo chủ yếu[19]

Hải quân các nước tiến hành thử nghiệm vị trí của các khẩu pháo, bố trí trên những tháp pháo xoay (giống như trên chiếc USS Monitor), trong một dàn hỏa lực trung tâm hoặc những tháp súng nhỏ, hoặc là "ram" - dùng mũi cứng húc gãy tàu địch – như là vũ khí chủ yếu. Nhờ sự phát triển của kỹ thuật hơi nước, các cột buồm dần dần được loại bỏ khỏi thiết kế của thiết giáp hạm. Đến giữa những năm 1870, thép được sử dụng làm vật liệu chế tạo cùng với sắt và gỗ. Thiết giáp hạm Redoutable của Hải quân Pháp, được đặt lườn vào năm 1873 và hạ thủy vào năm 1876, là một tàu chiến có dàn hỏa lực trung tâm và tháp pháo nhỏ, trở thành thiết giáp hạm đầu tiên trên thế giới sử dụng thép như là vật liệu chế tạo chủ yếu.[20]

Thiết giáp hạm tiền-dreadnought

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Thiết giáp hạm tiền-dreadnought
Thiết giáp hạm tiền-dreadnought USS Texas, chế tạo năm 1892, là thiết giáp hạm đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh màu photochrom được in khoảng năm 1898.
Sơ đồ chiếc HMS Agamemnon (1908), một thiết giáp hạm tiền-dreadnought tiêu biểu giai đoạn cuối

Thuật ngữ "battleship" được Hải quân Hoàng gia chính thức sử dụng khi tái xếp lớp các tàu chiến của họ vào năm 1892. Vào thập niên 1890, những nét tương tự trong thiết kế thiết giáp hạm ngày càng gia tăng, và kiểu tàu giờ đây được biết dưới tên gọi "thiết giáp hạm tiền-dreadnought" bắt đầu xuất hiện. Chúng là những con tàu có vỏ thép dày, trang bị pháo hỗn hợp các cỡ trên những tháp pháo xoay, và không có buồm. Một chiếc thiết giáp hạm hạng nhất tiêu biểu thuộc thế hệ tiền-dreadnought có trọng lượng choán nước 15.000 đến 17.000 tấn, tốc độ 30 km/h (16 knot) và dàn hoả lực bao gồm bốn pháo 305 mm (12 inch) đặt trên hai tháp pháo trước và sau cùng một dàn hỏa lực hạng hai hỗn hợp nhiều cỡ ở giữa tàu chung quanh cấu trúc thượng tầng.[6] Một thiết kế ban đầu với dáng vẽ bề ngoài tương tự như những chiếc tiền-dreadnought là lớp Devastation của Anh vào năm 1871.[21] Tuy nhiên, chỉ đến thập niên 1890, việc áp dụng rộng rãi sự chế tạo bằng thép và vỏ giáp bằng thép tôi mới cho phép một tàu trang bị tháp pháo xoay có thể kết hợp vũ khí và vỏ giáp hạng nặng với tốc độ cao và khả năng đi biển tốt.

Các khẩu pháo chính 305 mm (12 inch) bắn chậm là vũ khí chủ yếu trong các cuộc đụng độ giữa những thiết giáp hạm. Các dàn pháo trung gian và pháo hạng hai có hai vai trò: đối với các tàu chiến chủ lực, chúng được cho là "hỏa lực chào" từ những khẩu pháo hạng hai bắn nhanh có thể đánh lạc hướng các khẩu đội pháo đối phương bằng cách gây hư hại cho cấu trúc thượng tầng; và chúng có hiệu quả hơn trên các tàu chiến nhỏ hơn như là những tàu tuần dương. Các cỡ pháo nhỏ hơn (12-pounder và nhỏ hơn) được dành cho việc bảo vệ thiết giáp hạm chống mối đe dọa của các cuộc tấn công bằng ngư lôi bởi tàu khu trục và tàu phóng lôi.[22]

Sự bắt đầu của thời kỳ tiền-dreadnought lại trùng hợp với việc Anh Quốc muốn tái xác lập quyền thống trị trên biển của họ. Trong nhiều năm Anh đã đánh mất sự bá chủ hải quân, khi các dự án hải quân tốn kém bị các chính trị gia phê phán đòi cắt giảm.[1] Tuy nhiên, vào năm 1888, mối lo ngại chiến tranh với Pháp và việc tăng cường hải quân của Nga đã thúc đẩy sự chế tạo hải quân, và đạo luật Phòng thủ Hải quân Anh Quốc năm 1889 khởi xướng một hạm đội bao gồm tám thiết giáp hạm mới. Một nguyên tắc được xác lập rằng Hải quân Anh phải mạnh hơn hai lực lượng hải quân tiếp theo sau tính gộp lại. Chính sách này được đề ra nhằm răn đe Pháp và Nga trong việc chế tạo thêm nhiều thiết giáp hạm mới, nhưng dù sao cả hai nước này đều phát triển hạm đội của họ bằng nhiều chiếc tiền-dreadnought tốt hơn trong những năm 1890.[1]

Vào những năm cuối của Thế kỷ XIX và những năm đầu của Thế kỷ XX, sự leo thang trong việc chế tạo thiết giáp hạm đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang giữa Anh và Đức. Các đạo luật hải quân Đức năm 1890 và 1898 cho phép họ có được một hạm đội gồm 38 thiết giáp hạm, một mối đe dọa sống còn cho sự cân bằng của các lực lượng hải quân.[1] Anh Quốc đáp trả bằng những chương trình đóng tàu bổ sung, nhưng vào cuối giai đoạn tiền-dreadnought, ưu thế trên biển của Anh đã yếu đi đáng kể. Năm 1883, Đế quốc Anh có 38 thiết giáp hạm, gấp đôi số của Pháp và gần bằng phần còn lại của cả thế giới tính gộp lại; nhưng đến năm 1897, ưu thế dẫn trước của Anh đã kém hơn nhiều do sự cạnh tranh của Pháp, Đức và Nga, cũng như sự phát triển các hạm đội tiền-dreadnought của Ý, Hoa Kỳ và Nhật Bản.[23] Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Chile và Brasil đều có các hạm đội hạng hai gồm các tàu tuần dương bọc thép, hải phòng hạm hoặc monitor.[24]

Những chiếc tiền-dreadnought tiếp tục những cải tiến kỹ thuật như của tàu bọc thép. Tháp pháo, vỏ giáp và động cơ hơi nước đều được cải tiến theo thời gian, và các ống phóng ngư lôi được giới thiệu. Một số nhỏ các thiết kế, bao gồm các lớp KearsargeVirginia của Mỹ, đã thử nghiệm bố trí tất cả hay một phần dàn hỏa lực trung gian 203 mm (8 inch) bên trên tháp pháo chính 305 mm (12 inch). Kết quả tỏ ra rất kém: các yếu tố giật lùi và hiệu ứng nổ khiến cho các khẩu pháo 8 inch hoàn toàn không thể sử dụng được, và việc không thể ngắm pháo chính và pháo trung gian vào những mục tiêu khác nhau đưa đến những giới hạn chiến thuật đáng kể. Cho dù những cải tiến về thiết kế như vậy giúp tiết kiệm trọng lượng (lý do chính của việc áp dụng), chúng tỏ ra cồng kềnh trong thực hành.[25]

Thời đại Dreadnought

[sửa | sửa mã nguồn] Xem thêm: Dreadnought

Năm 1906, Hải quân Hoàng gia Anh cho hạ thủy chiếc thiết giáp hạm mang tính cách mạng HMS Dreadnought. Được hình thành như là kết quả của áp lực từ Đô đốc Sir John "Jackie" Fisher, HMS Dreadnought khiến cho mọi thiết giáp hạm đang có trở thành lạc hậu. Kết hợp một dàn "toàn súng lớn" mười khẩu 305 mm (12 inch) với tốc độ và sự bảo vệ chưa từng có, nó khiến hải quân các nước toàn thế giới phải đánh giá lại chương trình chế tạo thiết giáp hạm của mình. Trong khi Nhật đã đặt lườn một chiếc thiết giáp hạm toàn súng lớn, chiếc Satsuma, vào năm 1904,[26] và khái niệm tàu chiến toàn súng lớn đã lưu truyền trong nhiều năm, nó chưa hề được kiểm nghiệm trong chiến đấu. Dreadnought đã dấy nên một cuộc chạy đua vũ trang mới, chủ yếu là giữa Anh và Đức nhưng được phản ảnh khắp thế giới, vì lớp tàu chiến mới trở thành một yếu tố quyết định trong sức mạnh của quốc gia. Sự phát triển kỹ thuật tiếp diễn nhanh chóng trong suốt thời đại dreadnought, với những thay đổi về vũ khí, vỏ giáp và động lực. Mười năm sau khi Dreadnought được đưa ra hoạt động, những con tàu mạnh mẽ hơn, "siêu-dreadnought", được chế tạo.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Đô đốc Vittorio Cuniberti.

Trong những năm đầu của Thế kỷ XX, hải quân nhiều nước khắp thế giới đã thử nghiệm ý tưởng về một kiểu thiết giáp hạm mới có dàn hỏa lực đồng nhất gồm những khẩu pháo có cỡ nòng rất lớn.

Đô đốc Vittorio Cuniberti, một sĩ quan, kỹ sư hàng hải của Quân đoàn Kỹ thuật Hải quân Ý (hay Binh chủng Công binh Hải quân Ý), Genio Navale, đã đưa ra một khái niệm về một thiết giáp hạm toàn súng lớn vào năm 1903. Khi nhận thấy Hải quân Ý không muốn theo đuổi những tư tưởng của mình, Cuniberti đã viết một bài đăng trên tạp chí Jane's Fighting Ships đề nghị một kiểu thiết giáp hạm Anh Quốc "lý tưởng" trong tương lai, một tàu chiến bọc thép lớn tải trọng 17.000 tấn, trang bị thuần một cỡ pháo gồm 12 khẩu 305 mm (12 inch), mang một đai giáp dày 300 mm (12 inch) và có khả năng đạt được tốc độ 44 km/h (24 knot).[27]

Cuộc Chiến tranh Nga-Nhật đã cung cấp những kinh nghiệm hoạt động cho hiệu lực của khái niệm "toàn súng lớn". Trong các trận Hải chiến Hoàng Hải và Tsushima, thiết giáp hạm tiền-dreadnought đã đấu pháo ở khoảng cách 7–11 km (7.600–12.000 yard), bên ngoài tầm bắn của dàn pháo hạng hai. Đã có lập luận cho rằng những cuộc đối đầu này chứng tỏ tầm quan trọng của cỡ pháo 305 mm (12 inch) so với các cỡ nhỏ hơn, mặc dù một số sử gia có quan điểm rằng pháo hạng hai có tầm quan trọng tương đương vũ khí cỡ lớn.[1]

Tại Nhật Bản, hai thiết giáp hạm được chế tạo trong Chương trình 1903-1904 là những chiếc đầu tiên được đặt lườn theo thiết kế toàn súng lớn, với tám khẩu 305 mm (12 inch). Tuy nhiên, lớp vỏ giáp được thiết kế quá mỏng, buộc phải tái thiết kế sau đó.[28] Áp lực tài chính của cuộc chiến tranh Nga-Nhật và sự thiếu hụt trong việc cung cấp cỡ pháo 305 mm (12 inch) vốn phải nhập khẩu từ Anh khiến các con tàu được hoàn tất với dàn hỏa lực hỗn hợp 10 và 12 inch. Thiết kế 1903-1904 cũng giữ lại kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc.[29]

Một thiết kế sơ thảo của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, Satsuma là một thiết kế "toàn súng lớn".

Ngay từ năm 1904, Đô đốc John Jackie Fisher của Anh đã nghĩ đến nhu cầu về một kiểu thiết giáp hạm nhanh, mạnh, với hỏa lực toàn pháo lớn. Nếu như trận Tsushima ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông, nó chỉ để thuyết phục ông cần phải chuẩn hóa cỡ pháo 305 mm (12 inch).[1] Mối lo ngại chính của Fisher là sự đe dọa của tàu ngầm và tàu khu trục trang bị ngư lôi có thể tấn công bên ngoài tầm súng của thiết giáp hạm, khiến cho tốc độ là một nhu cầu bắt buộc đối với các tàu chiến chủ lực.[1] Giải pháp được Fisher ưa chuộng chính là đứa con tinh thần của ông: những tàu chiến-tuần dương (battlecruiser), có vỏ giáp nhẹ nhưng được trang bị vũ khí hạng nặng với tám khẩu pháo 305 mm (12 inch) và tốc độ đạt đến 46 km/h (25 knot) nhờ động cơ turbine hơi nước.[30]

Nhằm để chứng minh kỹ thuật mang tính cách mạng này mà Dreadnought được thiết kế vào tháng 1 năm 1905, đặt lườn vào tháng 10 năm 1905 và được thúc đẩy để hoàn tất vào năm 1906. Nó mang mười khẩu pháo 305 mm (12 inch), có đại giáp dày 280 mm (11 inch), và là chiếc tàu lớn đầu tiên được trang bị turbine hơi nước. Nó bố trí các khẩu pháo chính trên năm tháp pháo: ba chiếc dọc theo trục giữa tàu (một phía trước, hai hướng ra sau) và hai chiếc bên lườn tàu, cho phép nó bắn qua mạn tàu gấp đôi mọi tàu chiến đang hoạt động. Nó giữ lại một số pháo 12-pounder QF (3-inch, 76 mm) để đối phó với tàu khu trục và tàu phóng lôi. Lớp vỏ giáp của nó đủ dày để đối đầu và đấu pháo tay đôi với mọi tàu chiến khác.[31]

Thiết giáp hạm HMS Dreadnought (1906), đánh dấu một thế hệ thiết giáp hạm mang tên nó

Dreadnought được tiếp nối bởi ba tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Invincible, việc chế tạo chúng được trì hoãn để các bài học có được từ Dreadnought được sử dụng trong thiết kế của chúng. Trong khi Fisher dự định Dreadnought sẽ là thiết giáp hạm cuối cùng của Hải quân Hoàng gia,[1] thiết kế này tỏ ra thành công đến mức ông ít nhận được sự hỗ trợ cho kế hoạch chuyển sang một hải quân trang bị tàu chiến-tuần dương. Cho dù có một số vấn đề đối với con tàu (tháp pháo bên mạn tàu có góc bắn giới hạn và làm căng lườn tàu khi bắn toàn bộ hỏa lực qua mạn tàu, cũng như phần trên của đoạn đai giáp dày nhất ở bên dưới mực nước khi đầy tải), Hải quân Hoàng gia tiếp tục đưa ra hoạt động sáu tàu có thiết kế tương tự thuộc các lớp BellerophonSt Vincent.

Một thiết kế của Mỹ, South Carolina, được chấp thuận vào năm 1905 và đặt lườn vào tháng 12 năm 1906, là một trong những dreadnought đầu tiên khác, nhưng nó cùng với con tàu chị em Michigan chỉ được hạ thủy vào năm 1908. Cả hai chiếc đều sử dụng động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc và có sự bố trí dàn pháo chính ưu việt, loại bỏ các tháp pháo mạn như trên Dreadnought. Chúng vẫn giữ cùng số pháo bắn qua mạn tàu cho dù có ít hơn hai khẩu pháo.

Chạy đua vũ trang

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào năm 1897, trước khi có cuộc cách mạng trong thiết kế mà chiếc HMS Dreadnought đem lại, Hải quân Hoàng gia có 62 thiết giáp hạm đang hoạt động hay đang chế tạo, nhiều hơn 26 chiếc so với Pháp và 50 với Đức.[23] Đến năm 1906, Hải quân Hoàng gia lại chiếm được ưu thế với Dreadnought. Lớp tàu chiến mới đã tạo ra cuộc chạy đua vũ trang với những hậu quả chiến lược lớn. Các cường quốc hải quân bắt đầu chạy đua chế tạo dreadnought của riêng họ. Việc sở hữu những thiết giáp hạm hiện đại không chỉ là cần thiết cho sức mạnh hải quân; nhưng cũng như vũ khí nguyên tử ngày nay, chúng đại diện cho vị thế của một nước trên thế giới.[1] Đức, Pháp, Nga, Ý, Áo và Hoa Kỳ tất cả đều khởi động những chương trình dreadnought; trong khi các cường quốc hạng hai bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil và Chile đưa vào hoạt động những "dreadnought" chế tạo tại các xưởng đóng tàu Anh và Mỹ.[32]

Chiến tranh Thế giới thứ nhất

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất không phải là một đỉnh cao dành cho các hạm đội dreadnought to lớn. Không có cuộc đối đầu quyết định nào giữa các hạm đội hiện đại có thể so sánh với trận Tsushima. Vai trò của thiết giáp hạm rất giới hạn so với quy mô cuộc chiến đấu trên bộ của Pháp và Nga; và cũng nhỏ bé so với trận chiến Đại Tây Dương thứ nhất, cuộc đối đầu giữa tàu ngầm Đức và tàu buôn được vũ trang của Anh.

Xét thuần túy về địa lý, Hải quân Hoàng gia Anh có thể kìm giữ cho Hạm đội Biển khơi Đức mắc kẹt trong Bắc Hải, nơi đây chỉ có những eo biển hẹp thông ra Đại Tây Dương, và chúng được canh phòng bởi các lực lượng Anh.[33] Cả hai phía đều nhận thức rằng, do Anh có số lượng dreadnought áp đảo, một cuộc đối đầu giữa toàn thể hai hạm đội có thể đưa đến một chiến thắng cho người Anh. Do đó chiến lược của Đức là cố khiêu khích một trận chiến theo điều kiện của họ: hoặc chỉ đấu với một phần của Hạm đội Anh Quốc, hoặc một trận chiến ở gần bờ biển nước Đức, nơi mà các bãi mìn quen thuộc, tàu phóng lôi và tàu ngầm có thể được sử dụng để lật ngược thế cờ.[34]

Hạm đội Biển khơi Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

Hai năm đầu tiên của cuộc chiến tranh tại Bắc Hải chỉ chứng kiến các vụ đụng độ lẻ tẻ bởi các tàu chiến-tuần dương trong trận Heligoland Bight và trận Dogger Bank cùng các vụ bắn phá bờ biển nước Anh. Ngày 31 tháng 5 năm 1916, một nỗ lực khác nhằm lôi kéo Hạm đội Anh tiếp chiến theo điều kiện của Đức đã đưa đến cuộc đối đầu giữa các hạm đội thiết giáp hạm trong trận Jutland.[35] Hạm đội chiến trận Đức rút lui về cảng vào cơ hội sớm nhất của họ sau hai đợt giao chiến ngắn cùng hạm đội Anh, và họ quyết định không bao giờ giao chiến đối mặt cùng hạm đội đối phương.[36]

Trên các chiến trường trên biển khác đã không có những trận chiến lớn. Tại Hắc Hải, sự đối đầu giữa các thiết giáp hạm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ giới hạn trong những vụ lẻ tẻ; và tại biển Baltic, các hoạt động chỉ giới hạn trong đánh phá các đoàn tàu vận tải và rải mìn phòng ngự; cuộc đối đầu đáng kể giữa các hải đội thiết giáp hạm là trong trận Moon Sound khi một thiết giáp hạm tiền-dreadnought của Nga bị mất. Biển Adriatic là một hình ảnh lặp lại của Bắc Hải khi hạm đội dreadnought Áo-Hung bị khóa chặt bởi sự phong tỏa của Pháp và Anh; và tại Địa Trung Hải, vai trò quan trọng nhất của thiết giáp hạm là hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Gallipoli.[37]

Cuộc chiến tranh đã phô bày sự mong manh của thiết giáp hạm đối với những vũ khí rẻ tiền. Vào tháng 9 năm 1914, mối đe dọa tiềm tàng của tàu ngầm U-boat Đức đối với tàu chiến chủ lực được xác nhận bằng các cuộc tấn công thành công nhắm vào các tàu tuần dương Anh, đặc biệt là việc ba tàu tuần dương bọc thép bị đánh chìm bởi tàu ngầm Đức U-9 trong vòng không đầy một giờ. Thủy lôi cũng là một mối đe dọa nguy hiểm khác, khi một tháng sau đó, chiếc siêu-dreadnought Anh Audacious vừa mới được đưa ra hoạt động đã trúng phải mìn và bị chìm. Đến cuối tháng 10, người Anh phải thay đổi chiến lược và chiến thuật tại Bắc Hải để giảm thiểu nguy cơ tấn công bởi U-boat.[38] Trong khi trận Jutland là một trong những cuộc chiến lớn cuối cùng giữa các thiết giáp hạm trong lịch sử (còn có trận Tsushima và trận chiến eo biển Surigao), kế hoạch của Đức cho trận đánh đã dựa trên các cuộc tấn công của U-boat vào hạm đội Anh; và việc hạm đội Đức thoát được hỏa lực Anh Quốc áp đảo là nhờ các tàu tuần dương và tàu khu trục Đức đã áp sát các thiết giáp hạm Anh, buộc chúng phải quay lui để tránh nguy cơ tấn công bằng ngư lôi.[39] Thêm những cuộc tấn công bằng tàu ngầm suýt đánh chìm thiết giáp hạm và tổn thất về tàu tuần dương đã dẫn đến nỗi lo ngại ngày càng lớn trong Hải quân Hoàng gia về sự mong manh của thiết giáp hạm. Đến tháng 10 năm 1916, Bộ Hải quân Anh chỉ thị cho Hạm đội Grand không được tiến về phía Nam quá quần đảo Farne trừ khi được hộ tống thỏa đáng bởi các tàu khu trục.

Về phần mình, Hạm đội Biển khơi Đức quyết định không giao chiến với Anh nếu không có sự hỗ trợ của tàu ngầm, và vì tàu ngầm U-boat được cần đến nhiều hơn trong chiến tranh cướp tàu buôn, hạm đội Đức đã ở lại trong cảng cho đến hết cuộc chiến.[40] Các chiến trường khác cũng đã phô diễn vai trò của các tàu chiến nhỏ trong việc làm hư hại hay phá hủy dreadnought. Hai chiếc dreadnought của Áo bị mất năm 1918 do các hoạt động của tàu phóng lôi và người nhái. Các tàu chiến chủ lực Đồng Minh bị mất tại Gallipoli bởi mìn và ngư lôi,[Ghi chú 3] trong khi một chiếc tiền-dreadnought Thổ Nhĩ Kỳ bị tiêu diệt tại Dardanelles bởi một tàu ngầm Anh.[41]

Giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong nhiều năm sau chiến tranh, nước Đức không có thiết giáp hạm. Thỏa thuận Đình chiến với Đức yêu cầu Hạm đội Biển khơi Đức phải đầu hàng và giao nộp toàn bộ các khí tài, trang thiết bị tại một cảng trung lập nhưng do hầu như không thể tìm được một cảng trung lập phù hợp hay chịu chấp nhận, những con tàu này được Hải quân Anh canh giữ tại Scapa Flow thuộc Scotland. Hiệp ước Versailles chỉ định rằng những con tàu phải được chuyển cho người Anh. Nhưng thay vì vậy, đa số chúng bị thủy thủ Đức tự đánh đắm vào ngày 21 tháng 6 năm 1919, trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết. Hiệp ước cũng giới hạn quy mô của Hải quân Đức, và nghiêm cấm lực lượng này trong việc chế tạo hay sở hữu mọi thiết giáp hạm.[42]

Bản vẽ sơ đồ chiếc HMS Nelson, được đưa vào hoạt động năm 1927.

Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, thiết giáp hạm phải tuân thủ theo những hạn chế quốc tế nhằm ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém có thể xảy ra.[43]

Trong khi những người chiến thắng không bị giới hạn bởi Hiệp ước Versailles, hải quân của nhiều cường quốc trước đây bị tan tác sau chiến tranh. Đối mặt với viễn cảnh của một cuộc chạy đua vũ trang hải quân với Anh và Nhật Bản, và từ đó có thể đưa đến một cuộc chiến tranh tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ nhiệt tình vận động cho một sự thỏa thuận hạn chế trong Hiệp ước Hải quân Washington vào năm 1922. Hiệp ước này giới hạn số lượng và kích thước của thiết giáp hạm mà mỗi cường quốc có thể sở hữu. Đồng thời nó cũng yêu cầu Anh Quốc chấp nhận một sự ngang bằng lực lượng với Hoa Kỳ cũng như từ bỏ liên minh với Nhật Bản.[44] Hiệp ước Hải quân Washington được tiếp nối bởi một loạt các hiệp ước hải quân sau đó, bao gồm Hội nghị Hải quân Genève thứ nhất (1927), Hiệp ước Hải quân Luân Đôn thứ nhất (1930), Hội nghị Hải quân Genève thứ hai (1932), và cuối cùng là Hiệp ước Hải quân Luân Đôn thứ hai (1936), tất cả đều đặt ra các giới hạn cho các tàu chiến chủ lực. Tất cả những rằng buộc do các bản hiệp ước hải quân này đặt ra chính thức mất toàn bộ hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 (lúc bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai) nhưng sự phân loại các lớp tàu mà các bên thỏa thuận trong các bản hiệp ước này vẫn còn được áp dụng.[45] Các hiệp ước hải quân này đã khiến cho số lượng thiết giáp hạm mới được hạ thủy trong giai đoạn 1919–1939 ít hơn hẳn so với giai đoạn trước đó. Các hiệp ước cũng ngăn cản sự phát triển bằng cách đặt ra giới hạn tối đa cho trọng tải choán nước của mỗi con tàu được đóng mới. Các thiết kế như: lớp tàu chiến N3 (Anh), lớp South Dakota thứ nhất (Mỹ), lớp Kii (Nhật Bản),... đều phát triển theo xu hướng khá giống nhau: thân tàu với lớp vỏ giáp dày, tốc độ di chuyển nhanh cùng với dàn vũ khí (pháo chính, pháo phụ và pháo phòng không) mạnh mẽ và ổn định hơn nhiều so với các lớp thiết giáp hạm trước đó. Tuy nhiên, việc chế tạo các lớp thiết giáp hạm này đều đã bị các nước chủ quản của chúng hủy bỏ do chi phí quá tốn kém, đồng thời, thiết kế của chúng cũng vượt quá những giới hạn do các bản hiệp ước trên đặt ra. Những thiết kế thiết giáp hạm mới được hạ thủy và đưa vào hoạt động trong giai đoạn này được gọi là thiết giáp hạm hiệp ước.[46]Nổi tiếng nhất trong số này là 2 chiếc HMS Nelson và HMS Rodney của Hải quân Hoàng gia Anh với thiết kế rất khác lạ vào thời điểm đó, khi mà toàn bộ 3 tháp pháo chính của lớp thiết giáp hạm này được bố trí tập trung về phía trước tháp chỉ huy, trong khi 6 tháp pháo phụ và hệ thống động cơ đẩy được bố trí tập trung về phía đuôi tàu, nhằm rút ngắn chiều dài thân tàu, giảm bớt trọng tải choán nước tiêu chuẩn để tránh vi phạm Hiệp ước.

Sự nổi lên của sức mạnh không quân

[sửa | sửa mã nguồn]
Thử nghiệm ném bom đánh chìm thiết giáp hạm cũ của Đức SMS Ostfriesland (1909) tại Mỹ, tháng 9 năm 1921.

Ngay từ năm 1914, Đô đốc Anh Percy Scott đã dự đoán rằng thiết giáp hạm sẽ nhanh chóng bị máy bay loại bỏ.[47] Vào cuối Thế Chiến I, máy bay đã sử dụng thành công ngư lôi như một loại vũ khí.[Ghi chú 4] Một cuộc tấn công được đề nghị nhắm vào hạm đội Đức đang buông neo vào năm 1918 sử dụng những chiếc máy bay ném bom-ngư lôi Sopwith Cuckoo xuất phát từ tàu sân bay từng được cân nhắc và bị hủy bỏ, nhưng cũng không lâu trước khi một kỹ thuật như vậy được áp dụng.

Trong những năm 1920, tướng Billy Mitchell, một sĩ quan huấn luyện của Quân đoàn Không quân Quân đội Hoa Kỳ tin tưởng rằng sức mạnh của không quân sẽ làm cho hải quân toàn thế giới trở nên lạc hậu. Ông còn khẳng định trước Quốc hội Mỹ rằng "1.000 máy bay ném bom có thể được chế tạo và đưa vào hoạt động với cái giá của một thiết giáp hạm", và ông cho rằng một phi đội những máy bay ném bom như vậy dư sức đánh chìm được một thiết giáp hạm với tổn thất chẳng là bao. Điều này đồng thời cũng khiến cho việc sử dụng ngân quỹ được hiệu quả hơn.[48] Những phát biểu như vậy đã làm tức giận giới tướng tá ủng hộ thiết giáp hạm của Hải quân Mỹ, nhưng dù sao tướng Mitchell vẫn được phép tiến hành một loạt các thử nghiệm ném bom cẩn thận cùng với các máy bay ném bom có sẵn của Hải quân và Thủy quân Lục chiến. Năm 1921, ông đã chỉ đạo các phi công của mình thực hiện việc ném bom vào nhiều loại tàu chiến khác nhau, bao gồm cả những chiếc thiết giáp hạm với danh xưng "thiết giáp hạm không thể đánh chìm" (unsinkable battleship) thời Đệ Nhất thế chiến như chiếc SMS Ostfriesland của Đức (đầu hàng Anh năm 1918 và được Anh bàn giao cho Mỹ 1 năm sau đó như là chiến lợi phẩm) và thiết giáp hạm tiền-dreadnought USS Alabama.[49] Cả 2 chiếc thiết giáp hạm này bị chìm nhanh chóng trong tình trạng lật úp chỉ sau vài giờ đồng hồ chịu bom.

Cho dù tướng Mitchell yêu cầu những "điều kiện trong thời chiến" nhưng 2 con tàu bị đánh chìm đều là loại đã lạc hậu, chỉ đứng yên một chỗ, không được bảo vệ và không có những đội cứu hộ kiểm soát hư hỏng. Việc đánh chìm Ostfriesland được hoàn tất là do vi phạm một thỏa thuận cho phép các kỹ sư hải quân khảo sát ảnh hưởng gây hư hại của các vũ khí khác nhau: những phi công của Mitchell đã bất chấp các quy luật và đánh chìm con tàu trong vòng vài phút trong một cuộc tấn công phối hợp. Cuộc biểu diễn trở thành tiêu đề nổi bật trên báo chí, và Mitchell tuyên bố: "Không con tàu nổi nào có thể tồn tại nơi mà không lực có thể hoạt động từ các căn cứ trên đất liền có khả năng tấn công chúng". Trong khi còn cách xa mục đích đề ra, thử nghiệm của Mitchell thật đáng chú ý vì nó đặt những kẻ ủng hộ thiết giáp hạm ở vào thế đối nghịch với sự phát triển không lực của Hải quân.[1] Chuẩn Đô đốc William A. Moffett đã tận dụng các quan hệ công chúng chống lại Mitchell nhằm mở đường cho việc phát triển chương trình tàu sân bay còn non trẻ của Hải quân Mỹ sau Thế chiến 1.[50]

Tái vũ trang (thập niên 1930)

[sửa | sửa mã nguồn]

Hải quân Hoàng gia Anh, Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu tiến hành hiện đại hóa những thiết giáp hạm cũ được đóng từ thời trước, trong và sau Thế chiến 1 một vài năm của họ trong những năm 1930 bởi cuộc Đại khủng hoảng cũng như hiệu lực của các bản Hiệp ước Hải quân lớn (Washington, Geneva và London) đã không cho phép các cường quốc này loại bỏ hoàn toàn những chiếc thiết giáp hạm này. Việc hiện đại hóa những con tàu này của 3 cường quốc này tương đối giống nhau, bao gồm: tái cấu trúc lại con tàu, thay thế tháp chỉ huy kiểu mới, cải tiến hệ thống động cơ đẩy (thay mới toàn bộ hệ thống nồi hơi, tua bin, và bổ sung thêm hệ thống giảm tốc bánh răng) nâng cấp hệ thống ngắm bắn, tăng cường độ ổn định của tháp chỉ huy, gia cố lại phần vỏ giáp và sàn tàu để chống lại ngư lôi, thủy lôi ở dưới nước cũng như bom và đạn pháo từ trên không. Bên cạnh đó, hệ thống vũ khí phòng không của các con tàu này cũng được nâng cấp một cách đáng kể (loại bỏ bớt các pháo phòng không đơn phát, thay bằng pháo tự động) nhằm chống lại mối đe dọa ngày một lớn của không quân trong tác chiến hải quân. Ngoài ra, radar cũng bắt đầu được lắp đặt trên các thiết giáp hạm để tăng tầm quan sát cũng như khả năng xác định chính xác vị trí mục tiêu trong điều kiện thời tiết xấu hay tác chiến ban đêm. Một số chiếc thiết giáp hạm cũng được bổ sung thêm từ 1 đến 2 máy phóng máy bay (catapult) với các thủy phi cơ 1 chỗ ngồi để trinh sát (hoặc đôi khi các thủy phi cơ này có thể tấn công các tàu chiến nhỏ hoặc các tàu không có vũ trang của đối phương).

Ngay cả khi nguy cơ chiến tranh tái xuất hiện vào cuối những năm 1930, công việc chế tạo thiết giáp hạm cũng không đạt được mức độ quan trọng như những năm trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất. "Kỳ nghỉ đóng tàu" do những hiệp ước hải quân gây ra có nghĩa là khả năng chế tạo của các xưởng đóng tàu tương đối giảm sút trên toàn thế giới, và vị trí chiến lược của thiết giáp hạm cũng đã thay đổi. Việc phát triển máy bay ném bom chiến lược khiến cho hải quân không còn là phương tiện duy nhất thể hiện sức mạnh ở nước ngoài, và việc phát triển các tàu sân bay làm cho các thiết giáp hạm có một đối thủ tranh giành các nguồn lực dành cho việc chế tạo các tàu chiến chủ lực.

Tại Đức, Kế hoạch Z nhiều tham vọng nhằm tái vũ trang hải quân bị bác bỏ dành ưu tiên cho chiến lược chiến tranh tàu ngầm được bổ trợ bởi việc sử dụng các tàu chiến-tuần dương lớp Scharnhorst và lớp thiết giáp hạm Bismarck để cướp phá tàu buôn. Tại Anh, nhu cầu cấp thiết nhất là phòng không và hộ tống đoàn tàu vận tải hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân khỏi các cuộc ném bom cũng như là sự đói kém; và kế hoạch đóng tàu tái vũ trang bao gồm năm chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp King George V. Chính trong khu vực Địa Trung Hải là nơi mà các thế lực hải quân vẫn tiếp tục gắn bó với chiến tranh thiết giáp hạm. Pháp dự định chế tạo sáu thiết giáp hạm thuộc lớp Dunkerque và lớp Richelieu, và Ý với hai chiếc lớp Littorio; cả hai nước này đều không đóng chiếc tàu sân bay đáng kể nào. Người Mỹ dự định chi tiêu giới hạn cho tàu sân bay cho đến khi hoàn tất lớp South Dakota thứ hai; và mặc dù người Nhật đang dẫn đầu thế giới trong việc đóng tàu sân bay, họ vẫn bắt đầu việc chế tạo ba chiếc thiết giáp hạm khổng lồ lớp Yamato (mặc dù chiếc thứ ba Shinano sau đó hoàn tất như một tàu sân bay) cùng dự định chiếc thứ tư mà cuối cùng bị hủy bỏ.[3]

Vào lúc bắt đầu cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, Hải quân Cộng hòa Tây Ban Nha chỉ bao gồm hai chiếc thiết giáp hạm dreadnought nhỏ, España và Jaime I. España (tên ban đầu Alfonso XIII), lúc đó thuộc lực lượng dự bị tại căn cứ hải quân Ferrol ở khu vực Tây Bắc, bị rơi vào tay lực lượng Quốc gia vào tháng 7 năm 1936. Thủy thủ đoàn trên chiếc Jaime I giết các sĩ quan chỉ huy, làm binh biến và gia nhập Hải quân Cộng Hòa. Do đó mỗi phe có một thiết giáp hạm; Tuy nhiên, nhìn chung Hải quân Cộng hòa thiếu hụt các sĩ quan có kinh nghiệm. Các thiết giáp hạm Tây Ban Nha chủ yếu tự giới hạn trong các hoạt động phong tỏa lẫn nhau, hộ tống các đoàn tàu vận tải và bắn phá bờ biển hơn là trực tiếp đối đầu với các đơn vị tàu nổi khác.[51] Vào tháng 4 năm 1937, España trúng phải mìn do lực lượng bạn rải và bị chìm với tổn thất nhân mạng nhẹ; rồi đến tháng 5 năm 1937, Jaime I bị hư hại do các cuộc không kích của phe Quốc gia và một sự cố mắc cạn. Con tàu bị buộc phải quay về cảng để sửa chữa, nhưng tại đây nó lại trúng thêm nhiều bom. Người ta quyết định kéo chiếc thiết giáp hạm đến một cảng an toàn hơn, nhưng đang khi trên đường đi con tàu chịu một vụ nổ bên trong khiến nó hoàn toàn loại khỏi hoạt động với 300 người thiệt mạng. Nhiều tàu chiến chủ lực của Ý và Đức đã tham gia cuộc phong tỏa không can thiệp. Vào ngày 29 tháng 5 năm 1937, hai máy bay phe Cộng hòa đã tìm cách ném bom chiếc thiết giáp hạm bỏ túi Đức Deutschland ngoài khơi Ibiza, gây hư hại nặng và tổn thất nhân mạng cao. Chiếc Admiral Scheer trả đũa hai ngày sau đó, bắn phá Almería gây ra sự phá hủy lớn, và hậu quả là sự kiện Deutschland đưa đến kết thúc việc Đức và Ý tham gia sự phong tỏa.[52]

Tại Liên Xô, Hồng quân hướng đến việc xây dựng một hạm đội đại dương hùng mạnh. Thiết giáp hạm "dự án 23" trở thành lực lượng tấn công chủ lực và cốt lõi. Chiến hạm đầu tiên loại này mang tên "Liên Xô" được đặt ky vào ngày 15 tháng 7 năm 1938 tại Nhà máy đóng tàu Baltic. Đồng thời, việc chế tạo các tàu "Ukraine Xô Viết" được bắt đầu ở Nikolaev, "Nước Nga Xô Viết" và "Belarus Xô Viết" ở Molotovsk. Những tàu chiến này là lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới khi đó (trừ lớp Yamato của Nhật Bản). Tổng lượng giãn nước của mỗi chiếc vượt quá 65.000 tấn, chiều dài 270 mét, chiều rộng 38 mét. Công suất động cơ hơn 200 nghìn mã lực và cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn gồm 1.226 thủy thủ và 66 sĩ quan. Vũ khí chính là ba tháp pháo, mỗi tháp mang 3 khẩu pháo cỡ nòng 406 mm, bắn ra những viên đạn nặng 1.105 kg với cự ly tối đa khoảng 46 km. Hơn nữa, bản thân các thiết giáp hạm được bảo vệ rất tốt trước hỏa lực của đối phương. Đến tháng 6 năm 1941, tàu "Liên Xô" đã hoàn thành được 21%, "Ukraina Xô viết " - 18% và "Nước Nga Xô viết" - 5%, nhưng chiến tranh với Đức nổ ra đột ngột vào ngày 22/6 đã khiến cho việc đóng các con tàu này bị buộc phải dừng lại. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1941, các thiết giáp hạm này đã chính thức bị loại bỏ khỏi Hải quân Liên Xô và được tháo dỡ một phần.

Chiến tranh Thế giới thứ hai

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Thiết giáp hạm trong Thế giới thứ hai
Thiết giáp hạm Pennsylvania đang dẫn trước thiết giáp hạm Colorado và các tàu tuần dương Louisville, PortlandColumbia tiến vào vịnh Lingayen tại Philippines, tháng 1 năm 1945

Thiết giáp hạm Đức Schleswig-Holstein, một chiếc thiết giáp hạm tiền-dreadnought cũ kĩ từ năm 1904 đã bắn phát đạn đầu tiên của Chiến tranh Thế giới thứ hai xuống trận địa của quân Ba Lan tại Westerplatte vào rạng sáng ngày 1/9/1939;[53] và cuộc đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản trước quân Đồng Minh diễn ra trên chiếc thiết giáp hạm Missouri của Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 2/9/1945. Giữa hai sự kiện ấy, rõ ràng là vai trò của thiết giáp hạm giờ đây chỉ là loại hạng hai trên biển.

Thiết giáp hạm cũng đóng góp phần mình trong các trận chiến chính tại các chiến trường Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải trong giai đoạn đầu chiến tranh. Tại Đại Tây Dương, Hải quân Phát xít Đức (Kriegsmarine) sử dụng các thiết giáp hạm của họ với vai trò là những tàu săn tàu buôn độc lập hạng nặng. Còn Hải quân Hoàng gia Anh thì lại sử dụng thiết giáp hạm trong việc bảo vệ các đội tàu buôn của họ trước tàu chiến và máy bay đối phương. Tuy nhiên, sự đối đầu giữa các thiết giáp hạm ít có tầm quan trọng chiến lược tại chiến trường này. Các trận đánh diễn ra tại mặt trận Đại Tây Dương chủ yếu là các cuộc đối đầu giữa lực lượng tàu chiến và máy bay săn ngầm của quân Đồng Minh với lực lượng U-boat của quân Đức. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ như: cuộc tấn công Mers-el Kébir (ngày 3 tháng 7 năm 1940), trận chiến eo biển Đan Mạch (ngày 24 tháng 5 năm 1941), trận đánh cuối cùng của thiết giáp hạm Bismarck (ngày 27 tháng 5 năm 1941) và trận North Cape (ngày 26 tháng 12 năm 1943).

USS Arkansas (BB-33), tháng 4 năm 1944

Trong năm đầu tiên của chiến tranh, các tàu chiến bọc thép đã thách thức những lời tiên đoán rằng máy bay sẽ làm bá chủ trong các cuộc hải chiến. 2 tàu chiến ScharnhorstGneisenau của Đức đã bất ngờ đánh chìm chiếc tàu sân bay Glorious cùng 2 tàu khu trục Ardent và Acasta đang đi theo hộ tống chiếc tàu sân bay của Anh ở ngoài khơi Na Uy vào ngày 10 tháng 6 năm 1940.[54] Một quả đạn 11 inch (280 mm) của Scharnhorst đã bắn trúng Gloriuos ở khoảng cách lên tới 24 km, là một trong những phát bắn xa nhất từ tàu này sang tàu kia trong khi cả hai đang di chuyển (kỉ lục còn lại thuộc về thiết giáp hạm HMS Warspite, khi nó đã bắn trúng chiếc thiết giáp hạm Ý Giulio Cesare cũng từ khoảng cách tương đương trong Trận Calabria (diễn ra vào ngày 9 tháng 7 năm 1940) bằng dàn pháo 15 inch (381 mm) của nó). Trận chiến này đánh dấu lần cuối cùng một tàu sân bay hạm đội bị đánh chìm bởi hải pháo của lực lượng tàu nổi. Trong cuộc tấn công Mers-el-Kébir, các thiết giáp hạm Anh đã khai hỏa một cách bất ngờ và dồn dập vào các thiết giáp hạm của Hải quân Pháp Vichy đang neo đậu tại cảng Mers-el-Kébir của Algeria bằng chính các khẩu pháo hạng nặng 15 inch (381 mm) của chúng. Hải quân Anh đã đánh chìm 1 thiết giáp hạm và gây hư hại nặng cho 1 chiếc thiết giáp hạm khác của quân Vichy trong trận đánh này. Tổn thất của người Anh chỉ là 2 chiếc máy bay ném bom Blackburn B-24 Skua và 3 máy bay ném ngư lôi Fairey Swordfish bị bắn hạ.

Những năm tiếp theo của cuộc chiến chứng kiến nhiều thể hiện cho sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng tàu sân bay. Các tàu sân bay nhanh chóng chứng tỏ rằng họ một lực lượng chiến lược và tiềm năng chống lại các thiết giáp hạm. Người Anh tổ chức không kích từ tàu sân bay HMS Illustrious vào căn cứ của hải quân Ý tại cảng Taranto và họ đã đánh chìm một và làm hư hại hai chiếc thiết giáp hạm của Hải quân Hoàng gia Ý (Regia Marina) đang neo đậu tại đây. Vào ngày 26 tháng 5 năm 1941, những chiếc máy bay ném ngư lôi Fairey Swordfish xuất phát từ tàu sân bay HMS Ark Royal đã tiến hành một cuộc không kích lớn ngắm vào chiếc thiết giáp hạm Bismarck dựa theo tọa độ được một chiếc thủy phi cơ Consolidated PBY Catalina (chiếc thủy phi cơ lúc này đang do phi công Anh và Mỹ điều khiển) của Bộ Tư lệnh Duyên hải Không quân Hoàng gia Anh cung cấp sau khi nó phát hiện ra chiếc thiết giáp Đức đang trên đường tiến tới cảng Saint-Nazaire của Pháp để sửa chữa sau khi bị trúng 3 phát đạn 14 inch (356 mm) của thiết giáp hạm HMS Prince of Wales sau trận chiến eo biển Đan Mạch. Mặc dù không thể đánh chìm được Bismarck ngay từ lần đó nhưng máy bay Anh đã phá hỏng bánh lái của chiếc thiết giáp hạm Đức, khiến nó mất đi một lợi thế quan trọng là không thể chạy zig-zag. Sáng hôm sau, 4 tàu chiến Anh (2 thiết giáp hạm và 2 tàu tuần dương hạng nặng) đã đánh chìm Bismarck.

Thiết giáp hạm Yamato (1940) của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, như được thấy vào năm 1941, cùng con tàu chị em Musashi (1940) là những thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử.

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, 360 máy bay Nhật Bản cất cánh từ 6 tàu sân bay đã tung ra cuộc không kích bất ngờ vào Trân Châu Cảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, năm trong số tám thiết giáp hạm Mỹ đang neo đậu tại đây đã bị đánh đắm và số còn lại bị hư hại rất nặng. Trong khi đó, các tàu sân bay của Hải quân Mỹ đóng căn cứ tại Trân Châu Cảng đều đã ra khơi tập trận từ sáng sớm (dù hôm đó là ngày Chủ nhật) nên đã tránh được cuộc không kích. Chúng nhanh chóng đảm trách gánh nặng của chiến tranh và sau đó làm đổi chiều chiến cuộc tại mặt trận Thái Bình Dương. 3 ngày sau sự kiện Trân Châu Cảng, các máy bay Mitsubishi G4M (biệt danh "Betty") của Không quân Nhật (xuất phát từ Sài Gòn và Bình Dương) đã đánh chìm thiết giáp hạm Anh HMS Prince of Wales cùng chiếc tàu chiến-tuần dương HMS Repulse. Các vụ đánh chìm này cũng đã thể hiện sự mong manh của thiết giáp hạm ngoài biển khơi trước các cuộc không kích và làm lắng xuống cuộc tranh luận mà tướng Mitchell đã khởi xướng từ năm 1921.[55]

Trong những trận chiến lớn vào giai đoạn đầu tại Thái Bình Dương, như tại biển Coral và Midway, thiết giáp hạm thường vắng mặt hay bị che lấp khi các tàu sân bay tung máy bay ra hết đợt này đến đợt khác ở khoảng cách hàng trăm dặm. Trong những trận chiến sau đó tại Thái Bình Dương, thiết giáp hạm chủ yếu thực hiện bắn phá bờ biển hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ và cung cấp hỏa lực phòng không như tàu bảo vệ cho các tàu sân bay. Ngay cả những chiếc siêu thiết giáp hạm thuộc lớp Yamato của Nhật, với thiết kế mang một dàn pháo chính gồm 9 khẩu hải pháo Type 94 18,1 inch (460 mm), là loại hải pháo lớn nhất được trang bị trên các thiết giáp hạm, cũng chưa bao giờ có cơ hội để chứng tỏ tiềm năng của chúng trong một trận hải chiến quyết định như được mô tả trong "Kế hoạch trước chiến tranh" (Kantai Kessen) của Nhật Bản.[56] Cả hai con tàu này đều bị đánh chìm trong các cuộc không kích được tiến hành bởi các tàu sân bay Mỹ với thiệt hại về nhân mạng vô cùng khủng khiếp. Musashi bị chìm ngày 24 tháng 10 năm 1944. Còn Yamato bị chìm ngày 7 tháng 4 năm 1945.

USS West Virginia, tháng 6 năm 1944

Cuộc đối đầu cuối cùng giữa các thiết giáp hạm trong lịch sử là trận chiến eo biển Surigao[cần dẫn nguồn], vào ngày 25 tháng 10 năm 1944, trong đó chiến thuật "cắt ngang chữ T" cổ điển được sử dụng lần cuối cùng, cho phép lực lượng thiết giáp hạm vượt trội cả về số lượng, hỏa lực lẫn công nghệ của Hải quân Mỹ đánh tan nát nhóm thiết giáp hạm Nhật yếu thế và bị phân tán bằng hỏa lực tập trung do radar dẫn đường. Tuy nhiên, phải nói rằng các đợt tấn công bằng ngư lôi trước đó của các tàu khu trục Mỹ đã làm suy yếu đáng kể lực lượng Nhật (Chiếc thiết giáp hạm Nhật Fusō bị trúng ngư lôi của tàu khu trục USS Melvin (DD-680) vào chính giữa mạn phải của tàu vào lúc 3:09 phút sáng ngày hôm đó rồi bị nghiêng sau đó khoảng 30 phút và chìm nhanh chóng trong 12 phút (từ 3:28 đến 3:50) cùng 1,620 thủy thủ và sĩ quan Nhật trên tàu), và số còn lại thiếu khả năng hướng dẫn hỏa lực bằng radar. Tất cả các thiết giáp hạm Mỹ có mặt trong trận này, ngoại trừ một chiếc được đóng mới, thì đều từng bị đánh chìm hay hư hại nặng trong trận Trân Châu Cảng và sau đó được vớt lên và sửa chữa. Chiếc USS Mississippi đã bắn loạt pháo cuối cùng trong trận này, cũng là loạt pháo hạng nặng cuối cùng trong lịch sử nhắm vào một thiết giáp hạm khác, kết thúc một kỷ nguyên thiết giáp hạm trong lịch sử hải chiến trên mặt biển.

Chiến tranh Lạnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Vụ nổ thử nghiệm bom nguyên tử Baker trong chiến dịch Crossroads.

Sau Thế chiến II, hải quân nhiều nước giữ lại những chiếc thiết giáp hạm hiện có, nhưng chúng không còn là những tài sản quân sự chiến lược vượt trội. Thực vậy, người ta nhanh chóng nhận ra nó không còn có giá trị so với chi phí cần phải bỏ ra để chế tạo và bảo trì. Những khẩu pháo hạng nặng trên các thiết giáp hạm ngày càng trở nên lu mờ theo thời gian trước sự xuất hiện các loại khí tài có kích thước nhỏ nhưng hiệu suất chiến đấu lại cao như máy bay hay các loại tàu chiến (tàu khu trục, tàu frigate, tàu ngầm,...) được trang bị các loại tên lửa, bom (máy bay) hay ngư lôi được dẫn đường và định vị mục tiêu bằng sóng âm (hoặc sóng vô tuyến). Các loại khí tài này đều có khả năng loại trừ thiết giáp hạm một cách dễ dàng khi phải đối đầu với chúng. Vỏ giáp của chiếc thiết giáp hạm cũng không đủ mạnh khi đối mặt với khả năng một cuộc tấn công hạt nhân[cần dẫn nguồn] như những quả bom hạt nhân hay những tên lửa đạn đạo có tầm hoạt động lên đến 100 km (62 dặm).

Sau khi Thế chiến 2 kết thúc không lâu thì Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành loại bỏ và tháo dỡ tất cả các thiết giáp hạm được chế tạo từ trước thập niên 1930 của họ. Hải quân Anh chỉ còn giữ lại 4 chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp King George V (King George V, Duke of York, Anson và Howe) cùng chiếc HMS Vanguard (23) mới nhất để chúng tiếp tục phục vụ cho lực lượng này trong thập niên 1950. Đến cuối thập niên 1950-đầu thập niên 1960 thì Hải quân Anh cũng tiến hành loại bỏ và tháo dỡ nốt những chiếc thiết giáp này. Thời đại của thiết giáp hạm chính thức chấm hết trong biên chế của Hải quân Anh.

Những chiếc thiết giáp hạm cũ còn sót lại sau cuộc chiến của cả Mỹ và Nhật đều được sử dụng làm tàu mục tiêu trong cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử của Hải quân Mỹ tại đảo san hô Bikini vào năm 1946. Những chiếc đó bao gồm: Arkansas, Nevada, New York và Nagato. Cả 4 chiếc thiết giáp hạm đều chỉ bị hư hại nhẹ trong vụ nổ bom nguyên tử trên không (mang mật danh: Able) nhờ lớp đai giáp mớn nước dày hơn 10 inch của chúng nhưng Arkansas và Nagato đều bị lật úp rồi chìm trong vụ nổ bom nguyên tử dưới nước (mang mật danh: Baker).[57]Còn Nevada và New York đều bị nhiễm phóng xạ rất nặng sau vụ nổ Baker nhưng chúng vẫn sống sót và cả hai đều bị Hải quân Mỹ đánh chìm vào năm 1948 như một tàu mục tiêu để thực hành tác xạ.

Thiết giáp hạm Giulio Cesare (thuộc lớp Littorio) được Hải quân Ý bàn giao cho Liên Xô như là khoản bồi thường chiến tranh và được đổi tên thành Novorossiysk. Nó đâm trúng một quả mìn tại bãi mìn của Đức từ thời Thế chiến 2 tại Hắc Hải và bị chìm vào ngày 29 tháng 10 năm 1955. Hai chiếc thuộc lớp Andrea Doria được tháo dỡ vào năm 1956.[58] Thiết giáp hạm Pháp Lorraine được tháo dỡ vào năm 1954, Richelieu vào năm 1968[59]Jean Bart vào năm 1970.[60]

Chiếc Petropavlovsk của Liên Xô bị tháo dỡ vào năm 1953, Sevastopol vào năm 1957 và Oktyabrskaya Revolutsiya (có nghĩa: Cách mạng Tháng mười, được quay trở lại tên gốc Gangut từ năm 1942)[61] vào năm 1956-1957.[61] Chiếc Minas Gerais của Brazil được tháo dỡ tại Genoa vào năm 1953,[62] trong khi chiếc tàu chị em São Paulo bị đánh chìm trong một trận bão tại Đại Tây Dương trên đường đi đến xưởng tàu tháo dỡ tại Italy vào năm 1951.[62]

Argentina giữ lại hai chiếc thuộc lớp Rivadavia cho đến năm 1956 và Chile giữ chiếc Almirante Latorre (nguyên là chiếc HMS Canada) cho đến năm 1959.[63] Tàu chiến-tuần dương Thổ Nhĩ Kỳ Yavuz (nguyên là chiếc SMS Goeben hạ thủy năm 1911) bị tháo dỡ vào năm 1976 sau khi một đề nghị bán nó trở lại Đức bị từ chối. Thụy Điển có nhiều thiết giáp hạm phòng duyên cỡ nhỏ, một trong số chúng là Gustav V sống sót cho đến năm 1970.[64] Liên Xô tháo dỡ bốn tàu tuần dương lớn chưa hoàn tất vào cuối những năm 1950, trong khi kế hoạch chế tạo một số tàu chiến-tuần dương mới thuộc lớp Stalingrad bị hủy bỏ sau cái chết của Joseph Stalin vào năm 1953.[65] Ba thiết giáp hạm cũ của Đức Schleswig-Holstein, SchlesienHessen đều có sự kết thúc giống nhau. Hessen bị Xô Viết chiếm và đặt tên là Tsel; nó bị tháo dỡ vào năm 1960. Schleswig-Holstein được đổi tên thành Borodino và được sử dụng như một tàu mục tiêu cho đến năm 1960. Schlesien cũng được dùng làm tàu mục tiêu trước khi bị tháo dỡ từ năm 1952 đến năm 1957.[66]

Thiết giáp hạm Missouri phóng một tên lửa BGM-109 Tomahawk trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991.

Lớp thiết giáp hạm Iowa có được một cuộc sống mới trong Hải quân Hoa Kỳ. Chúng được sử dụng chủ yếu trong việc yểm trợ hỏa lực hạng rất nặng, chuyên dùng để bắn phá các mục tiêu của đối phương ở bờ biển và đất liền trong cả Chiến tranh Triều Tiên và riêng USS New Jersey (BB-62) trong Chiến tranh Việt Nam. New Jersey đã bắn gần 6.000 quả đạn pháo 406 mm (16 inch) và hơn 14.000 pháo 127 mm (5 inch) vào các mục tiêu trên bờ biển và đất liền Việt Nam (chủ yếu ở quanh khu vực tỉnh Quảng Trị), gấp bảy lần so với lượng pháo nó từng sử dụng trong Đệ Nhị thế chiến. Một quả đạn 16 inch còn nguyên vẹn của New Jersey đã được người dân và chính quyền tỉnh Quảng Trị tìm thấy vào năm 2015 tại một khu vườn của người dân trong tỉnh.

Như một phần trong nỗ lực của Bộ trưởng hải quân John F. Lehman nhằm xây dựng chương trình 600 tàu của Hải quân vào những năm 1980, và để đáp trả việc Liên Xô đưa vào hoạt động tàu tuần dương Kirov, Hoa Kỳ cho tái hoạt động cả bốn chiếc lớp Iowa. Trong nhiều dịp, những chiếc thiết giáp hạm là tàu hỗ trợ cho các đội tàu sân bay chiến đấu hoặc dẫn đầu đội thiết giáp hạm chiến đấu của chính nó. Chúng được hiện đại hóa để mang tên lửa BGM-109 Tomahawk, và New Jersey đã tham gia bắn phá Liban vào năm 1983 và 1984, trong khi MissouriWisconsin bắn các quả đạn pháo 406 mm (16 inch) và tên lửa xuống các mục tiêu trên bờ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào năm 1991. Wisconsin được sử dụng như tàu chỉ huy các cuộc tấn công bằng tên lửa TLAM tại Vùng Vịnh Ba Tư, chỉ đạo các loạt phóng đánh dấu việc mở màn của Chiến dịch Bão táp Sa mạc, và đã bắn tổng cộng 24 tên lửa TLAM trong hai ngày đầu tiên của chiến dịch. Để đáp trả cuộc tấn công của Missouri, quân Iraq đã bắn hai tên lửa HY-2 Silkworm về phía chiếc thiết giáp hạm nhưng một quả bị trượt và quả còn lại bị tên lửa đất đối không GWS-30 "Sea Dart" của tàu khu trục HMS Gloucester (D96) đánh chặn thành công.[67]

Cả bốn chiếc Iowa đều được cho ngừng hoạt động động vào đầu những năm 1990, khiến cho chúng là những thiết giáp hạm cuối cùng hoạt động. Cho đến hết năm tài chính 2006, USS Iowa và USS Wisconsin vẫn được duy trì theo một tiêu chuẩn sao cho có thể nhanh chóng đưa chúng trở lại phục vụ như những tàu hỗ trợ hỏa lực, trong khi chờ đợi việc phát triển một tàu hỗ trợ hỏa lực vượt trội hơn.[68] Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tin rằng hỏa lực pháo và tên lửa trong các chương trình tàu nổi hỗ trợ hỏa lực hiện có không thể cung cấp hỗ trợ hỏa lực đầy đủ cho các cuộc tấn công đổ bộ hay những hoạt động trên bờ.[69][70] Hiện nay, cả 4 chiếc thiết giáp hạm lớp Iowa vẫn còn được Hiệp hội Bảo tàng Hải quân Mỹ bảo quản và sử dụng như một bảo tàng nổi.

Giai đoạn hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Thiết giáp hạm Texas (1912) của Hoa Kỳ là kiểu mẫu thiết giáp hạm giai đoạn Dreadnought duy nhất được bảo tồn.

Cùng với việc cho ngừng hoạt động hai thiết giáp hạm cuối cùng của lớp Iowa, không còn chiếc thiết giáp hạm nào được giữ lại hoạt động (kể cả trừ bị) cho bất kỳ hải quân nước nào. Một số chiếc được bảo tồn như những tàu bảo tàng hoặc trong ụ tàu. Hoa Kỳ có một số lượng lớn thiết giáp hạm được trưng bày: Iowa, Massachusetts, North Carolina, Alabama, New Jersey, Wisconsin, MissouriTexas. MissouriNew Jersey hiện là những bảo tàng tại Trân Châu Cảng và Camden, New Jersey. Wisconsin là tàu bảo tàng tại Norfolk, Virginia. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các khoản quyên góp ngân quỹ dành cho việc bảo tồn thì công chúng chỉ được viếng thăm sàn tàu, trong khi phần còn lại của con tàu được đóng kín để bảo quản chống ẩm. Texas là thiết giáp hạm đầu tiên trở thành một bảo tàng, hiện đang được trưng bày tại San Jacinto gần Houston; trong khi North Carolina được trưng bày tại Wilmington, Bắc Carolina. Chiếc thiết giáp hạm thực sự duy nhất được trưng bày bên ngoài nước Mỹ là chiếc tiền-dreadnought Mikasa của Nhật Bản.

Chiến lược và học thuyết

[sửa | sửa mã nguồn]

Học thuyết

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiết giáp hạm là sự biểu hiện của sức mạnh hải quân. Đối với Alfred Thayer Mahan và những người theo học thuyết của ông, một lực lượng hải quân mạnh là cần thiết cho sự thành công của một quốc gia, và việc kiểm soát vùng biển cũng cần thiết cho sự triển khai lực lượng trên bộ và ở nước ngoài. Học thuyết của Mahan cho rằng vai trò của thiết giáp hạm là quét sạch đối phương khỏi mặt biển.[71] Trong khi các nhiệm vụ hộ tống, phong tỏa hay cướp tàu buôn có thể do các tàu tuần dương hay tàu nhỏ hơn đảm trách, sự hiện diện của thiết giáp hạm là một mối đe dọa tiềm tàng cho mọi đoàn tàu vận tải được hộ tống bởi bất kỳ tàu chiến nào khác hơn là tàu chiến chủ lực; điều này được biết đến như là khái niệm "Hạm đội hiện hữu". Mahan còn tiếp tục triển khai tư tưởng của ông khi nói rằng chiến thắng chỉ có thể đạt đến qua sự đối đầu giữa các thiết giáp hạm,[72] điều sẽ được hiểu đến như là học thuyết "trận chiến quyết định" của Hải quân Đế quốc Nhật Bản và một số nước khác, trong khi lý thuyết về trận chiến trên đường (guerre de course) được phát triển bởi trường phái Jeune École không thể nào thành công.

Ý tưởng của Mahan đã có ảnh hưởng lớn đến giới chính trị và hải quân trong suốt thời đại của thiết giáp hạm,[1][73] tìm kiếm một hạm đội lớn bao gồm những thiết giáp hạm mạnh nhất có thể. Công trình của Mahan được phát triển vào cuối những năm 1880, và cho đến cuối những năm 1890 nó đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ khắp thế giới,[1] mà cuối cùng được hải quân nhiều nước, mà đáng kể nhất là Anh, Mỹ, Đức và Nhật áp dụng. Sức mạnh của quan điểm Mahan ảnh hưởng quan trọng đến cuộc chạy đua vũ trang đóng thiết giáp hạm cũng như sự thỏa thuận giữa các cường quốc trong việc hạn chế số lượng thiết giáp hạm trong những năm giữa hai cuộc thế chiến.

Một khái niệm có liên quan là "Hạm đội Hiện hữu": ý tưởng về một hạm đội các thiết giáp hạm chỉ đơn giản bằng sự có mặt đã có thể giữ chân các nguồn lực đối phương lớn lao. Điều này đến lượt nó được tin là sẽ có thể đánh đổ cán cân lực lượng trong một cuộc xung đột ngay cả khi không có một trận chiến quyết định. Nó thậm chí gợi ý cho hải quân các nước nhỏ rằng một hạm đội thiết giáp hạm có thể có một ảnh hưởng chiến lược quan trọng.[74]

Chiến thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong khi vai trò của thiết giáp hạm trong cả hai cuộc thế chiến đều phản ảnh học thuyết của Mahan, chi tiết của việc bố trí thiết giáp hạm phức tạp hơn nhiều. Không giống như tàu chiến tuyến, thiết giáp hạm vào cuối Thế kỷ XIX và đầu Thế kỷ XX mong manh đáng kể đối với ngư lôi và mìn, những vũ khí có thể được sử dụng bởi những tàu chiến tương đối nhỏ và không đắt tiền. Trường phái Jeune École trong những năm 1870 và 1880 đề nghị bố trí tàu phóng lôi theo cùng với thiết giáp hạm; những con tàu này sẽ nấp phía sau các thiết giáp hạm cho đến khi khói đạn pháo che khuất tầm nhìn đủ cho chúng có thể phóng ra và bắn các quả ngư lôi.[1] Trong khi khái niệm này bị sự phát triển của thuốc phóng không khói làm hỏng đi, mối đe dọa từ những tàu phóng lôi có khả năng hơn (sau đó bao gồm cả tàu ngầm) vẫn còn đó. Vào những năm 1890, Hải quân Hoàng gia đã phát triển những tàu khu trục đầu tiên, những tàu chiến nhỏ được thiết kế để ngăn chặn và đánh đuổi mọi tàu phóng lôi đến tấn công. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sau đó, thiết giáp hạm hiếm khi được bố trí mà không có một hàng rào tàu khu trục bảo vệ.

Học thuyết về thiết giáp hạm nhấn mạnh đến sự tập trung lực lượng. Để lực lượng được tập trung này có thể giáng sức mạnh xuống một đối thủ bất hạnh (hay tránh đối đầu với một hạm đội đối phương mạnh hơn), hạm đội thiết giáp hạm cần một số phương tiện để phát hiện tàu đối phương bên kia tầm nhìn đường chân trời. Điều này được đáp ứng bởi các lực lượng tuần tiễu; ở những mức độ khác nhau tàu chiến-tuần dương, tàu tuần dương, tàu khu trục, khí cầu, tàu ngầm và máy bay đều được sử dụng. Cùng với việc phát triển vô tuyến, các bộ định hướng và phân tích lưu thông hàng hải cũng có thể cung cấp thông tin hữu ích, do đó khi nói rộng ra, thậm chí các trạm phát trên bờ có thể tham gia các đội thiết giáp hạm chiến đấu.[75] Nên trong hầu hết thời gian trong lịch sử hiện diện, hoạt động của thiết giáp hạm được bao bọc bởi những hải đội tàu khu trục và tàu tuần dương. Chiến dịch Bắc Hải trong Đệ Nhất thế chiến đã từng minh họa, cho dù có sự hỗ trợ này, mối đe dọa của mìn và các cuộc tấn công bằng ngư lôi, cộng với thất bại không tích hợp hay đánh giá đúng tiềm năng của các kỹ thuật mới,[76] đã hạn chế nghiệm trọng đến hoạt động của Hạm đội Grand Hải quân Hoàng gia, hạm đội thiết giáp hạm lớn nhất vào thời đó.

Chiến lược và ảnh hưởng ngoại giao

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, thiết giáp hạm là tàu chiến chủ lực của các quốc gia có tiềm năng phát triển hải quân. Sự hiện diện của thiết giáp hạm có một ảnh hưởng tâm lý và ngoại giao to lớn đến nỗi nhiều nước lớn đã có hẳn một chính sách ngoại giao dựa vào thiết giáp hạm: Chính sách ngoại giao pháo hạm. Giống như việc sở hữu vũ khí nguyên tử ngày nay, việc sở hữu thiết giáp hạm nâng cao sự thể hiện sức mạnh của quốc gia trong các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.[1]

Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng tâm lý của một thiết giáp hạm vẫn còn rất đáng kể. Năm 1946, USS Missouri được tách ra để đưa di hài của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ về nước, và sự hiện diện của nó tại vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã ngăn chặn một đòn tấn công của Liên Xô có thể nhắm vào vùng Balkan.[77] Vào tháng 9 năm 1983, khi lực lượng vũ trang người Druze tại vùng núi Shouf của Liban nổ súng vào lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ gìn giữ hòa bình, sự có mặt của USS New Jersey đã làm im tiếng súng; và hỏa lực của New Jersey sau đó đã giết chết những người lãnh đạo của lực lượng vũ trang này.[78]

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò chủ lực của thiết giáp hạm đã dần dần nhường chỗ cho các tàu sân bay. Đến giữa những năm 1970, một số tàu chiến hạng nặng thế hệ mới đã giảm bớt số lượng hải pháo và thay vào đó là các giàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cùng các tên lửa hành trình. Đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, hầu hết các chiến hạm chỉ được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thay cho hải pháo. Một số chiếc đã được trang bị hệ thống "tàng hình" đối phó lại radar và máy dò thủy âm sonar của đối phương.

Giá trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiết giáp hạm là tàu chiến lớn và phức tạp nhất, và do đó là tàu chiến đắt tiền nhất vào thời của nó; kết quả là giá trị của việc đầu tư vào thiết giáp hạm luôn luôn bị tranh cãi. Như nhà hoạt động chính trị Pháp Etienne Lamy từng viết vào năm 1879: "Việc đóng thiết giáp hạm quá tốn kém, hiệu quả của chúng lại không chắc chắn và chỉ trong một thời gian ngắn, nên việc tổ chức một hạm đội bọc thép xem ra chỉ mang lại thất bại cho sự kiên nhẫn của một dân tộc".[79] Trong những năm 1870 và 1880, Jeune École đã tìm kiếm những giải pháp thay thế cho chi phí lớn lao và công dụng bị tranh luận của một hạm đội thiết giáp hạm thông thường. Họ đề nghị cái mà ngày nay được gọi là chiến lược từ bỏ mặt biển, dựa trên các tàu tuần dương tốc độ cao có tầm hoạt động xa để đánh phá tàu buôn và các hải đội tàu phóng lôi để tấn công tàu chiến đối phương muốn mưu toan phong tỏa các cảng Pháp. Những tư tưởng của Jeune École đều đi trước thời đại của họ; mãi đến thế kỷ XX mới có được những phương tiện như mìn, ngư lôi, tàu ngầm và máy bay có hiệu quả cho phép những ý tưởng tương tự có thể được áp dụng.[80]

Quyết định của các cường quốc như Đế quốc Đức cho đóng một hạm đội thiết giáp hạm để đối đầu với những đối thủ mạnh hơn từng bị các sử gia chỉ trích, khi họ nhấn mạnh đến việc đầu tư vô ích vào hạm đội thiết giáp hạm vốn không có cơ hội bắt kịp đối thủ trong một trận chiến thực sự.[1] Căn cứ vào quan điểm này, những dự định của hải quân một nước yếu hơn muốn cạnh tranh trực tiếp với một nước mạnh hơn trong việc chế tạo thiết giáp hạm đơn thuần chỉ làm lãng phí nguồn lực vốn có thể được đầu tư tốt hơn cho việc tấn công vào những điểm yếu của đối phương. Như trong trường hợp của Đức, việc Anh phải phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu lương thực và nguyên liệu thô có thể là một điểm yếu khá nghiêm trọng, và Đức có thể chấp nhận những hệ lụy chính trị để tiến hành một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế nhắm vào các tàu buôn thương mại. Mặc dù cuộc tấn công của U-boat trong những năm 1917–1918 cuối cùng thất bại, nó cũng thành công trong việc gây ra những tổn thất vật chất to lớn, và buộc Đồng Minh phải chuyển hướng một phần lớn nguồn lực vào cuộc chiến tranh chống tàu ngầm. Thành công này, cho dù cuối cùng không phải là quyết định, dù sao vẫn tương phản rõ rệt so với sự bất lực của hạm đội thiết giáp hạm Đức trong việc thách thức sự thống trị của hạm đội Anh mạnh hơn nhiều.

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Thiết giáp hạm.
  • Danh sách thiết giáp hạm
  • Danh sách thiết giáp hạm theo quốc gia
  • Danh sách lớp thiết giáp hạm
  • Danh sách thiết giáp hạm bị đánh chìm
  • Tàu hỏa lực

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tính cho đến năm 2006, vẫn còn hai chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Iowa, tuy không hoạt động trong quân đội thường trực, nhưng vẫn còn được Quốc hội Mỹ buộc phải giữ lại trong thành phần dự bị: IowaWiscosin; xem “National Defense Authorization Act of 2007” (PDF). tr. 193–94. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2008. Truy cập 12 tháng 3 năm 2007.; và Committee on Armed Services (House of Representatives) (6 tháng 5 năm 2006). “House Report 109-452 - National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2007: Report of the Committee on Armed Services (House of Representatives) on H.R. 5122 together with Additional and Dissenting Views”. National Defense Authorization Act of 2007. tr. 68. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2012. Truy cập 15 tháng 1 năm 2009.
  2. ^ "Pháo đạn nổ nguyên được chế tạo bởi Đại tá Henri-Joseph Paixhans nhằm phục vụ cho Hải quân Pháp... sau đó được đặt tên là Pháo 80, Số 1 năm 1841... có đường kính nòng pháo 22 cm (8,65 inch)." Xem: Douglas, Sir Howard, A Treatise on Naval Gunnery, ấn bản lần thứ tư năm 1855, xuất bản lại bởi Conway Maritime Press, 1982, ISBN 0-85177-275-7, trang 201. Người Anh tiến hành các thử nghiệm đạn pháo trên chiếc HMS Excellent bắt đầu từ năm 1832; xem: A Treatise on Naval Gunnery trang 198. Về việc Hoa Kỳ đưa vào áp dụng cỡ đạn pháo 8 inch cho dàn vũ khí của tàu chiến tuyến vào năm 1841, xem: Tucker, Spencer, Arming the Fleet, US Navy Ordnance in the Muzzle-Loading Era, pub US Naval Institute, 1989, ISBN 0-87021-0076, trang 149.
  3. ^ Hai chiếc HMS Majestic và HMS Triumph trúng ngư lôi của U 21; trong khi HMS Goliath trúng ngư lôi của tàu phóng lôi Thổ Nhĩ Kỳ Muavenet.
  4. ^ Trích từ Guinness Book of Air Facts and Feats (ấn bản thứ 3, 1977): "Cuộc không kích đầu tiên sử dụng ngư lôi thả bởi một máy bay được thực hiện bởi Trung tá Charles H. K. Edmonds, lái một chiếc thủy phi cơ Short 184 từ HMS Ben-My-Chree vào ngày 12 tháng 8 năm 1915, tấn công một tàu tiếp liệu Thổ Nhĩ Kỳ tải trọng 5.000 tấn trong vùng biển Marmara. Cho dù chiếc tàu đối phương bị đánh trúng và chìm, thuyền trưởng một tàu ngầm Anh cũng cho rằng đã bắn một ngư lôi đồng thời đánh chìm cùng con tàu đó. Cuộc điều tra sau này cho biết tàu ngầm Anh E14 đã tấn công và làm bất động con tàu bốn ngày trước đó. Tuy nhiên vào ngày 17 tháng 8 năm 1915, một tàu Thổ Nhĩ Kỳ khác bị đánh chìm bởi ngư lôi mà nguồn gốc không thể chối cãi. Vào dịp này Trung tá C. H. Edmonds, lái một chiếc Short 184, đã phóng ngư lôi vào một tàu hơi nước Thổ Nhĩ Kỳ cách vài dặm về phía Bắc Dardanelles. Đồng đội bay cùng đội hình, Trung úy G. B. Dacre, bị buộc phải hạ cánh xuống mặt nước do gặp trục trặc động cơ, nhưng khi trông thấy một tàu kéo đối phương gần đó, đã di chuyển đến gần và thả quả ngư lôi. Chiếc tàu kéo bị nổ tung và chìm. Sau đó, Dacre có thể cất cánh và quay trở về Ben-My-Chree

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q Sondhaus 2001
  2. ^ O’Connell 1993Lỗi harv: không có mục tiêu: CITEREFO’Connell1993 (trợ giúp)
  3. ^ a b Lenton 1971, tr. 190
  4. ^ "Battleship" Lưu trữ 2011-05-14 tại Wayback Machine trong Đăng bạ tàu Hải quân. Hải quân Hoa Kỳ. Truy cập 24 tháng 5 năm 2008.
  5. ^ a b "battleship" The Oxford English Dictionary. Ấn bản lần 2. 1989. OED Online. Oxford University Press. Truy cập: 4 tháng 4 năm 2000
  6. ^ a b Stoll, J. Steaming in the Dark?, Journal of Conflict Resolution Vol. 36 No. 2, June 1992.
  7. ^ Xem định nghĩa trong Wiktionary: wikt:battleship.
  8. ^ Vdict com
  9. ^ "Napoleon (90 guns), the first purpose-designed screw line of battleships", Steam, Steel and Shellfire, Conway's History of the Ship (trang 39)
  10. ^ "Hastened to completion Le Napoleon was launched on ngày 16 tháng 5 năm 1850, to become the world's first true steam battleship", Steam, Steel and Shellfire, Conway's History of the Ship (trang 39)
  11. ^ Lambert, Andrew, Battleships in Transition, pub Conway1984, ISBN 0-85177315-X pages 144-147. In addition, the Navy of the North Germany Confederacy (which included Prussia) bought HMS Renown from Britain in 1870 for use as a gunnery training ship.
  12. ^ Lambert 1990, tr. 60-61
  13. ^ Lambert 1984, tr. 92–96
  14. ^ Clowes 1970, tr. 68
  15. ^ Clowes 1970, tr. 54-55, 63
  16. ^ Wilson 1898, tr. 240
  17. ^ Gibbons 1983, tr. 28–29
  18. ^ Gibbons 1983, tr. 30–31
  19. ^ Gibbons 1983, tr. 93
  20. ^ Gardiner 2001, tr. 96
  21. ^ Gibbons 1983, tr. 101
  22. ^ Hill 2000
  23. ^ a b Kennedy 1983, tr. 209
  24. ^ Preston 1989, tr. 320
  25. ^ Preston 1972
  26. ^ Gibbons 1983, tr. 168
  27. ^ Cuniberti, Vittorio, "An Ideal Battleship for the British Fleet", All The World's Fighting Ships, 1903, trang 407–409.
  28. ^ Breyer 1973, tr. 331
  29. ^ Evans 1997, tr. 159Lỗi harv: không có mục tiêu: CITEREFEvans1997 (trợ giúp)
  30. ^ Burr 2006, tr. 4–7Lỗi harv: không có mục tiêu: CITEREFBurr2006 (trợ giúp)
  31. ^ Gibbons 1983, tr. 170-171
  32. ^ Keegan 2000, tr. 281
  33. ^ Gilbert 2001, tr. 224
  34. ^ Keegan 2000, tr. 289
  35. ^ Ireland 1997, tr. 88-95
  36. ^ Padfield 1972, tr. 240
  37. ^ Andrew Marr's The Making of Modern Britain Episode 3: The Great War
  38. ^ Massie 2005, tr. 127–145
  39. ^ Massie 2005, tr. 675
  40. ^ Kennedy 1983, tr. 247-249
  41. ^ Compton-Hall 2004, tr. 155–162
  42. ^ Ireland 1997, tr. 118
  43. ^ Friedman 1984, tr. 181-182
  44. ^ Kennedy 1983, tr. 277
  45. ^ Ireland 1997, tr. 124–126, 139–142
  46. ^ Gardiner 2004, tr. 25-28Lỗi harv: không có mục tiêu: CITEREFGardiner2004 (trợ giúp)
  47. ^ Kennedy, p. 199
  48. ^ Boyne, Walter J. "The Spirit of Billy Mitchell" Lưu trữ 2009-06-20 tại Wayback Machine. Air Force Magazine, June 1996.
  49. ^ “Vice Admiral Alfred Wilkinson Johnson, USN Ret. ''The Naval Bombing Experiments: Bombing Operations'' (1959)”. History.navy.mil. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2009.
  50. ^ Jeffers, H. Paul (2006). Billy Mitchell: The Life, Times, and Battles of America's Prophet of Air Power. Zenith Press. ISBN 0760320802
  51. ^ Gibbons, p.195
  52. ^ Greger, René. Schlachtschiffe der Welt, p. 251
  53. ^ Gibbons, trang 163
  54. ^ Gibbons, trang 246–247
  55. ^ Axell, Albert: Kamikaze, trang 14
  56. ^ Gibbons, trang 262-263
  57. ^ Operation 'Crossroads' — the Bikini A-bomb tests, in Ireland, Bernard (1996). Jane's Battleships of the 20th Century. New York: HarperCollins. tr. 186–187. ISBN 0-0047-0997-7.
  58. ^ Fitzsimons, Bernard, ed. (technical assistance from Bill Gunston, Antony Preston, & Ian Hogg) Illustrated Encyclopedia of 20th Century Weapons and Warfare (Luân Đôn: Phoebus, 1978), Volume 2, p.114.
  59. ^ Fitzsimons, Volume 20, p.2213, "Richelieu". Không nói đến chiếc tàu chị em Jean Bart.
  60. ^ Gardiner, Robert (Ed.); (1980); Conway's All the World's Fighting Ships 1922–1946; ISBN 0-85177-146-7; p. 260
  61. ^ a b Fitzsimons, Volume 10, p.1086, "Gangut"
  62. ^ a b Fitzsimons, Volume 17, p.1896, "Minas Gerais"
  63. ^ Fitzsimons, Volume 1, p.84, "Almirante Latorre"
  64. ^ Gardiner, p. 368
  65. ^ McLaughlin, Stephen (2006). Jordan, John (biên tập). Project 82: The Stalingrad Class. Warship 2006. Luân Đôn: Conway. tr. 117. ISBN 978-1-84486-030-2.
  66. ^ Gardiner, p. 222
  67. ^ [1] Defence power: developments of the decade
  68. ^ “Iowa Class Battleship”. Federation of American Scientists. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2007.
  69. ^ Thủy quân Lục chiến đã xem xét lại các yêu cầu Hỗ trợ Hỏa lực Hải quân Mặt biển, đặt một số nghi vấn là liệu lớp tàu khu trục Zumwalt có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của Thủy quân Lục chiến hay không.
  70. ^ United States General Accounting Office. “Naval Surface Fires Support”. Federation of American Scientists. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2007.
  71. ^ Massie, Robert K. Castles of Steel, Luân Đôn, 2005. ISBN 1-844-134113
  72. ^ Mahan, A.T., Captain. Influence of Sea Power on History, 1660–1783. (Boston: Little Brown), passim.
  73. ^ Kennedy, pp. 2, 200, 206.
  74. ^ John Pike (ngày 3 tháng 5 năm 2007). “"Fleet In Being", Globalsecurity.org. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2007”. Globalsecurity.org. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2009.
  75. ^ It could presage an enemy sortie, or locate an enemy over the horizon. Beesly, Patrick. Room 40 (London: Hamish Hamilton)
  76. ^ Beesly.
  77. ^ “USS Missouri”. Dictionary of American Naval Fighting Ships. Naval Historical Center. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2007.
  78. ^ “USS New Jersey”. Dictionary of American Naval Fighting Ships. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2007.
  79. ^ Được trích dẫn trong Net-Centric before its time: The Jeune École and Its Lessons for Today Erik J. Dahl U.S. Naval War College Review, Autumn 2005, Vol. 58, No. 4
  80. ^ Dahl, op cit.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Appel, Erik (2001). Finland i krig 1939–1940 - första delen (bằng tiếng Thụy Điển). Espoo, Finland: Schildts förlag Ab. tr. 261. ISBN 951-50-1182-5.
  • Archibald, E. H. H. (1984). The Fighting Ship in the Royal Navy 1897–1984. Blandford. ISBN 0-7137-1348-8.
  • Axell, Albert (2004). Kamikaze - Japans självmordspiloter (bằng tiếng Thụy Điển). Lund, Sweden: Historiska media. tr. 316. ISBN 91-85057-09-6.
  • Breyer, Siegfried (1973). Battleships and battle cruisers 1905 1970 (bằng tiếng Anh). Doubleday and Co. ISBN 978-0385072472. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  • Brown, D. K. (2003). Warrior to Dreadnought: Warship Development 1860–1905. Book Sales. ISBN 978-1-84067-529-0.
  • Brown, D. K. (2003). The Grand Fleet: Warship Design and Development 1906–1922. Caxton Editions. tr. 208. ISBN 978-1-84067-531-3.
  • Brunila, Kai (2000). Finland i krig 1940–1944 - andra delen (bằng tiếng Thụy Điển). Espoo, Finland: Schildts förlag Ab. tr. 285. ISBN 951-50-1140-X.
  • Burr, Lawrence; Bryan, Tony (2006). British Battlecruisers 1914–18. New Vanguard No. 126. Oxford: Osprey Publishing. ISBN 978-1846030086.
  • Compton-Hall, Richard (2004). Submarines at War 1914-18. Periscope Publishing Ltd. tr. 155–162. ISBN 1904381219.
  • Clowes, William Laird (1970) [1902]. Four Modern Naval Campaigns. Unit Library, republished Cornmarket Press. ISBN 0-7191-2020-9.
  • Corbett, Sir Julian. "Maritime Operations In The Russo-Japanese War 1904–1905." (1994). Originally Classified and in two volumes. ISBN 1-5575-0129-7.
  • Evans, David C; Peattie, Mark R (1997). Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy, 1887-1941. Naval Institute Press. ISBN 978-0870211928.
  • Friedman, Norman (1984). U.S. Battleships: An Illustrated History. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-715-1.
  • Gardiner, Robert (Ed.) and Gray, Randal (Author) (1985). Conway's All the World's Fighting Ships, 1906–1921. Naval Institute Press. tr. 439. ISBN 978-0-87021-907-8.
  • Gardiner, Robert (Ed.) (1980). Conway's All the World's Fighting Ships, 1922–1946. Conway Maritime Press. ISBN 0-85177-146-7.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
  • Gardiner, Robert (Ed.) and Lambert, Andrew (Ed.) (2001). Steam, Steel and Shellfire: The steam warship 1815–1905 - Conway's History of the Ship. Chartwell Books, Inc. ISBN 978-0-78581-413-9.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
  • Gibbons, Tony (1983). The Complete Encyclopedia of Battleships and Battlecruisers - A Technical Directory of all the World's Capital Ships from 1860 to the Present Day. Luân Đôn, UK: Salamander Books Ltd. tr. 272. ISBN 0-51737-810-8.
  • Gilbert, Adrian (ed.) (2001). The encyclopedia of warfare: from earliest time to the present day. Routledge. ISBN 978-1579582166.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
  • Greger, René (1993). Schlachtschiffe der Welt (bằng tiếng Đức). Stuttgart, Stuttgart: Motorbuch Verlag. tr. 260. ISBN 3-613-01459-9.
  • Hill, Richard (2000). War at Sea in the Ironclad Age. Luân Đôn: Cassell. ISBN 0-304-35273-X.
  • Ireland, Bernard and Grove, Eric (1997). Jane's War At Sea 1897–1997. Luân Đôn: Harper Collins Publishers. tr. 256. ISBN 0-00-472065-2.
  • Jacobsen, Alf R. (2005). Dödligt angrepp - miniubåtsräden mot slagskeppet Tirpitz (bằng tiếng Thụy Điển). Stockholm, Sweden: Natur & Kultur. tr. 282. ISBN 91-27-09897-4.
  • Keegan, John (2000). The First World War. Vintage Trade Paper Editions. ISBN 978-0375700453.
  • Kennedy, Paul M. (1983). The Rise and Fall of British Naval Mastery. Luân Đôn. ISBN 0-333-35094-4.
  • Lambert, Andrew (1990). The Crimean War, British Grand Strategy Against Russia, 1853-56. Manchester: Manchester University Press. ISBN 0-7190-3564-3.
  • Lambert, Andrew (1984). Battleships in Transition - The Creation of the Steam Battlefleet 1815–1860. Luân Đôn: Conway Maritime Press. tr. 161. ISBN 0-85177-315-X.
  • Lenton, H. T. (1971). Krigsfartyg efter 1860 (bằng tiếng Thụy Điển). Stockholm, Sweden: Forum AB. tr. 160.
  • Linder, Jan (2002). Ofredens hav - Östersjön 1939–1992 (bằng tiếng Thụy Điển). Avesta, Sweden: Svenska Tryckericentralen AB. tr. 224. ISBN 91-631-2035-6.
  • Massie, Robert (2005). Castles of Steel - Britain, Germany and the Winning of the Great War at Sea. Luân Đôn: Pimlico. ISBN 1-844-134113.
  • O'Connell, Robert L. (1991). Sacred Vessels: the Cult of the Battleship and the Rise of the U.S. Navy. Boulder: Westview Press. ISBN 0-8133-1116-0.
  • O'Connell, Robert L. (1993). Sacred vessels: the cult of the battleship and the rise of the U. S. Navy. Oxford [Oxfordshire]: Oxford University Press. ISBN 0-19-508006-8.
  • Padfield, Peter (1972). The Battleship Era. Luân Đôn: Military Book Society. OCLC 51245970.
  • Parkes, Oscar (1990). British Battleships. first published Seeley Service & Co, 1957, published United States Naval Institute Press. ISBN 1-55750-075-4.
  • Polmar, Norman. The Naval Institute Guide to the Ships and Aircraft of the US Fleet. 2001, Naval Institute Press. ISBN 1-5575-0656-6.
  • Preston, Anthony (1972). Battleships of World War I: an illustrated encyclopedia of the battleships of all nations, 1914-1918. Galahad Books.
  • Preston, Anthony (Foreword) (1989). Jane's Fighting Ships of World War II. Luân Đôn, UK: Random House Ltd. tr. 320. ISBN 1-851-70494-9.
  • Russel, Scott J. (1861). The Fleet of the Future. Luân Đôn.
  • Sondhaus, Lawrence (2001). Naval Warfare 1815–1914. Luân Đôn. ISBN 0-415-21478-5.
  • Stilwell, Paul (2001). Battleships. New Your, USA: MetroBooks. tr. 160. ISBN 1-58663-044-X.
  • Tamelander, Michael (2006). Slagskeppet Tirpitz - kampen om Norra Ishavet (bằng tiếng Thụy Điển). Norstedts Förlag. tr. 363. ISBN 91-1-301554-0.
  • Taylor, A. J. P. (Red.) (1975). 1900-talet: Vår tids historia i ord och bild; Part 12 (bằng tiếng Thụy Điển). Helsingborg: Bokfrämjandet. tr. 159.
  • Wetterholm, Claes-Göran (2002). Dödens hav - Östersjön 1945 (bằng tiếng Thụy Điển). Stockholm, Sweden: Bokförlaget Prisma. tr. 279. ISBN 91-518-3968-7.
  • Wilson, H. W. (1898). Ironclads in Action - Vol 1. Luân Đôn.
  • Zetterling, Niklas (2004). Bismarck - Kampen om Atlanten (bằng tiếng Thụy Điển). Stockholm, Sweden: Nordstedts förlag. tr. 312. ISBN 91-1-301288-6.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • So sánh khả năng bảy thiết giáp hạm thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai (tiếng Anh)
  • So sánh các dự án thiết kế thiết giáp hạm sau Thế Chiến II (tiếng Anh)
  • Sự phát triển thiết giáp hạm Hoa Kỳ, cùng với thời gian biểu (tiếng Anh)
  • x
  • t
  • s
Lịch sử thiết giáp hạm
  • Tàu chiến tuyến
  • Tàu bọc thép
  • Tiền-dreadnought
  • Dreadnought
  • Thiết giáp tuần dương
  • Thiết giáp hạm nhanh
  • Thiết giáp hạm hiệp ước
  • Thiết giáp hạm trong Thế Chiến II
  • x
  • t
  • s
Tàu hải quân và tàu chiến trong lịch sử cận đại
  • Các lớp tàu hải quân đang hoạt động
    • Tàu ngầm
    • Tàu phụ trợ
  • Vùng hoạt động
    • Hải quân nước nâu
    • Hải quân nước xanh lục
    • Hải quân nước xanh dương
  • Vị trí súng
    • Dọc bên mạn
    • Dọc trung tâm tàu
    • Tháp pháo ụ
    • Tháp pháo
Tàu sân bay
  • Tàu tuần dương sân bay
  • Tàu đổ bộ tấn công
  • Tàu sân bay chống ngầm
  • Balloon carrier
  • Tàu CAM
  • Tàu sân bay hộ tống
  • Tàu phóng máy bay chiến đấu
  • Tàu sân bay hạm đội
  • Tàu sân bay trực thăng
  • Interdiction Assault Ship
  • Tàu sân bay hạng nhẹ
  • Tàu sân bay dân sự chuyển đổi
  • Tàu phóng thủy phi cơ
  • Tàu sân bay ngầm
  • Siêu tàu sân bay
Thiết giáp hạm
  • Tàu phòng thủ ven biển
  • Thiết giáp hạm tiền-dreadnought
  • Thiết giáp hạm dreadnought
  • Thiết giáp hạm siêu-dreadnought (Thiết giáp hạm tiêu chuẩn)
  • Thiết giáp hạm nhanh
  • Thiết giáp hạm hiệp ước
Tàu tuần dương
  • Tàu tuần dương bọc thép
  • Tàu chiến-tuần dương
  • Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường
  • Tàu tuần dương hạng nặng
    • Thiết giáp hạm bỏ túi
  • Tàu tuần dương hạng nhẹ
  • Tàu buôn tuần dương
  • Tàu tuần dương bảo vệ
  • Tàu tuần dương trinh sát
  • Tàu tuần dương tấn công
  • Tàu tuần dương phóng lôi
  • Tàu tuần dương không bảo vệ
Tàu hộ tống
  • Tàu thông báo
  • Tàu cứu hộ hộ tống
  • Tàu khu trục
  • Tàu khu trục hộ tống
  • Tàu khu trục chỉ huy
  • Tàu hộ tống khu trục
  • Escorteur
  • Tàu frigate
  • Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường
  • Kaibōkan
  • Tàu xà lúp chiến trận
Tàu vận tải
  • Tàu vận tải đổ bộ kiểu ụ nổi
  • Tàu tác chiến đổ bộ
  • Tàu vận tải tấn công
  • Tàu đổ bộ
  • Tàu đổ bộ kiểu ụ nổi
  • Tàu sân bay đổ bộ
  • Landing Craft Support
  • Landing Ship Heavy
  • Landing Ship Infantry
  • Landing Ship Logistics
  • Landing Ship Medium
  • Landing Ship Tank
  • Landing Ship Vehicle
  • Tàu chở quân
Tàu tuần tra
  • Tàu hơi nước kiểm soát vũ trang
  • Du thuyền vũ trang
  • Coastal Motor Boat
  • Tàu corvette
  • Tàu pháo
  • Harbour defence motor launch
  • Motor Launch
  • Tàu đánh cá lưới kéo hải quân
  • Tàu đánh cá lưới vét hải quân
  • Tàu kiểm soát đại dương
  • Tàu tuần tra
  • Q-ship
  • Steam gun boat
  • Tàu săn ngầm
  • Tàu phóng lôi
Tàu chiến tiến công nhanh
  • E-boat
  • MAS
  • MGB
  • Tàu tên lửa
  • MTB
  • MTM
  • MTSM
  • Tàu phóng lôi tuần tra
  • Shin'yō
Chiến tranh mìn
  • Tàu thả phao đánh dấu
  • Tàu quét mìn khu trục
  • Tàu rà phá mìn
  • Tàu đặt mìn
  • Tàu săn mìn
  • Tàu rải mìn
  • Tàu quét mìn
Chỉ huy và hỗ trợ
  • Tàu tiện nghi
  • Tàu chở đạn
  • Tàu sửa chữa phụ trợ kiểu ụ nổi
  • Tàu phụ trợ
  • Tàu chở than
  • Tàu kho chiến đấu
  • Tàu chỉ huy
  • Tàu cẩu
  • Tàu kho sử dụng chung
  • Tàu tiếp liệu khu trục
  • Tàu liên lạc
  • Tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh
  • Tàu bệnh viện
  • Tàu hỗ trợ chung
  • Tàu kéo
  • Tàu thả lưới
  • Tàu sửa chữa
  • Tàu tiếp dầu
  • Tàu tiếp liệu tàu ngầm
Tàu ngầm
  • Tàu ngầm tấn công
  • Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo
  • Tàu ngầm duyên hải
  • Tàu ngầm mang tên lửa hành trình
  • Tàu ngầm tuần dương
  • Phương tiện ngập sâu
    • Phương tiện ngập sâu cứu hộ
  • Tàu ngầm hạm đội
  • Ngư lôi có người lái
  • Tàu ngầm bỏ túi
  • U-boat
  • Tàu ngầm hở
Thuật ngữ liên quan khác
  • Tàu buôn vũ trang
  • Tàu kho đạn
  • Tàu doanh trại
  • Tàu monitor nâng tầng
  • Tàu chiến chủ lực
  • Kỳ hạm
  • Tàu hộ vệ
  • Tàu chiến đấu ven biển
  • Tàu monitor
  • Tàu tuần tra sông
  • Tàu huấn luyện
Cổng thông tin:
  • Quân sự
  • Hàng hải

Từ khóa » Phi Phi Và Gia Phi Hạm Tiêu Sự