Thiết Lập Mục Tiêu Cá Nhân: Tại Sao & Như Thế Nào?
Có thể bạn quan tâm
Chúng ta, ai cũng có ước mơ của mình. Nhưng chúng ta đang sống trong thế giới thực tại, và chắc rằng bạn không hề muốn suốt đời sống trong mơ mộng mà không hề đạt được điều gì có ý nghĩa trong cuộc sống.
Bài này giới thiệu cho bạn ý nghĩa của mục tiêu chứ không phải ước mơ với cuộc sống của bạn. Khi bạn đọc, từng bước thực hành theo nội dung này, bạn sẽ biết được cách lập những mục tiêu quan trọng cho cuộc đời của chính mình và xây dựng được những mục tiêu nhỏ hơn, ngắn hạn hơn để luôn giúp bạn hướng đến những mục tiêu to lớn của mình.
Mục lục ẩn 1. Tại sao cần xác định mục tiêu? Ví dụ: 2. Lập mục tiêu cho bản thân a. Lập mục tiêu cho cuộc sống b. Thiết lập những mục tiêu nhỏ hơn Ví dụ: 3. Mục tiêu và Ước mơ a. Khi khát vọng đủ lớn Ví dụ: Ví dụ b. Sự khác biệt giữa ước mơ và mục tiêu 4. Mục tiêu mơ hồ sẽ cho kết quả mơ hồ 5. Phân loại mục tiêu a. Bạn chỉ có một mục tiêu duy nhất? b. Mục tiêu chính / Mục tiêu hỗ trợ / Mục tiêu nên có c. Mục tiêu dài hạn / trung hạn / ngắn hạn1. Tại sao cần xác định mục tiêu?
Bạn đã từng thấy mình làm việc, học tập rất chăm chỉ, cực khổ nhưng dường nhưng có cảm giác rằng mình không thấy chúng có giá trị hay không?
Bạn hãy ngẫm nghĩ về điều đó và chắc hẳn rằng bạn sẽ quan tâm, muốn biết tại sao mình lại có cảm giác như thế và làm thế nào để không lặp lại chúng. Một lý do lớn nhất chính là bạn đã không dành nhiều thời gian để suy nghĩ về điều bạn muốn trong cuộc sống của mình, và bạn chưa đặt cho mình những mục tiêu cơ bản. Chính điều đó dẫn đến bạn giống như con thuyền trôi vô định trên biển. Bạn sẽ tiêu tốn thời gian và những nguồn lực quý giá của mình cho những việc không mang lại nhiều giá trị cho bản thân mình.
Ví dụ:
Ta hãy thử xem một ví dụ sau và bạn hãy suy nghĩ về câu trả lời và lý do lựa chọn của mình nhé:
Bạn đang học bài của môn học khó với bạn và ngày mai bạn đã phải thi môn này rồi. Trong lúc bạn đang cố gắng tập trung để học thì chuông điện thoại bỗng reng lên, người yêu của bạn đang gọi. Người yêu của bạn rủ đi xem phim mà bạn rất thích và đã mong chờ bộ phim này từ lâu rồi.
Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? Bạn sẽ từ chối đi bộ phim mình thích để học bài hay quyết định sẽ đi xem phim?
Khi đưa ra câu trả lời cho ví dụ trên bạn hãy chú ý cả lý do mình đưa ra để hỗ trợ cho quyết định của mình nữa nhé.
Với ví dụ này, chắc bạn sẽ chọn là không đi xem phim và sẽ ngồi học bài tiếp, đúng không nào. Nhưng bạn có chắc rằng câu trả lời của mình là đáp án đúng duy nhất hay không? Thậm chí có thể là không câu trả lời nào của bạn là đúng cả? Bạn có thấy bất ngờ với điều này hay không?
Trên đây là một ví dụ rất đơn giản mà bạn thường xuyên gặp trong cuộc sống của mình, và quyết định của bạn sẽ phụ thuộc vào mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho mình. Chúng ta hãy thử cùng nhau lý giải ví dụ này nhé.
Ta hãy bắt đầu bằng lựa chọn học bài tiếp và không đi xem phim. Tại sao bạn lại chọn như vậy? Đó có thể là vì môn học này khó và bạn cần nhiều thời gian học, bạn có thể bị thi rớt nếu không học bài, bạn muốn được điểm cao, … Đây là những lý do bạn thường thấy mình sử dụng khi đưa ra quyết định lựa chọn cho hành động của mình. Nhưng thực tế rằng bạn vẫn chưa thực sự có câu trả lời đúng cho mình mà có thể bạn vẫn đang trả lời theo thói quen, thông lệ và bạn vẫn cảm thấy “bứt rứt” với lựa chọn này. Bạn sẽ thấy khó tập trung khi “học bài” và thường suy nghĩ về lựa chọn còn lại là “đi xem phim” dẫn đến việc “học bài” của bạn không hiệu quả. Giả sử rằng ngày mai bạn đi thi và đạt điểm không như mong đợi, bạn sẽ rút ra kết luận rằng “nếu biết vậy thì mình đi xem phim chứ cần gì phải khổ sở đến như thế”. Cứ như vậy, bạn thấy rằng bạn sẽ bị bối rối rằng quyết định của mình như vậy có đúng hay không, và sau đó bạn sẽ quyết định thay đổi lựa chọn theo hướng “nuông chiều” bản thân hơn, không hề có định hướng thống nhất nào cả và kết quả là bạn sẽ cảm thấy rằng bạn không đạt được gì cả. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì bạn thấy rằng cho dù bạn chọn bất kỳ câu trả lời nào cũng đều là câu trả lời sai cả.
Tại sao lại như vậy? Lý do đơn giản, cốt yếu nhất chính là mục tiêu của bạn là gì? Khi bạn gắn kết câu trả lời tại sao ở ví dụ trên với mục tiêu của bạn thì bạn sẽ thấy rằng bạn sẽ dễ dàng ra quyết định cho mình hơn.
Như vậy, nếu mục tiêu của bạn là “học giỏi” thì bạn sẽ thấy rằng bạn sẽ dễ dàng chọn “học bài và không đi xem phim”, còn nếu mục tiêu của bạn là “mối quan hệ tốt với người yêu” thì bạn sẽ thấy mình sẽ chọn “đi xem phim”.
Qua ví dụ trên ta thấy rằng khi đặt mục tiêu cho mình, bạn sẽ nghĩ về tương lai lý tưởng cho mình, mục tiêu đó sẽ giúp bạn biết mình muốn trở thành người như thế nào trong cuộc sống. Một khi bạn biết chính xác mình muốn đạt được điều gì, bạn sẽ biết mình cần tập trung nỗ lực vào những việc nào và phát hiện được những điều gì làm bạn sao nhãng, mất tập trung. Với mục tiêu được xác định rõ ràng, bạn có thể đo lường và tự hào về thành quả của mình, bạn sẽ thấy sự thay đổi, tiến triển của bản thân và trở nên tự tin hơn khi đạt được những mục tiêu đã định.
2. Lập mục tiêu cho bản thân
Bây giờ bạn đã biết mục tiêu quan trọng với bản thân mình như thế nào rồi đúng không nào. Bạn hãy tạm ngưng tại đây và suy nghĩ về mục tiêu cho bản thân mình trong cuộc sống nhé. Bạn muốn đạt được điều gì trong cuộc sống? Bạn muốn trở thành người như thế nào?
Câu hỏi:
Bạn hãy suy nghĩ và ghi ra mục tiêu bạn mong muốn đạt được trong cuộc sống của mình.
Chắc hẳn việc này không quá khó khăn với bạn. Bạn hẳn cũng đã từng mơ ước về tương lai của mình, về bản thân mình trong tương lai. Việc đặt mục tiêu cho bản thân trong cuộc sống giống như bạn đang vẽ một bức tranh toàn cảnh về việc bạn muốn đạt được những điều gì trong cuộc sống của mình, hoặc trong 5, 10 năm tới.
Tiếp theo, bạn cần chia nhỏ những mục tiêu lớn đó thành những mục tiêu nhỏ hơn mà bạn phải đạt được trong toàn bộ giai đoạn đó để hướng bạn đến những mục tiêu quan trọng nhất của mình.
a. Lập mục tiêu cho cuộc sống
Bước đầu tiên khi bạn lập mục tiêu cho bản thân là việc bạn suy nghĩ, cân nhắc về những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống, hoặc trong khoảng thời gian xác định trong tương lai. Mục tiêu trong cuộc sống thường được lập ra là “tôi muốn trở thành người giàu có”, “tôi muốn trở thành người được xã hội kính trọng”, và bạn thường ghi ra một mục tiêu duy nhất cho mình. Một mục tiêu cho cuộc sống như vậy đã thực sự cho bạn thấy một bức tranh toàn cảnh về bản thân trong tương lai, bao hàm được tất cả những gì bạn muốn hay chưa? Bạn sẽ thấy rằng thực sự bạn muốn đạt được nhiều thứ hơn như vậy, và chắc chắn rằng bạn sẽ thấy rằng có nhiều mục tiêu sẽ mâu thuẫn nhau khi mình đặt ra.
Mục tiêu cho cuộc sống của bạn cần bao hàm các khía cạnh của cuộc sống của bạn và sẽ định hình cho những quyết định của bạn. Để có thể nhìn nhận tổng quát về con người mà bạn muốn trở thành trong tương lai, bạn hãy xác định những khía cạnh hoặc phân chia những mong muốn của bạn thành những nhóm như sau, và chú ý rằng những mục tiêu trong các nhóm cần phải hỗ trợ nhau:
- Học tập: Bạn muốn đạt bằng cấp gì? Bạn muốn lĩnh hội những kiến thức nào? Bạn muốn có những kỹ năng nào?
- Nghề nghiệp: Bạn muốn đạt được chức vụ nghề nghiệp nào? Bạn muốn điều gì với nghề nghiệp của mình?
- Tài chính: Bạn muốn nhận được bao nhiêu tiền? Bạn muốn nhận như thế nào?
- Gia đình: Bạn muốn có gia đình như thế nào? Bạn muốn các thành viên trong gia đình nhìn nhận bạn như thế nào?
- Thái độ: Bạn muốn thay đổi những thái độ nào của mình? Có những thái độ nào bạn thấy rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân?
- Thể chất: Bạn muốn có sức khỏe tốt đến khi “đầu bạc răng long”? Bạn muốn đạt mục tiêu thể thao nào cho mình?
- Sở thích: Bạn muốn làm gì để cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn?
Nếu bạn chưa định hình rõ ràng, những nhóm mục tiêu ở trên là điểm khởi đầu để bạn thực hiện lập mục tiêu cho cuộc sống của mình. Ngoài ra nếu bạn có nhiều nhóm mục tiêu khác, hãy ghi chúng ra.
Câu hỏi:
Bạn hãy xác định các mục tiêu trong cuộc sống của mình theo từng nhóm.
Khi bạn tổng hợp những mục tiêu này thành mục tiêu cho cuộc sống của mình, bạn sẽ thấy có sự khác biệt với mục tiêu bạn đã ghi trong bài tập ở đầu mục này, đúng không nào. Bạn có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể con người của bạn trong tương lai, người bạn muốn trở thành rõ ràng hơn rất nhiều.
Bạn nên dùng phương pháp công não (brainstorming) khi lập mục tiêu và lựa chọn một hoặc vài mục tiêu phản ánh tốt nhất những gì bạn muốn. Sau đó bạn cần chọn lọc kỹ những mục tiêu có ý nghĩa mà bạn thực sự muốn.
Hãy nhớ rằng đây là mục tiêu của chính bạn, là những gì bạn muốn chứ không phải là ý muốn của người khác (tất nhiên bạn cũng cần cân nhắc những mong muốn của họ, nhưng khi bạn chọn những mục tiêu như vậy, bạn cần chắc chắn rằng bạn cũng phải thực sự muốn chúng)
b. Thiết lập những mục tiêu nhỏ hơn
Nếu bạn chỉ dừng lại ở hoạt động thiết lập mục tiêu chung cho cuộc sống của mình. Đa phần bạn sẽ thấy rằng chúng vẫn còn rất mông lung, quyết tâm thực hiện mục tiêu của bạn sẽ giảm dần theo thời gian do bạn không biết làm thế nào để đạt được chúng.
Việc đặt mục tiêu cho cuộc sống cũng giống như việc bạn muốn lên tầng cao nhất của một tòa nhà không có thang vậy. Bạn không thể nào cố gắng hết sức để đạt mục tiêu ngay một lúc được. Chính những bậc thang nho nhỏ giúp bạn đi lên dần dần từng tầng một cho đến khi bạn lên được tầng thượng mà bạn muốn. Những bậc thang này giống như những mục tiêu nhỏ hơn mà bạn cần phải đạt được để hướng bạn đến mục tiêu quan trọng của mình.
Cũng như vậy với mục tiêu cuộc sống, bạn cần chia nhỏ mục tiêu lớn của mình thành những mục tiêu nhỏ nối tiếp, kế thừa nhau, mà khi bạn đạt mục tiêu nhỏ này sẽ là bàn đạp để bạn hướng đến mục tiêu tiếp theo. Cứ như vậy khi bạn đạt hết những mục tiêu nhỏ đó thì mục tiêu lớn của bạn sẽ đạt được. Theo đó, mục tiêu lớn trong cuộc sống cần được chia nhỏ thành những mục tiêu trong 10 năm, 5 năm, 1 năm, … Đây chính là từng bậc thang nho nhỏ, từng tầng trong tòa nhà để bạn đạt được mục tiêu trong cuộc sống.
Ví dụ:
Ta hãy xem qua ví dụ về cách đặt mục tiêu trong cuộc sống và chia nhỏ mục tiêu sau:
Nhân dịp năm mới, Nam quyết định suy nghĩ về những điều mà mình muốn đạt được trong cuộc sống.
Mục tiêu cuộc sống:
- Nghề nghiệp: Trở thành giám đốc khu vực của công ty Nam đang làm
- Học tập: Học lên thạc sỹ
- Thể chất: Tham gia giải tennis thành phố mở rộng.
Sau khi Nam đã xác định được mục tiêu trong cuộc sống, Nam chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn. Ta tiếp tục xem thử mục tiêu trở thành giám đốc khu vực của Nam được chia nhỏ thế nào.
- Mục tiêu 5 năm: Trở thành Phó Giám đốc
- Mục tiêu 2 năm: Trở thành Trưởng phòng
- Mục tiêu 1 năm: Tình nguyện tham gia những dự án quan trọng mà Giám đốc triển khai.
- Mục tiêu 6 tháng: Thi tuyển để học lấy bằng thạc sỹ
- Mục tiêu 3 tháng: Đăng ký học những kỹ năng cần thiết
- Mục tiêu 1 tháng: Trao đổi với Giám đốc về những kỹ năng, kiến thức cần thiết để làm việc được tốt
- Mục tiêu 1 tuần: Lên lịch hẹn gặp với Giám đốc.
Qua ví dụ này, ta thấy được từ một mục tiêu to lớn ban đầu, Nam đã chuyển thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ dàng đạt được hơn. Hơn nữa ta thấy rằng những mục tiêu nhỏ này giúp Nam nhìn nhận được rõ ràng cách thức để đạt được mục tiêu lớn.
Ở ví dụ này ta cũng cần chú ý một điều rằng những hoạt động mà Nam thực hiện, nếu không có mục tiêu lớn thì chúng có thể bị xem là những hoạt động tiêu tốn nguồn lực và thời gian và ta sẽ không có động lực, cam kết và dễ dàng bị chi phối, phân tâm bởi những những hoạt động khác.
3. Mục tiêu và Ước mơ
Chúng ta đã cùng nhau ghi ra được những mục tiêu cho cuộc đời của mình. Trước khi ta có thể “biến ước mơ thành hiện thực”, ta cần chú ý nhận biết, phân biệt được thế nào là ước mơ và mục tiêu. Chúng là gì, và chúng có điểm gì giống và khác nhau.
Ai cũng có mơ ước. Mơ ước với chúng ta rất dễ dàng, ta chỉ cần có trí tưởng tượng là đã có thể mơ ước. Chắc hẳn từ thời thơ ấu bạn đã được nghe kể không ít về các câu chuyện cổ tích như: Cô Tấm ở hiền, nàng lọ lem tốt bụng, … Tất cả những chuyện đó đều kết thúc thật hậu, do con người tự vẽ ra cho mình một hình mẫu thật hoàn hảo để từ đó ước mơ và có niềm tin vào tương lai tốt đẹp, là động lực để cho họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong đời thường. Nhà văn Pháp nổi tiếng Jules Verne, được xem là cha đẻ của thể loại văn học Khoa học viễn tưởng, từ thế kỷ 19 đã thể hiện những mơ ước của nhân loại về việc du hành lên mặt trăng. Việc du hành vũ trụ này là mơ ước hay là mục tiêu của con người? Bạn có muốn được bay vào vũ trụ hay không? Chắc bạn cũng biết rằng để bay vào vũ trụ, phi hành gia như Phạm Tuân phải trải qua những cuộc tuyển chọn gắt gao, trải qua những đợt huấn luyện, luyện tập khắt khe mới có đủ điều kiện để thực hiện. Thế thì những người bình thường như chúng ta, không phải là những người được huấn luyện đặc biệt, muốn bay vào vũ trụ là ước mơ hay là mục tiêu? Đối với đa số chúng ta, đây chỉ là ước mơ, còn với một số ít người khác như Hiệp sĩ Richard Charles Nicholas Branson, nhà sáng lập công ty âm nhạc Virgin và hãng hàng không Virgin, … ông đang biến ước mơ này thành hiện thực với công ty Virgin Galactic, với mong muốn đưa du khách vào không gian.
Trước khi xem xét sự khác nhau giữa ước mơ và mục tiêu, ta hãy tìm hiểu xem ước mơ và mục tiêu là gì.
Mục tiêu là gì? Chúng là những kế hoạch hay dự định cho tương lai. Chúng đại diện cho những điều ta cố gắng đạt được. Ta dùng não trái để lên kế hoạch thực hiện chúng. Đây là bán cầu não xử lí vấn đề suy luận, tính toán và ngôn ngữ. Những mục tiêu của ta có thể dài hạn hay ngắn hạn, như là kế hoạch tốt nghiệp đại học và có việc làm (dài hạn) hay đi mua sắm vào buổi trưa (ngắn hạn). Những đặc điểm khác nữa của mục tiêu là chúng được hình thành khi ta hoàn toàn có ý thức. Tức là chúng là những quyết định có ý thức.
Thế còn ước mơ? Đó không phải là những giấc mơ khi ta ngủ mà là những mong ước, hi vọng, khát khao cho tương lai. Không như mục tiêu (những kế hoạch có kì hạn kết thúc), ước mơ chỉ là những gì ta nghĩ là ta muốn làm, là khát vọng muốn trở thành
hay muốn sở hữu vào “một ngày nào đó”. Tại sao ước mơ lại là những gì ta nghĩ là ta muốn? Vì nếu ta thật sự muốn chúng, chúng không phải đã trở thành mục tiêu rồi sao? Chúng không phải đã trở thành những kế hoạch có kì hạn hoàn thành rồi sao?
a. Khi khát vọng đủ lớn
Nếu mục tiêu của ta là những gì ta muốn, tại sao thỉnh thoảng chúng lại “tan thành mây khói”? Đây là vấn đề. Cho dù ta có ý thức lên kế hoạch một cách kĩ càng đến đâu đi nữa, nó vẫn nằm trong tiềm thức của ta, cái mà xác định rõ những mặt nằm ngoài sự điều khiển của ta.
Ví dụ:
Hãy tưởng tượng việc đón một chiếc tắc-xi và yêu cầu người tài xế đưa bạn tới trung tâm thành phố. Nhưng ông ta lại chở bạn tới một nơi hoàn toàn khác và nói: “Tới rồi. Anh có thể ra được rồi đó!” Và bạn bảo, “Nhưng tôi không muốn tới đây. Sao lại chở tôi tới đây?” Và ông ta trả lời, “Tôi thấy là các khu vực khác không mấy an toàn cho bạn, vì thế làm ơn ra khỏi xe đi.”
Đối với mỗi người, vị khách trong chiếc tắc-xi là ý thức và tài xế là tiềm thức. Tiềm thức không được chỉ đạo bởi mục tiêu và những lời chỉ dẫn có chủ định; đúng hơn, nó được chỉ đạo bởi niềm tin của nó. Ví dụ, nếu nó tin sự giàu sang có hại cho bạn hoặc bạn không xứng đáng với giàu sang, thì cho dù bạn đặt ra bao nhiêu mục tiêu về sự giàu sang đi nữa, tất cả đều kết thúc trong thất bại.
Niềm tin được tạo ra bởi tiềm thức hình thành trong những trải nghiệm thời thơ ấu và chúng vẫn được cho là đúng đến khi nào chúng được thay thế bởi những trải nghiệm dẫn tới một niềm tin mới. Ví dụ, nếu một đứa trẻ luôn bị xem thường, chế nhạo và khinh miệt, tiềm thức của nó tin rằng nó đáng khinh. Nếu sau này, nhiều người khuyến khích nó, truyền “lửa” cho nó, và khen ngợi nó, trải nghiệm mới sẽ tạo nên một niềm tin mới tương ứng.
Chìa khoá để giải quyết vấn đề về những niềm tin tiêu cực trong tiềm thức nằm ở chỗ: tiềm thức không thể phân biệt giữa những trải nghiệm có thật và tưởng tượng. Hãy nhìn vào một ví dụ để xét xem ta có thể áp dụng nguyên tắc này như thế nào.
Ví dụ
An là một sinh viên, anh ta ngại nói trước công chúng. Ăn sâu vào tiềm thức của anh ta là một niềm tin tiêu cực, cái mà là nguyên nhân cho sự thiếu tự tin của mình. Anh ta không cần phải khám phá hay tìm hiểu những trải nghiệm thơ ấu của mình đã gây ra vấn đề này. Tất cả những gì anh ta phải làm là dành ra 10 phút một ngày để tưởng tượng mình trở thành một diễn giả tài ba. Khi niềm tin mới đã hình thành, An có thể dễ dàng nói trước công chúng, có thể sẽ gặp khó khăn lúc đầu bởi vì anh ta thiếu kinh nghiệm thực tế, nhưng anh ta sẽ có thể nói, và sẽ trở nên điêu luyện hơn sau mỗi lần cố gắng.
Trí tưởng tượng là có tác động rất lớn, và nó còn mạnh hơn cả lí trí và sự quyết tâm. Nó có thể trở thành bạn đồng minh tuyệt vời nhất hoặc kẻ thù tồi tệ nhất. Sinh viên khác là Tuấn tưởng tượng cảnh mọi người trong lớp cười cợt khi anh ta nói. Không gì có thể xua tan sự lo ngại của anh ta. Hãy lưu ý sự khác nhau giữa An và Tuấn. Trí tưởng tượng của Tuấn không có kế hoạch, không thể điều khiển, và ngoài tầm kiểm soát. Nó như một gánh nặng, nó điều khiển Tuấn. Nhưng trí tưởng tượng của An được anh ta quản lí và nằm trong tầm kiểm soát của mình. Anh ta dành ra 10 phút 1 ngày để khai thác triệt để sức mạnh của nó.
Sự điều khiển trí tưởng tượng có chủ đích của ta được gọi là sự hình dung hoá hoặc hình ảnh hoá. Ta cũng có thể gọi nó là sự mơ mộng. Nhưng có 2 dạng: ý thức và vô thức. Mơ mộng vô thức là không chủ tâm; nó không được lên kế hoạch; ta lệ thuộc vào nó một cách vô thức. Nó khá phổ biến và cũng rất nguy hiểm vì nó có thể gợi lại những trải nghiệm tiêu cực như là: người ta cười cợt ta. Và tiềm thức của ta sẽ giải mã những điều tưởng tượng này thành như những điều có thật, củng cố thêm những niềm tin tiêu cực của ta, và biến nó thành một vết sẹo tâm hồn. Vì thế, ta cần nhận thức rõ về sự mơ mộng và sử dụng chúng một cách thông minh.
Vì thành công của sự thiết lập mục tiêu lệ thuộc vào niềm tin của tiềm thức, ta cần chú ý nhiều hơn tới việc xây đắp ước mơ. Nghĩa là, rèn luyện cách ta mơ mộng có thể giúp củng cố mục tiêu của ta, thay đổi niềm tin, và chạm đến những ước mơ. Ước mơ có thể trở thành khát vọng của ta hoặc làm bừng cháy khao khát đạt được điều gì đó. Và khi khát vọng đó đủ lớn thì ta hoàn toàn có thể “biến ước mơ thành hiện thực” (xem thêm Làm thế nào để có khát vọng lớn).Ví dụ, khi còn là một đứa trẻ, Tiger Woods đã có ước mơ trở thành một tay gôn đẳng cấp, vì thế ông đã tập luyện hằng ngày.
b. Sự khác biệt giữa ước mơ và mục tiêu
Ta hãy xem qua 10 điểm khác nhau giữa ước mơ và mục tiêu.
- Mục tiêu là điều mà bạn có những hành động để đạt được nó. Ước mơ là điều mà bạn chỉ suy nghĩ về nó. Mục tiêu đòi hỏi bạn phải có những hành động, còn ước mơ không đòi hỏi bạn phải làm gì cả, thậm chí còn xuất hiện cả trong giấc ngủ của bạn.
- Mục tiêu có thời hạn, còn ước mơ thì không. Mục tiêu bắt buộc phải có hạn định, giới hạn về thời Giấc mơ có thể là mãi mãi. Ta có thể thấy rằng rất nhiều người sống với mơ ước của mình suốt đời mà không bao giờ đạt được chúng.
- Mục tiêu đòi hỏi bạn phải có sự trả giá, còn Ước mơ không tốn kém gì cả. Bạn hoàn toàn có thể tự do mơ ước mà không phải tốn kém bất kỳ thứ gì của mình cả. Trong khi đó mục tiêu sẽ có giá của nó, đòi hỏi bạn tiêu tốn thời gian, tài lực, nỗ lực của bạn, thậm chí có thể là mồ hôi, nước mắt nữa. Bạn có sẵn sàng trả giá như thế nào cho những mục tiêu của mình?
- Mục tiêu mang đến kết quả, ước mơ thì không. Bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình? Công việc? Vị trí trong xã hội? Với mục tiêu bạn có thể đạt được.
- Mục tiêu có nền tảng là hiện thực, ước mơ là trí tưởng tượng. Bạn hoàn toàn có thể mơ ước trở thành siêu nhân, nhưng có lẽ là sẽ không xảy ra. Mục tiêu là những thứ mà bạn thực sự có thể đạt được. Mục tiêu nên to lớn nhưng không siêu thực.
- Mục tiêu có điểm đích của nó, ước mơ thì vô tận. Ước mơ không cần phải có điểm kết thúc, còn mục tiêu phải có kết quả cụ thể.
- Mục tiêu có thể thay đổi cuộc đời bạn, ước mơ có thể tạo cảm hứng cho bạn. Ước mơ có thể cho bạn động lực, khơi nguồn cảm hứng trong bạn, nhưng mục tiêu có thể giúp bạn thay đổi cuộc đời hoàn toàn.
- Mục tiêu có trọng tâm, ước mơ thì không. Mục tiêu có thể vô định, là suy nghĩ bất định. Mục tiêu cần phải có sự tập trung cao, chúng phải rõ ràng và bạn cần luôn suy nghĩ về chúng.
- Mục tiêu đòi hỏi bạn phải lao động vất vả, mục tiêu chỉ cần trí tưởng tượng của bạn. Để mơ ước rất dễ dàng. Ai cũng đều có ước mơ, nhưng ít người có mục tiêu.
- Mục tiêu thử thách bản thân bạn, ước mơ thử thách trí tưởng của bạn. Mơ ước sẽ dẫn đến những ước mơ to lớn hơn. Chúng thử thách giới hạn của trí tưởng tượng. Còn mục tiêu sẽ thử thách chính bản thân bạn. Chúng làm tăng cường những kỹ năng, khả năng của bạn và thay đổi bạn vĩnh viễn.
4. Mục tiêu mơ hồ sẽ cho kết quả mơ hồ
Xem tại:
- Nguyên tắc SMART về thiết lập mục tiêu
- Thuyết Locke về lập mục tiêu
5. Phân loại mục tiêu
a. Bạn chỉ có một mục tiêu duy nhất?
Trong phần xác định mục tiêu trên, ta đã cùng xem xét qua cách thức để thiết lập một mục tiêu một cách hiệu quả nhất cho mình. Nhưng bạn cũng thấy rằng trong cuộc sống của mình, bạn không chỉ muốn đạt được một mục tiêu duy nhất, phải không nào. Trong từng khía cạnh cuộc sống của mình, ta đều có những mục tiêu riêng để hướng đến. Hơn nữa khi đã lập những mục tiêu như vậy, ta còn phân nhỏ những mục tiêu đó thành nhiều mục tiêu nhỏ hơn. Đến đây bạn có thể thấy rằng bạn có rất, rất nhiều mục tiêu cần phải đạt được.
Làm thế nào mình có thể quản lý, kiểm soát được những mục tiêu nhiều như thế? Lúc này bạn cần phải tiến hành phân loại các mục tiêu đã định thành những nhóm để xác định.
b. Mục tiêu chính / Mục tiêu hỗ trợ / Mục tiêu nên có
- Mục tiêu chính (mục tiêu rất quan trọng): là mục tiêu chung, tổng quát mà bạn muốn đạt được
- Mục tiêu hỗ trợ (mục tiêu quan trọng): là những mục tiêu bạn cần phải đạt được chúng, giúp bạn dần đạt được mục tiêu chính ở trên.
- Mục tiêu nên có (mục tiêu không quan trọng): là những mục tiêu mà nếu bạn không đạt được cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu chính của bạn.
Trước khi bạn thực hiện phân loại các mục tiêu của mình, hãy lưu ý rằng ta đang phân loại cho một mục tiêu chính. Lúc đó bạn sẽ thấy có thể xuất hiện những mục tiêu mình nên có đối với mục tiêu chính đó. Với một mục tiêu chính cụ thể thì đó có thể là mục tiêu bạn nên có, nhưng khi bạn xem xét mục tiêu chính khác của bạn thì những mục tiêu nên có đó có thể lại được phân loại thành mục tiêu hỗ trợ cho mục tiêu chính khác.
Bài tập
Bạn hãy phân loại các mục tiêu trong cuộc sống của bạn đã lập theo từng nhóm:
- Mục tiêu chính
- Mục tiêu hỗ trợ
- Mục tiêu nên có
Khi bạn đã phân loại những mục tiêu thành từng nhóm bạn có thể thấy rằng bạn nhìn nhận được tốt hơn về những mục tiêu mà mình muốn đạt được.
c. Mục tiêu dài hạn / trung hạn / ngắn hạn
Sau khi thực hiện bước phân loại trên, bạn có thể vẫn còn mơ hồ về việc ta cần phải bắt đầu theo đuổi mục tiêu nào, thực hiện việc gì trước tiên. Bước tiếp theo này ta sẽ đưa thời gian thực hiện cho mục tiêu.
- Mục tiêu dài hạn: Những mục tiêu lớn, quan trọng mà bạn không thể đạt được ngay. Thông thường đó là những mục tiêu mà bạn đang nhắm đến trong thời hạn từ 5 năm trở lên.
- Mục tiêu trung hạn: Là những mục tiêu bạn cũng không thể đạt được ngay, nhưng bạn cần phải đạt được chúng để mục tiêu lớn, quan trọng của bạn trong dài hạn có thể đạt được. Thông thường là những mục tiêu bạn cần đạt được trong vòng 1-5 năm.
- Mục tiêu ngắn hạn: Là những mục tiêu mà bạn cần phải bắt đầu thực hiện ngay hay trong tương lai gần. Thông thường là những mục tiêu bạn đặt thời hạn dưới 1 năm.
Câu hỏi:
Bạn hãy phân loại các mục tiêu trong cuộc sống của bạn đã lập theo từng nhóm:
- Mục tiêu dài hạn
- Mục tiêu trung hạn
- Mục tiêu ngắn hạn
Khi bạn thực hiện phân loại các mục tiêu, bạn sẽ nhận thấy có nhiều mục tiêu sẽ giống nhau, hoặc bạn có quá nhiều mục tiêu. Khi đó bạn nên gom các mục tiêu tương tự nhau thành một mục tiêu. Nếu bạn có quá nhiều mục tiêu thì cần phải xem xét, cân nhắc lại những mục tiêu đó và rút gọn lại danh sách mục tiêu có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất với bản thân bạn. |
Các công cụ hỗ trợ lập mục tiêu
- Sơ đồ tư duy (Mindmap)
- Công não Braintorming
Nguồn tham khảo: ufm.edu.vn
5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:- Nguyên tắc SMART về thiết lập mục tiêu
- Thuyết Locke về lập mục tiêu
- Định hướng nghề nghiệp thông qua Huấn luyện cuộc sống cá nhân
- Kĩ năng kết nối bằng sử dụng giao tiếp không lời
Từ khóa » Những Gì Bạn Nhận được Khi Hoàn Thành Mục Tiêu
-
Đề Thi HSG Chứng Minh Nhận định Cái Quý Của Nhà Văn Là Sáng Tạo ...
-
Saigon Books - "Những Gì Bạn Nhận được Khi Hoàn Thành Mục Tiêu ...
-
Đề Thi HSG Chứng Minh Nhận định Cái Quý Của Nhà Văn Là Sáng Tạo ...
-
Viết đoạn Văn Nghị Luận Về Mục Tiêu (7 Mẫu) - Văn 12
-
Cần Làm Những Gì để đạt được Mục Tiêu đề Ra?
-
6 Bước đạt được Mục Tiêu Sự Nghiệp Của Bạn
-
Cách Hoàn Thành Mục Tiêu Nhanh Hơn Bạn Nghĩ
-
5 YẾU TỐ GIÚP NHÂN VIÊN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
-
Phương Cách Hoàn Thành Mục Tiêu Nhanh Hơn - Doanh Nhân Sài Gòn
-
Hãy Luôn Là Người Hoàn Thành Mục Tiêu | Phạm Thanh Thảo
-
Mục Tiêu Là Gì? Cách đặt Mục Tiêu Trong Công Việc Và Cuộc Sống
-
Mục Tiêu Là Gì? Làm Thế Nào để Xác định Mục Tiêu?
-
21 điều Giúp Bạn Giữ động Lực Hoàn Thành Mục Tiêu - Viblo
-
10 điều Cản Trở Bạn đạt được Mục Tiêu Của Mình