Thiếu Hiểu Biết Hay Thời Trang Lố? - CAND
Có thể bạn quan tâm
- Thời trang trong phim ảnh: Không chỉ là nét điểm tô
- Việt Nam lên tiếng vụ hãng thời trang dùng bản đồ có đường lưỡi bò
Tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, trong khi tỏ vẻ thành kính thắp hương trước đài liệt sĩ, thì người này vẫn diện nguyên “cây” quân phục có hình ảnh con diều hâu thêu nổi trên tay áo của sư đoàn lính dù Mỹ mà chính những kẻ đeo tấm huy hiệu này trước đây đã gây ra nhiều tội ác với biệt danh “thiên thần sát Cộng”.
Điều này cho thấy, vấn đề về nhận thức của nhiều người Việt đối với việc mang, mặc quân phục của lính Mỹ, chế độ cũ ở miền Nam là rất đáng báo động. Thậm chí, đã có những biến tướng quan ngại trong hoạt động, giao lưu của nhiều nhóm người thuộc các Câu lạc bộ “Yêu đồ lính” tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Còn nhớ cũng vào thời điểm này năm ngoái, hàng chục video clip được lan truyền tốc độ chóng mặt với phần âm nhạc là những ca khúc của chế độ Sài Gòn cũ như “Giã từ vũ khí”, “Huyền sử ca một người phi công tên Quốc”, “Thiên thần mũ đỏ”, “Trên bốn vùng chiến thuật”…
Điều đáng lên án hơn, minh họa hình ảnh cho những ca khúc ấy là hàng chục con người mặc đủ các thể loại quần áo rằn ri, vằn vện của các sắc lính thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ trước năm 1975, diễn lại những cảnh chiến đấu với quân đội nhân dân Việt Nam, có đầy đủ súng ống, lựu đạn, dao găm và bị thương tơi tả.
Địa điểm quay clip được chú thích là trong các cánh rừng vắng ở Khe Sanh (Quảng Trị), Cao Phong (Hòa Bình), Đình Lập (Lạng Sơn), Cúc Phương (Ninh Bình)… Nhiều kẻ cơ hội chính trị đã nhân hiện tượng này để bình luận, “chém gió” trên các trang phản động với lời ca tụng “chế độ Việt Nam Cộng hòa đã chết nhưng vẫn còn sống trong lòng dân”. Đồng thời, vừa tôn vinh quân phục của kẻ “chiến bại”, chúng cũng không quên bình phẩm xúc phạm quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam là “xấu”, “rách rưới”… nên chẳng ai thích, không ai thèm mặc nó(!)
Và diễn viên chính, cũng chính là người đã thị phạm, hướng dẫn, đạo diễn cho những “binh lính” nửa mùa diễn cảnh què quặt, đói ăn trong clip, nực cười lại là một NSƯT được nhà nước phong tặng - người đã khá nổi danh trên truyền hình qua các vai phản diện. Nhiều người xem đã bức xúc đến mức đòi hủy bỏ danh hiệu NSƯT của ông ta. Thậm chí có người đặt nghi vấn, không loại trừ khả năng các tổ chức phản động ở nước ngoài đã mua chuộc để “diễn” các vai “lính ngụy” thời bình với âm mưu bình thường hóa chính quyền Sài Gòn xưa và qua đó từng bước thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình tại Việt Nam?
Sự việc chưa lắng xuống thì đến tháng 11-2020, tại hội trường khu 1, thị trấn Cao Phong, Hòa Bình, những người có sở thích “dị hợm” này lại tập trung nhảy nhót và hát những ca khúc đầy kích động ngay dưới Quốc kỳ, Đảng kỳ thiêng liêng.
Đa phần họ đều đã ở tuổi trung niên, cười nói rủ nhau chụp ảnh, livestream tung lên mạng, nghênh ngang giữa thanh thiên bạch nhật với vẻ mặt hầm hố, bạo lực, yêng hùng y như “tổ chức phế binh Việt Nam Cộng hòa” sinh hoạt tại Kỳ Đồng trước đây hay những “bại binh” giương cờ ba sọc để kiếm chút tiền còm bên Mỹ. Rồi ở một số cuộc giao lưu khác cùng ngồi khề khà ăn nhậu, hát “văng thiên địa” và thể hiện “vũ đạo” theo kiểu giang hồ… Rồi tập trung đông đảo “hàn huyên” (cách họ giới thiệu clip) tại Quảng trường Ba Đình. Thậm chí, một số người trong đó từng là cựu chiến binh, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn ồn ào, náo nhiệt mặc quân phục cỏ úa để nhảy và hú hét cùng “lính Việt Nam Cộng hòa”.
Và càng quá đáng hơn, cách đây một thời gian, khi cả nước chuẩn bị kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thì tại đường Võ Thị Sáu, Kp7 phường Thống Nhất, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quán cà phê ARMYđã rình rang khai trương vào ngày 15-4-2021.
Điều đáng nói là quán trang trí khung cảnh khơi gợi lại “hồn ma” chế độ cũ bằng hình ảnh nhân viên phục vụ mặc quần áo rằn ri của lính Việt Nam Cộng hòa, hình xe tăng, thiết giáp M113, lô cốt, các mô hình ấp chiến lược, khu quân sự... Và nữ nhân viên bưng bê của quán thì được cấp đồng phục may theo kiểu quân phục của “lực lượng Bình định nông thôn” - một đội quân chuyên truy quét, cướp bóc của nhân dân trong vùng địch tạm chiếm trước đây.
Anh Lương Thanh Hải, một người dân ở Biên Hòa gửi cho tôi những bức hình phía ngoài quán mà nhìn tưởng như công sự dã chiến và bày tỏ thái độ bức xúc bởi cha anh là người đã hy sinh tại cửa ngõ phía Đông để tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975. Đương nhiên, cái quán “quái gở” ấy vừa khai trương chưa đầy một buổi, chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Hồng đã phải ngậm ngùi ký vào biên bản kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành phường Thống Nhất, ngay sau đó đóng cửa để sửa chữa, trang trí lại.
Trên một số hội nhóm Facebook, sẽ rất dễ dàng để gia nhập các group “Yêu đồ lính Thành Nam”, “Anh em yêu đồ lính Thủ đô”, “Đồ lính Mỹ” hay “Hội đam mê đồ lính Hải Dương”, “Chơi đồ lính xứ Lạng”, “Phong cách lính miền Trung”…, có số lượng thành viên mỗi nhóm lên tới hàng trăm người.
Hoạt động của các nhóm này khá sôi nổi với việc giao lưu khu vực trong nội tỉnh, giao lưu giữa các tỉnh với nhau. Họ tự hào khi sở hữu những món đồ “độc”, “lạ” là những món đồ lính Mỹ, ngụy đã qua sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Xuất xứ, lai lịch của món đồ càng “thảm thiết”, chủ nhân cũ của món đồ càng “oanh liệt” có nhiều thành tích chống Cộng, ruồng bố, giết hại dân lành… thì nó lại càng có giá trị sưu tập.
Là người đã có hàng chục năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, nguyên Cục trưởng Cục An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Bộ Công an tỏ ra rất bức xúc trước sở thích kì dị và sự lố lăng, kém hiểu biết của những người tự cho rằng mình mặc “trang phục lính Việt Nam Cộng hòa” là thể hiện ngưỡng mộ “chất lính”, nét đẹp khỏe khoắn, hay đó là sự “tự do”, “phá cách”, khẳng định đẳng cấp về “sự ăn mặc”?
Thiếu tướng cho rằng, việc ăn, mặc là quyền tự do của công dân trong mọi lĩnh vực đều được chính quyền và cộng đồng tôn trọng. Người dân Việt Nam tiệm cận nhanh và bắt kịp xu thế với các trào lưu văn hóa, thị hiếu của thế giới và khu vực. Do đó, thời trang, “gu” thẩm mỹ trong ăn, mặc của từng cá nhân cũng thay đổi, “cập nhật” theo sự phát triển đa chiều của thế giới thời trang. Song sự xuất hiện của một lượng lớn người mang mặc trang phục từ đầu đến chân của chế độ Việt Nam Cộng hòa cách đây đã gần nửa thế kỷ hẳn là sẽ có những vấn đề gì khác ẩn chứa dưới vỏ ngoài bộ trang phục “độc, lạ” kia?
Câu hỏi của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ là rất đáng lưu tâm, bởi xu hướng mặc đồ lính Việt Nam Cộng hòa vốn dĩ đã thịnh hành trong các tỉnh phía Nam một thời gian dài. Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung cho biết, anh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã lâu, thường xuyên giao lưu, gặp gỡ với nhiều cựu chiến binh của cả hai phía nên anh hiểu, có một bộ phận người miền Nam còn hoài niệm về ký ức của cuộc chiến đã qua từ rất lâu, họ mua đồ “nhà binh” nhằm thể hiện sự hiểu biết, chứng tỏ được đẳng cấp của một người lắm tiền bạc. Đây là một quan niệm lệch lạc, bộc lộ sự lệch lạc trong lối sống, dẫn đến tự hạ thấp giá trị của bản thân.
Song, khi trào lưu này âm thầm lan ra, và thể hiện một cách đầy “kiêu hãnh” bởi hàng trăm con người được gọi là thành viên ưu tú của CLB Yêu đồ lính miền Bắc khi họ mặc đủ loại quần áo lính để tụ tập, hội hè tại các cơ sở thờ tự như Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội rồi diễu hành trên xe jeep khắp các ngả đường trung tâm, gây sự chú ý của người dân, thì câu chuyện có lẽ không chỉ dừng lại ở một sở thích ăn mặc nữa?
Nhân danh cái gọi là “hội yêu đồ lính”, họ ngông nghênh đi khắp nơi, ngang nhiên đưa lên Internet hình ảnh cả đám “lộn xà bần” trong các sắc lính từ mũ nồi đỏ, mũ nồi xanh, đến biệt động, thủy quân lục chiến… Hay lôi nhau vào rừng dựng cảnh vác súng, đánh trận, bị thương… rồi cắt ghép minh họa cho các bài hát ca ngợi “quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Đó chắc chắn là sự cổ súy, sự kích động hận thù, gợi lại nỗi đau chiến tranh.
Vậy nên, trò diễn “thời trang lính Việt Nam Cộng hòa” đầy ồn ào và tưởng như vô hại lại ẩn chứa sự thâm hiểm của “diễn biến hòa bình”, đã giúp cho đám phản động lưu vong đạt được nhiều mục đích: Một là, bằng việc phổ biến hình ảnh mặc đồ lính Việt Nam Cộng hòa mà trước hết là tại thủ đô Hà Nội, nó sẽ làm hình ảnh phế binh đó trở nên nhàm mắt, biến đây thành một trào lưu cho một bộ phận mù quáng thiếu hiểu biết. Hai là, khi đã khơi gợi sự đam mê và cuốn theo trào lưu này, không ít người từ mê quần áo sẽ có cái nhìn thiện cảm về lính Việt Nam Cộng hòa, xóa nhòa ranh giới của một đội quân đã một thời chống lại Tổ quốc mình.
Và với sự tìm hiểu, suy luận của chính mình, người viết bài này cũng không ngoại trừ khả năng từ việc xóa nhòa ranh giới, sự phân định của ngụy quân, ngụy quyền, các thành viên “yêu đồ lính” ở các tỉnh thành sẽ dần dần trở thành cơ sở để các tổ chức phản động lưu vong nhắm tới, biến các CLB này trở thành một tổ chức ngoại vi, phục vụ cho hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước khi có thời cơ hành động.
Thử vào các trang cá nhân của một số người được coi là thủ lĩnh của các hội nhóm, có thể thấy được nhiều tư tưởng, nhìn nhận về đất nước khá cực đoan, thiếu niềm tin và bất mãn với chế độ. Các thành viên khác cũng cho thấy sự lệch lạc về nhận thức cũng như cảm tính cá nhân mà quy chụp nhiều vấn đề một cách tiêu cực, không cần biết phải, trái, đúng sai. Nếu bị kích động, họ hoàn toàn có thể trở thành những “que diêm” dự trữ nằm trong âm mưu gây dựng những đốm lửa nhỏ ở trong nước, để đốt lên một ngọn lửa lớn của bọn phản động đang nhăm nhe “chuyển lửa về quê hương”.
Trước tình hình trên, cần có một chế tài, một quy định cứng rắn cho việc mặc trang phục của lính Việt Nam Cộng hòa là điều rất nhiều người mong muốn. Tuy nhiên điều đáng nói là trước hiện tượng đáng phê phán nêu trên, đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào quan tâm một cách đúng mức để có biện pháp chấn chỉnh thứ hành vi phản cảm, diễn ra đã quá lâu và khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ này.
“Mặc cái gì tốt đẹp thì nên mặc, còn mặc đồ của đội quân đã một thời đi đến đâu là đàn áp, bắn giết, cướp bóc, đốt nhà, đánh đập, tra tấn người Việt Nam đến đó chỉ vì có liên quan đến Việt Cộng thì có nên cổ súy không? Chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã quá rõ ràng, được thể hiện ngay khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không để xảy ra cảnh “tắm máu trả thù” như luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lí của địch. Bởi vậy, hàng vạn người vì nhiều lí do mà đã một thời phải cộng tác với chế độ cũ đã bình an sống giữa quê nhà (kể cả người đang sinh sống ở nước ngoài) đã và đang hướng về Tổ quốc, chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Mọi việc làm gợi lại nỗi đau quá khứ, kích động hận thù, đều phải lên án. Chúng ta không thể nhận thức mơ hồ, không thể tiếp tục buông lỏng quản lý để những chiêu trò kia ngày càng ngang nhiên, lố bịch” - Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ nhấn mạnh.
Từ khóa » Giày Lính Việt Nam Cộng Hòa
-
Giày Lính Việt Nam Cộng Hòa Giá Cực Tốt, Đổi Trả Miễn Phí - Sendo
-
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa | ĐỐI GIẦY TRẬN | Facebook
-
Tổng Hợp Giày Lính Vnch Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 7/2022 - BeeCost
-
Trailer QUÂN PHỤC QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA - YouTube
-
CHO NGƯỜI VÀO CUỘC CHIẾN - Nhạc Lính Cộng Hòa Năm Xưa
-
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chiêu Hồi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Theo Dấu Giày Sô "Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử"
-
Theo Dấu Giày Sô "Anh Hùng Tử, Khí Hùng Bất Tử"
-
Nhân 30/4 Nghĩ Về Nghĩa Trang Quân Nhân VNCH - BBC