Thiếu Ngủ Dù Chỉ Một đêm Cũng đủ Gây Hại Sức Khỏe - Báo Tuổi Trẻ

Thiếu ngủ dù chỉ một đêm cũng đủ gây hại sức khỏe - Ảnh 1.

Nếu cảm thấy mệt, hãy cứ thiếp đi với những giấc ngủ ngắn cũng tốt cho cơ thể - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hãy nâng niu và yêu thương giấc ngủ, không thức quá khuya.

Ngủ đủ sảng khoái

Giấc ngủ không phải là sự ngưng nghỉ hoạt động hoàn toàn mà là một dạng đặc biệt của hoạt động cơ thể, giúp cơ thể phục hồi năng lượng đã tiêu hao khi thức.

Thời lượng trung bình của giấc ngủ là 8 tiếng nhưng không nhất thiết luôn luôn như vậy. Dấu hiệu cho biết ngủ đủ là có sự sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức giấc vào ban ngày.

Còn mất ngủ hay khó ngủ là chứng bệnh gây khó khăn trong đời sống rất nhiều người. Khó ngủ có nhiều dạng, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được, hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần dài hơn 30 phút.

Thực tế cho thấy nữ bị mất ngủ nhiều hơn nam, nhất là ở tuổi gần mãn kinh, nhưng nguyên nhân có lẽ do những bệnh liên hệ hơn là do thiếu hormone.

Song càng lớn tuổi càng dễ bị mất ngủ, có thể do những bệnh phát sinh ở người cao tuổi mắc bệnh về nội, ngoại khoa như đau dạ dày, sau phẫu thuật, cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh đường hô hấp... Đây là mất ngủ nhất thời, chỉ cần điều chỉnh một chút về giấc ngủ tại thời điểm đó, khi bệnh được điều trị khỏi thì giấc ngủ sẽ trở lại bình thường.

Thiếu ngủ dù chỉ một đêm cũng đủ gây hại sức khỏe - Ảnh 2.

Phải tìm nguyên nhân khi bị mất ngủ

Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Có 3 loại: mất ngủ tạm thời: kéo dài chỉ trong 3 ngày do biến động (lạ chỗ, du lịch sang nước có múi giờ khác, do chỗ ngủ nóng, lạnh, ồn ào, quá sáng...); mất ngủ ngắn hạn: kéo dài trên 3 ngày đến 3 tuần do stress, phiền muộn, do dùng thuốc; mất ngủ kinh niên (hay mãn tính): kéo dài trên 3 tuần đến trong vài tháng, do có rối loạn trong cơ thể (bệnh nội khoa, trầm cảm...).

Phổ biến mất ngủ do "stress" - mất ngủ do tâm sinh lý rối loạn. Dạng mất ngủ này thường xảy ra do xúc cảm buồn, chán, thất vọng, thất bại trong công việc, căng thẳng, lo âu, xung đột trong gia đình, xã hội... Nhiều người bệnh mất ngủ do tâm sinh lý, dùng thuốc ngủ lúc đầu có hiệu quả, nhưng sau đó lại gặp rắc rối vì nghiện thuốc và tương tác với rượu. Khi bệnh trở thành mãn tính, dù dùng thuốc họ cũng ít khi ngủ được và trạng thái bệnh lý sẽ trầm trọng thêm.

Sinh hoạt thường ngày nếu không chừng mực, làm nhiều việc, không hoạt động thể dục thì có thể làm chứng bệnh mất ngủ nặng hơn.

Các chuyên gia về sức khỏe khuyên rằng khi bị mất ngủ, người bệnh đừng vội uống thuốc ngủ mà hãy đến bác sĩ để tìm nguyên nhân. Với mỗi nguyên nhân gây bệnh, thầy thuốc sẽ có cách điều trị khác nhau.

Mất ngủ do môi trường sinh sống: do sinh sống ở nơi có quá nhiều tiếng ồn, nhà chật chội, mất vệ sinh, uống rượu bia say xỉn, hút thuốc lá nhiều... đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi. Khi nhịp sống sinh học bị phá vỡ thì có thể dẫn đến mất ngủ, sức khỏe giảm sút, luôn buồn phiền mệt mỏi, khó tập trung, chán nản, uể oải, trí nhớ kém... sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng học tập của mọi người.

Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy quá trình trao đổi chất của chúng ta bị ảnh hưởng khi mất ngủ. Nghiên cứu khác mới đây cho thấy trường hợp mất ngủ hoặc thức đêm kéo dài như làm việc ca đêm có thể khiến bộ gen thay đổi và ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong suốt thời gian dài.

Dùng thuốc ra sao?

Hãy cố gắng ngủ đủ, nếu bị thiếu ngủ hay mất ngủ nhất thời chớ vội dùng tất cả các thuốc ngủ nói chung. Thuốc ngủ thường chỉ dành cho những người rối loạn tâm thần, gây mê phẫu thuật, vì đằng sau tác dụng gây ngủ chúng có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc đó là nghiện, độc hại gan thận...

Có thể dùng nhiều thảo dược sẵn có như dùng lá lạc tiên và tâm sen sắc thật đặc lấy nước uống. Sử dụng khoảng 5 - 10 ngày liên tục sẽ hiệu nghiệm giúp ngủ sâu và sau khi ngủ dậy người rất thoải mái, tỉnh táo.

Ngoài ra còn có thể dùng lạc tiên, tâm sen, bá tử nhân... cho tất cả những người bị mất ngủ như người cao tuổi hay người căng thẳng, áp lực trong công việc; các học sinh, sinh viên đang lo lắng, căng thẳng trong quá trình học tập, thi cử...

Từ khóa » Không Ngủ Một Ngày