Thổ Nhĩ Kỳ đổi Tên Nước Vì Không Muốn Bị Gọi Là... Gà Tây - PLO

Theo tin từ hãng AP ngày 2-6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã chính thức gửi thư tới Liên Hợp Quốc (LHQ) và nhiều cơ quan quốc tế khác thông báo đổi tên nước từ Turkey sang Türkiye.

Thực ra tên Türkiye không mới hay xa lạ với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, vì người dân nước này đã tự gọi quốc gia mình là “Türkiye” (được đánh vần và phát âm bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là tur-key-YAY) từ năm 1923 sau khi đất nước tuyên bố độc lập. Song khi viết và đọc từ “Türkiye” bằng tiếng Anh thì lại thành từ “Turkey” (theo nghĩa tiếng Anh là con gà tây).

Tra từ “Turkey” trong trang tìm kiếm Google phần lớn cho ra hình ảnh con gà tây. Ảnh: Màn hình Google

Tra từ “Turkey” trong trang tìm kiếm Google phần lớn cho ra hình ảnh con gà tây.

Ảnh: Màn hình Google

Có hẳn chiến dịch từ bỏ tên “gà tây”

Từ tháng 12-2021, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn lạm phát tăng vọt và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đẩy mạnh nỗ lực đổi tên Turkey được quốc tế công nhận thành Türkiye. Lúc phát động chiến dịch, Tổng thống Erdogan đã nói rằng từ “Türkiye đại diện và thể hiện tốt nhất nền văn hóa, nền văn minh và các giá trị của người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Với bên ngoài, Tổng thống Erdogan đưa ra bản ghi nhớ yêu cầu các nước khác sử dụng tên Türkiye. Trong nước, tháng 12-2021, Tổng thống Erdogan ra lệnh dùng tên Türkiye, trong đó có việc sử dụng “Made in Türkiye” (sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ) thay vì “Made in Turkey” trên các sản phẩm xuất khẩu. Các bộ và các cơ quan nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sử dụng Türkiye trong các tài liệu chính thức.

Đầu năm nay, chính phủ đã phát hành một video quảng cáo như một phần trong nỗ lực thay đổi tên nước bằng tiếng Anh. Video cho thấy khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới nói “Xin chào Türkiye” tại các điểm đến nổi tiếng. Tổng cục Truyền thông đã chia sẻ video quảng bá “Xin chào Türkiye” trên các tài khoản mạng xã hội và đã thu hút hơn 30 triệu người xem. Các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ như Turkish Airlines cũng tích cực tham gia chiến dịch này.

Đài phát thanh truyền hình nhà nước nói tiếng Anh TRT World của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết mục tiêu của chiến dịch là “thông báo và nâng cao nhận thức toàn cầu về việc sử dụng tên gốc của đất nước”. TRT World đã chuyển sang sử dụng từ “Türkiye” mặc dù các nhà báo thỉnh thoảng vẫn nói “Turkey” vì chưa quen với sự thay đổi này.

TRT World đã giải thích quyết định này trong một bài báo vào đầu năm nay rằng khi tra từ “Turkey” trong trang tìm kiếm Google thì ra “một tập hợp lộn xộn các hình ảnh, bài báo và định nghĩa từ điển liên hệ đất nước với Meleagris, hay còn được gọi là gà tây, một loài chim lớn có nguồn gốc từ Bắc Mỹ - vốn nổi tiếng được phục vụ trong thực đơn Giáng sinh hay bữa tối trong lễ tạ ơn”. Trong khi đó, lướt qua Từ điển Cambridge thì “Turkey” được định nghĩa là “thứ gì đó thất bại nặng nề” hoặc “một người ngu ngốc hoặc ngớ ngẩn”.

TRT World lập luận rằng người Thổ Nhĩ Kỳ thích quốc gia của họ được gọi là Türkiye để góp phần thực hiện mục đích của quốc gia là xác định cách người khác nhận dạng quốc gia mình.

“Tôi muốn thông báo với các bạn rằng phù hợp với thông tư của tổng thống được đề ngày 2-12-2021, về việc sử dụng từ “Türkiye” ở các ngôn ngữ nước ngoài và chiến lược xây dựng thương hiệu, chính phủ Cộng hòa Turkiye từ đây sẽ bắt đầu sử dụng “Türkiye” để thay thế các từ như “Turkey”, “Turkei” và “Turquie” đã được sử dụng trong quá khứ để chỉ Cộng hòa Turkiye“ - Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu viết trong thư trình lên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

LHQ chấp nhận Türkiye là tên quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ

Viết trên Twitter sau khi LHQ nhận thư đề nghị đổi tên quốc gia từ Turkey sang Türkiye, Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định quá trình và nỗ lực dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan nhằm nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia đã hoàn thành.

“Cùng với Ban giám đốc truyền thông, chúng tôi đã thành công chuẩn bị một nền tảng tốt cho việc này. Chúng tôi đã tạo điều kiện cho LHQ và các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác nhận thấy sự thay đổi này khi sử dụng tên Türkiye” - Ngoại trưởng Cavusoglu trao đổi với hãng tin Anadolu.

Trao đổi với đài CNN ngày 2-6, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết LHQ đã chấp nhận thay đổi theo thư của Ngoại trưởng Cavusoglu, điều này có hiệu lực ngay sau khi LHQ nhận được yêu cầu và đảm bảo rằng tài liệu này là hợp pháp.

“Điều này không có vấn đề gì, nó không phải là điều để chúng tôi chấp nhận hoặc không chấp nhận. Các quốc gia được tự do lựa chọn cách đặt tên mà họ muốn. Điều đó không diễn ra hằng ngày nhưng không có gì lạ khi các quốc gia đổi tên” - người phát ngôn LHQ Dujarric nói với CNN ngày 2-6.

Hãng tin Anadolu cho biết ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, xác nhận đã nhận được thư từ Ngoại trưởng Cavusoglu và việc thay đổi tên đã có hiệu lực “kể từ thời điểm” bức thư được nhận. Như vậy Thổ Nhĩ Kỳ có một cái tên mới là Türkiye, trước mắt ít nhất là tại LHQ.•

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là trường hợp ngoại lệ

Theo đài NPR, không có gì lạ khi các nước thay đổi tên quốc gia. Có vô số ví dụ lịch sử, như Ba Tư trở thành Iran và Xiêm trở thành Thái Lan. Và gần đây hơn, vào năm 2020, chính phủ Hà Lan bắt đầu đổi tên quốc gia là Netherlands thay vì Holland.

Hay như người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric nói nhân chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên quốc gia: “Một điều mà tôi nghĩ đến là Côte d’Ivoire, từng được gọi bằng tiếng Anh là Bờ Biển Ngà và họ đã yêu cầu được gọi là Côte d’Ivoire”.

Không rõ liệu cái tên Türkiye, với một chữ cái không tồn tại trong bảng chữ cái tiếng Anh, có được phổ biến rộng rãi ở nước ngoài hay không. Vào năm 2016, Cộng hòa Czech chính thức đăng ký tên viết tắt của mình là Czechia và trong khi một số tổ chức quốc tế sử dụng tên này, nhiều người vẫn gọi quốc gia này bằng tên dài hơn là Czech Republic.

ĐĂNG KHOA Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Gần đây Tên Tiếng Anh Là Gì