Thờ Phật Và Treo Tượng Phật Trong Phòng Ngủ Có được Không?

> Kiến thức bổ ích liên quan đến tượng Phật

Hỏi: Kính bạch thầy, con có một vài điều thắc mắc, kính xin thầy hoan hỷ giải đáp dùm con.

1. Có người nói, mình thờ Phật trong phòng ngủ thì dù cho niệm Phật có đúng cách đi nữa cũng không được vãng sanh. Không biết có đúng như vậy không?

2. Trong phòng khách nhà con có thờ Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương, Di Lặc và Phật Dược Sư, HT. Tuyên Hóa, từ trái sang phải thứ tự như vậy. Không biết thờ như thế có sai trái gì không?

3. Vì ở phòng khách người nhà và khách tới lui sinh hoạt ồn ào, con không thể tụng niệm an tịnh được, nên con có thiết lập một bàn thờ khác nữa trong phòng ngủ, con hành trì tụng niệm lễ bái rất yên tịnh. Trong phòng ngủ của con có phòng tắm và chỗ thay đồ riêng biệt. Như vậy con có cái lỗi bất kính với Phật không?

4. Con rất thích chiêm ngưỡng hình tượng Phật, Bồ tát, nên trên đầu giường con ngủ có treo các hình tượng Phật và Bồ Tát để con chiêm ngưỡng, không biết như vậy có lỗi lầm gì không?

Con kính xin thầy giải đáp cho con được rõ những điều mà con đã nêu trên. Thành kính cảm ơn thầy nhiều.

Việc thờ Phật là hình thức bên ngoài để chúng ta nương đó mà chiêm ngưỡng hành trì lễ bái. Bởi khi nhìn thấy tượng Phật tướng hảo quang minh, nụ cười hoan hỷ của các Ngài lòng ta cảm thấy an vui thanh thoát nhẹ nhàng, bao nhiêu phiền não đều tiêu tan như mây khói.

Việc thờ Phật là hình thức bên ngoài để chúng ta nương đó mà chiêm ngưỡng hành trì lễ bái. Bởi khi nhìn thấy tượng Phật tướng hảo quang minh, nụ cười hoan hỷ của các Ngài lòng ta cảm thấy an vui thanh thoát nhẹ nhàng, bao nhiêu phiền não đều tiêu tan như mây khói.

Đáp: Phật tử đã nêu ra bốn câu hỏi, chúng tôi xin được lần lượt giải đáp qua từng câu hỏi một như sau:

1. Trong phòng ngủ mà mình thờ Phật, điều này theo các bậc Cổ Đức dạy thì không nên. Lý do, đã nói là phòng ngủ tất nhiên là không được thanh tịnh rồi. Cho nên, khi thờ Phật là chúng ta phải thiết trí một nơi thích hợp thật trang nghiêm thanh tịnh. Tổ Ấn Quang thường răn nhắc, người tu hành phải hết lòng cung kính đối với các bậc Hiền Thánh. Đối với chư Phật và Bồ tát, chúng ta phải hết sức cung kính. Càng cung kính thì ta càng tăng thêm phước đức. Còn tỏ ra khinh thường các Ngài thì chúng ta mang tội rất nặng. Chớ cho là những cốt tượng Phật, giấy mà ta không kính trọng. Bởi đó là những hình tượng tiêu biểu qua những công hạnh đức độ cao tột mà người ta tạc tượng tôn thờ. Vì thế, là Phật tử chúng ta phải hết lòng quy hướng tôn kính các Ngài.

Người nào đó cho rằng, nếu mình thờ Phật trong phòng ngủ dù mình niệm Phật có đúng cách đi chăng nữa, thì cũng không được vãng sanh. Lời nói này hoàn toàn là không hợp lý. Bởi việc thờ Phật và việc niệm Phật là hai việc khác nhau. Việc thờ Phật là hình thức bên ngoài để chúng ta nương đó mà chiêm ngưỡng hành trì lễ bái. Bởi khi nhìn thấy tượng Phật tướng hảo quang minh, nụ cười hoan hỷ của các Ngài lòng ta cảm thấy an vui thanh thoát nhẹ nhàng, bao nhiêu phiền não đều tiêu tan như mây khói. Tuy nhiên, chỉ trong giây phút đó thôi, chớ không phải suốt cả đời. Đó là nhờ tác động ảnh hưởng bởi tấm lòng quý kính thiết tha của ta đối với chư Phật và Bồ tát. Phật bên ngoài chỉ có tác dụng trợ duyên nhằm để thức nhắc cho Phật tâm của chúng ta sống dậy. Bởi trong tâm ta cũng sẵn có ông Phật và chính ông Phật nầy mới là ông Phật thiệt. Còn ông Phật bên ngoài chỉ là giả tướng, tuy là giả tướng nhưng nếu không có các Ngài đánh thức thì làm sao chúng ta biết được mình sẵn có ông Phật thiệt. 

Còn niệm Phật là cốt để diệt trừ phiền não và để thành Phật như các Ngài. Niệm Phật là niệm ở nơi tâm. Chứ không phải niệm ở nơi cốt tượng. Vì tâm và Phật đâu có sai khác. Phật thành Phật là thành ở nơi tâm, ngoài tâm không có Phật. Vì vậy nên khi ta nhiếp tâm thành ý niệm Phật, lâu ngày thuần thục, cho đến khi tâm ta được thuần nhứt, không niệm mà vẫn tự niệm, được vậy, thì lo gì mà không được vãng sanh về Cực lạc. Hai chữ vãng sanh, chúng ta chớ có hiểu lầm. Thường khi nói đến vãng sanh thì người ta nghĩ ngay đến vãng sanh về Cực lạc. Hiểu thế, thì chưa được đúng lắm. Bởi sau khi lâm chung, ai cũng phải vãng sanh cả. Nhưng còn phải tùy nghiệp mà vãng sanh. Vãng là qua, sanh là sanh ra. Có thể ta sanh ra nhiều cảnh giới khác. Tùy nghiệp nhân mà có ra nghiệp quả. Nhân không niệm Phật thì làm sao vãng sanh về Cực lạc? Nếu muốn vãng sanh về Cực lạc, thì hành giả phải thiết thiệt niệm Phật như đã nói. Thành ra nói cho đủ là phải nói vãng sanh về Cực lạc. Nếu Phật tử niệm Phật đúng cách như lời Phật Tổ dạy thì chắc chắn Phật tử sẽ được vãng sanh về Cực lạc. Không phải vì thờ Phật trong phòng ngủ mà không được vãng sanh về Cực lạc như người đó nói.

Niệm Phật là niệm ở nơi tâm. Chứ không phải niệm ở nơi cốt tượng. Vì tâm và Phật đâu có sai khác.

Niệm Phật là niệm ở nơi tâm. Chứ không phải niệm ở nơi cốt tượng. Vì tâm và Phật đâu có sai khác.

2. Phật tử thờ như thế, đối với chư Phật và Bồ tát ngang nhau thì không sao, nhưng thờ Hòa thượng Tuyên Hóa ngang hàng với Phật và Bồ tát, tôi nghĩ là không được đúng lắm. Đối với HT. Tuyên Hóa tuy ngài là một bậc chơn tu, nhưng ngài không thể so với Phật và Bồ tát được. Nếu thờ đúng cách, thì Phật tử nên thờ HT. Tuyên Hóa ở tầng thấp hơn Phật và Bồ tát. Bởi chư Tổ người ta không thể thờ ngang hàng với chư Phật và Bồ tát được.

Nhân đây, tôi xin nói rõ hơn về vấn đề nầy để Phật tử hiểu thêm. Theo như Phật tử nói, thì cách thờ Phật và Bồ tát của Phật tử tuy không có sai trái, nhưng phải nói là hơi nhiều. Thật ra mình chỉ thờ một hay hai tượng Phật và Bồ tát là đủ rồi. Tùy theo người tu theo pháp môn nào thì người ta thờ vị Phật hay Bồ tát đó cho thích hợp. Như người tu Thiền, thì người ta chỉ thờ duy nhất một hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Còn người tu theo pháp môn Tịnh độ, thì chỉ thờ tượng Phật A Di Đà, hoặc không thì thờ tượng Tam Thánh (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí)  hay thờ thêm thánh tượng Quan Âm. Vì Phật tử ở tại gia thờ như thế là đủ rồi.

Phần nhiều Phật tử chúng ta tuy tu nhưng vẫn còn có lòng tham rất lớn. Ngay như thờ Phật, Bồ tát cũng muốn thờ cho nhiều. Vì thờ một vị không đủ sức gia trì cho mình được toại nguyện những gì mà mình mong muốn. Như thờ Phật Thích Ca là vì nghĩ đến công ơn giáo hóa của Ngài. Thờ Phật Di Đà là muốn sau khi lâm chung được Ngài tiếp dẫn về thế giới Cực lạc của Ngài. Thờ Bồ Tát Quan Thế Âm là để Ngài cứu khổ cứu nạn. Thờ Phật Dược Sư là để Ngài gia hộ cho mình khỏi bị bệnh tật đau yếu. Thờ Ngài Địa Tạng nếu lỡ có bị sa đọa vào địa ngục, thì có Ngài đến dẫn dắt ra khỏi chốn u minh ngục hình. Có người còn muốn thỉnh nhiều vị thờ thêm nữa, nhưng vì bàn thờ có hạn và khung cảnh chật chội. Chớ nếu không, thì có bao nhiêu vị đều thỉnh về nhà thờ hết. Đó là tâm lý thường tình của chúng ta. Thật ra, tâm lý đó cũng tốt, nhưng không cần thiết phải thờ nhiều vị như thế. Thờ một vị Phật là thờ tất cả chư Phật. Nhưng người ta lại không thích như vậy. Có người không những thờ nhiều vị Phật, Bồ tát không thôi, mà còn thờ luôn cả các vị thần linh khác. Nào là Thần tài, Thổ địa, Chúa tiên, Chúa sứ... Vì chưa hiểu ý nghĩa của việc thờ Phật nên mới xảy ra tình trạng thờ nhiều như thế.

Phật tử có thể linh động sắp xếp giờ giấc sao cho thích hợp, mà không gây ra làm phiền người khác trong gia đình.

Phật tử có thể linh động sắp xếp giờ giấc sao cho thích hợp, mà không gây ra làm phiền người khác trong gia đình.

3. Như trên đã nói việc thờ Phật trong phòng ngủ là điều không nên, vì đó không phải là chỗ để mình tôn thờ. Dù cho có phòng tắm hay phòng vệ sinh riêng biệt gì đi nữa, mà thờ Phật hay Bồ tát trong phòng ngủ của mình là điều bất kính. Đã gọi là thờ thì phải thờ nơi chỗ trang nghiêm và thanh tịnh. Trong phòng ngủ có thể mình treo một ảnh tượng Phật giấy lồng trong khuôn kiếng rồi treo lên nơi chỗ thích hợp thì có thể được, nhưng với điều kiện là phải độc thân. Nếu như vợ chồng ngủ chung một phòng thì cũng không nên, dù treo hình tượng bất cứ nơi đâu trong phòng ngủ. Nếu trong nhà chưa có chỗ nơi thuận tiện để thiết lập bàn thờ, thì tôi đề nghị với Phật tử tạm thời vẫn thờ Phật ở phòng khách. Những lúc Phật tử niệm Phật thì ngồi niệm Phật trong phòng ngủ cũng được, nhưng khi tụng niệm cho có trang nghiêm thì Phật tử tụng kinh lễ bái nơi thờ Phật ở phòng khách. Phật tử có thể linh động sắp xếp giờ giấc sao cho thích hợp, mà không gây ra làm phiền người khác trong gia đình. Điều này nên tìm cách thương lượng và khéo sắp xếp với người nhà để Phật tử có thể hành trì theo tâm nguyện của mình.

4. Điều này, tôi đã nói ở phần trên. Nếu Phật tử chỉ ở một mình trong căn phòng thì không có gì trở ngại cả. Phật tử cứ treo hình tượng Phật hoặc Bồ tát trong phòng nơi nào mà Phật tử cảm thấy thích hợp nhất. Mục đích là để Phật tử tiện bề chiêm ngưỡng, quán tưởng điều đó không có gì là sai trái lỗi lầm cả.

Kính chúc Phật tử luôn được an khỏe để tinh tấn niệm Phật tu hành cầu sanh Tịnh độ.

Từ khóa » Treo ảnh Phật Trong Phòng Ngủ