Thơ Về Một Dòng Sông Lịch Sử -Trương Thiếu Huyền

Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ…

Sông Bạch Đằng, con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại chảy ra biển. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ… và âm hưởng của những chiến công này đã vang vọng trong rất nhiều ánh thi ca trung đại và hiện đại. Nhiều bài “Phú sông Bạch Đằng” (Trương Hán Siêu); “Bạch Đẳng Hải Khẩu” (Nguyễn Trãi)… đã có mặt trong sách giáo khoa.

Vanhaiphong.com sẽ cung cấp thêm những tư liệu mới về dòng sông lịch sử này qua thi ca Việt qua bài viết của Nhà thơ Trương Thiếu Huyền, một nhà giáo, nhà báo, người con của Hải Phòng đang công tác tại Báo Quảng Ninh.

 

Theo nhà thơ Nguyễn Châu, thì Nhà xuất bản Quảng Ninh trước đây có xuất bản tập thơ về chiến thắng Bạch Đằng do nhà thơ Trần Nhuận Minh sưu tầm và biên soạn, nhưng không đầy đủ. Qua trao đổi với nhà thơ Trần Nhuận Minh, thì được biết, tập thơ được in ra đã lược bỏ nhiều bài so với bản thảo, và tiếc là đã không in phiên âm chữ Hán. Tôi không có tập thơ này, nhưng tin chắc bài thơ số 1 của tập thơ phải là kiệt tác “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu (?-1354):

Qua cửa Đại Than, Ngược bến Đông Triều, Đến sông Bạch Đằng, Thuyền bơi một chiều. Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu. Nước trời một sắc, Phong cảnh ba thu. Bờ lau san sát, Bến lách đìu hiu Sông chìm giáo gãy, Gò đầy xương khô. Buồn vì cảnh thảm, Đứng lặng giờ lâu. Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá, Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.

Bên sông bô lão hỏi, Hỏi ý ta sở cầu. Có kẻ lê gậy chống trước, Có người thuyền nhẹ bơi sau. Vái ta mà thưa rằng: “Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã, Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”.

… Đến nay sông nước tuy chảy hoài, Mà nhục quân thù khôn rửa nổi. … Quả là trời đất cho nơi hiểm trở, Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an. … “Sông Đằng một dải dài ghê, Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông. Những phường bất nghĩa tiêu vong, Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!”

… “Anh minh hai vị thánh quân, Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh. Giặc tan muôn thuở thanh bình, Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.”

Bài thơ thứ hai trong tập thơ trên tất phải có bài “Bạch Đằng giang” của Nguyễn Sưởng:

Mồ thù như núi cỏ cây tươi,

Sóng biển gầm vang đá ngất trời.

Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết?

Nửa do sông núi nửa do người.

(Đào Phương Bình dịch)

Theo bachkhoatoanthu.gov.vn, nhà thơ Nguyễn Sưởng (hiệu Thích Liên; thế kỉ 14), không rõ năm sinh, năm mất, quê quán, không làm quan, thường ở am Bích Động (gần chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều), cùng Trần Quang Triều ngâm vịnh. Ngay từ thời Trần, am Bích Động, chùa Quỳnh Lâm chính là nơi tụ hội của tao đàn Thi xã Bích Động, tao đàn văn chương đầu tiên của nước ta.

“Bạch Đằng giang” của Nguyễn Sưởng cũng như “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu đều khẳng định sự nghiệp giữ nước, dựng nước có được thành công là bởi “địa lợi – nhân hòa”: “Giặc tan muôn thuở thanh bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao” (Trương Hán Siêu). “Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết?/ Nửa do sông núi nửa do người” (Nguyễn Sưởng). Tiếp theo, cùng cảm khái đó phải kể đến bài thơ “Bạch Đẳng hải khẩu” của Nguyễn Trãi (1380-1442):

Cửa Biển Bạch Đằng

Biển rung gió bấc thế bừng bừng,

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng.

Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,

Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Việc nước quay đầu ôi đã vắng,

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.

(Nguyễn Đình Hồ dịch)

Bạch Đằng giang là cảm hứng lớn của các thi sĩ, nó ẩn vào từng mạch thơ khi viết về lòng yêu nước, về tinh thân dân tộc trước hiểm họa giặc ngoại xâm. Bạch Đằng cùng những cái tên Đống Đa, Chi Lăng luôn âm vang trong hào khí của dân tộc Việt Nam.

Trong thơ hiện đại, tiếp nối mạch thơ trên về Bạch Đằng, có lẽ tiêu biểu nhất là bài thơ “Bạch Đằng tráng khúc” của Trinh Đường. Bài thơ này Trinh Đường viết năm 1963, ngùn ngụt khí thế đánh giặc từ dòng sông Bạch Đằng lịch sử:

“Bạch Đằng vô tận

trang sức ngàn năm lịch sử quang vinh

Từ Ngô Quyền  diệt quân Nam Hán

đến Lê Hoàn diệt Tống, Hưng đạo bình Nguyên

đến đại đội Hồ Chí Minh

xây căn cứ trong kỳ quan vạn đảo

và tiểu đoàn Bạch Đằng

ngùn ngụt tinh thần ” sát thát”

trong lòng dân – cướp súng giết Tây

cả tiếng súng diệt thù vang ấp Bắc

đều dấy lên từ trang sử Bạch Đằng

… Bạch Đằng

người bắt từ lòng Tổ quốc

đổ ra cửa biển tương lai

đầu gối sử xanh

khoác tay vĩnh cửu

Sinh  lực  tràn đầy

Sức mạnh không vơi

Bình diện bể Đông nhưng ngất trời cao vợi

Bầu sữa cháu con uống hoài không cạn

Vườn quả sum sê muôn đời đến hái

một bài thơ

gồm muôn bài trác tuyệt chữ trăng sao

Bạch Đằng

Chói lọi vinh quang của đất nước Việt Nam anh hùng

Cũng là bản án vô cùng đanh thép

Lời cảnh báo thiên thu cho mọi kẻ thù.”

Cùng năm 1963, Nguyễn Hải Trừng đã hoàn thành bài thơ viết từ năm 1959 “Qua sông Bạch Đằng chạnh nhớ Cửu Long giang”:

“Tôi sinh bên bờ Cửu Long giang phù sa màu mỡ

Từ ấu thơ đã thương nhớ Bạch Đằng

Tôi thăm lại Bạch Đằng, sau chiến thắng Điện Biên.

Một giọt máu chảy về xuôi tìm sống

Thắt thẻo ngày đêm vẫn nhớ tim

Nhớ mộ tổ Hùng Vương trên sông Hồng soi bóng

Tôi thăm lại Bạch Đằng, sau chiến thắng Điện Biên.

Đã nổi dậy rồi, Cửu Long giang phẫn nộ

Réo sôi lên sóng truyền thống Bạch Đằng”

Hai bài thơ “Bạch Đằng tráng khúc” của Trinh Đường và “Qua sông Bạch Đằng chạnh nhớ Cửu Long giang” của Nguyễn Hải Trừng viết sau chiến thắng Điện Biên phủ, thì “Giặt áo trên sông Bạch Đằng” của Thi Hoàng viết năm 1976, sau Đại thắng mùa xuân thống nhất toàn vẹn giang sơn:

Thắng Mỹ trận cuối cùng

Ta ra sông giặt áo

Giặt áo nào anh em

Hôm nay trời nắng đẹp

Nắng từ bể Đông lên

Nước từ nguồn chày xuống

Quân Nguyên quân Nam Hán

Ở ngược dòng thời gian

Những cái chết lưu vong

Nói gì trong cát lấm

Tấm áo đầy bụi đường

Những tháng năm gian khổ

Giặt nước sông Bạch đằng

Gửi dòng sông bụi đỏ

Nhận của sông lịch sử

Để không quên, đừng quên

Để thấm trong vải mềm

Một dòng sông tâm khảm”

Hình tượng người lính Trường Sơn sau khi thắng Mỹ “Giặt áo trên sông Bạch Đằng” cũng sâu sắc như hình tượng Lê Lợi trả lại kiếm cho Rùa thần. Giá trị lịch sử của dòng sông không chỉ toả sáng tấm gương chống giặc ngoại xâm của cha ông mà còn làm lớn lên tầm vóc nhân văn của dân tộc:

 

“Hồn nước non thơm thảo

Như phù sa nhân từ

Làm tươi tốt lòng ta

Tự lòng sông lớn ấy

Gió sau lưng thổi dậy

Nghe Bạch Đằng đi bên”

Trong những bài thơ viết về dòng sông Bạch Đằng mà tôi được biết, thì tôi thích 6 bài thơ trên (3 bài cổ, 3 bài hiện đại).

II

Qua bến phà Rừng, tôi thườngnhớtới câu thơ dung dị của Lê Hường:

Bên sông mây nước mênh mông Cháu con gặp dáng cha ông thuở nào

(Hồn quê)

 

Tôi nhớ bài thơ “Trận đánh mục đồng” của Ngô Tiến Cảnh, một cựu binh hải quân từng chiến đấu ở Miền Nam, từng nhiều lần công tác ở quần đảo Trường Sa:

“Có lẽ chiều nào bên sông Bạch Đằng

Đám trẻ trâu cũng dàn trận đánh

Lỗi lầm này đâu phải của tuổi thơ

Dù muốn khác, chúng làm sao khác được?

Ở đâu còn trẻ trâu – ở đó còn trận mạc

Với chúng, chiến tranh chỉ là một trò đùa!

Đã đất đai thì phải cày bừa

Con người vốn sống nhờ vào đất

Bao giờ bầy trâu không còn lo chăn dắt

Chiều sông Bạch Đằng không còn trận mạc

Khách lỡ phà Rừng chắc hẳn đỡ buồn hơn”

Cũng qua phà rừng, cũng gặp những đứa trẻ, nhưng không là trẻ chăn trâu, mà là bé hát rong, Thi Sảnh viết:

Có lần tôi qua bến Bạch Đằng

Thường ngâm nga đọc phú Bạch Đằng giang

Nhưng hôm nghe em bé hát rong

Tôi nghĩ nhiều về người xưa đóng cọc gỗ

Nếu họ sống lại thì làm sao trả lời họ

Qua sông Bạch Đằng sao không hát những chiến công

(Đứa bé hát rong trên bến Bạch Đằng)

Có gì đó hôm nay chưa xứng với chiến công của cha ông là nỗi niềm trong hai bài thơ trên của Ngô Tiến Cảnh và Thi Sảnh. Ngay trong một tuyển tập thơ văn quan trọng của các tác giả xuất sắc của Quảng Ninh mới đây cũng không thấy có thơ về Bạch Đằng, nhưng lại có nhiều bài thơ viết về dòng sông Trường Giang và Vạn lý Trường Thành ở Trung Quốc. Điều này cũng bình thường, bởi viết hay hơn những bài đã viết thì quả là khó. “Qua sông Bạch Đằng sao không hát những chiến công” luôn là câu hỏi cho không chỉ các văn nghệ sĩ và không chỉ cho hôm nay.

Dòng sông Bạch Đằng đã nuôi dưỡng những nhà thơ. Với nhà thơ Vũ Thành Chung, người lớn lên bên dòng Bạch Đằng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) thì dòng sông bây giờ “vẫn sôi”:

“Cọc Bạch Đằng cắm vào lòng đất

Chau mặt nhìn tôi

Đáy dòng sông vẫn sôi

Máu bao đời ngầm chảy

Chau mặt nhìn tôi

Đôi bờ lau lách hoang sơ

Xào xạc gió mưa”

(Giữa hai chiều thế kỷ)

Nếu tính số lượng các bài thơ, thì Lê Hữu Lịch, người xã Yên Giang, huyện Yên Hưng có thể coi là nhà thơ của Bạch Đằng. Trong tập thơ “Sóng trắng Nắng hanh” (Nhà xuất bản văn học 2008), Lê Hữu Lịch có các bài thơ về Bạch Đằng như: Cám ơn; Ngày giỗ trận; Người thủ nhang đền Trần; Trước sóng Đằng giang; Bên cây quếch sông Rừng; Trận địa cọc lim ở xã Yên Giang; Cụ lim giếng Rừng; Uống trà dưới trăng ở đền Trần; Trăng miếu Vua Bà…

Sông Bạch Đăng với Lê Duy Thái, sinh sống ở thị trấn Quảng Yên, Yên Hưng đầy tâm trạng:

Suốt ngày cài cửa nằm xem sách

Chiều ngó ra sông lạnh toát trời

Bên núi cỏ cây xanh tấm tức

Chiến trường một thuở trắng mưa rơi

(Sông Bạch Đằng)

Từ Lê Duy Thái, lần đầu tiên tôi biết chuyện luật sư Dương Đức Hiền, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng các bạn sinh viên đã đến sông Bạch Đằng mỗi người lấy một chai nước đem về Hà Nội tặng người yêu. Chuyện này được Lê Duy Thái kể lại và viết thành bài thơ “Kỷ niệm” trong tập thơ “Bến Ngự trăng thơ” (Nhà xuất bản Hải Phòng, năm 2008):

“Nước có giặc

Em đưa anh qua sông đi đánh giặc

Nước thanh bình

Em đón anh về dong buồm trắng thả bình minh”

Dương Phượng Toại là cây bút văn thơ, báo chí xuất sắc của huyện Yên Hưng. Anh có bài thơ “Ông thiếu tướng đọc sách dưới cây lim Giếng Rừng” được in trong nhiều tuyển tập thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh:

“Chỗ ông ngồi nghìn năm ấy là rừng

Bao cây lim hoá thân nhọn sắc

Sông Bạch Đằng làm trận đồ bẫy giặc

Tiếng quân reo còn vang động đâu đây”

Nói đến Bạch Đằng là nói đến lời thề sát Thát, nói đến khí thế xung thiên cọc Bạch Đằng. Cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng chiến thắng:

“Muôn năm còn soi đó

Sông oai hùng ngàn xưa

Những cọc lim bất tử

Nắng soi nghiêng bãi bờ”

(Ở trận địa cọc lim xã Yên Giang – Lê Hữu Lịch)

“Hỏi sông đâu đó bến bờ

Triều dâng bão lửa cọc nhô diệt thù”

(Qua Bạch Đằng – Hoàng Thúy)

“Chiều trải nắng, dòng sông thành dải lụa

Chuyến phà vui ríu rít tiếng người sang

Hàng cọc đứng như ngàn dũng sĩ

Chặn cuồng phong cho đất nước vào xuân

(Bên bãi cọc Bạch Đằng – Hoàng Huy)

III

Ở Việt Nam, hỏi đỉnh núi nào thiêng nhất, trả lời: Yên Tử! Dòng sông nào lịch sử nhất, trả lời: Bạch Đằng! Bạch Đằng, dòng sông của những chiến thắng lớn, dòng sông lịch sử.

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt, Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng… (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng – Chế Lan Viên)

Bạch Đằng ơi! Tôi rửa mặt dòng sông

Nghe sôi máu anh hùng trong huyết quản.

(Mưa trên sông Bạch Đằng – Hoàng Trung Thông)

 

Từ hoàng hôn Bạch Đằng, Trần Đại Bổng đã nhận ra:

Cái ráng chiều lịch sử

Âm vang nhịp trống Đồng

(Hoàng hôn Bạch Đằng)

Tiếng trống Đồng ấy sẽ còn giục dã muôn sau tinh thần “quyết đánh”- “sát Thát” để bảo vệ giang sơn Tổ quốc như Trinh Đường trong “Bạch Đằng tráng khúc” tuyên bố:

Bạch Đằng

Chói lọi vinh quang của đất nước Việt Nam anh hùng

Cũng là bản án vô cùng đanh thép

Lời cảnh báo thiên thu cho mọi kẻ thù.”

Bạch Đằng, niềm kiêu hãnh của dân tộc ta. Sứ giả Giang Văn Minh (1573-1637) đi sứ sang nhà Minh đã hiên ngang đáp: Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ), khi một đại thần nhà Minh ra vế đối đầy thách thức: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Vì câu đối trả oanh liệt, kiên cường này mà sứ giả Giang Văn Minh bị nhà Minh giết.

Có thể coi “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” là bài thơ một câu hay nhất Việt Nam ta.

Nhắc đến thơ viết về Bạch Đằng, chúng ta một lần nữa tự nhủ, nếu không có dũng khí thì tiếng thơ của mình không đủ sức theo cùng tiếng nói hùng tâm tráng khí của cha ông truyền lại.

Nhắc đến thơ viết về Bạch Đằng, tôi càng thấy sâu sắc yêu cầu về thơ của Bác Hồ: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Mối quan tâm của nhà thơ phải từ chính mình, nhà mình, làng mình đến đất nước mình, Tổ quốc mình; phải đặt số phận mình trong số phận nhân dân, dân tộc.

Hạ Long, 24-3-2009

 

Free Download WordPress ThemesDownload WordPress Themes FreePremium WordPress Themes DownloadDownload Best WordPress Themes Free Downloadonline free course

Từ khóa » Bài Thơ Về Sông Bạch đằng