THƠ XUÂN LY BĂNG - Bùi Công Thuấn
Có thể bạn quan tâm
Những khuôn mặt thơ ca Công giáo đương đại
NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG
Bùi Công Thuấn
Xuân Ly Băng là bút danh của Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa (1926-2017). Ngài thụ phong linh mục năm 1959 tại Gia Định. Ngài từng là Giáo sư Tiểu Chủng viện Chân Phước Tự, Thủ Đức-Gia Định, Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Ngày 25-1-1998, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong tặng Giám Chức Danh Dự (Đức Ông). Từ 2006 ngài là Tổng Đại diện giáo phận Phan Thiết. Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang trong thánh lễ mừng Kim Khánh Linh mục của Đức ông đã nhận xét: Ngài “Dùng thi phú để hát ca tán tụng Thiên Chúa. Ngài nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự và tâm hồn thi sĩ đã tác tạo nên những vần thơ ngợi khen cảm tạ…Ngài ca tụng Thiên Chúa với cả hồn thơ trữ tình dạt dào lòng yêu mến Chúa.”[1]
Đức Ông Xuân Ly Băng đã viết trên 1000 bài thơ và đã xuất bản các tập thơ [2]: Thơ kinh, Hương kinh, Trầm tư, Nỗi niềm, Bài ca thương khó, Dụ ngôn Phúc âm, Như trầm hương, Kinh trong thời gian, Khúc hát ân tình, Một vùng châu lệ, Kinh sầu trên quê hương…
Để hiểu Xuân Ly Băng về quan niệm sáng tác, hành trình nghệ thuật, và những nguồn cội thơ của ngài, xin đọc “Nhà thơ Xuân Ly Băng-Cuộc đời và tác phẩm”(Nxb Phương Đông 2011) và bài phỏng vấn của nhà thơ-Linh mục Trăng Thập Tự với Xuân Ly Băng ngày 25.8.1988.[3] Tôi xin không nhắc lại trong bài viết này.
NHÀ THƠ CÔNG GIÁO CÓ NHIỀU THƠ PHỔ NHẠC
Theo nhà thơ An Thiên Minh [2 đd], Xuân Ly Băng có 120 bài thơ được các nhạc sĩ Công giáo phổ nhạc.
Đơn cử bài thơ Say Noel:
Đêm nay Noel vềHồn hỡi lắng tai ngheĐàn muôn cung réo rắtDồn dập khắp sơn khêĐêm nay Hài Đồng đếnĐem hoan lạc trời caoĐêm nay thơ kính mếnSẽ say ngã lao đaoÔi Noel đêm trời nhiệm mầuRượu nồng ta không nếmSao lòng trí ngất ngư?Ta say muôn ánh nếnNgời rạng vạn hào quangTa say tiếng chuông vàngTrong gió trời hổn hểnTừng trận đổ vang vang…Ta say muôn lời kinhThơm như hoa thiên đìnhÊm như dòng suối nhạcĐẹp như lệ đồng trinhÔi Noel! Đêm trời nhiệm mầuNhạc an hòa, thơ kính mếnHương phượng thờ đang ngào ngạt dâng lênBan cho lòng người đau khổ trần gianHiểu ý nghĩa Noel miền cao cả.
Nhạc sư Kim Long phổ bài thơ này thành một bài hợp xướng hoành tráng. Trong đêm Noel, tiếng hát ca đoàn vang lên như tiếng của hàng vạn thiên thần hân hoan. Cái thần của bài hợp xướng này là thanh âm diễn tả được trạng thái “say Noel” của mọi tâm hồn trong đêm thánh. Câu thơ “Đêm nay sẽ say ngã lao đao” rất khó phổ nhạc, nhưng nhạc sư Kim Long đã phổ rất tuyệt câu này. Hầu như các ca đoàn Công giáo đều đã có lần hợp giọng trong bản hợp xướng này. Xin nghe (theo link) ca đòan Hương Kinh hợp xướng:
https://nghenhacthanhca.com/music/listenone/4272/Say-Noel/
(Say Noel-Đọan mở đầu)
Nhạc sĩ-Lm Xuân Thảo phổ nhạc bài Say Noel thành bài Đêm Noel giai điệu Slowrock ngọt ngào, đằm thắm, lắng rất sâu trong mọi tâm hồn giáo dân giờ phút Con Chúa nhập thể làm người. Bài này không chỉ được các ca sĩ Công giáo trình bày mà còn thịnh hành trong các CD nhạc phổ thông mùa Noel. Xin nghe ca sĩ Thu Phương hát ca khúc này (theo link):
https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/#Play,5472
(Trích đoạn đầu)
Cả hai khuôn mặt lớn của nhạc sĩ Công giáo Việt Nam cùng phổ một bài thơ và tạo nên hai tác phẩm âm nhạc rất hay, và rất khác nhau về màu sắc thẩm mỹ. Điều này là biểu hiện của một nền nghệ thuật Công giáo có tầm vóc riêng, có bản sắc riêng, giàu có sự sáng tạo trong lòng nghệ thuật dân tộc.
Tôi ghi nhận được (không đầy đủ) trên mạng xã hội một số bài thơ sau đây của Xuân Ly Băng đã được phổ nhạc và được vang lên trong nhiều nhà thờ Công giáo:
Nhạc sư-Lm Kim Long phổ nhạc 31 bài:
- Cho hồn con hát -2. Chúng tôi có Ngài -3. Đêm về con yêu Ngài – 4. Hát bài tân ca
5. Khi nào Ngài đến- 6. Nếu hôm nay –7. Ngài là tất cả -8. Người thợ vô danh –9. Vì Lời Ngài -10. Xin Ngài là ánh sáng -11. Giao duyên –12. Noel không có Chúa –13. Ngài đi vào lịch sử –14. Say Noel – 15. Theo vì sao cứu thế – 16. Hỡi người bộ hành – 17.Trong máu giao hòa – 18. Bên tòa Mẹ – 19. Đoàn người diễm lệ – 20. Con sợ gì – 21.Hương xuân/1- 22. Xuân chầu Mẹ – 23. Xuân sang – 24. Khi nào Ngài đến – 25. Cho hồn con hát- 26. Bên hang đá (hợp xướng) -27. Ngày về – 28. Nhạc hòa bình (hợp xướng) – 29. Khúc hát mùa xuân (hợp xướng) – 30. Mầu nhiệm Tình thương (hợp xướng) –31. Bài ca máu đỏ (hợp xướng)…
Nhạc sĩ Tuấn Kim phổ nhạc các bài: Lời trên Thập giá, Phút linh thiêng, Đến lượt con, Hết nghe chuông Noel, Dứt lời cầu nguyện, Tán tụng Mẹ, Kính mừng Maria 2, Thuyền bơi sông Mẹ, Đức Mẹ TàPao 1. Bóng hồng trong sương – Hỡi người bộ hành – Nếu con nhớ – Thơ mừng Xuân – Trên sông Babilon…
Đức cố Giám mục Vũ Duy Thống phổ nhạc bài Sao không (Sao em không lần chuỗi). Ns Phạm Trung phổ bài Linh mục một huyền nhiệm, NS Linh Huyền Dung phổ bài Mẹ TàPao…(Xin lỗi các nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ Xuân Ly Băng mà tôi không nêu ở đây).
Nhớ lại trước đây (1958) Nhạc sư Hải Linh phổ thành hợp xướng bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử và từ bài thơ Ave Maria của Hàn Mặc Tử viết thành Trường ca Ave Maria. Cả thơ và nhạc đều đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, đưa người nghe vào thế giới huyền diệu, cao rộng của âm thanh, ánh sáng và sự thánh thiện. Say Noel của Kim Long và Xuân Thảo cũng đem người nghe vào thế giới của tâm linh cao rộng đẹp đẽ như vậy.
Hiện tượng thơ Xuân Ly Băng được phổ nhạc nhiều có ý nghĩa gì?
Các ca khúc Công giáo đều dùng trong phụng vụ, hát lên để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Điều ấy có nghĩa, thơ Xuân Ly Băng đậm tính chất cầu nguyện, là tiếng nói của tâm hồn giáo dân vươn lên tới Thiên Chúa. Ca khúc hát trong thánh đường còn là ca khúc dành cho cộng đoàn. Vì thế thơ Xuân Ly Băng được phổ nhạc là thơ hướng về công chúng. Lời thơ gần gũi, dễ hiểu.
Các nhạc sĩ tìm đến thơ để phổ nhạc còn có một nhu cầu khác. Lời kinh đọc, Kinh thánh, bài giảng lễ hầu như đã trở thành ngôn ngữ đời thường. Một đời sống đạo mấy chục năm nghe giảng Kinh thánh, đọc kinh cầu nguyện thì những lời kinh đạo ấy đã thành ngôn ngữ đời thường. Viết được giai điệu mới đã khó, viết được lời mới còn khó hơn. Người nghệ sĩ sáng tác làm thế nào để tìm được ý tứ mới, ngôn ngữ mới, cách diễn đạt mới? Vì thế nhiều người tìm đến thơ. Thơ Xuân Ly Băng đáp ứng yêu cầu này. Say Noel có cái mới ấy.
Ta say muôn lời kinhThơm như hoa thiên đìnhÊm như dòng suối nhạcĐẹp như lệ đồng trinhÔi Noel! Đêm trời nhiệm mầuNhạc an hòa, thơ kính mến
(Say Noel)
ĐỐI THOẠI VỚI CÁI TÔI CỦA “THƠ MỚI”
Tôi hát tôi ca
Và tôi ngân nga
Tôi buông ra muôn cung huyền diệu…
Cần chi ai hiều
Thế giới hồn tôi
(Thanh sắc)
Những dòng thơ ấy của Xuân Ly Băng có dáng dấp khẩu khí của Xuân Diệu nhưng lại rất khác Xuân Diệu. Trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, Xuân Diệu viết:
Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất.Không có chi bè bạn nối cùng ta…
…Ta bỏ đời mà đời cũng bỏ taGiữa vắng ngắt, giữa lạnh lùng thê tuyệt!
(Hy Mã Lạp Sơn)
Xuân Ly Băng có một mảng thơ viết theo thi pháp của “Thơ Mới” (1930-1945). Nhà thơ cũng khai thác thi tứ Thơ Mới, nhập thân vào “Cái Tôi” của nhà thơ tiểu tư sản, nói tiếng nói của họ trước thực tại, rồi từ đó thoát hẳn ra bên ngoài để đối thoại, cảm thông. Bạn đọc phổ thông thường được đọc những đánh giá rằng thơ Lãng Mạn trước 1945 là thơ của Cái Tôi cô đơn, buồn, bế tắc.
Xuân Diệu: “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối” (Khi chiều giăng lưới). Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Tràng giang). Chế Lan Viên: “Với tôi, tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”(Xuân)…
Hoài Thanh nhận định: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn neo neo theo hồn ta.”
Xin đọc Xuân Ly Băng:
CHUÔNG CHIỀU
Chiều tàn trên bến cô liêuĐò ngang thưa chuyến, quán chiều vắng tanhGió đưa hiu hắt trên cànhĐồng không sương bủa buồn tanh chim vềHồn chiều lên ý não nềBuồn ơi! xa vắng đê mê là buồnBỗng nghe một tiếng chuông buôngXa xôi tự tháp thánh đường nào đây!Vang lên cao vút tầng mâyRồi ngân nhè nhẹ như ngây ngất lòngTiếng êm nhạc gió rừng thôngRu như tiếng trúc dịu trong chiều vàngRồi tan trong gió mênh mangNhững âm thanh đã nhịp nhàng trong tôiBắc cầu nối ý xa khơiHồn tôi với lại nước trời xa xăm
Huy Cận viết Sông dài trời rộng bến cô liêu…/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật” (Tràng giang). Xuân Ly Băng dùng lại tứ thơ này: “Chiều tàn trên bến cô liêu/ Đò ngang thưa chuyến, quán chiều vắng tanh;
Thế Lữ viết: “Tiếng đưa hiu hắt bên lòng, Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn”(Tiếng sáo Thiên Thai). Xuân Ly Băng nhắc lại tứ thơ này: “Hồn chiều lên ý não nề/ Buồn ơi! xa vắng đê mê là buồn”.
Rõ ràng Xuân Ly Băng nhắc lại các tứ thơ của “thơ mới” là để gợi ra không gian nghệ thuật và không gian tư tưởng của Huy Cận, Thế Lữ (cũng là của thơ Lãng Mạn). Xuân ly Băng nhập thân vào nhà thơ tiểu tư sản để hiểu và cảm thông với họ rồi dùng tiếng chuông thánh đường dẫn đến không gian tư tưởng mới, đầy màu sắc, âm thanh trong sáng, cao rộng hơn. Không gian ấy hướng lên trên. Cái Tôi không còn buồn cô đơn bế tắc mà tràn ngập niềm vui của sự kết nối với “nước trời” (một nội dung quan trọng của Kinh Thánh).
“Bỗng nghe một tiếng chuông buôngXa xôi tự tháp thánh đường nào đây!…
…Bắc cầu nối ý xa khơiHồn tôi với lại nước trời xa xăm”
Bài thơ Củi mục, cũng đối thoại với triết lý vô thường, hư vô trong thơ Lãng mạn.
Huy Cận từng viết, đời người như một cành củi khô trôi dạt không viết về đâu giữa giòng đời trăm ngả: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng” (Tràng Giang). Xuân Ly Băng suy tư từ một cành củi mục:
Khi vớt lên một cành củi mụcVà bắt về chiếc lá vàng trôiTa sẽ nghe tiếng hồn ai thổn thứcLệ trào tuôn than khóc ngậm ngùi
Đó là quy luật của vô thường
Nhưng than ôi gió thời gian quét sạchHồn thảo thu man mác bóng tà dươngKhiến bao nhiêu cành vàng cùng lá ngọcDạt về đâu trên mặt đất vô thường
Và đây là tâm trạng nhà thơ Lãng mạn:
Và người nghệ sĩ những chiều hômNgắm bóng non xa bỗng thấy buồnTrời không mưa gió không tiễn biệtMà thấy trong lòng giọt lệ tuôn
Xuân Ly Băng chia sẻ với nhà thơ Lãng mạn và gieo một niềm tin yêu:
Thôi đừng khóc nữa lá cành ôiCó khóc đời cũng thế mà thôiVì trong thời gian có vĩnh cửuTrong ly rượu nồng có mùi ngải cứuVị đắng đót sẽ còn lại muôn nămLà lộc trời để nhắc nhở xa xăm.
Trong đối thoại, Xuân Ly Băng tuyệt nhiên không nói gì đến Tôn giáo mà nhà thơ đối thoại bằng tư tưởng với tư tưởng, đem cái “vĩnh cửu”, “cái muôn năm” để hóa giải cái “vô thường”, những cái bị “thời gian quét sạch”. Đó là thái độ trân trọng và cảm thông chia sẻ, và là nghệ thuật. Dùng thi pháp thơ Lãng Mạn để nói chuyện nghệ thuật với nhà thơ lãng Mạn.
Điều đặc sắc là Xuân Ly Băng làm mới thơ Lãng mạn bằng cách đem tư tưởng mới, ý tứ mới thay cho nỗi buồn sự bế tắc hư vô chủ nghĩa trong thơ lãng mạn.
Do đâu Xuân Ly Băng có cuộc đối thoại này với thơ Lãng mạn ? Nhà thơ cho biết: “Khi còn nhỏ, học theo chương trình Pháp, nhờ học văn chương Pháp, tôi biết và chịu ảnh hưởng của Paul Verlaine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, đặc biệt là Lamartine. Nguồn ảnh hưởng thứ hai là Thơ Mới Việt Nam: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, nhất là Hàn Mạc Tử.”[3 đd]
Lưu ý rằng sau, thơ Lãng Mạn (1930-1945), thi ca Việt Nam có nhiều nỗ lực cách tân. Xu hướng Hiện thực xã hội chủ nghĩa trở về với công chúng. Nhóm sáng tạo ở Sài Gòn, các nhà thơ miền Bắc như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm đều nỗ lực vượt qua Thơ Mới. Họ chủ trương đổi mới bằng bút pháp. Xuân Ly Băng đổi mới về tư tưởng mỹ học.
Tư tưởng mỹ học trong thơ Xuân Ly Băng là tư tưởng Thần học và mỹ học Thiên Chúa giáo. Xuân Ly Băng ý thức rõ: “Phải khẳng định rằng thơ là để nói lên cái đẹp là Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa đều đẹp. Chúng ta ca tụng Thiên Chúa bằng cái đẹp thể hiện qua văn chương, qua thơ ca”[3, đd]. Ngài chủ trương làm “nghệ thuật” dưới bóng cây Thánh giá và Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Kitô. Thơ Xuân Ly Băng miêu tả rất nhiều thiên nhiên đẹp , và đó là cái đẹp của Thiên Chúa. Ngài mong muốnlàm sao để đem Chúa từ trong ánh trăng, từ gió vào trong khối óc, trái tim, rồi từ đó trào ra nơi ngọn bút? Thiên nhiên này hoàn toàn khác với thiên nhiên trong thơ Lãng mạn, khác cả với thiên nhiên thơ Đường và thơ Trung đại Việt Nam.
CỐT CÁCH THƠ XUÂN LY BĂNG
Nhà thơ Xuân Ly Băng trước hết là một Linh mục. Ngài dùng thơ để ca tụng Thiên Chúa, để loan báo Tin Mừng. Đó là nhiệm vụ ngài nhận từ Đức Giêsu và giáo hội của Người. Đời dâng hiến của ngài là để thực hiện nhiệm vụ đó. Thế nên phần lớn thơ Xuân Ly Băng có nội dung giáo huấn. Mảng thơ này bị giới hạn trong nội dung, tư tưởng và ngôn ngữ giáo huấn của Giáo hội. Xuân Ly Băng khó thể hiện cốt cách thơ. Ngày xưa, thời cộng đoàn dân Chúa không biết chữ, các “cố đạo” đã đặt thành vè các nội dung giáo lý để cộng đoàn đọc trước giờ lễ. Vè bình dân dễ thuộc, dễ nhớ nên có tác dụng dạy đạo rất hiệu quả. Ngày nay, trình độ của cộng đoàn đã khác. Vè, kinh vãn không còn là phương tiện dạy đạo đắc dụng như ngày xưa. Nếu các nhà thơ Công giáo làm thơ chỉ ở dạng vè, sẽ không có người đọc.
Bậc làm cha làm mẹXin gởi gắm đôi lờiGhi nhớ lấy ai ơiĐể thi hành bổn phậnHầu chu toàn bổn phận
Sinh con thì cẩn thậnCó chừng mực điều hòaCó trách nhiệm sâu xaVì gia đình hạnh phúcĐể giống nòi hạnh phúc
(Bổn phận cha mẹ)
Xuân Ly Băng có nhiều bài thơ giáo huấn. Ở những bài này, tính giáo huấn lấn át tính thơ (thí dụ: Bổn phận cha mẹ, Bài học truyền giáo, Sao em không lần chuỗi, Chuỗi Môi Côi, Xâu chuỗi Mân Côi, Sự thánh thiện của Chúa Giêsu, Những danh hiệu của Chúa Giêsu, Năm Linh Mục, Linh mục, ngài là ai? Trái Thánh kinh, Đoản khúc Tin Mừng, Lâu đài đêm…). Tuy vậy cũng có những vừa bài đáp ứng được nhiệm vụ giáo huấn lại vừa đạt được phẩm chất văn chương. (14 chặng đàng Thánh giá).
Cốt cách thơ Xuân Ly Băng hiển lộ ở những bài thơ tự tình (Bài ca tình ái, Thanh sắc, Say Noel, Đàn vọng cố hương, Bao giờ cho hết mùa thu, Suy nghĩ cúi đầu, Thơ không về, Vì Ngài là tất cả, Tôi nằm xuống…)và thơ trải nghiệm tư tưởng từ đời thực (Noel không có Chúa, Ha-ga và Ít-ma-ên, Lời Chúa Trên Đại Dương, La Vang đất Mẹ…)
Thơ tự tình bộc lộ một hồn thơ thanh khiết, trọn vẹn tin yêu phó thác, hồn thơ hòa vào hạnh phúc miên viễn của nước trời, không vướng bận trần ai.
Gửi vào Chúa tâm hồn tín thácĐêm linh hồn man mác tình yêuCó bình minh sáng thật nhiềuCó hiu hiu gió mỗi chiều mơn man
Gửi vào Chúa muôn vàn giọt lệĐêm linh hồn xiết kể hân hoanDu dương tiếng sáo tiếng đànGiữa cô liêu ấy chứa chan ân tình
(Lâu đài đêm tối)
Thơ trải nghiệm tư tưởng lại khác hẳn. Nhà thơ phóng túng trong nghĩ suy, trong cách thể hiện những điều gan ruột và trong tìm tòi những tứ thơ mới lạ. Xin đọc
Ha-ga và Ít-ma-ên ( St 21, 8-20)
Nàng bế con chúi đầu đi trong sa mạcGió cát dập vùiHừng hực nắng trời như thiêu đốt mẹ conBánh ăn đã kiệtBầu nước cạn hết từ lâuKhốn đốn vô cùng !Nàng ngồi bệt xuốngHôn con rồi đẩy nó vào bụi câyNgước mắt lên trờiNghẹn ngào nàng than thở:Đức Chúa ở đâu rồi?Đau lòng tôi lắm, Chúa ơi !Làm sao để con tôi thoát chếtNàng ngoái lại nhìn bầu trời quê hươngNước mắt chảy ròng ròngNhớ lúc ra đi!Nàng nghẹn ngào than thở :Ap-ra-ham, tôn chủ ơi !Tình nghĩa sao chỉ có thế thôi,Ai đem tôi đến cho ông?Sao ông nhẫn lòng xua đuổi tôi đi?Sa-ra, lệnh bà ơi!Ghen chi ghen lắm hủy đời tôi nayRồi nàng khóc rống lênÍt-ma-ên khóc giật giọngÂm thanh chạm đến mây trờiĐức Chúa sai thần sứ xuống:Can đảm lên, đừng sợ, Ha-ga ơi!Hãy nâng đứa trẻ dậyNước uống đã có đâyHãy cho nó uống gấp!Nàng biết chăng:Đức Chúa đã chọn nó từ lâuLàm thành một dân tộcLang thang khắp sa mạcCung tên vút kín bốn phương trời.
Sáng Thế ký kể rằng: “Ha-ga và Ích-ma-ên bị đuổi đi
8 Y-sác lớn lên và khi cậu bé đủ tuổi ăn thức ăn bình thường thì Áp-ra-ham bày một bữa tiệc lớn ăn mừng. 9 Nhưng Sa-ra thấy đứa con, mà người nữ nô lệ Ha-ga đã sinh cho Áp-ra-ham, cười giỡn [a]. 10 Nên Sa-ra bảo Áp-ra-ham, “Ông hãy đuổi con nhỏ nô lệ nầy và con nó đi đi. Con nó sẽ không được hưởng chút gia tài nào hết; con tôi sẽ hưởng tất cả.”11 Lời yêu cầu nầy khiến Áp-ra-ham khó xử, vì nó cũng là con mình. 12 Nhưng Thượng Đế bảo Áp-ra-ham, “Đừng quá băn khoăn về đứa trẻ và người nữ nô lệ. Hãy làm theo điều Sa-ra yêu cầu. Dòng dõi mà ta hứa với con sẽ ra từ Y-sác. 13 Ta cũng sẽ làm cho dòng dõi của con trai người nữ nô lệ thành ra một dân lớn vì nó cũng là con trai con.”14 Sáng sớm hôm sau Áp-ra-ham lấy ít thức ăn và một túi da đựng đầy nước. Ông trao mọi thứ cho Ha-ga rồi đuổi nàng đi. Mang các thứ đó theo người, Ha-ga đi lang thang trong sa mạc gần Bê-e-sê-ba.15 Chẳng bao lâu, túi đựng nước cạn, Ha-ga để con mình dưới một bụi cây. 16 Rồi nàng đi một khoảng xa xa xong ngồi xuống. Nàng nghĩ, “Con tôi thế nào cũng chết. Tôi không có can đảm nhìn cảnh đau lòng nầy.” Nàng ngồi đó và òa khóc.17 Thượng Đế nghe tiếng đứa trẻ, nên từ thiên đàng thiên sứ của Thượng Đế gọi Ha-ga, “Ha-ga, có việc gì vậy? Đừng sợ! Thượng Đế đã nghe tiếng đứa trẻ đàng kia. 18 Hãy đến cầm tay đỡ nó dậy. Ta sẽ khiến dòng dõi nó thành ra một dân lớn.” 19 Rồi Chúa chỉ cho Ha-ga thấy một giếng nước. Nàng đến đó lấy nước đổ đầy bình cho đứa nhỏ uống.20 Thượng Đế ở cùng đứa nhỏ khi nó khôn lớn. Ích-ma-ên sống trong sa mạc và trở nên tay bắn cung rất giỏi”.
Nếu so sánh bài thơ với đoạn tường thuật của Sáng Thế ký, người đọc sẽ nhận ra những đặc sắc của ngòi bút Xuân Ly Băng.
Xuân Ly Băng sáng tạo hẳn một tác phẩm mà không trói mình trong khuôn khổ của Sáng Thế Ký. Nhà thơ xây dựng riêng một hình tượng người phụ nữ của thơ mình. Thơ tự do làm cho hồn thơ Xuân Ly Băng trở nên khoáng đạt mạnh mẽ. Truyện được kể với tốc độ nhanh, đường nét miêu tả, dựng cảnh, thiết kế hành động nhân vật đầy sáng tạo (Ít-ma-ên khóc giật giọng/ Âm thanh chạm đến mây trời”. Người phụ nữ bị ruồng bỏ, xua đuổi, cô độc bồng con đi trong sa mạc đầy nắng, đối mặt với cái chết. Con người đau khổ ấy trở nên lớn lao và lẫm liệt. Nàng Ha-ga được khắc tạc trong không gian, thời gian và tình huống, với chiều cao “chạm đến mây trời” và trải ra chiều rộng “bốn phương trời”. Nàng tiếp cận được với Đức Chúa, và Đức Chúa đã an ủi và cứu giúp nàng. Ẩn sâu dưới câu chuyện kể khách quan và con chữ tưởng như vô tình lại là tấm lòng của nhà thơ với con người đau khổ cô độc và niềm tín thác vào Chúa. Chúa lắng nghe và thấu hiểu, Chúa chở che và an ửi, Chúa còn làm những điều kỳ diệu mà con người không thể biết. Đức Chúa nói với Ha-ga rằng Ngài đã chọn con nàng, dù nàng chỉ là nô tỳ, để “Làm thành một dân tộc/ Lang thang khắp sa mạc/ Cung tên vút kín bốn phương trời.”
Chuyện của Haga là truyện của Sáng Thế Ký. Chuyện của Thánh Phanxicô Xavie là đời thực:
Lời Chúa Trên Đại Dương(Kính nhớ Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận)Có những con hải âu soãi cánh,Bay sà xuống ngỡ ngàng,Hơn một lần,Trên đại dương,Để nghe lời Kinh Thánh,Từ một chiếc thuyền nan.Và những đám mây chiều,Chụm đầu trên hải đảo cô liêu,Khi nghe reo lên một hồi chuông nhỏ,(Dù cuộc hành trình còn dang dở)Để nghe lời Chúa Tình Yêu,Từ một người bé nhỏ.Và những đợt sóng bạc đầu,Bỗng một ngày thấy mình sáng láng,Oà kìa, cây Thánh giáXuất hiện trên bầu trời,Khi một người khách lạ,Nói về Chúa Ba NgôiCho chim cho cá,Cho người thổ dân nghèo đói tả tơi.Hỡi người con của lâu đài Navarre,Thừa vinh quang phú quý,Thừa gấm vóc lụa là,Thừa học vấn cao xa,Đã bỏ mình cô đơn trên hoang đảo.Hôm nay đây,Trên độ dày lịch sử,Tôi thấy người hiện raTrên nhật nguyện thành Goa,Trên đại dương đầy dông bão,Trên sương mù eo biển Ma-lắc-ca,Trên vườn đào của xứ Mặt trời thức giấc.Với đàn hải âu, tôi kính chào Người,Với mây biển muôn màu, tôi hát bài ca đẹp nhất,Với sóng bạc trùng dương,Tôi vỗ tay reo,Hỡi Phanxicô loan Tin Mừng Cứu độ.
Chỉ có vài chi tiết trong bài thơ giúp người đọc nhận ra Phanxicô Xavie: Ngài là người con của lâu đài Navarre (miền bắc Tây Ban Nha), truyền giáo ở Goa (Ấn Độ 1542), ở xứ Mặt trời (Nhật)… Và người “Đã bỏ mình cô đơn trên hoang đảo”(Xavie chết trên đảo Thượng Xuyên, ngay cửa khẩu Quảng Châu khi chờ thuyền lén vào Trung Quốc).
Xuân Ly Băng sáng tạo hẳn một hình tượng Phaxicô Xavie trong không gian và thời gian cao rộng tráng lệ. Nhà thơ không kể “thành tích” truyền giáo của Xavie. Cũng không kể như “hạnh các thánh”. Xavie hiện lên là một người khách lạ, một người bé nhỏ, vây quanh là Có những con hải âu soãi cánh, một chiếc thuyền nan, đám mây chiều, Và những đợt sóng bạc đầu để nghe Lời Kinh thánh, để nghe lời của Chúa Tình Yêu. Bài thơ mở rộng lên cao bằng một hình ảnh đẹp đến lạ lùng: “Và kìa, cây Thánh giá/ Xuất hiện trên bầu trời,/ Khi một người khách lạ,/ Nói về Chúa Ba Ngôi/ Cho chim cho cá,/ Cho người thổ dân nghèo đói tả tơi.” Xavie có sức thu hút tất cả đến với mình để nghe Kinh Thánh, và cũng chính Lời Tình yêu từ Xavie có sức làm biến đổi mọi tạo vật:
Và những đợt sóng bạc đầu,Bỗng một ngày thấy mình sáng láng,
Sóng bạc đầu trên biển là sóng dữ, nhưng sau khi nghe Lời Chúa Tình Yêu, nó tự nhận thấy mình sáng láng. Sóng trở nên đẹp hiền hòa rạng rỡ, không còn là sóng dữ. Khám phá được một hình ảnh diễn tả sự cảm hóa của Tin Mừng với tạo vật như vậy không phải người làm thơ Công giáo nào cũng có thể đạt tới.
Hình tượng Xavie còn được tô đậm hơn nữa trên nền thiên nhiên tráng lệ giàu ý nghĩa biều tượng và chiều sâu lịch sử, nhờ thế “người khách lạ, một người bé nhỏ” trở nên thân thiện và kỳ vỹ :
Hôm nay đây,Trên độ dày lịch sử,Tôi thấy người hiện raTrên nhật nguyện thành Goa,Trên đại dương đầy dông bão,Trên sương mù eo biển Ma-lắc-ca,Trên vườn đào của xứ Mặt trời thức giấc.
Khổ thơ gồm những câu thơ ngày càng dài ra như là một bức tường thành đang xây lên, sự khẳng định tầm vóc Xavie ngày một bề thế vững chãi và vươn dài hơn trong lịch sử và thời đại.
Với đàn hải âu, tôi kính chào Người,Với mây biển muôn màu, tôi hát bài ca đẹp nhất,Với sóng bạc trùng dương,Tôi vỗ tay reo,Hỡi Phanxicô loan Tin Mừng Cứu độ.
Nhân vật Tôi (nhà thơ) cũng đẹp trong không gian cao rộng (biển mây, trùng dương sóng bạc) giữa muôn loài hội tụ đầy màu sắc, thanh âm reo vui hân hoan. Tôi trong bài thơ này thật mới lạ so với Thơ Lãng mạn.
Viết về thánh Phaxicô Xavie để “Kính nhớ Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận”, hẳnTác giả muốn làm sống lại hình ảnh Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận trong lòng người đọc Công giáo hôm nay? Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận cũng là người rao giảng tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, và ngài, bằng sức mạnh của Tin Mừng, đã cảm hóa mọi người đến với ngài như Xavie. Xuân Ly Băng đã khẳng định tầm vóc lịch sử và thời đại của ngài.
NÓI VỚI NGƯỜI TRẺ
Đức cha Giuse Vũ Duy Thống giải thích bút danh Xuân Ly Băng: “Xuân Ly Băng quả là ”Mùa Xuân trên núi Li Băng”. Vừa mượt mà tươi xanh, vừa nhẹ nhàng trìu mến …” Mùa xuân ấy một mùa xuân mầu nhiệm, rất diệu huyền và rất đổi anh hoa ”…”Xuân Ly Băng là một cuộc đời đã làm nên Mùa Xuân cho mình và không ngừng kiến tạo Mùa Xuân cho những người mình gặp gỡ…” (gpphanthiet.com)
Đức Ông Xuân Ly Băng chia sẻ với Lm – nhà thơ Trăng Thập Tự điều tâm huyết của mình: “Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi.”
Nhà thơ Xuân Ly Băng đặc biệt lưu ý: “Làm thơ là sáng tạo. Khi Xuân Diệu viết: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, Tản Đà đòi lôi ra chém vì Xuân Diệu dám bảo mặt trời đi ngủ. Thế nhưng làm thơ là phải vậy, phải sáng tạo.”
Người làm thơ “cần hai chữ thành thực và khiêm nhường, đừng tự tôn vinh mình. Thời gian sẽ sàng lọc và đào thải những gì không phải là thơ”.[4]
Tôi tâm đắc hai điều trong ý thức sáng tạo của nhà thơ Xuân Ly Băng. Đó là: làm thơ là sáng tạo và sự sàng lọc “những gì không phải là thơ”.
Nhiều người làm thơ Công giáo chỉ chú ý đến nội dung giáo huấn mà không nỗ lực sáng tạo (làm ra cái mới nghệ thuật), thành ra thơ rất cũ. Người làm thơ không biết rằng mình đang làm ra những thứ “không phải thơ”, tất nhiên những gì không phải là thơ sẽ bị đào thải.
Xuân Ly Băng đã góp vào thi ca Công giáo và thi ca dân tộc những hình tượng mới như hình tượng người phụ nữ bồng con đi trong sa mạc (Ha-ga và It-ma-ên), hình tượng Xavie, con người bé nhỏ giảng Kinh thánh cho muôn loài trên hoang đảo giữa biển khơi (Lời Chúa trên đại dương); làm mới hình ảnh thiên nhiên trong thơ so với thơ cổ điển và Thơ Mới, đem vào thơ một Cái Tôi mới (khác với Cái Tôi trong thơ Lãng mạn và thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa); Đem vào thơ cái nhìn mới của Kinh Thanh về vạn vật về cuộc đời (Mỹ học Thiên Chúa giáo): Tất cả đều đẹp, đều tốt tươi; và thay thế hồn thơ bi thiết của Hàn Mặc Tử bằng một hồn thơ trong veo hân hoan kết nối với trời cao.
Chỉ một tiếng chuông ngân cũng dạt dào cảm xúc thơ mới mẻ và thánh thiện.
Bỗng nghe một tiếng chuông buôngXa xôi tự tháp thánh đường nào đây!Vang lên cao vút tầng mâyRồi ngân nhè nhẹ như ngây ngất lòng…
…Bắc cầu nối ý xa khơiHồn tôi với lại nước trời xa xăm
(Chuông chiều)
Tháng 5/ 2020
________________
[1] tường thuật của Lm Giuse Nguyễn Hữu An:
https://sites.google.com/site/giadinhpherokhoa/co-cau-to-chuc/Gii-thiu/dhuc-ong-j-b-le-xuan-hoa
[2] hiện các sáng tác của Đức ông Xuân Ly Băng chưa được tập hợp đầy đủ:
-Phan Chính cho biết: Xuân Ly Băng có 25 tập thơ, trên 120 bài thơ phổnhạc:
-Lm Giuse Nguyễn Hữu An: Ngài đã sáng tác 12 tập thơ đạo đời (đd 1]
-Nguyễn Quân TT, VRNs tường thuật Buổi ra mắt tác phẩm nhà thơ Xuân Ly Băng vào lúc 18g 15 phút chiều qua, ngày 13.02.2012 cho biết: Xuân Ly Băng có gần 30 tập thơ và hơn 1000 bài thơ:
(chuacuuthenews.wordpress.com › 2012/02/14 › xuan-ly-bang.)
–Nhà thơ An Thiện Minh trong Thánh lễ “Tưởng niệm Đức ông – Nhà thơ Xuân Ly Băng” ngày 17.8.2017, tại Trung tâm Mục vụ TGPSG cho biết: Xuân Ly Băng có 27 thi phẩm, tổng cộng trên 1000 bài thơ; 1 kịch; 4 tác phẩm dịch; 4 bản thảo bị thất lạc. Có trên 120 bài thơ đã được phổ nhạc:
https://tgpsaigon.net/bai-viet/tuong-niem-duc-ong-%E2%80%93-nha-tho-xuan-ly-bang-48029
[3] Xuân Ly Băng trả lời Trăng Thập Tự ngày 25/8/1988:
https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/xuan-ly-bang-hon-tho-va-tam-long-muc-tu-48041
[4] https://www.tapsanmucdong.net/2017/07/xuan-ly-bang-loi-ngo-cho-em-tho.html
Chia sẻ:
Từ khóa » Nhà Thơ Xuân Ly Băng
-
Tưởng Niệm Đức ông – Nhà Thơ Xuân Ly Băng - TGP SÀI GÒN
-
Nhà Thơ Xuân Ly Băng Cuộc Đời Và Tác Phẩm - Goc Nho San Truong
-
Xuân-Ly-Băng - Văn Thơ Công Giáo
-
Sưu Tập THƠ CÔNG GIÁO VIỆT NAM (Xuân Ly Băng)
-
Nha Tho Xuan Ly Bang Vua Ta The
-
XUÂN LY BĂNG - BÂNG KHUÂNG
-
XUÂN LY BĂNG - Lời Ngỏ Cho Đêm Thơ - Tập San Mục Đồng
-
Tưởng Niệm Linh Mục Xuân Ly Băng 1926- 2017
-
LINH MỤC NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG.wmv - YouTube
-
Nhà Thơ Xuân Ly Băng - Cuộc đời Và Tác Phẩm - :: VietCatholic News ::
-
Xuân Ly Băng Archives - Ban Văn Hóa Gp Xuân Lộc
-
TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM | Có Lẽ Xuân Ly Băng Là Nhà Thơ ...
-
Thơ Xuân Ly Băng | TRẦN MINH CƯỜNG