Thoát Vị Bẹn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Phòng Ngừa - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Thế nào là thoát vị bẹn?
  • 2. Làm quen với khái niệm ống bẹn
  • 3. Triệu chứng của thoát vị bẹn là gì?
  • 4. Nguyên nhân
  • 5. Biến chứng
  • 6. Chẩn đoán
  • 7. Điều trị
  • 8. Phòng ngừa

Thoát vị xảy ra khi các thành phần trong ổ bụng ví dụ như mỡ hay ruột, đi ra ngoài qua một điểm yếu trong thành bụng. Khi đó khối thoát vị thường giống một khối u và có thể “thoắt ẩn thoắt hiện”. Thoát vị không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không can thiệp lâu dần sẽ dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.

1. Thế nào là thoát vị bẹn?

Tùy vào chỗ khối thoát vị thoát ra mà người ta đặt tên cho nó. Tại rốn, được gọi là thoát vị rốn. Qua cơ hoành (một loại cơ hô hấp, ngăn cách khoang bụng với khoang ngực) vào lồng ngực là thoát vị hoành. Xảy ra tại vùng bẹn sẽ là thoát vị bẹn. Còn tại mặt trong đùi thì gọi là thoát vị đùi.

thoát vị bẹn 1
Thoát vị bẹn

2. Làm quen với khái niệm ống bẹn

Đây là một cấu trúc hình ống nằm ở vùng bẹn. Bên trong có chứa nhiều thành phần quan trọng. Bao gồm: mạch máu nuôi tinh hoàn, ống dẫn tinh trùng. Đôi khi khối thoát vị lớn, chèn ép các cấu trúc này dẫn đến thiếu máu nuôi tinh hoàn.

Ở bé trai lúc còn nằm trong bụng mẹ, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Vào những tháng cuối hoặc thậm chí là sau khi sanh, tinh hoàn mới từ ổ bụng chui ra ngoài để đến bìu. Trong quá trình di chuyển, nó kéo theo màng bụng ra ngoài, tạo một đường thông với ổ bụng. Đường này đáng lẽ phải đóng kín sau khi tinh hoàn hoàn tất “di cư”. Nếu nó không đóng có thể dẫn đến thoát vị bẹn sau này.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tiêu hóa - Gan mật, tải ngay ứng dụng YouMed.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Chuẩn bị gì trước khi đi khám bệnh Thoát vị bẹn?

3. Triệu chứng của thoát vị bẹn là gì?

Hầu hết thoát vị bẹn không có triệu chứng gì cho đến khi tình cờ phát hiện một khối phồng vùng bẹn. Khối này xuất hiện khi áp lực trong ổ bụng tăng lên. Ví dụ: khóc, ho, hắt xì, rặn đi cầu, gồng bụng, mang vác vật nặng.. Và tự động biến mất khi nằm xuống thư giãn. Đôi khi khối phồng này không thể tự “lặn” được, người bệnh phải dùng tay để đẩy lên.

Thường thì khối thoát vị sẽ không đau, hoặc nếu có là cảm giác nặng, co kéo nhẹ.

Ở nam, khi khối thoát vị thoát ra khỏi bụng nhiều và xuống tới tận bìu, khiến cho một bên bìu to bất thường so với bên còn lại.

thoát vị bẹn 2
Ho làm tăng áp lực ổ bụng, khối phồng thoát vị hiện rõ hơn.

4. Nguyên nhân

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người già khi mà thành bụng bị suy yếu. Thoát vị bẹn thường được chia thành hai nhóm là bẩm sinh và mắc phải.

Trong trường hợp bẩm sinh: Do một cấu trúc trong ống bẹn, đáng lẽ phải đóng sau khi sinh nhưng vì lí do nào đó ống này không đóng. Do đó các thành phần trong ổ bụng chui qua ống này gây thoát vị. Tuy nhiên, không phải ai có ống này cũng chắc chắn mắc bệnh đâu nhé.

 Thoát vị bẹn mắc phải nguyên nhân thường gặp là suy yếu thành bụng do tuổi già. Suy dinh dưỡng, béo phì, chấn thương hay phẫu thuật vùng bẹn cũng có thể gây ra thoát vị.

Ngoài ra các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực ổ bụng liên tục hoặc không liên tục trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Ho kéo dài.
  • Táo bón lâu năm.
  • Mang thai có thể làm suy yếu cơ bụng và gây tăng áp lực bên trong bụng của bạn.
  • Khối u lớn trong bụng.

5. Biến chứng

Nguy hiểm và thường gặp nhất là thoát vị nghẹt. Tức là các thành phần trong túi thoát vị bị thiếu máu nuôi do mạch máu bị chèn ép. Nếu là ruột, sẽ xuất hiện các triệu chứng của tắc ruột. Bạn cảm thấy đau quặn từng cơn hoặc đau liên tục, buồn nôn, nôn, da vùng thoát vị có thể bị biến đổi màu. Nếu không được can thiệp, khối này bị hoại tử có thể khiến bạn gặp nguy hiểm.

Thoát vị kẹt thì nhẹ hơn chút. Đó là khi khối thoát vị chui ra ngoài nhưng không thể chui vào lại được. Kể cả khi bạn dùng tay đẩy lên. Trường hợp này, máu vẫn được cung cấp đầy đủ, nhưng nếu tình trạng này để lâu có thể dẫn đến thoát vị nghẹt hoặc chấn thương khối thoát vị.

Chèn ép các cấu trúc xung quanh. Hầu hết thoát vị bẹn đều lớn lên theo thời gian nếu không được can thiệp. Ở nam giới, thoát vị lớn có thể chui xuống bìu, chèn ép mạch máu nuôi gây đau và sưng bìu.

6. Chẩn đoán

Đôi khi qua lời mô tả của người bệnh và kết quả thăm khám rõ ràng, bạn không cần phải làm thêm xét nghiệm nào khác để chẩn đoán. Để kiểm tra khối thoát vị, một số bệnh nhân sẽ được yêu cầu đứng thẳng và ho. Đây là tư thế dễ thấy khối thoát vị nhất trong trường hợp khối này không rõ khi khám.

Một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm bụng, CT scan hoặc MRI để đánh giá phù hợp.

7. Điều trị

Ngoại trừ với trẻ sơ sinh, có thể chờ cho cấu trúc trong ống bẹn tự bít. Còn đối với người lớn, phẫu thuật là cách điều trị duy nhất. Nếu thoát vị của bạn nhỏ và không ảnh hưởng nhiều, bác sĩ có thể khuyên bạn theo dõi. Có thể can thiệp chủ động, trước khi xảy ra biến chứng.

Phẫu thuật bao gồm đóng lỗ thoát vị đồng thời gia cố thêm cho thành bụng vững chắc. Tùy trường hợp bác sĩ sẽ tư vấn mổ nội soi hoặc mổ hở cho bạn.

8. Phòng ngừa

Nếu đã một lần mắc thoát vị bẹn, dù đã điều trị, bạn vẫn có nguy cơ bị tái phát. Do đó phòng ngừa là điều cần thiết. Vài lưu ý nho nhỏ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

  • Duy trì cân nặng hợp lí bằng cách tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn lành mạnh.
  • Ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước để hạn chế táo bón.
  • Tránh nâng vật nặng, nếu phải làm hãy chắc rằng bạn biết nâng đồ đúng cách. Cột sống luôn thẳng nhé bạn.
  • Bỏ thuốc lá. Thuốc lá thường gây viêm phế quản khiến bạn ho kéo dài.
tư thế nâng vật nặng
Tư thế nâng vật nặng

Thoát vị bẹn là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống. Nhưng nếu có biến chứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau điều trị bệnh có nguy cơ tái phát, do đó nên thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Từ khóa » Hernia Là Gì Y Học