Thời điểm Dùng Thuốc Quan Trọng Như Thế Nào?
Có thể bạn quan tâm
Vì sao phải dùng thuốc đúng thời điểm?
Tất cả nhân viên y tế đều hiểu rõ về tầm quan trọng của sự tuân thủ quy tắc 5 đúng (đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian) khi điều trị một bệnh lý. Trong khi những nguyên tắc trên dễ kiểm soát, thì uống thuốc vào đúng thời gian quy định lại phụ thuộc khá nhiều vào tính chủ quan của bệnh nhân.
Một viên thuốc khi đi vào cơ thể cần trải qua 4 giai đoạn chính là hấp thu, vận chuyển, chuyển hóa và thải trừ. Để có thể tối ưu hóa hiệu quả của mình, thuốc cần phải có mặt trong máu tại thời điểm thích hợp với nhịp điệu sinh học của cơ thể. Dùng thuốc quá sớm khiến nồng độ thuốc trong máu quá cao, ngược lại quên hoặc uống thuốc trễ giờ có thể khiến nồng độ thuốc trong máu bị thấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Thêm vào đó, uống thuốc sai giờ còn có thể khiến người bệnh chịu nhiều ảnh hưởng từ tác dụng phụ của thuốc.
Theo TS. Michael Smolensky (ĐH Texas – Mỹ), nhịp sinh học cơ thể người thay đổi theo ngày, theo mùa, theo chu kỳ kinh nguyệt và cả theo năm. Ngành khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của thời gian lên hiệu quả thuốc là chronotheraphy. Theo đó, nhịp sinh học trong cơ thể người có thể được chia thành 4 dạng chính là:
Ultradian: Chu kỳ ngắn hạn trong ngày. Thường áp dụng cho tế bào thần kinh (1 phần nghìn giây) hay một giấc ngủ tính theo phút.
Circadian: Chu kỳ kéo dài 24 tiếng. Ví dụ dễ thấy nhất là thói quen đi ngủ hoặc đi bộ hằng này.
Infradian: Chu kỳ dài hơn một ngày, có thể theo tuần hoặc theo tháng. Chu kỳ kinh nguyệt là một ví dụ điển hình.
Seasonal: Chu kỳ theo mùa. Đây đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm về mùa đông.
Nhịp sinh học được điều hòa bởi một nhóm các tế bào suprachiasmatic nucleus- nhân trên chéo - (SCN) thuộc vùng não hypothalamus. Toàn bộ các quá trình sinh lý của cơ thể bao gồm cả nhiệt độ và sản sinh hormone đều được điều tiết bởi SCN. Vì thế, tùy vào từng thời điểm khác nhau trong ngày mà cơ thể sẽ có những đáp ứng khác nhau với cùng một loại thuốc.
Dùng thuốc vào thời điểm nào là thích hợp?
Tùy từng trường hợp bệnh nhân với bệnh lý đi kèm cụ thể, việc sử dụng thuốc theo nhịp sinh học khác nhau sẽ đưa đến những kết quả điều trị không giống nhau. Ở bệnh nhân có cholesterol trong máu cao, sử dụng thuốc statin sau bữa tối sẽ giúp giảm LDL-C hiệu quả hơn vì cholesterol được sản sinh trong gan nhiều nhất vào thời điểm giữa khuya. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường biển hiệu bằng việc hắt hơi, nghẹt hoặc chảy nước mũi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dùng thuốc kháng histamine vào buổi sáng sẽ không hiệu quả như sử dụng cùng một lượng thuốc vào buổi chiều. Tương tự vậy, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày khi dùng thuốc vào buổi tối không những giúp giảm tiết axit hiệu quả, mà còn đẩy nhanh quá trình lành vết viêm và giảm nguy cơ bị tái phát. Dưới đây là một số điển hình khác về việc sử dụng thuốc đúng thời điểm sẽ giúp bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt hơn.
Dùng thuốc đúng thời điểm mang lại hiệu quả điều trị.
Hen phế quản: Thống kê cho thấy, biểu hiện của hen suyễn như co thắt phế quản hay nghẹt đường ống thở có xu hướng xảy ra vào ban đêm nhiều gấp 50-100 lần so với ban ngày. Do đó, đối với bệnh hen suyễn, mục tiêu điều trị chính là để giãn phế quản vào buổi sáng sớm. Bệnh nhân cần uống thuốc vào buổi tối hôm trước, để thuốc có thể đạt được nồng độ đỉnh vào sáng hôm sau khi phế quản đang co lại. Bệnh nhân hen suyễn dùng thuốc buổi tối cũng có thể ngủ ngon hơn, hạn chế những trường hợp bị thức giấc giữa khuya vì ho khò khè và khó thở. Dùng thuốc glucocorticoid như methyl prednisolone đường uống vào lúc 3 giờ khuya sẽ hiệu quả hơn lúc 8 giờ sáng. Tương tự, theophylline dạng phóng thích chậm dùng vào buổi tối sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn các thời gian khác trong ngày.
Bệnh về xương khớp: Những bệnh nhân viêm xương khớp hay bị đau nhiều vào buổi đêm hơn là ban ngày. Ngược lại, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp lại hay bị đau nhức vào buổi sáng. Cả hai bệnh lý đều sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và corticosteroids, tuy nhiên thời gian uống thuốc sẽ phải khác nhau để đảm bảo nồng độ thuốc trong máu đạt mức cao nhất khi cơn đau cũng ở ngưỡng cao tương tự. Do đó, tuy cùng một thuốc nhưng bệnh nhân viêm xương khớp sẽ uống vào buổi trưa hoặc xế chiều trong khi những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ dùng thuốc sau bữa tối.
Ung thư: Ung thư là căn bệnh gây sợ hãi cho cả người bệnh và thân nhân. Điều trị ung thư là một quãng đường dài, đòi hỏi tiền bạc, thời gian, công sức và cả nghị lực để vượt qua những ngày xạ trị mệt mỏi. Vì tế bào ung thư không có quá nhiều khác biệt trong cấu trúc so với tế bào bình thường, những phương pháp trị liệu nhắm vào tế bào ung thư cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các tế bào còn lại. Những cải tiến trong y học hiện đại không chỉ giúp tìm ra được nhiều loại thuốc mới, mà còn có nhiều phát hiện mới từ những phương pháp điều trị hiện tại để giảm đau đớn cho bệnh nhân ung thư trong đó có phương pháp chronotherapy - áp dụng thời gian sử dụng thuốc để tăng hiệu quả điều trị.
Các nhà khoa học tin rằng, nhịp điệu sinh học của một tế bào bình thường khác với một tế bào ung thư. Mỗi tế bào đều có cơ chế thải trừ độc tính của thuốc và đẩy thuốc trở ngược lại vào mô. Cơ chế này được điều hòa bởi một gen hoạt động theo chu kỳ. Nếu có thể đưa thuốc vào cơ thể sao cho thời gian thuốc đạt nống độ cao nhất trùng với thời gian cơ chế thải độc đang diễn ra ở các tế bào bình thường cũng với tần suất cao nhất nhưng lại thấp ở tế bào ung thư, sẽ giúp việc điều trị trở nên hiệu quả và ít gây đau đớn hơn cho bệnh nhân.
Nói cách khác, chronotheraphy giúp xác định thời gian thuốc có thể tấn công vào tế bào ung thư nhưng không gây ảnh hưởng đến những tế bào khỏe mạnh xung quanh. Nhiều nghiên cứu trên doxorubicin và cisplatin cho thấy sử dụng thuốc tại các thời điểm thích hợp giúp giảm độc tính của thuốc, tăng mức độ dung nạp và cải thiện kết quả điều trị. Tuy nhiên, đây vẫn đang là giả thuyết được đặt ra ở hiện tại, vẫn chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào chính thức được công bố về mức độ ảnh hưởng của thời gian uống thuốc đến hiệu quả điều trị ung thư.
Các bệnh tim mạch: Các thuốc điều trị nhồi máu cơ tim và đột quỵ cũng chịu ảnh hưởng từ nhịp sinh học. Các cơn nhồi máu có xu hướng xảy ra vào buổi sáng, sau khi vừa thức dậy. Điều này có liên quan đến quá trình tăng áp lực mao mạch, tăng kết tập tiểu cầu và giảm hoạt động tiêu sợi huyết thường diễn ra vào ban ngày và chậm lại vào ban đêm. Các thuốc tim mạch sẽ hiệu quả nhất khi đạt nồng độ đỉnh tại thời điểm các biến cố tim mạch có xu hướng dễ xảy ra nhất, thường là vào đầu buổi sáng khi huyết áp tăng cao và cơn đau thắt ngực dễ bị khởi phát.
Verapamil là một loại thuốc chẹn kênh canxi, được phóng thích 4-5 giờ sau khi uống và duy trì nồng độ ổn định trong khoảng 18 giờ sau đó. Khi dùng vào buổi tối, nồng độ đỉnh của thuốc sẽ rơi vào lúc 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa hôm sau, tương ứng với khoảng thời gian huyết áp cao và nhịp tim nhanh. Một nghiên cứu khác trên thuốc ức chế men chuyển quinapril cho thấy, sử dụng thuốc vào buổi tối trước khi ngủ giúp ức chế hiệu quả ACE (angiotensin converting enzyme) và giảm các biến cố tim mạch.
Dùng thuốc theo nhịp sinh học cũng đóng góp vào sự ra đời và phát triển các loại thuốc phóng thích chậm, đảm bảo nồng độ đỉnh của thuốc trong máu được ổn định và thích hợp với các chu kỳ sinh học trong cơ thể. Những thuốc có cơ chế phóng thích hoạt chất vào máu đặc biệt như verapamil ngày càng chứng minh được ưu thế của mình trong điều trị lâm sàng.
Tổng kết lại cho câu hỏi ở đầu bài viết, việc dùng thuốc đúng thời điểm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh. Vì cơ thể chúng ta hoạt động theo nhịp sinh học, sự có mặt tại đúng thời điểm sẽ giúp thuốc tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu các biến chứng hay tác dụng phụ. Chronotherapy vẫn đang là một lĩnh vực mới, đặc biệt là trong điều trị ung thư. Tuy vậy, đối với các bệnh lý thông thường khác, lời khuyên tốt nhất là bệnh nhân nên uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để có được đáp ứng điều trị tốt nhất.
Từ khóa » đến Giờ Uống Thuốc
-
Thời điểm Uống Thuốc Có Quan Trọng? - Vinmec
-
Ứng Dụng Nhắc Nhở Uống Thuốc Mỗi Ngày, Không Thể Quên
-
Thực Hiện Nguyên Tắc “5 đúng” để Uống Thuốc An Toàn
-
Nhắc Nhở Uống Thuốc Trên App Store - Apple
-
Uống Thuốc đúng Cách - Chuyện Tưởng Chừng đơn Giản
-
Uống Thuốc Không đúng Thời điểm: Hao Tiền, Tổn Lực
-
Khi Nào Là Thời điểm Thích Hợp để Dùng Thuốc: Trước, Sau Hay Cùng ...
-
Uống Thuốc Lúc Nào để đạt Hiệu Quả Cao Nhất Trong điều Trị?
-
HƯỚNG DẪN THỜI GIAN UỐNG THUỐC HỢP LÝ
-
Quên Uống Thuốc Thì Cho Qua Hay Sao? - Báo Người Lao động
-
THỜI ĐIỂM UỐNG THUỐC SO VỚI BỮA ĂN
-
Có được Ngưng Thuốc Huyết áp Hay Phải Uống Suốt đời?
-
Uống Thuốc Lúc Nào Cho Hợp Lý? - Khám Sức Khỏe định Kỳ
-
5 ứng Dụng Giúp Xác định Loại Thuốc Và Nhắc Nhở Uống Thuốc đúng Giờ