Thời Gian Nào Nên Thử đường Huyết? - VnExpress Sức Khỏe

Hỏi:

- Đường huyết nên thử lúc đói (buổi sáng) hay sau ăn 2 tiếng? - Khi tôi đi khám bệnh khác có lướt qua kiểm tra đường huyết tức thời và thấy thấp nên vô tình bác sĩ bỏ qua mà không kiểm tra Hba1c. Đến lúc bị tiểu đường thì mới kiểm tra Hba1c thì đã muộn, vậy nên thế nào? - Có người đường huyết khi đói thấp chỉ bị rối loạn đường huyết sau ăn, Hba1c không cao, thử dung nạp gluco thì hơi cao, đường huyết khi đói thấp. Tiêu chí đánh giá bị tiểu đường dựa vào yếu tố nào? - Người bị tiểu đường duy trì đường huyết ổn định, Hba1c ổn thì định kỳ cần xét nghiệm những gì? Ví dụ microabumin niệu không tốt thì phải như thế nào, trong khi duy trì đường huyết ổn định và Hba1c tốt. (Ngọc Hiệp)

Trả lời:

Chào bạn, tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn lần lượt như sau:

- Đường máu lúc đói (sáng), đường máu sau ăn 2h, HbA1C đều cần thiết trong quản lý bệnh đái tháo đường và có ý nghĩa khác nhau. Đường buổi sáng lúc đói do gan tiết ra trong đêm và được kiểm soát bằng insulin tiết ra ban đêm hay mũi insulin nền, đường huyết sau ăn (thường đo sau ăn 2h) phản ảnh hoạt động tiết insulin trong bữa ăn, HbA1C phản ánh hiệu quả điều trị đái tháo đường trong thời gian 3 tháng gần nhất. Người bệnh được kiểm soát đường máu tốt phải đáp ứng cả 3 chỉ số trên.

- Đa số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường có đường máu lúc đói cao. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân có đường máu buổi sáng không cao, thậm chí bình thường vẫn bị đái tháo đường. Thông thường chỉ kiểm tra xét nghiệm glucose lúc đói là đủ nhưng một số trường hợp có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cao thì bác sĩ sẽ cho làm thêm nghiệm pháp tăng đường huyết và cả xét nghiệm HbA1C.

- Xác định bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường có nhiều tiêu chí khác nhau như: đường máu lúc đói cao và/hoặc đường máu sau làm nghiệm pháp cao (>=11.1mmol/L) và/hoặc đường máu bất kỳ >=11.1mmol/L kèm triệu chứng kinh điển của bệnh đái tháo đường và/hoặc HbA1C >=6.5% (labo được kiểm chuẩn quốc tế). Mỗi chỉ số trên cũng cần thêm thông tin khác nữa tùy từng cá thể.

- Người bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt đường máu như đã nói trên. Ngoài việc tự theo dõi đường máu tại nhà thì vẫn phải khám tại bệnh viện định kỳ để kiểm tra kết quả đường máu, các tác dụng phụ của thuốc, việc kiểm soát các bệnh kèm theo (THA, RLLP,...), các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân có biến chứng thì bác sĩ sẽ điều trị tuỳ trường hợp cụ thể.

TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Từ khóa » đo đường Huyết Lúc đói