Thời Gian Qua, Tình Hình Quốc Tế Và Khu Vực Có Những Diễn Biến ...

          Thời gian qua, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và hết sức phức tạp. Công tác biên giới lãnh thổ gặp nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc tăng cao trên các tuyến biên giới. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Trung tâm Biên giới và Địa giới hoàn thành một khối lượng công việc lớn, đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong công tác phân giới, cắm mốc và địa giới hành chính.

          Tiền thân của Trung tâm Biên giới và Địa giới là “Ban đo đạc 3” trực thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước được thành lập ngày 20/2/1976;  ngày 02/10/1979 đổi tên thành “Ban công tác biên giới” trực thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước; ngày 01/4/1989 thành lập “Đoàn đo đạc biên giới”; ngày 09/7/1994 đổi tên thành “Trung tâm Địa giới Quốc gia” trực thuộc Tổng cục Địa chính; từ năm 2003 đến nay là Trung tâm Biên giới và Địa giới” trực thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Bộ Tài  nguyên và Môi trường, hiện nay có 89 cán bộ viên chức và người lao động.

          Nỗ lực lớn trong công tác phân giới cắm mốc

          Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Từ tháng 12/2001 đến tháng 12/2008 hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa; Sau khi hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa ngày 18/11/2009 Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Với sự nỗ lực của lực lượng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã phân giới, xác định vị trí, cắm mốc trên thực địa được 1.970 cột mốc, bao gồm 1.627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi và 111 cột mốc ba, phân giới được khoảng 1.449 km đường biên giới từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc đến điểm kết thúc đường biên giới trên đất liền là điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay đang tiếp tục thực hiện công tác quản lý biên giới theo 03 văn kiện pháp lý về biên giới Việt Nam - Trung Quốc gồm: Nghị định thư phân giới, cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về quy chế quản lý qua lại cửa khẩu biên giới trên toàn tuyến biên giới.

Kết quả hình ảnh cho công tác cắm mốc biên giới thực địa

          Tuyến biên giới Việt Nam - Lào: Từ năm 2008 đến năm 2016, thực hiện Dự án "Tăng dày tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào", Trung tâm đã bảo đảm kỹ thuật, chủ động chuẩn bị đầy đủ máy móc thiết bị, tài liệu, tư liệu bản đồ và lực lượng kỹ thuật để phối hợp với các bộ, ngành và 10 tỉnh có chung đường biên giới để tổ chức triển khai. Sau 07 năm thực hiện, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ lực lượng kỹ thuật đã hoàn thành việc toàn bộ xác định vị trí, cắm mốc và hoàn thiện hồ sơ 1.002 cột mốc và cọc dấu biên giới, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành 02 văn kiện pháp lý về biên giới gồm: Nghị định thư và Hiệp định quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam -  Lào trên toàn tuyến. Ngày 16/3/2016 Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới. Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là tiền đề quan trọng tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ biên giới, hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của nhân dân vùng biên giới, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trong vùng biên giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển của hai nước.

          Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia: Căn cứ Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ký ngày 27/12/1985; Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 ký ngày 10/10/2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Triển khai thực hiện các Hiệp ước về biên giới từ năm 2006 hai bên đã thống nhất cùng nhau tiến hành phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước, lực lượng kỹ thuật của Trung tâm đã phối hợp với các bộ, ngành và 10 tỉnh có chung đường biên giới triển khai phân giới, cắm mốc trên thực địa được 2047  mốc quốc giới (bao gồm cả mốc chính, mốc phụ) và 221 cọc dấu; phân giới được khoảng 1045 km đường biên giới tương ứng với khoảng 84% khối lượng công việc và được thể hiện đầy đủ, chi tiết trên bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1:25.000. Ngày 05/10/2019 tại Hà Nội đại diện Chính phủ Hai nước đã ký 02 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

          Các tuyến biên giới trên biển: Trung tâm đã chuẩn bị các tài liệu và thiết bị kỹ thuật cần thiết để cùng với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan tổ chức đàm phán với Trung Quốc về phân định và hợp tác cùng phát triển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác hợp tác chung trên Biển Đông; tham gia đàm phán với Inđônêxia về vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

          Hiệu quả trong công tác địa giới hành chính

          Từ năm 2012 đến nay, phối hợp với Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện viêc “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính” theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập chung vào các nhiệm vụ kép kín đường địa giới hành chính đến đường biên giới quốc gia, xác định phạm vi quản lý theo địa giới hành chính đối với các bãi bồi cửa sông, các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý trong vùng biển Việt Nam, xây dựng phương án giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính do lịch sử để lại.

Hội nghị triển khai Nghị quyết số 31/NQ-CP

          Việc phân định rõ ràng đường biên giới trên đất liền, đường ranh giới trên biển, đường địa giới hành chính các cấp là nhiệm vụ hết sức khó khăn gian khổ, địa bàn hoạt động trên toàn quốc, lực lượng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm là người trực tiếp làm việc trên thực địa; phần lớn thời gian cán bộ kỹ thuật gắn liền với rừng núi biên giới và biển đảo. Khu vực tác nghiệp chủ yếu là nơi có địa hình phức tạp, độ chia cắt lớn (núi cao, đèo dốc hiểm trở); điều kiện khí hậu, thời tiết hết sức khắc nghiệt (rừng thiêng nước độc; lũ quét; lũ ống...); cơ sở hạ tầng khu vực biên giới còn yếu kém, nhiều nơi không có đường giao thông và xa khu dân cư; vật liệu xây dựng, lương thực, máy móc thiết bị, cột mốc biên giới... phần lớn đều phải vận chuyển bằng chính sức người đến vị trí mốc giới. Tình hình an ninh chính trị một số vùng biên giới còn phức tạp; nhiều nơi vẫn còn có lực lượng xấu hoạt động và còn bom mìn hoặc vật cản do chiến tranh để lại; tâm lý của người tham gia công tác biên giới cũng bị dao động bởi rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên những cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nói riêng và Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cũng rất vinh dự và tự hào là đã góp sức mình thực hiện một nhiệm vụ vinh quang cho tổ quốc.

          Trong thực tế đơn vị đã rất chú trọng chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ viên chức và người lao động thông qua việc mở rộng các hoạt động tư vấn dịch vụ đo đạc bản đồ; tích cực xây dựng và bổ sung chế độ chính sách đặc thù, chế độ khen thưởng cho cán bộ, viên chức và người lao động tham gia công tác biên giới trên đất liền và biển đảo, những người có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước; phát động phong trào thi đua văn hoá công sở, văn hoá trong giao tiếp, văn hóa ngoại giao trong công tác đàm phán giải quyết biên giới với các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam.

          Trong thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân thuộc Trung tâm đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2013, tập thể Trung tâm được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III; 01 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng II; 02 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng III. Ngoài ra, tập thể, cá nhân Trung tâm được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tặng thưởng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, Giấy khen vì có thành tích trong công tác. Trong quan hệ công tác và hợp tác đã được Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho tập thể Trung tâm và 05 cá nhân được tặng Huân chương Hữu nghị, Huy chương Hữu nghị. Đây là thành tích để ghi nhận công lao đóng góp to lớn của Trung tâm đối với sự nghiệp đo đạc và bản đồ về biên giới và địa giới, với sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Với bề dày thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, Trung tâm phấn đấu tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao giai đoạn 2016 - 2020 đối với công tác biên giới địa giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

          CTTĐT

Từ khóa » Bản đồ Biên Giới Việt Nam Và Trung Quốc